Doanh nghiệp kỳ vọng vào sân chơi bình đẳng

Chia sẻ với báo chí bên lề Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước được tổ chức ngày 29/4 tại TPHCM do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, các doanh nhân kỳ vọng thời gian tới Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Các DN cho rằng, thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành cần phải rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật, tạo tính thống nhất, đồng bộ, có như vậy, mới tạo được môi trường thuận lợi cho DN.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh cho rằng, hiện nay, các quy định pháp luật chưa đồng bộ, chưa thật sự tạo ra được môi trường tốt. Mặc dù quá trình thực thi ở cấp quốc gia các lãnh đạo rất "nóng ruột", nhưng xuống đến địa phương và cơ quan thực thi thì dần dần các chủ trương lớn đó bé dần, bé dần đi. DN không được hưởng lợi nhiều từ các quan điểm lớn, quan điểm tầm quốc gia mà phụ thuộc quá nhiều vào hành xử của đội ngũ công chức, viên chức, vào chính các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến DN gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, ông Ngân cho rằng bộ máy “cồng kềnh” và đồng lương thấp sẽ là rào cản lớn tạo ra được động lực để công chức, viên chức có cách nghĩ là phải tạo được một cơ chế về mặt quản lý nhà nước mang tính hỗ trợ phát triển, để chuyển từ mô hình quản trị sang một mô hình kiến tạo phát triển.

 

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Ảnh: VGP/Lê Anh

Chia sẻ về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam kỳ vọng tới đây, Chính phủ tiếp tục mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính không chỉ bằng hô hào, chỉ đạo chung mà phải đưa ra được cách thức cụ thể và thực hiện.

Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cũng mong muốn 100% các thủ tục dịch vụ hành chính công do các cơ quan nhà nước cung cấp cho DN và người dân phải là trực tuyến, để việc đầu tiên là không để tiếp cận giữa người cung cấp dịch vụ hành chính với người dân và DN, qua đó giảm tình trạng xin cho.

Bên cạnh đó, theo ông Nam, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ ra đời sớm chừng nào thì sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn cho DN. Luật ra đời được kỳ vọng sẽ gần như tháo gỡ toàn diện các khó khăn cho DN vì Luật được xây dựng trên cơ sở những khó khăn tồn tại cần phải tháo gỡ cho khu vực DN này, luật hóa những văn bản văn minh, hiện đại nhất, về chính sách pháp luật đối với khu vực này.

Ông Nam kỳ vọng, các quy định trong Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là một biểu hiện rõ ràng nhất của Nhà nước đang chuyển tư duy từ hình thức quản lý sang hình thức phục vụ.

Phân bổ nguồn lực hợp lý tạo sân chơi bình đẳng

Chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng: “Thông điệp của Thủ tướng là tập trung cho sự phát triển của cộng đồng DN. Ở đây có một từ rất là mới, rất là rõ đó là DN Việt Nam. Ở đây thể hiện sự bình đẳng của 3 loại hình doanh nghiệp trước đây chúng ta hay nói có vẻ không bình đẳng lắm đó là DN nhà nước, DN FDI và DN tư nhân trong nước và bây giờ gọi chung là DN Việt Nam. Có nghĩa là tất cả DN có sân chơi bình đẳng, để tạo ra một cách tiếp cận mới, cách nhìn mới, đây là bước khởi đầu rất đáng ghi nhận”.

TS. Huỳnh Thế Du. Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo TS. Huỳnh Thế Du, trong thời gian qua, nền kinh tế có gặp “trục trặc” trong đó có nguyên nhân của “sân chơi” không bình đẳng, vấn đề phân bổ nguồn lực không được hợp lý, một số ít đối tượng được phân bổ nguồn lực nhiều nhưng đầu tư không hiệu quả, gây ra trục trặc, bóp méo động cơ phát triển của nền kinh tế.

Chính vì vậy việc quan trọng nhất đối với Chính phủ trong thời gian tới là làm thế nào tạo được sân chơi bình đẳng, phân bổ nguồn lực hợp lý cho các đối tượng trong nền kinh tế.

Chính phủ muốn là người đồng hành cùng doanh nghiệp thì Chính phủ là người thiết kế chính sách, tạo sân chơi bình đẳng, để cho DN tự tổ chức hoạt động kinh doanh, cạnh tranh.

TS. Du nhấn mạnh, Chính phủ phải tạo ra cơ chế thị trường, thể chế thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn để DN có thể dự đoán được điều gì có khả năng xảy ra, hoạch định kế hoạch phát triển. Đây là sự đồng hành quan trọng nhất, chứ không phải đồng hành theo cách hiểu trong một thời gian rất dài là Chính phủ phải hỗ trợ cái này, cái kia.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tôn Hoa Sen chia sẻ: “Với sự quan tâm rất lớn của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cùng sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nhân, tôi tin rằng chúng ta sẽ có sự thay đổi. Nhưng để đạt được mục đích thực sự để hội nhập thành công, cộng đồng DN phải nỗ lực hơn, với lòng tự tôn dân tộc để dẫn dắt nền kinh tế phát triển hội nhập thành công”.

Theo Lê Anh(Báo chính phủ)