Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Chồng chất khó khăn

DNNVV đang phải vật lộn với khó khăn để tồn tại trên thương trường. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế nhưng sức khỏe các khối doanh nghiệp (DN) này lại ngày càng yếu đi do phải đối mặt với quá nhiều khó khăn. Kết quả khảo sát trên 10.000 DNNVV do VCCI thực hiện trong năm 2014 cho thấy, đa phần DNNVV gặp khó khăn về tài chính. Cụ thể, nếu như 76% DN lớn của Việt Nam vay vốn được từ ngân hàng thì tỷ lệ này dành cho DN vừa là 72%, DN nhỏ 60% và DN siêu nhỏ chỉ ở mức 38%.

Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực từ việc bắt buộc có tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn phiền hà... mà DNNVV phải gánh chịu đều cao hơn DN lớn. DNNVV đang thiếu vốn trong việc triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng lại chậm và chưa đều khắp dẫn đến hầu hết DN đang tự thân vận động.

Cũng theo khảo sát của VCCI, DNNVV phải chi trả các chi phí không chính thức lên đến 10% doanh thu trung bình của một năm. Bên cạnh đó nhiều chính sách về sản xuất kinh doanh còn cũng còn gây khó khăn cho DN, nhiều chính quyền địa phương vẫn đang dành nhiều ưu đãi về hợp đồng và nguồn lực cho DN thân hữu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả đánh giá thái độ của chính quyền địa phương đối với khu vực tư nhân thì chỉ có 36% DN siêu nhỏ hài lòng, trong khi tỉ lệ này ở các DN lớn là nhiều hơn.

Một nghịch lý khác, theo ông Đậu Anh Tuấn là một số bộ, ngành đang đưa ra các điều kiện kinh doanh cho DN trong đó phần lớn cơ hội là dành DN lớn. Đơn của như điều kiện để được xuất khẩu gạo phải là DN có kho chứa hàng chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất một cơ sở xay xát... Hay DN muốn xuất nhập khẩu gas phải có cầu cảng thuộc; có kho tiếp nhận, có tối thiểu 40 đại lý kinh doanh gas... Với các điều kiện nêu trên thì khó có DN nhỏ và vừa nào có thể đáp ứng được.

Thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng 535.500 DNNVV. Khối này đóng góp khoảng 45% GDP, 31% vào tổng thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng DN nói chung, thu hút hơn 5 triệu việc làm... Thế nhưng DNNVV lại đang ở tình trạng “đói, khát” nhiều thứ.

Trước những khó khăn của DN về vốn, Luật sư Hoàng Văn Sơn cho rằng, DNNVV không thể lớn lên được, thậm chí còn teo tóp đi trong cuộc cạnh tranh không bình đẳng trên thương trường hiện nay. Do bản thân DN vừa mới bắt đầu hội nhập nên chưa có nhiều kinh nghiệm, tư duy kinh doanh theo kiểu tiểu nông nghiệp vẫn còn nặng nề. Song nguyên nhân chính là do trong một thời gian dài nhà nước ưu đãi cho các thành phần kinh tế khác làm cho DNNVV ốm yếu, không có động lực và điểm tựa để đi lên.

Nhận định về năng lực của khối DNVVN, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị DN cho rằng, trải qua hơn 40 năm, khối DN nhỏ và vừa đã có sự  phát triển mạnh mẽ về mặt số lượng nhưng về mặt chất lượng lại đang có vấn đề. Do vậy, điều cần làm hiện nay là phải đặt tiêu chuẩn chất lượng DNNVV lên hàng đầu vì hội nhập sâu rộng mà không có sức mạnh thì DN sẽ bị đánh bật ra khỏi cuộc chơi... Theo ông Dũng, để hỗ trợ các DN này nên phân biệt riêng hẳn 3 loại nhỏ, vừa, siêu nhỏ để đưa ra các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng.

Cùng chung quan điểm như trên, đại diện VCCI cũng cho rằng, DN càng bé hiệu quả kinh doanh càng kém, vì vậy việc Nhà nước cần làm hiện nay là phải đưa ra được các chính sách thông thoáng, bình đẳng tạo điều kiện hơn nữa để DNNVV có cơ hội phát triển như các thành phần kinh tế khác.

 Nguyễn Huế
 (Báo hải quan)