Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 10/2018

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 2710 /PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 10/2018

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2018

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong tháng 10 năm 2018, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 10/2018

Trong tháng 10/2018, VCCI thống kê có 71 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp  gửi đến 16 bộ, ngành, địa phương (giảm 85 kiến nghị so với tháng 9/2018), trong đó có 21 kiến nghị đã được trả lời và 50 kiến nghị chưa trả lời.

Trong số 50 kiến nghị chưa trả lời thì có 42 kiến nghị vẫn còn hạn trả lời, 8 kiến nghị đã hết hạn trả lời.

Chi tiết số liệu và nội dung các kiến nghị mới được trình bày tại Bảng thông kê kiến nghị tháng 10/2018 và Phụ lục 1, Phụ lục 2 gửi kèm báo cáo. Thời hạn giải quyết kiến nghị được VCCI tính theo thời hạn do Văn phòng Chính phủ đã đề ra tại công văn gửi các bộ, ngành, địa phương.

Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp bao gồm một số vấn đề như sau:

- Bộ Tài chính tiếp tục là Bộ tiếp nhận được nhiều kiến nghị nhất từ doanh nghiệp. Nội dung các kiến nghị tập trung vào các vấn đề: Chính sách thuế, cách tính thuế (thuế tài nguyên, VAT, thuế nhập khẩu) chưa hợp lý; Thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước; Cách tính các chi phí mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng hạng mục chung, chuyển nhượng dự án… khi quyết toán thuế; Giải đáp quy đinh của pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước; Một số vướng mắc khi thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục đầu tư…

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 18 kiến nghị, trong đó có 7 đề nghị hướng dẫn pháp luật về đấu thầu. Ngoài ra, còn một số nội dung như: Chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cầu hạ tầng khu công nghiệp; Việc công nhận doanh nghiệp khu chế xuất; Hướng dẫn các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp…

- Các doanh nghiệp kiến nghị một số vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: 

+ Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại trung tâm Đông Nam Á và Châu Đại Dương có kiến nghị với Chính phủ về việc cần thiết phải xây dựng cơ sở pháp lý để doanh nghiệp có thể kinh doanh xăng dầu trên thiết bị tự động. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp có thể mở các địa điểm kinh doanh xăng dầu tại miền núi, vùng nông thôn… có nhu cầu sử dụng không lớn vì có thể tiết giảm chi phí xây dựng và vận hành tối đa.

+  Mặc dù đã được Tổng cục Hải quan trả lời nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, máy xây dựng tiếp tục kiến nghị cho  rằng việc Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải áp mã HS mới đối với mặt hàng “ Cần trục bánh lốp” chưa hợp lý. Việc áp mã HS mới khiến các doanh nghiệp đối mặt với việc bị truy thu thuế từ năm 2013 đến nay sẽ đẩy doanh nghiệp đến tình trạng khó khăn, thậm chí phải phá sản.

+ Lĩnh vực lao động tiếp tục có nhiều đề nghị hướng dẫn quy định pháp luật để thực hiện như: giải quyết việc thanh toán trùng chế dộ bảo hiểm, xác định thời điểm lao động nữ mang thai để hưởng chế độ, giải quyết chế độ tai nạn lao động liên quan đến thể thao, ký kết hợp đồng lao động với người cao tuổi

+ UBND các TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ninh đều nhận được các kiến nghị liên quan đến mặt bằng sản xuất kinh doanh hoặc các dự án bất động sản. Đặc biệt là kiến nghị của công ty Thép DANA – Ý liên quan đến việc UBND TP  Đà Nẵng thay đổi chính sách liên quan đến Cụm công nghiệp Thanh Vinh nhưng hiện vẫn chưa có phương án giải quyết cho doanh nghiệp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người lao động.

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

Trong tháng 10/2018, VCCI nhận được 57 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của 15 bộ, ngành, địa phương (tháng 9/2018 nhận được 42 văn bản). Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35. (Chi tiết trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo)

Qua theo dõi của VCCI, từ tháng 1/2018 đến hết 31/10/2018, còn 116 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời, trong đó có 97 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận và 19 kiến nghị do VCCI tiếp nhận chuyển các bộ, ngành, địa phương. Nhiều kiến nghị đã được Văn phòng Chính phủ và VCCI chuyển từ đầu năm 2018 những vẫn chưa được giải quyết. Cá biệt có kiến nghị được doanh nghiệp gửi nhiều lần nhưng vẫn không được trả lời, điển hình như: Kiến nghị của công ty TNHH Họ Trần đối với Bộ Khoa học và Công nghệ về việc cấp bằng nhãn hiệu SHINTO được Văn phòng Chính phủ chuyển từ ngày 23/10/2017 và đến tháng 9/2018, công ty Họ Trần tiếp tục gửi kiến nghị. Tuy nhiên đến nay, Bộ KHCN vẫn chưa trả lời. Như vậy, hơn 1 năm kể từ khi gửi kiến nghị công ty Họ Trần vẫn không nhận được phản hồi của Bộ KHCN; Kiến nghị của công ty Thép DANA – Ý về việc UBND TP  Đà Nẵng thay đổi chính sách liên quan đến Cụm công nghiệp Thanh Vinh nhưng hiện vẫn chưa có phương án giải quyết cho doanh nghiệp  gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Kiến nghị được Công ty DANA – Ý, Hiệp hội  Thép Việt Nam ,VCCI và Văn phòng Chính phủ chuyển UBND TP Đà Nẵng từ tháng 1/2018 và nhiều lần sau đó nhưng sau 10 tháng vẫn chưa được UBND TP Đà Nẵng trả lời.

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được trình bày trong Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.

 II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 10/2018, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp:

- VCCI đã tham gia đóng góp ý kiến cho một số văn kiện, dự thảo đề án và phối hợp tổ chức một số hoạt động tham vấn chính sách như: Họp Ban Soạn thảo Nghị định Hướng dẫn Luật Cạnh tranh; tham gia thẩm định dự thảo sửa đổi Nghị định 185 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; góp ý các dự thảo:  Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thúc đẩy nhập khẩu công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Tờ trình Uỷ ban Đối ngoại về phê chuẩn CPTPP; tham gia Đoàn công tác liên ngành do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì làm việc với các tỉnh Quảng Trị, Kiên Giang về các vấn đề liên quan đến thuế và hải quan; phối hợp với Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Tọa đàm về cải cách hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp tại Hải Phòng; tham gia Đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh tại Bộ Y tế; tổ chức Hội thảo góp ý giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam…

Ngoài ra, VCCI đã hoàn thành góp ý 08 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định về sổ tạm quản ATA; Nghị định sửa đổi Nghị định 203/2013/NĐ-CP quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Nghị định về điều kiện tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử; Nghị định Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể thao; Nghị định về hoạt động viễn thám; Nghị định sửa đổi Nghị định 13/2011/NĐ-CP về an toàn công trình dầu khí trên đất liền; Thông tư Quy định mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 11/2014/TT-BVHTTDL, Thông tư số 04/2016/TT-BVHTTDL, Thông tư 06/2015/TT-BVHTTDL, Thông tư số 15/2012/TT-BVHTTDL nhằm cắt giảm các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch…

- Phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp trung ương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo công bố Báo cáo Chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và địa phương năm 2017 với sự tham dự và chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch VCCI. Bộ chỉ tiêu là một cách thức để lượng hoá mức độ phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên toàn quốc và theo từng khu vực, từng tỉnh dựa trên các yếu tố: (1) số lượng doanh nghiệp thực tế đang hoạt động; (2) lao động của khu vực doanh nghiệp; (3) nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh; (4) doanh thu; (5) lợi nhuận và đóng góp vào ngân sách nhà nước; (6) thu nhập của người lao động. Báo cáo về Chỉ số phát triển doanh nghiệp là báo cáo quan trọng và được xem là báo cáo chính thức của Chính phủ về tình hình phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Đây là báo cáo gốc, để dẫn các số liệu, thực trạng của doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 và giai đoạn 2010 – 2017. Báo cáo  đã đề cập đến nhiều vấn đề như: số lượng doanh nghiệp, phân theo ngành, địa phương, hiệu quả của doanh nghiệp… Báo cáo sẽ được xây dựng và công bố hàng năm.

- Tiếp tục triển khai Chương trình hành động thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh: ký thỏa thuận giữa UNDP và Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (SdforB) tài trợ cho Đề án 12 về việc thực hiện sáng kiến liêm chính giữa doanh nghiệp và chính phủ (giai đoạn tháng 9/2018 – 03/2019); xác định và mời các công ty tư vấn trong nước lập đề xuất kỹ thuật, tài chính cung cấp dịch vụ nghiên cứu và xây dựng tài liệu đào tạo cho dự án; cập nhật thông tin trang web www.kdlc.vn. 

- Triển khai hoạt động khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 và các hoạt động hậu công bố Báo cáo PCI 2017: 

+ Tiếp tục tiến hành các hoạt động thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh: Tham dự và có bài thuyết trình về PCI và môi trường kinh doanh tại Khóa đào tạo cho cán bộ nguồn của tỉnh Hải Dương và Thanh Hóa; phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội thảo bàn giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Trị năm 2018; tham dự và trình bày tại Hội nghị tập huấn PCI/DDCI tại Bà Rịa Vũng Tàu, Thanh Hóa và Bắc Ninh.

+ Chia sẻ kinh nghiệm xử lý số liệu, phân tích PCI cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào…

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

Về công tác xúc tiến thương mại, đầu tư:

- Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tham gia đoàn tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM) lần thứ 12, dự Hội nghị cấp cao Ðối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) và thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Ðan Mạch, làm việc với Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 14 – 21/10/2018. Trong khuôn khổ chuyến đi, VCCI đã tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng và phối hợp với các đối tác tổ chức một số hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư quan trọng tại thị trường châu Âu. Cụ thể:

+ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Áo:  VCCI phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Áo tại Thủ đô Vienna, Áo với sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng gần 400 doanh nghiệp hai nước. Đây là diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Áo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tại Diễn đàn, VCCI và WKO đã ký Thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ doanh nghiệp hai nước ủng hộ và vận động triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hai bên cũng nhất trí thành lập Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp Việt Nam – Áo. Đồng thời, WKO thông báo đã quyết định mở văn phòng đại diện khu vực tại Việt Nam. Diễn đàn đã góp phần mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực tiềm năng như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, đầu tư vào khu công nghệ cao, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, du lịch...

Bên cạnh đó, VCCI đã phối hợp với WKO và Bộ Ngoại giao Áo tổ chức Đối thoại giữa Thủ tướng Việt Nam và 8 tập đoàn lớn của Áo gồm: Ame Int. Gmbh, Andritz Hydro GmbH, AVL List GmbH, Frequentis AG, Magna Europe, Mobility CE, và Vamed Engineering.

+ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – EU và Bỉ: VCCI phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – EU và Bỉ tại Thủ đô Brussels, Bỉ. Diễn đàn đã đón 250 doanh nghiệp Bỉ, Việt Nam và các nước trong khối EU như Pháp, Ai-len, Đức, Hà Lan quan tâm tham dự. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Liên minh Hữu nghị Bỉ – Việt Andries Gryffoy đồng chủ trì Diễn đàn. Diễn đàn đã cung cấp cho các doanh nghiệp tham dự những thông tin mới nhất về môi trường kinh doanh đầu tư, các chính sách ưu đãi thuận lợi của thị trường Việt Nam, khu vực chung châu Âu và Bỉ. Tại Diễn đàn, nhiều văn kiện hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên đã được ký kết trong lĩnh vực logistics và công nghệ thông tin. Đồng thời, VCCI và Liên minh Hữu nghị Bỉ – Việt đã ký Thỏa thuận hợp tác về việc xây dựng các dự án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hai bên thúc đẩy đầu tư, kinh doanh và cam kết vận động cho tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

+ Tọa đàm bàn tròn cấp cao doanh nghiệp Việt Nam – Đan Mạch: VCCI phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm tại Thủ đô Copenhaghen, Đan Mạch, với sự tham dự của 3 tập đoàn lớn của Việt Nam và 12 doanh nghiệp hàng đầu Đan Mạch đang có kế hoạch đầu tư và mở rộng hợp tác tại thị trường Việt Nam. Tại Tọa đàm, các doanh nghiệp bày tỏ quan tâm đến một số vấn đề như tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và khả năng tham gia của các nhà đầu tư Đan Mạch, việc quản lý nguồn nước và cấp nước sạch tại các đô thị và cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại… Nhân dịp này,VCCI đã ký Thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch về việc tăng cường hiệu quả hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, doanh nghiệp hai nước cũng ký kết một số biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như ứng dụng công nghệ, hàng hải, logistic…

+ Nhằm mục đích vận động giới nghị sỹ, cộng đồng doanh nghiệp và đối tác của VCCI thúc đẩy tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Chủ tịch VCCI đã chủ động có các buổi tiếp xúc, làm việc một số quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu như nhóm Nghị sỹ Hạ viện và Thượng viện Áo; Ủy ban Kinh tế, Năng lượng và Công nghiệp Áo, Thủ hiến vùng nói tiếng Pháp (Wallonia) và Văn phòng Thủ hiến vùng nói tiếng Hà Lan (Flanders) của Bỉ, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế - Nghị viện châu Âu.

- Diễn đàn Hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (P4G): Căn cứ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thông qua kết quả hợp tác kinh doanh với các đối tác Đan Mạch, với tư cách là một trong những thành viên của P4G tại Việt Nam, VCCI đã lựa chọn 30 lãnh đạo của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch, thương mại đầu tư, công nghệ cao tham dự Diễn đàn được tổ chức tại Thủ đô Copenhaghen, Đan Mạch. Các doanh nghiệp tham dự sự kiện, có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các đối tác Đan Mạch và các quốc gia châu Âu, thông qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất, xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

- Chủ tịch VCCI tham gia đoàn chính thức tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mê Kông – Nhật Bản lần thứ 10 tại Tokyo, Nhật Bản trong thời gian từ ngày 9-10/10/2018. Theo phân công của Thủ tướng, Chủ tịch VCCI đã tham dự Diễn đàn đầu tư Mê Kông - Nhật Bản do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) chủ trì, trao đổi và ký thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản Nippon Keidanren về việc phối hợp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh châu Á năm 2019 tại Việt Nam. Đồng thời, trong khuôn khổ chuyến đi, VCCI đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), Tổ chức Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản (SMRJ) và Liên đoàn các Phòng Thương mại Kyusyu nhằm triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hai bên trong quá trình hợp tác, phát triển kinh doanh tại Việt Nam và Nhật Bản, trước mắt thực hiện hai chương trình kết nối doanh nghiệp cho ngành phụ tùng ô tô và  thiết bị y tế vào tháng 1/2019.

- Lãnh đạo VCCI tham gia đoàn tháp tùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm chính thức Vương quốc Anh và Bắc Ai-len từ ngày 8-11/10/2018. Trong khuôn khổ chuyến đi, đại diện lãnh đạo VCCI đã tham dự và có bài phát biểu giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh tiềm năng của Việt Nam trong Diễn đàn Kinh tế Việt – Anh tổ chức tại Luân Đôn, Anh. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Quốc vụ khanh Thương mại quốc tế Vương quốc Anh và Bắc Ai-len Martin Hatfull đã tham dự và đồng chủ trì Diễn đàn. Tại sự kiện, VCCI và Hội đồng Thương mại UK – ASEAN (UKABC) đã ký thỏa thuận hợp tác về việc tăng cường triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai bên trong thời gian tới. VCCI và UKABC cũng đã có buổi làm việc nhằm trao đổi cụ thể về các khả năng hợp tác và kế hoạch phối hợp tổ chức các đoàn doanh nghiệp khảo sát thị trường hai bên trong năm 2019.

- VCCI đã tổ chức và phối hợp tổ chức một số hội nghị, hội thảo chuyên đề: Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về pháp luật lao động tại TP.HCM; Tọa đàm về vướng mắc trong thực thi pháp luật về hợp đồng và các vấn đề giải quyết tranh chấp ngoài tòa án tại Hà Nội và Đà Nẵng; Hội thảo “Thương hiệu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp” tại Hà Nội; Hội thảo khoa học “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: thực trạng, tiềm năng và thách thức” tại TP.HCM; Diễn đàn “Bảo vệ môi trường vì sự  phát triển bền vững của doanh nghiệp và cộng đồng” tại Hà Nội; Hội thảo “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Triển vọng và rủi ro đối với doanh nghiệp XNK” tại Vũng Tàu; Diễn đàn Doanh nhân nữ: Chìa khóa thành công trong kỷ nguyên số tại Hà Nội; Hội thảo Văn hóa doanh nghiệp thời kỳ 4.0; Hội thảo về cơ hội, thách thức đối với các DNNVV trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Thanh Hóa...

- VCCI đã tiến hành một số hoạt động xúc tiến đầu tư khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, tiếp cận các thị trường mới và thúc đẩy hợp tác, kinh doanh đối với các thị trường truyền thống như: Hội thảo hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam 2018 với chủ đề “Xuất xứ hàng hóa và thủ tục hải quan” tại TP. Hồ Chí Minh; Hội thảo chia sẻ thông lệ tốt về tuân thủ và nâng cao nhận thức về Hiệp định EVFTA liên quan đến các quy ước cốt lõi của ILO cho doanh nghiệp trong ngành công nghiệp đồ gỗ, dệt may, da giày tại TP.Hồ Chí Minh; Hội thảo “Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp – Các giải pháp nhằm phát huy nội lực trong kỷ nguyên số và Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP” tại Vũng Tàu; Tọa đàm tìm hiểu thị trường Ru-ma-ni tại Hà Nội; Hội thảo “Xúc tiến du lịch, thương mại và đầu tư Việt Nam – Nam Phi” tại Nha Trang…

- Tổ chức đoàn doanh nghiệp khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm về xây dựng chiến lược tiếp cận tín dụng hiệu quả và nâng cao năng lực quản trị tài chính tại thị trường Ý, Áo và Séc (2-12/2018); khảo sát cơ hội kinh doanh tại thị trường Australia & New Zealand, Đài Loan (13-19/10/2018)...

Về công tác đào tạo, phát triển doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế:

- Tổ chức 60 khóa đào tạo, tập huấn cho 2.800 doanh nghiệp về các chủ đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, thuế, hải quan và cập nhật văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên như: kỹ năng tiếp thị kỹ thuật số trực tuyến; tập huấn về hóa đơn điện tử và kỹ thuật điều chỉnh chênh lệch giữa thuế và kế toán; kỹ năng quản lý và lãnh đạo dành cho cán bộ quản lý cấp trung; kỹ năng giao tiếp và đàm phán trong kinh doanh; quản lý vật tư kho hàng; an toàn lao động và kiểm soát rủi ro tại nơi làm việc…

- Nhân dịp kỉ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, VCCI tổ chức chuỗi hoạt động tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước:

+ Hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước.

+ Tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh doanh nhân tiêu biểu khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2018. Tới dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố; đại diện các Sở, Ban ngành trong khu vực Duyên hải phía Bắc. Buổi lễ đã tôn vinh 30 doanh nhân tiêu biểu khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2018; truy tặng danh hiệu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu cho doanh nhân Bạch Thái Bưởi - "Vua tàu thủy Việt Nam".

+ Tổ chức Lễ tôn vinh “Doanh nhân vì cộng đồng ĐBSCL”; “Doanh nghiệp phát triển bền vững ĐBSCL”; “Doanh nhân tiêu biểu ĐBSCL năm 2018” và “Doanh nghiệp tiêu biểu ĐBSCL năm 2018”. Tại sự kiện, đã có 131 doanh nghiệp, doanh nhân từ 13 tỉnh/thành ĐBSCL được vinh danh, trong đó, có 35 doanh nghiệp đạt danh hiệu phát triển bền vững, 28 doanh nhân đạt danh hiệu doanh nhân vì cộng đồng; 29 doanh nhân được tăng danh hiệu doanh nhân tiêu biểu và 39 doanh nghiệp được tặng danh hiệu doanh nghiệp tiêu biểu khu vực ĐBSCL năm 2018.

- VCCI bảo trợ cho giải thưởng “Asia Human Resource Development Awards 2018” (HRD) do Tập đoàn SMR Malaysia và công ty Anphabe phối hợp tổ chức. Đây là giải thưởng quốc tế uy tín, ra đời từ năm 2003, đã trao giải cho 250 cá nhân và tổ chức của 20 nước trên thế giới, đặc biệt ở châu Á. Lần đầu tiên giải thưởng HRD được tổ chức ở Việt Nam. Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân và tổ chức có đóng góp ý nghĩa vào hoạt động kinh doanh trong nước và quốc tế, đặc biệt đối với hoạt động nhân sự doanh nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, hỗ trợ cộng đồng.

- Phát hành Báo cáo khảo sát 500 doanh nghiệp thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng để phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tiếp cận tín dụng thông qua nâng cao năng lực quản trị và minh bạch hoạt động tài chính.

- Tiến hành khảo sát 450 doanh nghiệp thuộc khu vực Đông Nam Bộ để phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất các biện pháp tăng cường khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng góp phần phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

- Tiếp tục công tác xét duyệt hồ sơ của doanh nghiệp tham dự Bảng xếp hạng 100 doanh nghiệp bền vững năm 2018.

- Tiến hành các hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai Chương trình Nền kinh tế tuần hoàn: Triển khai các hoạt động tập huấn, nâng cao nhận thức với các đối tác tại thành phố Hồ Chí Minh với sáng kiến “Không xả thải vào thiên nhiên”, xây dựng kế hoạch hoạt động với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của Hoa Kỳ (US BCSD), hoàn thiện Đề cương nghiên cứu Kinh tế tuần hoàn 2018.

- Phát hành và hoàn thiện các ấn phẩm hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế: Cẩm nang Hướng dẫn kinh doanh với Việt Nam (bản tiếng Anh), Sổ tay CPTPP, Cẩm nang FTA về nông sản cho doanh nghiệp, Bản tin Tự do hóa thương mại Quý III/2018.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (Để đăng tải lên Website)

- Lưu VT, VP (TH).  
 

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong Tháng 10/2018 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2018 của Bộ Tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2018 của Bộ Xây dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2018 của Bộ Giao Thông Vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2018 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2018 của Bộ Thông tin và Truyền Thông (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2018 của Bộ Công Thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt nam (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2018 của Bộ Ngoại giao (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2018 của Bộ Y tế (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2018 của UBND tỉnh Phú Thọ (Tải về)