Làm gì để giảm rủi ro từ thanh tra thuế?

Deloitte Việt Nam vừa phối hợp VCCI Đà Nẵng tổ chức hội thảo cập nhật các quy định về thuế, hải quan và giá chuyển nhượng cho các doanh nghiệp tại địa bàn.

Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Việt Nam hiện là nước có nền kinh tế có độ mở cao, các chính sách thuế - hải quan tác động rất lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp. Trong 10 lĩnh vực được doanh nghiệp quan tâm nhất có lĩnh vực thuế và hải quan.


Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng

Xu hướng quản lý thuế 2018 tại Việt Nam theo Deloitte là tăng cường thanh, kiểm tra thuế (như tăng hơn 18,5% số lượng người nộp thuế sẽ tiến hành thanh kiểm tra, tăng trung bình 35% nguồn nhân lực thanh kiểm tra thuế…). Quản lý thuế 2018 cũng có xu hướng tập trung vào các doanh nghiệp FDI, các ngành lĩnh vực: gia công, dịch vụ bán lẻ, khách sạn, bất động sản; thực hiện quản lý thuế theo chuyên đề như giá chuyển nhượng, chuyển nhượng vốn, hoàn thuế GTGT.

Theo Deloitte, có thể nói, năm 2018 - những thay đổi quan trọng trong cải cách, thực thi chính sách thuế được ban hành ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp.

Bên cạnh các cuộc thanh kiểm tra thuế tại doanh nghiệp được đẩy mạnh, cơ quan thuế ngày càng có xu hướng quan tâm, xem xét chặt chẽ bản chất, tài liệu của các giao dịch với các bên liên kết, tính hợp lý của phương thức xác định giá cũng như mức độ liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Bùi Ngọc Tuấn – Phó Tổng Giám đốc dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam, hiện cơ quan Thuế đã áp dụng rất hiệu quả hệ thống đánh giá rủi ro doanh nghiệp, sàng lọc, xác định doanh nghiệp sẽ thuộc đối tượng cần thanh tra, “danh sách thanh kiểm tra đã có thể được thay đổi hàng năm, thay đổi từng thời kỳ, hay theo từng năm một chứ không phải định kỳ 3 hay 5 năm một lần như trước đây”.

Để giúp các doanh nghiệp tránh rủi ro hay loại trừ các nguy cơ, Phó Tổng Giám đốc dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam đưa ra lời khuyên: Doanh nghiệp cần nâng cao tính tuân thủ, từng việc nhỏ như xử lý các nghiệp vụ thuế, nắm vững các quy định liên quan đến nghĩa vụ thuế, các nghĩa vụ phát sinh, có đầy đủ hồ sơ chứng từ, cách xử lý - hoạch toán phải đúng đắn. Theo ông Tuấn, tốt nhất nên có kế toán riêng để phụ trách thuế nhằm đảm bảo việc theo dõi và thực hiện thông suốt các công việc. "Nếu doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện này sẽ giảm thiểu được rất nhiều rủi ro, nguy cơ" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Về những loại hình rủi ro liên quan thuế, hải quan mà doanh nghiệp dễ gặp phải, ông Bùi Ngọc Tuấn cho rằng, điều này phụ thuộc lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ, với doanh nghiệp sản xuất thì rủi ro thuế hay nằm ở quản lý hàng tồn kho; Lĩnh vực xuất nhập khẩu là xác định doanh thu, giá vốn, chi phí khuyến mại; Doanh nghiệp hoạt động thương mại, đặc biệt nhập khẩu thì rủi ro trị giá tiền thuế, giá nhập khẩu, áp dụng mã số hải quan từ khung thuế suất này qua khung thuế suất khác…"Tóm lại, doanh nghiệp nên có nghiên cứu kỹ hơn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình" - Đại diện Deloitte khuyến nghị.

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp Đà Nẵng hay miền Trung với phần lớn doanh nghiệp hoạt động thương mại đất đai, cơ quan thuế vẫn có đội chuyên gia trong lĩnh vực và có thể thực hiện các cuộc thanh tra chuyên đề, tìm ra được những điểm, yếu tố có rủi ro thuế bất lợi cho doanh nghiệp. Vì thế, nên lưu tâm các vấn đề liên quan đất, đầu tư, hồ sơ, giấy tờ pháp lý, tiền thuê đất … đại diện Deloitte nhấn mạnh.

Theo Kiều Vũ(Báo DĐ DN)