Hài hòa lợi ích khi áp thuế chống bán phá giá

 

(Ảnh minh họa)
 

Sử dụng công cụ áp thuế chống bán phá giá là nhằm chống cạnh tranh không lành mạnh theo nguyên tắc thị trường, bảo vệ sản xuất nội địa. Chính sách này sẽ mất ý nghĩa, nếu không nói là phản tác dụng, khi vừa không thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội, lại vừa làm tăng giá và nhất là làm tăng tiêu thụ hàng ngoại nhập trên thị trường trong nước.

Ngay sau Quyết định được đưa ra, xuất hiện tình trạng tích trữ, găm hàng và đẩy giá thép lên cao chóng mặt, giá giao dịch phôi thép và thép phế liệu đều tăng khoảng 20% so với đầu tháng 1-2016. Đặc biệt, nhiều cửa hàng đổ xô mua hàng tích trữ, chủ yếu là các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Lợi ích của tiêu thụ thép nội địa chưa rõ, trong khi mở rộng cửa tiêu thụ cho thép ngoại…

Theo thông lệ chu kỳ kinh doanh, nhu cầu thép gắn với mùa xây dựng và thường đẩy cao trong quý I đầu năm. Hơn nữa, do thị trường bất động sản trong nước đang hồi phục, nên trong hai tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015, tổng bán hàng thép các loại tăng hơn 100%, trong đó thép xây dựng tăng 56,5%. Việc tăng giá thép xây dựng thời điểm này đã mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp thép, nhưng gây thiệt hại trực tiếp cho người mua, có thể làm trục trặc các hợp đồng xây dựng dựa trên giá thép cũ và gây áp lực cho kiểm soát lạm phát chung thời gian tới…

Thực tế cho thấy, cùng với việc lựa chọn đúng mức thuế, thời điểm và độ dài thời gian áp thuế trong khi sử dụng thuế chống bán phá giá, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chức năng với các hiệp hội và ngành. Mặt trái tăng giá và nhất là tăng tiêu thụ thép ngoại nêu trên của việc áp thuế chống bán phá giá sẽ chỉ được kiểm soát, khi các doanh nghiệp thép chủ động được kế hoạch đáp ứng nhu cầu trong nước với số lượng, chất lượng và giá cả cạnh tranh. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu và xu hướng cân đối cung - cầu thị trường, cũng như cung cấp thông tin thị trường đầy đủ để ngăn chặn tình trạng tích hàng, đầu cơ, lũng đoạn giá, giảm thiểu tình trạng tăng giá kiểu “té nước theo mưa”,…

Các cơ quan chức năng, hiệp hội và doanh nghiệp cần tiếp tục đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn để có kết luận cuối cùng; từ đó, rút kinh nghiệm áp dụng thuế tự vệ chống bán phá giá chủ động và có hiệu quả cao hơn, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ thép, cũng như cho các mục tiêu quản lý vĩ mô khác…

Theo TS. NGUYỄN MINH PHONG(Nhân dân)