Nhìn nhận thị trường ngoại hối sau Brexit

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, nước Anh chưa phải là đối tác chiếm tỉ trọng cao trong thương mại và đầu tư với Việt Nam. Tuy nhiên, về dài hạn, chúng ta vẫn cần rà soát thận trọng mọi yếu tố, trong đó lưu ý đến các tác động gián tiếp như vấn đề giá trị đồng tiền các nước đối tác liên quan, vấn đề tỉ giá… 

Về lâu dài, việc Anh rời EU có thể sẽ gây sự biến động tới xuất-nhập khẩu, thuế suất, vì  EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Nếu kinh tế EU suy yếu sau “cú sốc” này, có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU.

Trong một diễn biến liên quan, theo dự báo của khối nghiên cứu kinh tế thuộc Ngân hàng HSBC vừa công bố về triển vọng thị trường ngoại hối nói chung khi Anh rời EU thì tỉ giá GBP (đồng bảng Anh)/USD sẽ giảm về 1,25 vào cuối quý III và còn 1,20 vào cuối năm 2016. Lý do là tình trạng bất ổn sẽ vẫn kéo dài đến cuối năm, nên cần hết sức lưu ý những tác động gián tiếp (như vấn đề giá trị đồng tiền).

Cho rằng đồng EURO cũng sẽ chịu tác động tiêu cực nên HSBC hạ dự báo tỉ giá EURO/USD vào cuối năm 2016 từ mức 1,2 xuống 1,1. Tỉ giá EURO/GBP được dự đoán sẽ ở mức 0,92 vào cuối năm 2016 so với mức dự kiến 0,75 trước đây, còn tỉ giá USD/JPY vào cuối năm nay sẽ giảm từ 115 xuống mức 95.

Theo HSBC, việc nước Anh rời EU sẽ khiến hành vi “đầu tư an toàn” (risk off) lan rộng khắp các thị trường.

Chỉ số “Risk On – Risk Off” (RORO - đầu tư theo mức độ chấp nhận rủi ro) của HSBC đã tăng cao trong vài tháng gần đây, nhưng chỉ số này thậm chí có thể trở thành động lực mạnh hơn cho các biến động ngoại hối trong những tháng sắp tới.

Những loại tiền tệ trong khối G10 nhạy cảm nhất đối với RORO là đồng đô la Australia (AUD) và đô la Canada (CAD) so với USD, đồng krone Na Uy (NOK) và đồng krona Thụy Điển (SEK) so với đồng EURO. Những đồng tiền này có thể sẽ chịu áp lực mất giá lớn nhất trong khối G10.

HSBC cho rằng tác động của việc Anh rời EU nhìn chung khá tiêu cực đối với thị trường ngoại hối của những nền kinh tế mới nổi. Những đơn vị tiền tệ có cân bằng trong hoạt động kinh tế đối ngoại mạnh mẽ hơn vẫn sẽ suy yếu so với đồng USD do tác động xấu tiếp tục lan rộng.

Là một dạng tài sản đầu tư ít rủi ro, theo HSBC, vàng sẽ tăng giá sau Brexit.

Tình trạng bất ổn do kết quả bỏ phiếu vừa qua ở Anh sẽ khiến lực mua vàng tăng để giúp cân bằng giá. Mối liên hệ ở đây là sợi dây liên kết toàn cầu giữa vàng và những thị trường tài chính rộng lớn. Trong giai đoạn bất ổn, vàng thường là một trong số ít tài sản được đánh giá là kênh trú ẩn an toàn. Vàng cũng có mối tương quan lịch sử tiêu cực với các loại hình tài sản “đầu tư có nhiều rủi ro”.

Trong trường hợp dòng vốn khiến GBP và EURO yếu đi, vàng có thể sẽ là kênh đầu tư tốt, điều này có thể sẽ có một tác động tăng giá ảnh hưởng lên vàng. HSBC chỉ kỳ vọng giá vàng sẽ tăng 10%, nhưng giá vàng thực tế có thể tăng cao hơn nếu thị trường ngày càng lo ngại về tương lai EU sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh vừa qua.

Theo Huy Thắng(Báo chính phủ)