Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Chưa có sự “đều tay” trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh

Sáng nay (31/7), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị Điểm lại Pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018

 “Có hàng nghìn văn bản pháp lý ra đời mỗi năm”

Đăng đàn tại Hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định xây dựng pháp luật kinh doanh là một trong những mục tiêu quan trọng của Chính phủ kiến tạo.

“Trước đây, chúng ta đặt mục tiêu nhiệm kỳ 5 năm hoàn thiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng giờ hoàn thiện mục tiêu hoàn thiện hàng lang kinh tế thị trường, trong xây dựng thể chế kinh tế thị trường. Trong việc xây dựng kinh tế thị trường chuẩn mực thì việc xây dựng pháp luật về kinh doanh là điều vô cùng quan trọng.

Hơn thế nữa, việc xây dựng hệ thống pháp luật kinh doanh là mục tiêu quan trọng của Chính phủ kiến tạo. Đối với hệ thống pháp luật kinh doanh quan trọng trong hệ thống pháp luật”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.


Chủ tịch VCCI cho rằng vẫn chưa có sự đồng đều trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh. Có Bộ tích cực, có Bộ trì trệ.

Dẫn nguồn một thống kê do VCCI thực hiện, Chủ tịch VCCI cho hay, mỗi năm thì chính quyền địa phương ban hành khoảng trên 1.000 các văn bản pháp luật. Trong đó, trên 50% trong số đó là pháp luật kinh doanh, điều này cho thấy sự quan trọng của pháp luật kinh doanh trong hệ thống pháp luật.

“Thống kê của chúng tôi cho thấy, mỗi năm có khoảng 10-20 bộ Luật mới ra đời, khoảng 200 Nghị định, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng, số còn lại là của các bộ ngành. Chỉ trong khoảng 6 tháng chính quyền trung ương có quyền đưa ra hàng chục ngành quy định. Đây là một số lượng khủng khiếp và nó có tác động rất lớn đến doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nói.

Thông tin tại hội thảo, TS Vũ Tiên Lộc cho biết VCCI quyết định từ giờ trở đi, cứ 6 tháng sẽ tiến hành điểm lại toàn cảnh pháp luật kinh doanh một lần.

“Như tôi đã nói, có rất nhiều chính sách mới ra đời mỗi năm. Khi ra đời, các chính sách đều có tác động nên cần được phân tích đánh giá để đưa ra định hướng cảnh báo và giúp thúc đẩy cải cách thể chế. Đây cũng là một cơ hội để chúng ta nhìn nhận xem những kiến nghị của cộng đồng sẽ được giải quyết và tiếp thu như thế nào?”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

Các bộ ngành chưa “đều tay” trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh

Theo quan điểm của TS Vũ Tiến Lộc thì con đường dài nhất chính là con đường từ lời nói tới hành động. Tuy nhiên, khi nhìn lại con đường này trong 2 năm qua, Chủ tịch VCCI cho rằng, con đường này đã được cải thiện hơn rất nhiều.

“Chúng ta thấy có nhiều điểm tích cực hơn trong lời nói và hành động, nhất là trong khoảng thời gian hai năm qua, đặc biệt là với động thái hành động của Chính phủ mới. Ngay từ đầu Chính phủ mạnh mẽ với quan điểm kinh tế thị trường. Chúng ta có Nghị quyết có tính chất cách mạng là Nghị quyết 19 với mục tiêu tham vọng là 1 trong 3 nước ASEAN có môi trường thuận lợi trong kinh doanh. Nghị quyết 19 đưa ra mục tiêu là hoàn thiện môi trường kinh doanh nhưng kết quả thực hiện Nghị quyết này lại còn hạn chế, có sự gia tốc trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của các bộ ngành nhưng chưa đạt yêu cầu”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.


Toàn cảnh Hội nghị Điểm lại Pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018.

Nhìn lại quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành trong thời gian vừa qua, Chủ tịch VCCI cho rằng sự vào cuộc của các bộ ngành vẫn… chưa đều tay. Có Bộ tích cực, có Bộ trì trệ.

“Cách đây hai năm vào tháng 6/2016, VCCI đã tổ chức hội thảo đầu tiên về điều kiện kinh doanh. Tại hội thảo này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh cho rằng, các điều kiện kinh doanh ngặt nghèo đang… bóp chết doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ thời điểm đó đến nay, VCCI cùng cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức hiệp hội đã đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất bãi bỏ các điều kiện kinh doanh ngặt nghèo này. Với tinh thần cải cách cầu thị sửa đổi, Bộ Công Thương đã bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh bất hợp lý tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp gửi thư tới Chính phủ để cảm hơn khi Nghị định 87/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 19/2016/NĐ-CP được ban hành”, Chủ tịch VCCI nói.

Tại hội thảo, Chủ tịch VCCI cũng đưa ra nhận định rằng, thời gian qua nhiều văn bản có tính “cởi trói” được ban hành. Trong đó, Bộ Công Thương là Bộ đi đầu, sau đó là Bộ Y tế với Nghị định 15 về an toàn thực phẩm với hơn 90% thủ tục hành chính được bãi bỏ.

Trên thực tế việc thực hiện chính sách sẽ có độ trễ nhất định nhưng theo quan sát của Chủ tịch VCCI thì thấy lý do chính nằm ở sự chủ động ở bộ ngành, trở ngại hiện nay nằm ở các vụ cục, chuyên viên các bộ ngành. “Đây là điểm cản trở chính”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

“VCCI thấy có trở ngại, cạnh những câu chuyện có thể truyền cảm hứng. Thế nhưng, trên thực tế vẫn có những quy định nói mãi không sửa như trần khuyến mãi… Bộ Công Thương là bộ đi đầu trong một số lĩnh vực nhưng dường như có những lĩnh vực lại đang ở điểm cuối”, Chủ tịch VCCI nói.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp, tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, Chủ tịch VCCI bày tỏ mong muốn quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành đi vào thực chất.

“Dù vui mừng vì con số được cắt giảm nhưng nhìn lại thì thấy nhiều khi không thực chất. Tại một số phương án cắt giảm thì một số chỉ điểu chỉnh 1 điểm nhỏ chứ không bãi bỏ hoàn toàn; tại một số phương án, các điều kiện kinh doanh chỉ được chỉ sửa đổi câu chữ… mà thôi.

Tôi còn nhớ, thời ông Phan Văn Khải là Thủ tướng, quá trình cải cách điều kiện kinh doanh diễn ra mạnh mẽ, nhưng sau đó, các điều kiện kinh doanh được cắt giảm lại trỗi dậy. Chả nhẽ quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng có chu kỳ như… chu kỳ khủng khoảng kinh tế?

Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp còn quan ngại. Tôi mong muốn một quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh được thực chất hơn, trước hết là mục tiêu giảm 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành”, Chủ tịch VCCI bày tỏ mong muốn.

Vì vậy, theo Chủ tịch VCCI, việc cắt giảm là quan trọng nhưng kiểm soát quan trọng hơn. Nếu muốn tăng một điều kiện kinh doanh nào đó thì phải giải trình và có sự giám sát.

Theo Huyền Trang(Báo Diễn Đàn Doanh nghiệp)