Lợi nhuận được chia có chịu thuế thu nhập cá nhân?

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty Luật Việt Nam Consult (Hà Nội) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp trường hợp sau:

Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do một cá nhân làm chủ sở hữu, thành lập mới năm 2011 (công ty A), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định 124/2008/NĐ-CP đối với hoạt động sản xuất phần mềm, cụ thể: Được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm; được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Công ty A đã quyết toán thuế đến hết năm 2015. Trong thời gian hoạt động từ năm 2011 đến nay, công ty A có một khoản lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng. Công ty dự kiến chia lợi nhuận cho chủ sở hữu cá nhân.

Công ty Luật Việt Nam Consult hỏi, lợi nhuận còn lại của công ty trong thời gian được miễn, giảm thuế TNDN có được xác định là “thu nhập sau khi đã nộp thuế TNDN của công ty TNHH MTV do cá nhân làm chủ sở hữu” không? Có được miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi chia cho chủ sở hữu không?

Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Căn cứ xác định thu nhập sau nộp thuế TNDN

Tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 63 Luật Doanh nghiệp ngày 29/11/2005 quy định:

“Điều 63. Công ty TNHH MTV

1. Công ty TNHH MTV là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

2. Công ty TNHH MTV có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.

Tại Điều 2 và Khoản 1 Điều 18 Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 quy định:

“Điều 2. Người nộp thuế

1. Người nộp thuế TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

“Điều 18. Điều kiện áp dụng ưu đãi thuế:

1. Ưu đãi thuế TNDN quy định tại các điều 13, 14, 15, 16 và 17 của Luật này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế theo kê khai”.

Tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNDN quy định:

“1. Người nộp thuế theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Luật Thuế TNDN bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệpLuật Doanh nghiệp Nhà nướcLuật Đầu tư nước ngoài tại Việt NamLuật Đầu tưLuật Các tổ chức tín dụngLuật Kinh doanh bảo hiểmLuật Chứng khoánLuật Dầu khíLuật Thương mại và quy định tại các văn bản pháp luật khác dưới các hình thức: Công ty cổ phần; công ty TNHH; công ty hợp danh; doanh nghiệp tư nhân; công ty Nhà nước; các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; các bên trong hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, xí nghiệp liên doanh dầu khí, công ty điều hành chung”.

Tại Mục V Phần H Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục thực hiện ưu đãi thuế TNDN quy định:

“Doanh nghiệp tự xác định các điều kiện ưu đãi thuế, mức thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế, số lỗ được trừ (-) vào thu nhập tính thuế để tự kê khai và tự quyết toán thuế với cơ quan thuế.

Cơ quan thuế khi kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp phải kiểm tra các điều kiện được hưởng ưu đãi thuế, số thuế TNDN được miễn thuế, giảm thuế, số lỗ được trừ vào thu nhập chịu thuế theo đúng điều kiện thực tế mà doanh nghiệp đáp ứng được. Trường hợp doanh nghiệp không bảo đảm các điều kiện để áp dụng thuế suất ưu đãi và thời gian miễn thuế, giảm thuế thì cơ quan thuế xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định”.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp công ty TNHH MTV do một cá nhân làm chủ sở hữu thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế TNDN, thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ và nộp thuế theo kê khai thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định.

Lợi nhuận còn lại của Công ty sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế TNDN theo quy định thì được xác định là thu nhập sau khi đã nộp thuế TNDN của Công ty.

Áp dụng chính sách thuế TNCN

Tại Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 quy định hiệu lực thi hành: “1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015”.

Tại Khoản 4, Điều 2 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế:

“3. Thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm:

…c) Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, danh tiếng, quyền sử dụng đất, phát minh, sáng chế; trừ thu nhập nhận được từ lãi trái phiếu Chính phủ, thu nhập sau khi đã nộp thuế TNDN của doanh nghiệp tư nhân và của công ty TNHH MTV do cá nhân làm chủ”.

Tại Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 quy định hiệu lực và trách nhiệm thi hành: “Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế ngày 26 tháng 11 năm 2014 có hiệu lực thi hành”.

Căn cứ các quy định nêu trên thì từ ngày 1/1/2015 lợi nhuận được chia của cá nhân là chủ công ty TNHH MTV sau khi đã nộp thuế TNDN không phải nộp thuế TNCN.

Theo Chinhphu.vn