Mỹ sắp mất vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới

Theo một báo cáo mới nhất của công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia Standard Chartered có trụ sở ở London, đến năm 2030, 7 trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là các thị trường mới nổi.

Dự báo dài hạn cho thấy nền kinh tế Ấn Độ có khả năng lớn mạnh hơn Mỹ, trong khi nước láng giềng Trung Quốc được cho là sẽ soán vương miện nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới (hiện do Mỹ nắm giữ) ngay sau năm 2020. Đồng thời, Indonesia có thể lọt vào top 5 nền kinh tế lớn nhất.

“Ấn Độ có thể sẽ là người chơi chính, với xu hướng tăng trưởng lên đến 7,8% cho đến năm 2020, nhờ một phần vào những cải cách đang diễn ra, gồm việc áp dụng thuế hàng hoá và dịch vụ quốc gia (GST) và Bộ luật Phá sản Ấn Độ (IBC) - tờ Quartz dẫn báo cáo của Standard Chartered.

GST - một trong những cải cách thuế lớn nhất được Ấn Độ thực hiện, đã được triển khai vào năm 2017. Biện pháp này nhằm mục đích đơn giản hoá hệ thống thuế rườm rà của Ấn Độ. Trong khi đó, IBC, ra mắt năm 2016, củng cố luật phá sản và mất khả năng thanh toán.

Standard Chartered lưu ý, tình trạng dân số già đang có tác động đáng kể đến tăng trưởng toàn cầu, nhưng Ấn Độ, hiện đang là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, vẫn không bị ảnh hưởng, bởi nước này có nhóm dân số trẻ đông nhất thế giới. Gần một nửa dân số Ấn Độ dưới 25 tuổi.

“Khát vọng ngày càng tăng của người trẻ Ấn Độ sẽ tiếp tục hỗ trợ chủ nghĩa tiêu dùng trong nền kinh tế Ấn Độ” - báo cáo cho biết.

Standard Chartered cũng nói rằng Ấn Độ sẽ cần tạo ra 100 triệu việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu lớn về việc làm.

“Ấn Độ cần đào tạo khoảng 10 triệu người mỗi năm, nhưng hiện chỉ có khả năng đào tạo 4,5 triệu” - báo cáo viết.