Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn loay hoay tìm… đầu ra

Trong Hội thảo - triển lãm kết nối cung cầu ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam do Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (17/6) tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp cho rằng: lĩnh vực này còn hoạt động theo kiểu tự phát, manh mún, thiếu sự đầu tư đồng bộ, thiếu chuyên môn hóa nên hiệu quả chưa cao.

Các đại biểu dự hội thảo phân tích cụ thể tình hình công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô còn kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, chỉ ở mức 10% đối với xe du lịch, trên 30% đối với xe tải và trên 40 % đối với xe khách. Hiện chỉ có vài nhà sản xuất trong nước có thể tham gia mạng lưới cung cấp cho công nghiệp hỗ trợ ô tô.

Mặc dù được xác định là ngành cần được thúc đẩy nhưng thực tế ô tô vẫn là ngành hàng chịu thuế nhập khẩu khá cao, một chính sách khác không ổn định, tác động tiêu cực đến sự phát triển. Các ngành như: cơ khí - chế tạo máy, điện tử, công nghệ thông tin, bán dẫn... doanh nghiệp vẫn đang loay hoay để tìm đầu ra, tìm cách tham gia chuỗi cung ứng thiết bị phụ trợ và tìm hướng đi riêng cho mình.

Hiện nay, các ngành này vẫn phụ thuộc vào hơn 70% nguyên liệu nhập khẩu. Trước những khó khăn này, một loạt chính sách ưu đãi, khuyến khích đã được đưa ra để kích cầu đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - Samco cho rằng: “Chính phủ đã nhận diện vấn đề này từ lâu và cũng đã tập trung soạn thảo ban hành luật doanh nghiệp nhỏ và vừa và tất cả những chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp. Tôi tin tưởng rằng với những chính sách và những thủ tục cải cách hành chính mới và điều này dường như là nguồn sinh khí mới để các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực để phát triển hướng hội nhập./.

Theo Vinh Quang/VOV