Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 8/2018

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 2065 /PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 8/2018

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 17 tháng 09 năm 2018

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong tháng 8 năm 2018, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp các kiến nghị của doanh nghiệp

Trong tháng, VCCI nhận được 30 kiến nghị mới của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, cụ thể như sau:

- VCCI đã tiếp nhận 6 kiến nghị từ các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp. Nội dung kiến nghị bao gồm: xem xét lại đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng nước ngọt có đường; đề nghị sửa đổi quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất hóa lý giống nhau  theo Thông tư số 44/2017/TT-BTC; góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2014 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; kiến nghị Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ hủy Bằng độc quyền Kiểu dáng Công nghiệp vi phạm; kiến nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tiếp cận tín dụng, thông qua nâng cao năng lực quản trị và minh bạch hoạt động tài chính; phản ánh bất cập trong Đề án "Lộ trình sử dụng Amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp Amiang từ năm 2023". (Chi tiết các kiến nghị được trình bày trong Phụ lục 1, gửi kèm báo cáo)

- Văn phòng Chính phủ chuyển VCCI theo dõi kết quả trả lời 24 kiến nghị. Qua theo dõi của VCCI, cho đến hết 31/8/2018, đã có 19 kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời, còn 5 kiến nghị chưa trả lời thuộc trách nhiệm của các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư,  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP Hồ Chí Minh. Tất các các kiến nghị chưa trả lời đều đã quá thời hạn Văn phòng Chính phủ ấn định trong công văn chuyển đơn cho các bộ, ngành, địa phương. (Chi tiết trong Phụ lục 2, gửi kèm báo cáo).

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

Trong tháng 8/2018, VCCI nhận được 30 văn bản trả lời 31 kiến nghị doanh nghiệp của 11 bộ, ngành, địa phương. Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35. Cụ thể như sau:

STT

Tên bộ, ngành, địa phương trả lời

Số lượng kiến nghị

Đúng hạn

Quá hạn

1

Bộ Tài chính

6

0

6

2

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

6

3

3

3

Bộ Xây dựng

6

1

5

4

Bộ Giao thông Vận tải

5

5

0

5

Bộ Công Thương

1

1

0

6

Bộ Khoa học và Công nghệ

1

0

1

7

Bộ Tài nguyên và Môi trường

2

0

2

8

UBND TP Hà Nội

1

0

1

9

UBND tỉnh Tây Ninh

1

1

0

10

UBND tỉnh Phú Thọ

1

1

0

11

UBND tỉnh Đắk Lắk 

1

1

0

* Thời hạn do Văn phòng Chính phủ ấn định trong công văn chuyển kiến nghị đến các bộ, ngành, địa phương.

Chi tiết các việc trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương được trình bày tại Phụ lục 3, kèm theo Báo cáo này.

Qua theo dõi của VCCI, từ tháng 1/2018 đến hết 31/8/2018, còn 58 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời, trong đó có 36 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận thông báo cho VCCI và 22 kiến nghị do VCCI tiếp nhận chuyển các bộ, ngành, địa phương. Các kiến nghị này thuộc trách nhiệm trả lời của các bộ: Giao thông Vận tải; Tư pháp; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Ngân hàng Nhà nước; Xây dựng; Công Thương; Y tế; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội và UBND các TP: Hà Nội; Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; Hải Phòng và các tỉnh Lào Cai; Phú Thọ; Tuyên Quang; Bắc Kạn; Kiên Giang; Tây Ninh; Vĩnh Phúc. Nhìn chung, số lượng kiến nghị chưa được trả lời thuộc trách nhiệm giải quyết của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là khá nhiều.  (Chi tiết trong Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo)

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 8/2018, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp :

- VCCI đã hoàn thành góp ý 13 dự thảo và tiếp tục hoàn thiện 2 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nổi bật là: Luật Hành chính công; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Nghị định sửa đổi về điều kiện kinh doanh thuộc các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...v.v. Đặc biệt là các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đến năm 2025; chính sách và thực trạng ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học 2018-2025.

- Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Dự án sửa đổi tập trung vào các nhóm vấn đề kinh tế và quản lý trong lĩnh vực giao thông như: cơ chế huy động các nguồn lực xã hội xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ; khung pháp lý cho các loại phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, điều hành giao thông thông minh… Hội thảo thảo luận về nhiều vấn đề doanh nghiệp đang gặp khó khăn như: phí chồng phí, bảo trì đường bộ, quản lý taxi công nghệ, mã số định danh cho xe…

- Với tư cách đại diện cho giới sử dụng lao động tại Việt Nam, VCCI và một số Hiệp hội doanh nghiệp đã tham gia phiên họp thứ ba của Hội đồng Tiền lương quốc gia về thống nhất phương án tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2019. Theo kết quả thương lượng, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3% so với năm 2018. Phương án tăng lương này sẽ được Hội đồng Tiền lương Quốc gia trình lên Chính phủ quyết định mức tăng lương năm 2019.

- Triển khai các hoạt động hậu công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017: Tiếp tục thúc đẩy hoạt động chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh, hỗ trợ các tỉnh, địa phương nhằm thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh tại một số địa phương: Hòa Bình, Nam Định, Đăk Nông, Nghệ An, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

- Tiếp tục triển khai Chương trình hành động thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh: Làm việc với Thanh tra chính phủ về sự tham gia vào sáng kiến liêm chính; kết nối với doanh nghiệp, tiếp tục tối ưu hóa nội dung bộ công cụ trực tuyến. Tham gia Hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy Môi trường kinh doanh bình đẳng ở khu vực ASEAN”. Dự án do Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh tài trợ. Sáng kiến thúc đẩy Chính phủ - Doanh nghiệp Liêm chính do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất thực hiện cùng với Thanh tra Chính phủ về các nỗ lực thúc đẩy liêm chính trong khu vực tư nhân được chấp thuận và là một cấu phần của dự án tài trợ cho các hoạt động ở Việt Nam.

- Lãnh đạo VCCI tham gia đóng góp ý kiến trong một số hoạt động tham vấn chính sách: Tham gia Hội thảo về việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về việc xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; hội thảo tham vấn ý kiến về báo cáo chẩn đoán nhanh hệ thống giải quyết tranh chấp lao động (NIRF); họp Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp…

- Tổ chức Diễn đàn "Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa" (DNNVV) để  thảo luận về những vướng mắc các doanh nghiệp gặp phải khi tiếp cận vốn ngân hàng, đồng thời đưa ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV phát triển theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Ban chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân. Diễn đàn thu hút nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) và hơn 100 doanh nghiệp tham dự.

Ngoài ra, VCCI tiếp tục thực hiện các hạng mục hoạt động hàng năm như: tiếp tục triển khai nhiệm vụ thành viên của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính năm 2018; phối hợp xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2018 với các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội DNNVV, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thực hiện Chương trình: “Giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan”; tiếp tục triển khai Chương trình hành động năm 2018 của VCCI triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phối hợp với Ban Thư ký VBF triển khai các hoạt động thường xuyên của VBF năm 2018…

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

Về công tác xúc tiến thương mại, đầu tư:

- Với nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn cho doanh nghiệp từ các tổ chức tài chính quốc tế, VCCI đã phối hợp với Cơ quan Phát triển thương mại Hồng Kông (HKTDC) tổ chức kết nối, xúc tiến thương mại đầu tư giữa các ngân hàng Việt Nam với ba ngân hàng Hồng Kông là Hang Seng Bank Limited, Chong Hing Bank Limited và The Bank of East Asia Limited. Theo đó, các bên cam kết sẽ hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài trong lĩnh vực ngân hàng như chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư và quản lý tài chính, giới thiệu các đối tác, tìm kiếm và thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là trong các hoạt động cấp tín dụng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu về vốn đầu tư, cùng phát triển đa dạng và tối ưu hóa các dịch vụ tài chính, khai thác tối đa mọi tiềm năng, tạo hiệu quả kinh doanh, tăng vị thế trên thị trường tài chính.

- Tổ chức và phối hợp tổ chức một số hoạt động, hội nghị, hội thảo xúc tiến thương mại và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như: Diễn đàn giao lưu thương mại Việt Nam – Trung Quốc tại TP.Hồ Chí Minh; Hội nghị bàn tròn: “Cơ hội kinh doanh tại Hồng Kông cho các doanh nghiệp Việt Nam” tại TP.Hồ Chí Minh; Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giữa các hiệp hội doanh nghiệp” tại TP.Hoà Bình; Hội thảo về nhân sự cho doanh nghiệp ngành gỗ tại Bình Dương; Hội thảo giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại Đà Nẵng; Hội thảo “Nhận thức kinh doanh – Khởi nghiệp thành công” tại Thái Nguyên; Hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại Sóc Trăng; Toạ đàm với đội ngũ lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu về một số vấn đề về cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp; Diễn đàn chia sẻ các mô hình và thực tiễn tốt về phát triển doanh nghiệp và xúc tiến thương mại, đầu tư tại Cà Mau.

- Tiếp và làm việc với các đoàn khách quốc tế: Đại sứ In-đô-nê-xi-a, Đại sứ Chi Lê, Đại sứ Botswana, Đại sứ Guatemala, Ủy ban Kinh tế Nhật- Việt thuộc Keidanren (Nhật Bản), Bí thư tỉnh ủy tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc), Bộ trưởng Ghine Bissau, Phòng Thương mại Slovakia, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Đài Loan...

Về công tác đào tạo, phát triển doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế:

- Tổ chức 68 khóa đào tạo, tập huấn cho 3.010 doanh nghiệp về các chủ đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, thuế, hải quan và cập nhật văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên.

- Phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Tọa đàm: “Xu hướng chính sách đối với nền Kinh tế nền tảng” để trao đổi các vấn đề liên quan đến bản chất của kinh tế nền tảng, đưa ra các giải pháp về chính sách đối với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế nền tảng như hiện nay. Nhiều chuyên gia tham gia Tọa đàm đã thống nhất nhận định rằng: phát triển kinh tế nền tảng là xu thế không thể đảo chiều, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực đối với toàn bộ nền kinh tế. Để kinh tế nền tảng phát huy vai trò, Chính phủ cần thống nhất về tầm nhìn và định hướng đối với kinh tế nền tảng, làm tiền đề và động lực giúp Việt Nam tiến gần hơn tới các mục tiêu phát triển trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn “Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018”. Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu: truyền tải thông điệp, tầm nhìn, cam kết của Chính phủ về triển khai đấu thầu qua mạng (ĐTQM); nâng cao nhận thức về ĐTQM, phổ biến các chính sách, các tính năng mới, các lợi ích và ứng dụng của ĐTQM; đề xuất ý tưởng để cải thiện các chính sách, công nghệ nhằm xây dựng hệ sinh thái cho ĐTQM. VNEPS giúp nâng cao tính công khai, minh bạch, cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu.

- Thực hiện ký kết hợp tác thỏa thuận cùng Học viện Tài chính nhằm phát huy thế mạnh của hai bên trong các hoạt động liên kết đào tạo, tư vấn, thực thi các chính sách, pháp luật thuế, hải quan và tài chính, kế toán cho cộng đồng doanh nghiệp thành viên của VCCI. Nội dung hợp tác gồm ba nội dung chính: hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực chính chất lượng cao, hợp tác nghiên cứu khoa học và trao đổi thông tin để phục vụ tốt hơn nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.

- Triển khai các hoạt động đào tạo của Dự án: “Tăng cường kỹ năng làm việc, khởi nghiệp cho thanh niên và kết nối với DNNVV” (Youth Spark) tại Hải Dương và Đồng Nai.

- Triển khai hoạt động dự án “Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong tái cơ cấu kinh tế”: Thực hiện phỏng vấn doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Bắc Ninh; xây dựng kế hoạch hoạt động năm thứ hai của dự án.

- Tiến hành các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp triển khai Chương trình nền kinh tế tuần hoàn: Xây dựng kế hoạch hoạt động tập huấn và truyền thông đến cuối năm 2018 với sáng kiến “Không xả thải vào thiên nhiên”, phối hợp với US BCSD chuẩn bị triển khai xây dựng thị trường nguyên liệu thứ cấp tại Việt Nam.

- Phát hành các ấn phẩm hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế: toàn văn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương phiên bản tiếng Việt, Cẩm nang FTA về nông sản cho doanh nghiệp.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (Để đăng tải lên Website)

- Lưu VT, VP (TH).  

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong Tháng 8/2018 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2018 của Bộ Tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (bkhdtt8scan0001.pdf)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2018 của Bộ Xây dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2018 của Bộ Giao Thông Vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2018 của Bộ Công thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2018 của UBND TP Hà nội (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2018 của UBND Tỉnh Tây Ninh (Tải về)