Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi)

Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải cho biết, Luật Đường sắt 2005 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2006. Lần đầu tiên, hoạt động giao thông vận tải đường sắt có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, bước đầu đã góp phần tích cực trong việc điều chỉnh mọi hoạt động giao thông vận tải đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia kinh doanh đường sắt. Mặt khác đã tạo ra một khung pháp lý phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đường sắt mà trước đây chưa có.

Luật Đường sắt 2005 cùng các văn bản hướng dẫn bước đầu đã thể hiện được tư duy mới trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đường sắt, phân định rõ công tác quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải; đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử trong hoạt động đầu tư và kinh doanh đường sắt.

Tuy nhiên, qua thực tế thi hành Luật Đường sắt 2005 đã bộc lộ một số những tồn tại bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động.

Từ năm 2006 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 và 14 luật, pháp lệnh trong đó có những quy định liên quan đến một số nội dung trong Luật Đường sắt 2005. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh một số nội dung đã quy định của Luật Đường sắt 2005 để phù hợp với nội dung Hiến pháp 2013 và các luật, pháp lệnh mới ban hành.

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Đường sắt 2005 quá chi tiết, cụ thể mang tính kỹ thuật chuyên ngành thuần túy cần được chỉnh sửa chuyển thành các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật để phù hợp với thực tiễn và linh hoạt trong quá trình thực thi. Một số nội dung Luật Đường sắt 2005 đã quy định nhưng chưa triển khai thực hiện được như: Quy định về chính sách phát triển đường sắt; trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt; kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư... Một số quy định của Luật chưa phù hợp, cần sửa đổi như: Quy định về giải thích từ ngữ; các hành vi bị nghiêm cấm; quản lý đất dành cho đường sắt; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt…

Ngoài ra, một số nội dung chưa được quy định trong Luật Đường sắt 2005 cần phải bổ sung phù hợp với thực tiễn như: Ưu đãi trong hoạt động đường sắt; quy định nội dung công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt; quản lý Nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; quy định về tải trọng, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ; quy định niên hạn sử dụng đối với phương tiện giao thông đường sắt; đường sắt tốc độ cao...

Bộ Giao thông vận tải đã dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) gồm 9 chương, 93 điều. Bên cạnh những quy định chung, Bộ đã đề xuất những quy định cụ thể về kết cấu hạ tầng đường sắt; phương tiện giao thông đường sắt; nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt...

Đặc biệt, Luật Đường sắt 2005 chưa có quy định về loại hình đường sắt tốc độ cao. Để có cơ sở và căn cứ pháp lý khi đầu tư xây dựng loại hình đường sắt này, dự thảo đã đề xuất một chương quy định về loại hình này.

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Tuệ Văn(Báo chính phủ)