Từ chuyện báo lỗ liên tục 25 năm của Coca-Cola Việt Nam: Làm thế nào để chặn chuyển giá, thất thoát thuế?

Chuyển giá là hoạt động bình thường

Bài học báo lỗ liên tục 25 năm của Coca-Cola Việt Nam là một điển hình cho việc chuyển giá bất hợp pháp, khiến cho chúng ta thất thu về thuế. Cụ thể, Coca-Cola khai lỗ liên tục 25 năm ở Việt Nam nhưng lại đầu tư tăng sản lượng lên mấy trăm phần trăm. Đây là điều mà người bình thường không thể hiểu được. Và lúc đó người mới ngã ngửa ra rằng, có một “công nghệ” chuyển giá để tránh và trốn thuế ở nước sở tại đã xuất hiện từ lâu trên thế giới.

Nhiều năm nay, câu chuyện chuyển giá tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang có nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết.

Trao đổi tại Hội thảo về Chuyển giá diễn ra tại Hà Nội sáng nay, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài - cho rằng, không chỉ doanh nghiệp FDI có việc chuyển giá, mà ngay những doanh nghiệp trong nước cũng diễn ra tình trạng này.

“Nếu hành vi giao dịch liên kết đẩy giá mua vào cao lên, đẩy giá bán ra thấp đi tại thị trường Việt Nam, thì lợi nhuận ở Việt Nam sẽ giảm đi, thậm chí không có lợi nhuận thì họ sẽ không phải đóng thuế ở Việt Nam. Hành vi đó được định nghĩa là hành vi chuyển giá bất hợp pháp và làm tổn hại thuế mà Chính phủ Việt Nam đáng nhẽ phải thu được.

Thuế đó ở nước ngoài được biến đổi rất khó lường, bởi vì có những thiên đường thuế mà ở đó thuế của họ rất thấp, thu nhập doanh nghiệp thấp hoặc bằng 0. Trong trường hợp này, doanh nghiệp đó sẽ hưởng lợi” - ông Toàn nói.

 
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài.

Song cũng theo ông Toàn, không phải tất cả những giao dịch liên kết đều xấu. Những giao dịch liên kết của công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có những công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia là những giao dịch hết sức bình thường. Vì đó là việc cung cấp dịch vụ, hàng hóa đan xen lẫn nhau giữa công ty trong tập đoàn với các công ty con, và từ quốc gia này đến quốc gia khác. Hành vi giao dịch liên kết là việc bình thường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Quản lý ra sao

Theo ông Phạm Ngọc Long - Giám đốc Dịch vụ Thuế và Tư vấn CPTA - từ năm 2017, Chính phủ đã nâng tầm các quy định liên quan đến giá trong các giao dịch liên kết từ cấp thông tư lên cấp nghị định, trong đó có nghị định 20 năm 2017, có hiệu lực từ 1.5.2017, sau đó là có thông tư 41/2017.

“Sự thay đổi về văn bản pháp luật này đã thể hiện Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến sự tuân thủ của các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước khi có phát sinh giao dịch với bên liên kết thì đều phải tuân thủ một văn bản pháp luật như nhau” - ông Long nói.

Cũng theo ông Long, việc các tập đoàn đa quốc gia tuân thủ đúng quy định của pháp luật tại các nước là công cụ tốt để họ điều chuyển lợi nhuận phù hợp với quy định của pháp luật tại từng quốc gia.

 
Ông Phạm Ngọc Long - Giám đốc Dịch vụ Thuế và Tư vấn CPTA.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài - cho biết thêm, hiện nay cơ quan nhà nước đang thiết lập hệ thống dữ liệu về giá. Dữ liệu này hết sức quan trọng và phải được cập nhật liên tục thì lúc đó mới phản ánh được giá của thị trường. Khi dữ liệu này đảm bảo sự đúng đắn, khách quan thì buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ.

“Để làm được điều này thì phụ thuộc nhiều vào năng lực của cơ quan thuế, dữ liệu quản lý phải khách quan và trách nhiệm, đạo đức của người thi hành công vụ. Các giao dịch xuyên quốc gia xảy ra thường xuyên và trong tương lai sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa. Theo tôi, luật thuế mới ra vào thời điểm này là kịp thời để tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và không làm thất thoát nguồn thu” - ông Toàn nói.

Bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý, ông Toàn nhấn mạnh, doanh nghiệp phải có trách nhiệm tuân thủ quy định, hiểu đúng quy định của pháp luật về chuyển giá để thực hiện.