Bộ Công thương 'trần tình' về lùm xùm thị trường thép

Giá thép sẽ tiếp tục tăng nhẹ

Theo Bộ Công thương, ngành sản xuất trong nước đã và đang hứng chịu thiệt hại từ việc nhập khẩu gia tăng, đặc biệt là với các DN sản xuất phôi thép. Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2016, lượng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến. Đặc biệt, nhập khẩu phôi thép tháng 1/2016 là 339,768 tấn, tăng 231,83% so với tháng 1/2015. Giá phôi thép nhập khẩu bình quân trong tháng 1/2016 là 269 USD/Tấn, giảm 67,6% so với cùng kỳ 2015.

Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, với tốc độ này, lượng nhập khẩu phôi thép cả năm 2016 vào Việt Nam sẽ lên tới 4-5 triệu tấn trong năm 2016, gần bằng với lượng sản xuất trong nước năm 2015. Dưới tác động của lượng nhập khẩu quá lớn đó, các nhà máy sản xuất phôi thép còn lại của Việt Nam sẽ không chỉ tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng như trong năm 2015 mà có thể sẽ phải đóng cửa ngay.

Bộ Công thương cho biết, lượng sản xuất năm 2015 chỉ tăng hơn 1% so với năm 2014 trong khi con số này của năm trước là gần 10%. Công suất sử dụng của ngành phôi thép giảm từ gần 60% năm 2014 xuống còn dưới 50% năm 2015.  

Sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp dụng thuế tự vệ tạm thời, giá thép trong nước cũng như nhập khẩu đều gia tăng. Về vấn đề này, Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, việc giá phôi thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng 100USD/tấn là do giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng vào thời gian này dẫn đến việc giá thép trong nước tăng theo.

Bộ Công thương nhận định, trong thời gian tới, giá thép dài và phôi thép sẽ tăng ở một mức độ nhất định để đảm bảo lợi nhuận hợp lý của ngành sản xuất trong nước. Điều này là phù hợp với mục tiêu của biện pháp tự vệ và để giảm bớt thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Không có chuyện "găm hàng" để tăng giá

Trước tin đồn một số DN đầu cơ thao túng, chi phối thị trường thép, Bộ Công thương khẳng định, xem xét mức độ tập trung trên thị trường, mức độ tồn kho hàng hoá và tỷ lệ sử dụng công suất toàn ngành hiện nay, khả năng các DN thép lợi dụng chính sách thuế tự vệ để chi phối thị trường và tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng là khó xảy ra.

Bên cạnh đó, mấy ngày qua, cũng có ý kiến cho rằng, khoảng thời gian 15 ngày kể từ khi quyết định được ban hành đến khi có hiệu lực là khoảng thời gian các DN tranh thủ nhập khẩu, đầu cơ tích trữ hàng. Về vấn đề này, theo Bộ Công thương, thời gian này không đủ để hàng hoá có thể được bốc xếp tại cảng đi ở nước ngoài và kịp làm thủ tục thông quan tại cảng đến ở Việt Nam.

thep 

 Giá thép sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ảnh: TL

Đối với các ý kiến cho rằng có hiện tượng các DN găm hàng chờ tăng giá, Bộ Công Thương cho rằng đây có thể là hiện tượng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn do tâm lý tích trữ của các nhà nhập khẩu và các DN tiêu thụ thép trên thị trường.

Tuy nhiên, với lượng tồn kho lớn của các DN sản xuất thép hiện nay và việc ngành thép của Việt Nam đang hoạt động ở mức khoảng 50% công suất thiết kế (có thể dễ dàng gia tăng sản lượng khi thị trường có tín hiệu tích cực) thì hiện tượng này sẽ sớm chấm dứt.

Áp thuế tự vệ không chỉ mang lợi ích cho số ít DN

Lý giải cho ý kiến về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài chỉ mang lại lợi ích cho vài DN đang nắm thị phần lớn hiện nay trên thị trường, không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho rằng: Với thuế tự vệ tạm thời là 23,3% cho sản phẩm phôi thép và 14,2% cho sản phẩm thép dài sẽ giúp bảo vệ tạm thời các DN sản xuất phôi thép và cả các DN sản xuất sản phẩm thép dài trong nước.

Bên cạnh đó, trên thị trường thép hiện nay không có DN nào chiếm vị trí thống lĩnh thị trường (từ 30% thị phần trở lên). Đối với sản phẩm phôi thép, trên thị trường có 14 DN lớn với lượng sản xuất chiếm gần 73% thị phần (trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 25% thị phần) và hàng trăm DN nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 27% thị phần. Chỉ số HHI của thị trường phôi thép là 1.390, xếp vào loại thị trường tập trung ở mức độ vừa phải.

Ngoài ra, đối với sản phẩm thép dài, trên thị trường có 21 DN lớn với thị phần chiếm gần 93% (trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 20% thị phần) và hàng chục DN nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 7% thị phần. Chỉ số HHI của thị trường thép dài là 741, xếp vào loại thị trường không mang tính tập trung.

Bộ Công thương cũng cho biết thêm, sau khi khởi xướng điều tra đã nhận được công văn của 7 nhà sản xuất thép dài trong nước từ phôi nhập khẩu đề nghị loại bỏ mặt hàng phôi thép ra khỏi phạm vi điều tra với lý do chưa đủ tính pháp lý để áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm này.

Về việc này, vào tháng 4 tới, Bộ sẽ làm việc trực tiếp với 7 DN trên để làm rõ cơ sở, lập luận của các DN đối với kiến nghị loại bỏ phôi thép ra khỏi phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ và sớm đưa ra báo cáo cuối cùng.

Hôm nay, ngày 22/3 là ngày Quyết định áp dụng thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu chính thức có hiệu lực, DN trong nước kỳ vọng, động thái bảo vệ này sẽ tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thép Việt "trỗi dậy" giành lại vị trí của mình tại "sân chơi" nội địa./.

Tố Uyên (Thời báo tài chính Việt nam)