Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 3/2018

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 2436 /PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 3/2018

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2018

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong quý 3 năm 2018, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp

Trong quý 3/2018, VCCI thống kê có 224 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và  hiệp hội doanh nghiệp (tăng 79 kiến nghị, tương đương 54,4% so với quý 2/2018), cụ thể như sau:

Tháng

Số kiến nghị đã tiếp nhận

Số kiến nghị đã giải quyết

Số kiến nghị chưa giải quyết

Ghi chú

7/2018

38

34

4

 

8/2018

30

22

8

 

9/2018

156

89

67

Chi tiết tại Phụ lục 1 và 2 gửi kèm theo báo cáo

Tổng số

224

145 (đạt 64,7%)

79 ( đạt 35,3%)

 

- Phân loại theo bộ, ngành, địa phương cho thấy: Các bộ, ngành nhận được nhiều kiến nghị trong quý 3/2018 bao gồm: Bộ Tài chính: 47 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 45 kiến nghị; Bộ Xây dựng; 26 kiến nghị; Bộ Giao thông Vận tải: 17 kiến nghị; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: 13 kiến nghị; Bộ Công Thương: 13 kiến nghị. Riêng nhóm 6 bộ này nhận được 161 kiến nghị, chiếm 71,% tổng số kiến nghị trong quý 3/2018. Các bộ ngành, địa phương khác đều nhận được kiến nghị của doanh nghiệp. Một số tỉnh, thành có nhiều doanh nghiệp kiến nghị như: Hà Nội, Đồng Nai, TP Hồ  Chí Minh…

- Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp bao gồm một số vấn đề như sau:

+ Đề nghị các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật  trong các lĩnh vực như: đấu thầu ( đa số các kiến nghị hàng tháng gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư đều đề nghị hướng dẫn pháp luật về đấu thầu); giao thông vận tải (nổi bật trong quý là việc cấp Giấy phép kinh doanh vận tải cho các doanh nghiệp vận tải hàng nội bộ hoặc kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp, công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài); công bố hợp chuẩn, hợp quy; lao động (cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; xây dựng thang, bảng lương trong doanh nghiệp…); bảo hiểm xã hội (chế độ thai sản, thôi việc, quỹ phúc lợi – khen thưởng trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa…); chính sách thuế; chính sách ưu đãi đầu tư; giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp sau cổ phẩn hóa…

+ Nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế, hải quan như: phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử; cho phép cấp hóa đơn bán lẻ; hoàn thuế giá trị gia tăng; hình thức chịu thuế khi chuyển lợi tức từ nước ngoài về; xuất hóa đơn giá trị gia tăng đối với việc nhận tiền tài trợ; kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng; thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh tại cửa khẩu nhập đầu tiên; kiểm tra thực tế hàng hóa của hải quan …

+ Thông tư số 44/2017/TT/BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính tiếp tục nhận được nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đề nghị sửa đổi về các nội dung: khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất hóa lý giống nhau; giá đất, cát san lấp mặt bằng; giá cát xây dựng; giá đá nguyên khai ( đá sau nổ mìn )… Điều này cho thấy Thông tư có nhiều quy định cần xem xét, sửa đổi đề phù hợp hơn với hoạt động của doanh nghiệp.

+ Doanh nghiệp có nhiều kiến nghị về vấn đề đầu tư, quản lý, vận hành chung cư như: lựa chọn chủ đầu tư cho dự án xây dựng nhà ở thương mại; bảo hành chung cư; hoạt động của ban quản trị tòa nhà chung cư; phòng cháy chữa cháy đối với chung cư; thiết kế phần sở hữu chung, sở hữu riêng của chung cư cũng như trình tự, thủ tục xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với các phần diện tích này …

+ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2014 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mặc dù đã ở giai đoạn thẩm định của Bộ Tư pháp những vẫn tiếp tục nhận được nhiều kiến nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp ( các Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ  Chí Minh) và doanh nghiệp về các nội dung: việc ký hợp đồng giữa doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp kinh doanh bến xe khách; việc đón trả khách ở trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp vận tải; quản lý nhà nước đối với xe hợp đồng điện tử tử 9 chỗ trở xuống; việc doanh nghiệp phải cung cấp hợp đồng vận tải cho Sở GTVT; xe kinh doanh vận tải có màu số riêng để thuận tiện cho việc nhận biết và quản lý…

+ Vấn đề xác định tiền thuê đất và giải quyết các vấn đề liên quan đến mặt bằng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục nhận được nhiều kiến nghị đều là các vụ việc đã kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm như: kiến nghị của Công ty cổ phần Giày Hà Nội; kiến nghị của Công ty cổ phần Tứ Đỉnh – Lào Cai; kiến nghị của Công ty cổ phần đầu tư XNK Đắk Lắk; kiến nghị của Viện Dầu khí Việt Nam; kiến nghị của Công ty TNHH thực phẩm Bảo Khang, tỉnh Đồng Nai; kiến nghị của Công ty cổ phần nông sản Đại Lộc; kiến nghị Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa; kiến nghị của Công ty TNHH Sepzone – Linh Trung Việt Nam…

+ Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có nhiều kiến nghị về các nội dung của dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 55/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động như: Nhà đầu tư nước ngoài có được kinh doanh dịch vụ cho  thuê lại lao động hay không? và nếu được kinh doanh thì những điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải thỏa mãn khi kinh doanh dịch vụ cho thuê lại lao động; Thời hạn cho thuê lại lao động nâng lên 24 tháng thay vì 12 tháng; bổ sung danh mục các ngành nghề được phép cho thuê lại lao động…

+ Nhiều Hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội lương thực TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam) và doanh nghiệp kiến nghị về những vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ như: quyền khiếu nại của doanh nghiệp đối với kết quả kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa; việc đề nghị kiểm nghiệm lại chất lượng hàng hóa tại cơ sở sở kiểm nghiệm được chỉ định đối với trường hợp kết quả kiểm nghiệm hàng hóa lần đầu không đạt chất lượng….

+ Mặc dù được Bộ Xây dựng trả lời nhiều lần nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện Đề án "Lộ trình sử dụng Amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp Amiang từ năm 2023".

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

Trong quý 3/2018, VCCI nhận được 91 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của 21 bộ, ngành, địa phương (quý 2/2018 nhận được 90 văn bản). Trong đó, tháng 7 có 19 văn bản; tháng 8 có 30 văn bản; tháng 9 có 42 văn bản. Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35.

Qua theo dõi của VCCI, từ tháng 1/2018 đến hết 31/9/2018, còn 112 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời, trong đó có 92 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận thông báo cho VCCI và 20 kiến nghị do VCCI tiếp nhận chuyển các bộ, ngành, địa phương. Các kiến nghị này thuộc trách nhiệm trả lời của các bộ: Giao thông Vận tải; Tư pháp; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Ngân hàng Nhà nước; Xây dựng; Công Thương; Y tế; Kế hoạch và Đầu tư; Công an; Lao động, Thương binh và Xã hội và UBND các TP: Hà Nội; Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; Hải Phòng và các tỉnh Lào Cai; Phú Thọ; Tuyên Quang; Bắc Kạn; Kiên Giang; Tây Ninh; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Đồng Nai; Nam Định; Lạng Sơn; Bắc Ninh.

Mặc dù là những bộ ngành trả lời kiến nghị doanh nghiệp rất tích cực nhưng lượng kiến nghị chưa trả lời của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn khá nhiều. Tuy nhiên, nguyên nhân chính do hai Bộ này nhận được lượng kiến nghị khá lớn, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài muốn giải quyết phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Nhìn chung, các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trả lời kiến nghị khá chậm chễ, ngoài ra, một số bộ như: Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường trả lời nhiều kiến nghị cũng chưa được kịp thời.  (Chi tiết trong Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo)

  1. Đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao trước thông tin tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực; cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào thực chất hơn. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng, chứng khoán phát triển ổn định. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2018 duy trì đà tăng cao, ước đạt 6,88%; 9 tháng ước đạt 6,98%, cao nhất so với cùng kỳ trong 7 năm qua. Các thông tin tích cực này đã tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong quý IV/2018, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 đạt hoặc vượt kế hoạch đã đề ra. Khảo sát của Tổng cục Thống kê đối với nhóm doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy 52,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng quý IV sẽ tốt lên so với quý III; chỉ có 11,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Khu vực doanh nghiệp FDI lạc quan nhất khi có tới 92,3% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV tốt hơn và giữ ổn định so với quý trước; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước là 87,5 % và 86,9%.

Trong quý III/2018, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đánh giá rất cao hoạt động và kết quả cắt giảm rào cản, điều kiện kinh doanh, giấy phép con của Chính phủ và một số bộ, ngành như:

- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Chỉ thị đã đánh giá một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa thực sự chú trọng đến công tác này. Để cải cách thực chất hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu từng đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần quán triệt việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, giải phóng nguồn lực xã hội

- Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 9/2018, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành phải hoàn tất dự thảo các nghị định về điều kiện kinh doanh để có thể ban hành trong tháng 10 này, đảm bảo thực hiện cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh  như kế hoạch đã đề ra. Các bộ, ngành sẽ ban hành thông tư để cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thúc đẩy mạnh thông quan.

- Báo cáo về tình hình ban hành các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh do Tổ công tác của Thủ tướng thực hiện cho thấy: Trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, các bộ, ngành đã xây dựng phương án để đơn giản, cắt giảm 3.807 điều kiện kinh doanh (đạt 61,3%, vượt 11,3% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là 50%).

Cho đến hết tháng 9/2018, đã chính thức cắt giảm được 1.133 điều kiện kinh doanh, đạt 30% so với phương án các bộ dự kiến sẽ cắt giảm (tăng 4,6% so với tháng 8 là 25,4%) của các ngành: Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn. Đã có 2 bộ: Công Thương, Xây dựng đã hoàn thành việc đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh và vượt chỉ tiêu theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong tổng số 9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 120 thủ tục kiểm tra, các Bộ đã xây dựng phương án đơn giản, cắt giảm 6.003 dòng hàng và 74 thủ tục. Đến hết tháng 9/2018 đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.700 dòng hàng (đạt 34,25% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt 28,32% so với phương án các Bộ dự kiến sẽ cắt giảm) và 30 thủ tục (đạt 50% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt 40,5% so với phương án các Bộ dự kiến sẽ cắt giảm dự kiến).

- Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến góp ý về xây dựng dự thảo thông tư ban hành Danh mục phân loại hàng hóa gắn mã HS; danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN) trước thông quan, thay thế Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT về bảng mã số HS đối với hàng hóa chuyên ngành xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT. Dự thảo Thông tư mới được xây dựng nhằm thống nhất với quy định tại Thông tư 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, đồng thời lược bỏ những dòng hàng trùng mã HS, những dòng hàng không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT…Theo dự thảo Thông tư, còn 3.229 dòng hàng còn mã HS (giảm so với 7.698 dòng hàng tại Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT); trong đó, danh mục hàng hóa phải KTCN trước thông quan thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT là 1.675 dòng hàng, đạt tỷ lệ cắt giảm là 78,2%. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Thông tư sớm được ban hành để giảm gánh nặng KTCN cho doanh nghiệp.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong quý 3 năm 2018, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp:

- Đã lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp góp ý 35 dự án, đề án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và nhiều văn bản dưới luật, chính sách khác của các bộ, ngành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, nổi bật như: Luật Hành chính công; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật thi hành án hình sự (sửa đổi); Nghị định sửa đổi về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của các bộ: Tài nguyên, Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông; Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Nghị định sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; Thông tư quy định quy trình khắc phục sự cố môi trường do tràn dầu trên biển; Thông tư về giá tính thuế tài nguyên; Thông tư hướng dẫn việc xác nhận, quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp;...v.v. Đặc biệt là các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

- Chủ trì và phối hợp tổ chức 20 Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, đối thoại quan trọng nhằm thảo luận, đề xuất và rà soát các chính sách, pháp luật với Đảng, nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển góp phần tích cực vào quá trình cải thiện chất lượng của hệ thống thể chế và kiến tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Một số hoạt động nổi bật như:

+ Phối hợp công bố Báo cáo nghiên cứu “Tăng cường năng lực cạnh tranh bền vững và cân bằng của Việt Nam” tại Xinh-ga-po và tham dự Diễn đàn Chính sách châu Á về DNNVV. Chủ tịch VCCI cùng Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Thương mại Xinh-ga-po, Thủ hiến bang Andra Pradesh của Ấn Độ và Viện trưởng Viện Cạnh tranh châu Á (ACI) thuộc Học viện Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Xinh-ga-po đã chủ trì Hội thảo và Lễ công bố Báo cáo. Báo cáo chuyên đề do VCCI và ACI hợp tác thực hiện, thuộc Đề tài nghiên cứu “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp”, trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận giai đoạn 2016 – 2020 của Hội đồng lý luận Trung ương. Báo cáo tập trung phân tích về tiến trình phát triển của Việt Nam, những thành công và kết quả đạt được trong giai đoạn qua, những thách thức và tiềm lực, lợi thế trong giai đoạn tới, trên cơ sở đó, Báo cáo đã đưa ra một số gợi ý giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

+ Tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững trong thời kì Cách mạng Công nghiệp 4.0”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương Nguyễn Xuân Thắng đã tham dự và chủ trì hội nghị. Hội nghị còn có sự tham dự của Bộ trưởng các bộ:  Khoa học và Công nghệ, Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Bộ xây dựng, Công thương; đại diện 66 tổ chức quốc tế tại Việt Nam, 30 sứ quán, các đoàn ngoại giao, 31 tỉnh/ thành phố trên cả nước cùng hơn 700 đại diện từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc và hơn 100 đại diện các cơ quan báo chí, đài truyền hình trong và ngoài nước đến đưa tin về Hội nghị.

+ Tổ chức Diễn đàn “Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW: Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế tư nhân”. Diễn đàn thu hút hơn 350 đại biểu là các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí. Diễn đàn tập trung thảo luận thực tiễn triển khai Nghị quyết và các vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện các nội dung đề ra trong Nghị quyết về hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế tư nhân.

+ Phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2018 với chủ đề “Liên kết Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài – Hợp tác cùng có lợi”. Đây là diễn đàn đối thoại quan trọng giữa Chính phủ và doanh nghiệp, thu hút hơn 200 đại biểu, đại diện các bộ ban ngành, hiệp hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

+ Tổ chức Hội thảo “Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018”. Hội thảo đã khái quát hóa các diễn biến về pháp luật kinh doanh và đưa ra các ý kiến đánh giá về hiệu quả thực chất của các diễn biến này từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp. Tại hội thảo, VCCI công bố Báo cáo về pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018. Báo cáo đã nhận định xu hướng cải cách thể chế kinh tế nước ta đang ngày càng hoàn thiện theo hướng kinh tế thị trường, các rào cản kinh doanh, sự can thiệp của nhà nước vào thị trường đang dần được gỡ bỏ. Nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các văn bản ở cấp nghị định. Tuy nhiên, để quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất, Báo cáo khuyến nghị cần tăng cường cơ chế kiểm soát và tính minh bạch đối với quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tình trạng việc tiếp thu hay không tiếp thu các ý kiến góp ý đều dựa vào ý chí của cơ quan chủ trì soạn thảo mà không có đơn vị nào khác xem xét như hiện nay.

+ Tổ chức Hội thảo “Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long 6 tháng đầu năm 2018 - Cơ hội mới từ CPTPP và sự nổi lên của thị trường Trung Quốc” tại Cần Thơ. Tại hội thảo, VCCI đã đưa ra một số nhận định về tình hình hoạt động của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm và dự báo thời gian tới. Theo khảo sát do VCCI thực hiện, gần 42% doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết sản xuất, kinh doanh tốt hơn, 45,2% ổn định và khoảng 13% có kết quả sản xuất kinh doanh kém hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đa số doanh nghiệp có cảm nhận môi trường đầu tư kinh doanh những tháng cuối năm sẽ ổn định với mức tốt hơn và 90% kỳ vọng công việc làm ăn sẽ thuận lợi hơn. Đánh giá tác động của mức độ căng thẳng gia tăng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung đến các doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong nước hiện có những lợi thế nhất định để phòng ngừa các cú sốc từ bên ngoài như: các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng tăng trưởng ấn tượng và đồng đều ở các ngành hàng với thị trường rộng mở…

+ Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Dự án sửa đổi tập trung vào các nhóm vấn đề kinh tế và quản lý trong lĩnh vực giao thông như: cơ chế huy động các nguồn lực xã hội xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ; khung pháp lý cho các loại phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, điều hành giao thông thông minh… Hội thảo đồng thời thảo luận về nhiều vấn đề doanh nghiệp đang gặp khó khăn như: vấn đề phí chồng phí, bảo trì đường bộ, quản lý taxi công nghệ, mã số định danh cho xe…

+ Tổ chức Diễn đàn "Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa" (DNNVV) để  thảo luận về những vướng mắc các doanh nghiệp gặp phải khi tiếp cận vốn ngân hàng, đồng thời đưa ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV phát triển theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Ban chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân. Diễn đàn thu hút nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) và hơn 100 doanh nghiệp tham dự.

+ Phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Tọa đàm: “Xu hướng chính sách đối với nền Kinh tế nền tảng” để trao đổi các vấn đề liên quan đến bản chất của kinh tế nền tảng, đưa ra các giải pháp về chính sách đối với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế nền tảng như hiện nay.

+ Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn “Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018”. Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu: truyền tải thông điệp, tầm nhìn, cam kết của Chính phủ về triển khai đấu thầu qua mạng (ĐTQM); nâng cao nhận thức về ĐTQM, phổ biến các chính sách, các tính năng mới, các lợi ích và ứng dụng của ĐTQM; đề xuất ý tưởng để cải thiện các chính sách, công nghệ nhằm xây dựng hệ sinh thái cho ĐTQM.

+ Hệ thống cơ quan VCCI trên cả nước còn tổ chức nhiều sự kiện  như: Hội nghị “Phổ biến Luật hỗ trợ DNNVV cho hiệp hội và doanh nghiệp” tại Hà Tĩnh; Hội nghị "Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa những điểm mới trong chính sách áp dụng cho hiệp hội, doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể" tại Nghệ An; Hội nghị “Phổ biến và đối thoại về thuế, hải quan và C/O năm 2018” tại Lâm Đồng; Hội thảo “Lấy ý kiến về Nghị định hướng dẫn luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu” tại TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ ; Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giữa các hiệp hội doanh nghiệp” tại TP.Hoà Bình; Hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại Sóc Trăng; Toạ đàm với đội ngũ lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu về một số vấn đề về cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp; Diễn đàn chia sẻ các mô hình và thực tiễn tốt về phát triển doanh nghiệp và xúc tiến thương mại, đầu tư tại Cà Mau; Hội nghị “Đối thoại với ngành thuế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu” và Hội nghị “Đối thoại với ngành Hải quan tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu” tổ chức tại Vũng Tàu; Hội nghị “Đối thoại giữa ngành thuế, hải quan với doanh nghiệp” tổ chức tại Thanh Hóa; …

- Tiếp tục triển khai dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thúc đẩy hoạt động chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh. Tiếp tục công tác tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn thúc đẩy hoạt động chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh, hỗ trợ các tỉnh, địa phương nhằm thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh tại các địa phương: Bắc Kạn, Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Trị.

+ Tổ chức Hội thảo “Khu vực Miền Trung-Tây Nguyên chia sẻ thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế” tại Hội An, Quảng Nam. Nhiều địa phương đã tham gia chia sẻ kinh nghiệm trong cải thiện môi trường kinh doanh như: tỉnh Quảng Ninh với tham luận “Mô hình xây dựng Chỉ số DDCI đánh giá Sở, ngành, quận huyện”, tỉnh Quảng Nam với “Chia sẻ mô hình cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh”, tỉnh Bến Tre với tham luận “Mô hình hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp - Đồng khởi khởi nghiệp”...

- Tiếp tục thực hiện Chương trình Hành động Thực hiện Liêm chính trong kinh doanh và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp triển khai Chương trình nền kinh tế tuần hoàn.

- Tiếp tục theo dõi và hướng dẫn các hoạt động chuyên môn đại diện giới sử dụng lao động cho các chi nhánh VCCI ở địa phương, các Hội đồng người sử dụng lao động tại các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương khi tham gia vào cơ chế ba bên quan hệ lao động, đặc biệt là tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động và các vụ lãn công, đình công không theo quy định của pháp luật.

+ Với tư cách đại diện cho giới sử dụng lao động tại Việt Nam, VCCI và một số Hiệp hội doanh nghiệp đã tham gia phiên họp thứ ba của Hội đồng Tiền lương quốc gia về thống nhất phương án tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2019. Theo kết quả thương lượng, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3% so với năm 2018. Phương án tăng lương này sẽ được Hội đồng Tiền lương Quốc gia trình lên Chính phủ quyết định mức tăng lương năm 2019.

+ Tổ chức Hội thảo “Cập nhật và hướng dẫn thực hiện chính sách mới về pháp luật lao động tiền lương” tổ chức tại Đà Nẵng; Hội thảo “Cập nhật bảo hiểm xã hội mới nhất và hướng dẫn giao dịch hồ sơ điện tử cho các đơn vị sử dụng lao động tại Doanh nghiệp” tổ chức tại Vũng Tàu; Họp tham vấn ý kiến doanh nghiệp về truyền thông bình đẳng giới tổ chức tại Vĩnh Phúc; Hội nghị tuyên truyền về BHXH, BHYT và BH tự nguyện tổ chức tại Bình Thuận…

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Phối hợp tổ chức các hoạt động và tham gia của lãnh đạo VCCI vào các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư và thúc đẩy hội nhập quốc tế ở cấp quốc gia như:

+ Tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam năm 2018 (VBS) trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN 2018. Hội nghị có sự tham dự, chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende, cùng các Bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương, các tổ chức quốc tế, các học giả và hơn 1300 đại biểu, trong đó có hơn 500 đại biểu nước ngoài là các thành viên uy tín của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và đoàn doanh nghiệp từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Chi-lê, Ô Man… cùng với lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và các đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao – kinh tế và tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trong bài phát biểu đã nhấn mạnh tinh thần doanh nghiệp và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là những động lực mới trong sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu và chủ đề của hội nghị VBS 2018 “Việt Nam là đối tác kinh doanh tin cậy” chính là cam kết của Việt Nam với toàn thế giới. Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Borge Brende đã có phiên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế. Đồng thời, tại các phiên thảo luận, các diễn giả và đại biểu tham dự hội nghị đã tích cực trao đổi về những cải cách và hướng đi mới để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Kết thúc Hội nghị, đại biểu Việt Nam và đại biểu nước ngoài có gặp gỡ trao đổi trực tiếp ngoài lề để kết nối, giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác mới. Thành công của hội nghị đã góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm giao kết quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu đối với các nhà đầu tư quốc tế. Đồng thời, VBS 2018 là tiền đề quan trọng để Việt Nam tổ chức VBS 2019, đưa sự kiện này trở thành hoạt động thường niên quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

+ Chủ tịch VCCI tham gia đoàn tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 5-8/9/2018. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Vladimir Putin đã chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện hợp tác giữa hai nước, tiêu biểu là Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Tập đoàn Sovico Việt Nam và Tập đoàn dầu khí Zarubezneft; Ký Bản ghi nhớ và hợp đồng tài trợ khung giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) với Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) và Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế (IBEC) Liên bang Nga; Tham dự Lễ khởi công nhà máy chế biến sữa TH thuộc tập đoàn TH true milk đặt tại tỉnh Kaluga, Liên bang Nga….

VCCI đã ký thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Nga, Diễn đàn kinh tế nước Nga và tổ chức Xúc tiến xuất khẩu Russia Expo để thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, đầu tư và tăng cường hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp Việt – Nga.

+ Chủ tịch VCCI đã dự và phát biểu tham luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Châu Á (ABS) lần thứ 9, tổ chức tại Niu-Đê-li, Ấn Độ. Đây là hội nghị thường niên của các Phòng Thương mại và Công nghiệp, Hiệp hội và Liên đoàn kinh tế, thương mại, công nghiệp, doanh nghiệp lớn và các tổ chức nghiên cứu hàng đầu khu vực nhằm tìm giải pháp ứng phó với các thách thức nổi lên trong khu vực và toàn cầu, đưa ra mô hình tăng trưởng bền vững năng động của châu Á, tối ưu hóa các tiềm năng tăng trưởng cũng như hợp tác thúc đấy hội nhập và phát triển hạ tầng khu vực. Nhân dịp này, Chủ tịch VCCI đã có các cuộc tiếp xúc riêng với Chủ tịch Liên đàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren), Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), Chủ tịch Liên đoàn Phòng Thương mại Ấn Độ (FICCI), trao đổi về chủ trương thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với các nước đối tác chiến lược của Việt Nam như Nhật Bản, Ấn Độ.

+ Chủ tịch VCCI tham gia Diễn đàn Kinh doanh Forbes 2018 với chủ đề “Tạo dựng tăng trưởng bền vững” do Tạp chí Forbe Việt Nam tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh. Diễn đàn thu hút hơn 400 đại biểu, là lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, chuyên gia, nhà tư tưởng và nhà hoạch định chính sách cùng thảo luận về chiến lược đảm bảo tăng trưởng bền vững thông qua đầu tư dài hạn vào các ngành công nghiệp cốt lõi mà Việt Nam có khả năng phát triển. Tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI đã đưa ra một số định hướng và giải pháp vĩ mô về phát triển doanh nghiệp, đồng thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng từ phía doanh nghiệp, tìm kiếm tầm nhìn về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho kinh tế tư nhân phát triển.

+Tham dự kỳ họp lần thứ ba năm 2018 của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) tổ chức tại tại Ma-lay-si-a từ ngày 23-25/7/2018. Các chuyên đề được thảo luận trong kỳ họp gồm: (1) Hội nhập kinh tế khu vực, (2) Phát triển bền vững, (3) Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, (4) Tài chính và kinh tế, (5) Công nghệ số và sáng tạo.

- Phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư trong và ngoài nước, đào tạo doanh nghiệp trong đó có nhiều hoạt động nổi bật như:

+ Phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2018. Hội nghị được tổ chức ngày 10/9/2018 tại Hà Nội với sự tham dự và chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink, Thứ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ phụ trách Thương mại quốc tế Gilbert Kaplan và nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của hai nước. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng tư duy về số hóa nền kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo là mối quan tâm chung của cộng đồng doanh nghiệp hai bên trong bối cảnh hiện nay. Kết nối số hai nền kinh tế là một giải pháp quan trọng để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác giữa hai nước. Với chủ đề “Định hình tương lai quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ”, các đại biểu tham dự hội nghị đã trao đổi, thảo luận về trọng tâm của quan hệ kinh tế Việt – Mỹ, cách thức kết nối nền kinh tế số giữa hai nước, tăng cường và mở rộng hợp tác trên bình diện song phương, khu vực và toàn cầu.

+ Phối hợp với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức Diễn đàn khu vực châu Á Thái Bình Dương lần thứ nhất – Kinh doanh trong cộng đồng Pháp ngữ. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình “Thúc đẩy việc làm thông qua khởi nghiệp trong phụ nữ và thanh niên” do OIF thực hiện từ năm 2015 nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện với trọng tâm tạo việc làm thông qua phát triển khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ và thanh niên trong các lĩnh vực có tiềm năng việc làm cao. Tham dự sự kiện có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Đại sứ quán các nước khối Pháp ngữ tại Việt Nam, các cơ quan xúc tiến đầu tư châu Phi, các lãnh đạo ngân hàng, Hiệp hội bông và dệt may, Cộng đồng kinh tế và tiền tệ Trung Phi, các doanh nghiệp dệt may và doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực khác của 10 nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Với chủ đề “Hỗ trợ khởi nghiệp tại châu Á – Thái Bình Dương”.

+ Tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Bulgaria tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Kinh tế nước Cộng hòa Bulgaria. Thông qua Diễn đàn, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí phát triển mô hình hợp tác kinh tế mới giữa hai bên xây dựng trên cơ sở tận dụng tiềm năng, thế mạnh của hai nước, theo đó, Việt Nam có thể xuất khẩu một số mặt hàng có thế mạnh sang Bulgaria, sau đó hàng hóa được chế biến trực tiếp tại các cảng của Bulgaria và xuất tiếp sang thị trường châu Âu và khu vực Balkan.

+ Phối hợp với Ủy ban Kinh tế Nhật Bản – Việt Nam, thuộc Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tổ chức Chương trình gặp gỡ, kết nối kinh doanh với sự tham gia của 56 doanh nghiệp Nhật và 20 doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam. Tại cuộc gặp, VCCI đề xuất việc sẽ thành lập Ủy ban Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản tương tự như Ủy ban do Keidanren đã thành lập với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế hai nước. VCCI đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản áp dụng khoa học kỹ thuật vào phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu và mong muốn doanh nghiệp hai bên hợp tác trong lĩnh vực này, ghi nhận và truyền đạt các đề xuất, kiến nghị của phía bạn với các cơ quan, ban, ngành có liên quan. Các doanh nghiệp tham dự cuộc gặp cũng đã có những trao đổi thông tin cụ thể về các cơ hội hợp tác trong tương lai.

+ Phối hợp với Cơ quan Phát triển thương mại Hồng Kông (HKTDC) tổ chức kết nối, xúc tiến thương mại đầu tư giữa các ngân hàng Việt Nam với ba ngân hàng Hồng Kông là Hang Seng Bank Limited, Chong Hing Bank Limited và The Bank of East Asia Limited. Theo đó, các bên cam kết sẽ hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài trong lĩnh vực ngân hàng như chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư và quản lý tài chính, giới thiệu các đối tác, tìm kiếm và thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là trong các hoạt động cấp tín dụng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu về vốn đầu tư, cùng phát triển đa dạng và tối ưu hóa các dịch vụ tài chính, khai thác tối đa mọi tiềm năng, tạo hiệu quả kinh doanh, tăng vị thế trên thị trường tài chính.

+ Phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất vừa và nhỏ vùng Altai, Nga tổ chức buổi giao lưu, kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước tại Hà Nội. Các doanh nghiệp hai bên đã trao đổi, tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác kinh doanh trong các lĩnh vực như chế biến và phân phối thực phẩm, sản xuất máy móc nông nghiệp, hóa dầu, dầu khí, thiết kế và xây dựng trong ngành công nghiệp điện, luyện gang thép…

+ Tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự triển lãm Caexpo lần thứ 15 tại Nam Ninh, Trung Quốc; Tổ chức Hội thảo kết nối kinh doanh Việt Nam – Hàn Quốc; Tổ chức Hội nghị bàn tròn giao lưu thương mại Việt Nam – CH Bờ Biển Ngà; Ký kết Thoả thuận hợp tác giữa VCCI và Phòng Thương mại và Công nghiệp Kyushu (Nhật Bản) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông sản;  Tổ chức Diễn đàn giao lưu thương mại Việt Nam – Trung Quốc tại TP.Hồ Chí Minh; Tổ chức Hội nghị bàn tròn: “Cơ hội kinh doanh tại Hồng Kông cho các doanh nghiệp Việt Nam” tại TP.Hồ Chí Minh; Phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc triển khai các hoạt động trao đổi, giao lưu thương mại giữa doanh nghiệp hai nước như: Giao lưu thương mại Việt Nam - Hàn Quốc ngành thực phẩm tại TP.Hồ Chí Minh, Hội thảo giới thiệu về y tế Hàn Quốc tại Việt Nam...…

+ Tổ chức được khoảng 176 khóa đào tạo trên phạm vi cả nước cho khoảng hơn 7.000 lượt cán bộ doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 3/2018 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2018 của Bộ Tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2018 của Bộ Xây Dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2018 của Bộ Giao Thông Vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2018 của Bộ Công Thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2018 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2018 của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bắc Ninh (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2018 của Bộ Tư Pháp (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2018 của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2018 của Ngân hàng Nhà nước (Tải về)