Cắt giảm thuế không ảnh hưởng nhiều tới tổng thu ngân sách

trang 6
Theo dự kiến, tổng khối lượng hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng cao khi Việt Nam thực hiện cắt giảm hàng loạt dòng thuế về 0%

Cơ hội cho sự phát triển đã thấy rõ khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ, tuy nhiên, việc thực hiện các FTA tác động ra sao tới thu ngân sách của Việt Nam trong thời gian tới đang là một vấn đề được quan tâm.

Tỷ trọng thu thuế xuất nhập khẩu/GDP giảm

Theo đúng lộ trình đặt ra,  đến cuối năm 2014, Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế xuống 0% (chiếm 72% tổng số dòng thuế trong Biểu thuế xuất nhập khẩu). Để tiếp tục triển khai lộ trình cắt giảm thuế quan giai đoạn 2015 - 2018 thực hiện ATIGA, Bộ Tài chính đã công bố Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam.

Theo đó, từ ngày 1/1/2015, Việt Nam đã cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0% theo cam kết ATIGA. Như vậy, chỉ còn khoảng 7% dòng thuế, tương đương 687 mặt hàng được xem là nhạy cảm theo thỏa thuận với ASEAN chưa cắt giảm ngay về 0% trong năm 2015 mà thực hiện dần đến năm 2018 và 3% số dòng thuế của biểu ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan.

Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể lộ trình cắt giảm thuế đối với 7% số mặt hàng nhạy cảm trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018.

Đánh giá về tình hình thu ngân sách, tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xem xét tình hình kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015 và kế hoạch năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã cho biết, tỷ trọng thu ngân sách/GDP thời gian qua có xu hướng giảm, chủ yếu do tỷ trọng thu từ dầu thô, thu từ xuất nhập khẩu vào tổng thu cân đối ngân sách nhà nước giảm qua các năm.

Trong đó, thu từ xuất nhập khẩu, tỷ lệ giảm từ bình quân 5,9% GDP và 20,7% tổng thu giai đoạn 2006 - 2010 xuống 3,4% GDP và 17,5% tổng thu cân đối trong dự toán năm  2016, do hàng năm chúng ta phải liên tục cắt giảm thuế theo các cam kết hội nhập.

Theo thống kê năm 2015, tổng số thu từ thuế xuất nhập khẩu  do ngành Hải quan thực hiện được 261.772 tỷ đồng, (trong đó riêng số thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đạt 152.272 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu là do các hiệp định thương mại tự do đi vào giai đoạn giảm thuế nhập khẩu sâu rộng, đồng thời một số mặt hàng được chuyển từ đối tượng chịu thuế GTGT là 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT, một số mặt hàng chủ yếu là các sản phẩm trồng trọt, phân bón, thức ăn gia súc, tàu đánh bắt xa bờ, máy móc, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, đến hết tháng 4/2016, số thu  xuất nhập khẩu mới đạt 33,4% dự toán. Con số này chịu nhiều tác động từ việc Việt Nam thực hiện đúng lộ trình các FTA.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, Bộ Tài chính cho rằng, cắt giảm thuế cũng sẽ dẫn tới việc thúc đẩy gia tăng kim ngạch thương mại. Các mặt hàng nhập khẩu được giảm thuế sẽ có số lượng nhập khẩu gia tăng,  dẫn đến tăng số thu thuế GTGT. Nếu xét cả khía cạnh này thì tác động của việc cắt giảm thuế đối với số thu ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ không đáng kể.

Chuyển từ thuế gián thu sang trực thu

Ý kiến từ nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh thu NSNN khó khăn như hiện nay, việc giảm thuế nhập khẩu theo các FTA tuy có ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN, nhưng không tác động mạnh mẽ, không đáng lo ngại.

Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng thu NSNN từ thuế xuất nhập khẩu trên tổng thu NSNN năm sau so với năm trước tuy có xu hướng giảm nhưng giá trị tuyệt đối của thu NSNN từ thuế XNK và tổng thu NSNN vẫn tăng dần với tốc độ khác nhau qua các năm. Điều này cho thấy, đóng góp từ nguồn thu của thuế XNK không tác động nhiều đến tổng thu NSNN. Nguyên nhân do tỷ trọng thu từ thuế giảm nhưng có sự bù đắp của các nguồn thu khác nên vẫn bảo đảm tổng thu NSNN tăng đều qua các năm. Diễn biến này phù hợp với xu hướng hội nhập khi các rào cản thuế quan đang dần được xóa bỏ.

Theo đại diện lãnh đạo Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, để đảm bảo thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, giảm thiểu những tác động bất lợi do quá trình cắt giảm thuế, hệ thống thuế Việt Nam cần điều chỉnh về một số chính sách thuế nội địa theo  xu hướng chuyển dần từ thuế gián thu (là loại thuế được cộng vào giá, là một bộ phận cấu thành của giá cả hàng hóa)  sang thuế trực thu (là loại thuế thu trực tiếp vào khoản thu nhập, lợi ích thu được của các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân.

Việc điều chỉnh này không trực tiếp nằm trong nội dung cam kết với ASEAN nhưng sẽ giúp hệ thống thuế Việt Nam phù hợp với các thông lệ quốc tế, đơn giản hóa và minh bạch hóa hệ thống thuế, đồng thời xác định mức động viên hợp lý, đảm bảo số thu cho ngân sách. 

“Trong  xu thế hội nhập, Bộ Tài chính đã triển khai điều chỉnh một số chính sách thuế nội địa để đảm bảo 2 mục đích là vừa sức dân và đảm bảo số thu cho NSNN. Theo đó, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% theo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp;  điều chỉnh tăng hoặc giảm thuế suất của nhiều mặt hàng trong biểu thuế tiêu thụ đặc biệt”… - Đại diện lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế cho biết.
Theo Khánh Huyền(Thời báo tài chính Việt nam)