Lãi suất âm: Công cụ mới hay mối lo mới?

 Lãi suất âm: công cụ mới hay mối lo mới?

Ảnh: blogs.cfainstitute.org

Trong bối cảnh các chương trình nới lỏng định lượng dường như đã mất đi sức mạnh “mê hoặc” thị trường, và nhiều quốc gia không thể hoặc không sẵn sàng tăng chi tiêu, các ngân hàng trung ương cảm thấy áp lực cần phải thử sử dụng những công cụ mới.

Thụy Điển, Thụy Sỹ, Đan Mạch, khu vực Đồng tiền chung Châu Âu và gần đây nhất là Nhật Bản với quy mô kinh tế tương đương với 1/4 nền kinh tế toàn cầu đã áp dụng chính sách lãi suất âm với mục đích chống giảm pháp và kích thích tăng trưởng. Nhiều nhà kinh tế cho rằng có thể Cục Dự trữ liên bang Mỹ cũng sẽ áp dụng chính sách này mặc dù vừa đưa ra quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006 vào tháng 12/2015.

Thị trường đã luôn “chào đón” tất cả những chích sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, tuy nhiên, hiện này ngày càng thể hiện sự lo sợ với chính sách lãi suất âm.

Một vài nhà đầu tư và nhà phân tích lo sợ rằng động thái này là một dấu hiệu đáng báo động về sức mạnh quyền lực ngày càng sụt giảm của các ngân hàng trung ương và các “vũ khí” mới có thể tiềm tàng nguy hiểm.

Các nhà hoạch định chính sách có vẻ đang đánh giá quá thấp các rủi ro kinh tế, Scott Mather, một trong những giám đốc đầu tư của Pimco cho biết. Thị trường tài chính đang ngày càng nhìn nhận việc áp dụng chính sách này như những động thái thử nghiệm trong tuyệt vọng và hậu quả là sẽ gây tổn hại đến ổn định kinh tế và tài chính.

Ngân hàng Riksbank của Thụy Điển là ngân hàng đầu tiên thử nghiệm chính sách lãi suất âm. Việc áp dụng lãi suất âm đã gây ra nhiều lo ngại, nhưng sau đó, nền kinh tế đã phục hồi và Riksbank nhanh chóng bắt đầu nâng lãi suất.

Váo tháng 6/2014, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), theo chân Riksbank đã đưa ra mức lãi suất âm, thu phí đối với các khoản tiền gửi của các ngân hàng tại ngân hàng trung ương. Đây được coi là một biện pháp để “kéo dài thời gian” và giúp chống giảm phát trong khi chủ tịch của ECB, Mario Draghi, chuẩn bị cho chương trình nới lỏng định lượng.

Tiếp sau đó là Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ đưa ra lãi suất âm trong nỗ lực bảo vệ đồng tiền so với đồng euro. Ngân hàng Trung ương Đan Mạch vào đầu năm 2015 cũng đã buộc phải cắt giảm lãi suất xuống -0,75%. Vào cuối tháng 2, ngân hàng Riksbank thêm một lần nữa phải áp dụng chính sách lãi suất âm sau khi lạm phát “cứng đầu” ở dưới mức 0%.

Gần đây nhất,vào tháng 1, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, đã buộc phải áp dụng biện pháp này sau khi gói nới lỏng định lượng như một phần trong gói kích thích kinh tế của Thủ tướng Abe đã thất bại trong việc sốc lại nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ.

Về mặt lý thuyết kinh tế, lãi suất âm sẽ khuyến khích ngân hàng cho vay rẻ hơn và người tiết kiệm sẽ chi tiêu nhiều hơn, hạn chế dòng tiền từ nước ngoài và đẩy đồng nội tệ xuống thấp.

Các nhà kinh tế cho rằng người dân sẽ có xu hướng giữ tiền mặt thay vì chứng kiến tiền của mình dần dần bị “ăn mòn” bởi lãi suất âm.

Tuy nhiên, mức lãi suất âm có thể giảm đến mức nào? Theo JPMorgan, các ngân hàng trung ương về mặt lý thuyết có khả năng hạ mức lãi suất xuống -1,3% ở Mỹ, -2,7% ở Anh, -3,45% ở Nhật Bản và -4,5% ở khu vực Eurozone. JPMorgan cũng cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy những thử nghiệm bước đầu đã dẫn đến việc ồ ạt nắm giữ tiền mặt.

Các nhà kinh tế của JPMorgan cho rằng chính sách lãi suất âm có thể là một công cụ tiền tệ hữu hiệu mới. Những tín hiệu từ phía các nhà hoạch định chính sách về việc sẵn sàng chủ động đưa ra mức lãi suất âm có thể giúp hạ lãi suất trên thị trường.

Trên thực tế, lãi suất âm đã được áp dụng trong vài tháng qua và thị trường tài chính vẫn chưa sụp đổ. Lo lắng nhất chính là khi tiền bắt đầu chảy ra khỏi ngân hàng và ở nguyên trong “két sắt”. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không được lưu thông và không sinh ra tiền.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng lãi suất âm sẽ không kích thích nền kinh tế thông qua làm mất giá đồng nội tệ. Các chuyên gia của Deutsche Bank đã so sánh chính sách này với “vũ khí phá hủy hàng loạt” vì sẽ châm ngòi cho chiến tranh tiền tệ. Deutsche Bank cho rằng các ngân hàng trung ương cần phải tim ra một “vũ khí” mới tốt hơn.

Một vài nhà đầu tư và chuyên ra cho rằng khía cạnh nguy hiểm nhất của chính sách lãi suất âm chính là đây là tín hiệu rằng ngân hàng trung ương đang tuyệt vọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và chống giảm phát. Thêm một lo ngại nữa là Mỹ có thể áp dụng chính sách này. Theo tính toán của Bank of America Merrill Lynch, khả năng Mỹ có thể đưa ra mức lãi suất âm vào năm 2017 lên tới 30%./.

Mai Linh (Thời báo tài chính Việt nam)