Kinh tế tuần hoàn và trách nhiệm của doanh nghiệp

Các diễn giả tại cuộc đối thoại báo chí về kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Quốc Tuấn

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Chủ tịch Hội đồng Vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam (VBCSD), trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, cũng như yêu cầu tất yếu cần thực hiện các hiệp định thương mại tự do, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã cam kết cùng cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường... kinh tế tuần hoàn được xác định là giải pháp tối ưu hướng đến một nền kinh tế xanh,  tăng trưởng kinh tế hài hòa cùng lợi ích xã hội và môi trường.

Đặc biệt, trong xu hướng hiện nay, cơ hội về phát triển bền vững mở ra cho các doanh nghiệp là rất lớn, ước tính đạt khoảng 12 tỷ USD/năm theo ước tính của các tổ chức quốc tế; trong đó, riêng cơ hội về kinh tế tuần hoàn là khoảng 4,5 tỷ USD/năm.

Ông Vinh cho biết thêm, theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn. Vì thế, theo nhận định của Liên Hiệp quốc, nếu tiếp tục không có biện pháp ngăn chặn thì đến năm 2030, ở ngoài biển khơi sẽ có nhiều nhựa, sắt, thép, vật liệu xây dựng...

Do đó, ông Vinh cho rằng, các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung luôn phải đứng trước việc làm sao vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh, hiệu quả của các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, với việc duy trì, bảo vệ và gìn giữ môi trường. Và kinh tế tuần hoàn chính là lời giải.

"Doanh nghiệp Việt Nam cần hành động nhiều hơn nữa để hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030. Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững hơn cho Việt Nam; trong đó, có vai trò to lớn của doanh nghiệp", ông Vinh nhấn mạnh.  

Đồng quan điểm, chuyên gia cao cấp về kinh tế tuần hoàn (Sitra) Ernesto Hartikainen chia sẻ, Phần Lan đang có nhiều dự án phục vụ đời sống cộng đồng và nền kinh tế bền vững. Hiện Chính phủ Phần Lan đang dặt mục tiêu xác định đến 2035 là sẽ là quốc gia có nền cacbon trung tính. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chú ý tới một nền kinh tế không chỉ sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà cần vận hành trên nguyên liệu tái tạo, sau đó lan truyền, nhân rộng tạo sinh khối tốt hơn, sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả hơn. 

Rác thải chủ yếu đến từ sản xuất hàng ngày. Mô hình tuyến tính chúng ta đã quen nên có nhiều hậu quả với môi trường. Thay vào đó cần sử dụng nền kinh tế tuần hoàn, đảm bảo vật liệu được sản xuất và sử dụng sau đó tái sử dụng, hết vòng đời vẫn được tái tạo”, ông Ernesto khẳng định.

Ông Ernesto cũng thông tin thêm, hiện nay, nền kinh tế tuần hoàn ở Phần Lan thu hút cả khu vực tư và công. Năm 2016, Phần Lan tập hợp các bộ, ngành, doanh nghiệp tập hợp lại xây dựng lộ trình. Khi sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp, đều cho ra nhiều chất thải có thể sử dụng để chế tạo nguyên liệu thô khác.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò đặc biệt quan trọng của khối truyền thông - báo chí trong việc nâng cao và thay đổi nhận thức của toàn xã hội, giúp sớm hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững, năm 2018, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) đã thành lập Mạng lưới báo chí về phát triển bền vững (PTBV) và tổ chức các khóa tập huấn liên quan dành riêng cho các cơ quan truyền thông.

Theo Cẩm Anh(báo Diễn Đàn Doanh nghiệp)