Báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg và Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 2/2016

 

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 1759 /PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Chỉ thị 11/CT-TTg và Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 2/2016

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 2016

Kính gửi: CHÍNH PHỦ

 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị11/CT-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong quý 2 năm 2016 như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ 11/CT-TTG VÀ NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA CÁC BỘ NGÀNH

  1. Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn số 4101/NHNN-TD ngày 3/6/2016 trả lời kiến nghị của Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam về tháo gỡ khó khăn cho ngành cà phê như sau:

1.1. Trồng thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê nói riêng và nông nghiệp, nông thôn nói chung là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng của ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung nguồn vốn cho vay, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tăng cường khả năng tiếp cận vốn đối với ngành cà phê nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung. Các TCTD cam kết đáp ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp trồng, kinh doanh cà phê theo quy định của pháp luật.

1.2. Về việc giãn nợ, xóa nợ đối với các hộ nông dân và doanh nghiệp cà phê có nợ quá hạn do bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino, khô hạn và mất mùa:

Các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân vay vốn để trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, trường hợp khách hàng gặp rủi ro không được trả nợ ngân hàng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (hạn hán), các TCTD sẽ xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay; tiếp tục xem xét cho vay mới, nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thực hiện được trả nợ cũ và nợ mới cho TCTD. Trường hợp thiên tai xảy ra trên phạm vi rộng, căn cứ báo cáo và đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét cho phép TCTD được khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong thời gian tối đa 02 năm đối với khách hàng.

Riêng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã thực hiện vai trò đầu mối sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao nếu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng sau khi đã thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ nêu trên mà vẫn gặp khó khăn trong việc trả nợ, Thủ tướng Chính phủ có thể xem xét cho phép TCTD xóa nợ cho khách hàng theo mức độ thiệt hại cụ thể.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 về hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP trong đó quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự thủ tục đề nghị xử lý nợ.

Trước tình hình hạn hán gay gắt kéo dài tại các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên, ngày 03/07/2015 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Công văn số 5018/NHNN-TD chỉ đạo các TCTD: kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Thông tư số 10/2015/TT-NHNN; chủ động rà soát các khoản nợ vay nông nghiệp, nông thôn bị thiệt hại, báo cáo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ xử lý nợ cho người dân, doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

1.3. Về đề nghị tiếp tục giải ngân gói 12 nghìn tỷ với lãi xuất ưu đãi phục vụ tái canh cà phê và các hộ nông dân, doanh nghiệp đã thực hiện tái canh từ năm 2012 đến nay tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi năm 2016:

- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các công văn số 3227/NHNN-TD ngày 11/5/2015, 6529/NHNN-TD ngày 28/8/2015 chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, Agribank đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên để triển khai cho vay tái canh cà phê theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Riêng đối với hợp đồng cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã được Agribank và khách hàng ký trước thời điểm văn bản hướng dẫn số3227/NHNN-TD có hiệu lực (11/5/2015) mà còn trong thời gian ân hạn và đáp ứng các điều kiện vay vốn Agribank và khách hàng có thể xem xét, thỏa thuận ký phụ lục bổ sung, điều chỉnh để được áp dụng các quy định ưu đãi về lãi suất đối với phần dư nợ còn lại của khoản vay.

1.4. Về đề nghị tiếp tục cho doanh nghiệp vay ngoại tệ để thu mua cà phê xuất khẩu và trả lại ngân hàng bằng ngoại tệ:

Ngày 27/5/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 08/12/2015 về quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người  cư trú, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2016. Theo đó, các TCTD được tiếp tục xem xét quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam (trong đó có mặt hàng cà phê) mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

  1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn số 2068/BVHTTDL-KHTC ngày 2/6/2016 trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 4 như sau:

2.1. Đối với kiến nghị về việc giải quyết đối với ấn phẩm nhập khẩu (quyển hướng dẫn sử dụng của đơn hàng Clarks), doanh nghiệp phải xin phép tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới được nhập hàng, thời gian duyệt khoảng 1 tuần, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trả lời như sau:

Tại Phụ lục II Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành (Ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài) có quy định (tại Mục V) Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc dạng quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, các loại ấn phẩm (sách, báo, tạp chí, tranh, ảnh, lịch) thuộc dạng quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông và thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất bản, báo chí.

Vì vậy đối với vấn đề nêu trên, đề nghị các doanh nghiệp liên hệ với cơ quan quản lý chuyên ngành để được hướng dẫn và giải quyết.

2.2. Đối với kiến nghị tại Mục 2 Phụ lục các kiến nghị mới của doanh nghiệp về Đồ chơi trẻ em. Theo quy định của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ hướng dẫn và quản lý đối với đồ chơi trẻ em. Tại Điều 9 Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 quy định về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc nhập khẩu đối với Đồ chơi trẻ em chỉ cần đáp ứng các điều kiện dưới sau:

+ Hàng mới 100%.

+ Đảm bảo chất lượng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em theo quy định tại Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN ngày 26/9/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em - QCVN 3:2009/BKHCN.

+ Có nội dung, hình thức, kiểu dáng, tính năng sử dụng không có hại đến giáo dục, phát triển nhân cách, không gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em, không vi phạm các quy định hàng hóa cấm nhập khẩu.

Hàng hóa của doanh nghiệp nhập khẩu đáp ứng các điều kiện trên làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan mà không cần xin giấy phép.

Do đó, đối với kiến nghị của doanh nghiệp tại Mục 2 nếu mặt hàng là “Đồ chơi trẻ em” (trong văn bản ghi là “Đồ chơi” và cơ quan thẩm quyền giải quyết là Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan) đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao đổi thêm với doanh nghiệp để làm rõ hơn việc cấp giấy phép nhập khẩu này là do doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu tại 18/2009/TT-BKHCN ngày 26/6/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ hay các điều kiện chuyên ngành khác.

  1. Bộ Tài chính

Bộ Tài chính đã có các công văn số: 6864, 6865, 6866, 6867, 6868, 6869, 6871/BTC-QLCS ngày 20/5/2016 trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp như sau:

3.1. Đối với kiến nghị của Công ty cổ phần du lịch dịch vụ dầu khí về “áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền thuê đất cho các trường hợp tại một trong 3 giấy tờ: giấy chứng nhận đầu tư, quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất không ghi nguyên tắc điều chỉnh đơn giá thuê đất”, Bộ Tài chính đã có ý kiến như sau:

Tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định

“5. Giá đất cụ thể được xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất quy định tại Nghị định của Chính phủ về giá đất được áp dụng trong các trường hợp sau:

  1. a) Xác định đơn giá thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm cho chu kỳ ổn định đầu tiên, xác định đơn giá thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá; xác định đơn giá thuê đất khi chuyển từ thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định tại Khoản 2 Điều 172 Luật Đất đai; xác định đơn giá thuê đất khi nhận chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê theo quy định tại Khoản 3 Điều 189 Luật Đất đai; xác định đơn giá thuê đất trả tiền thuế đất hàng năm và đơn giá thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được áp dụng trong trường hợp diện tích tính thu tiền đất của thửa đất hoặc khu đất có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) dưới 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; dưới 10 tỷ đồng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; dưới 20 tỷ đồng đối với tỉnh còn lại.
  2. b) Xác định đơn giá thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm khi điều chỉnh lại đơn giá thuê đất cho chu kỳ ổn định tiếp theo.
  3. c) Xác định giá khởi điểm trong đấu thầu giá quyền sử dụng đất để cho thuê theo hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.

Hàng năm, Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh quy định hệ số điều chỉnh giá đất để áp dụng đối với các trường hợp quy định tại Khoản này”.

Việc áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất khi xác định, tính thu tiền thuê đất theo quy định nêu trên đã cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xác định đơn giá thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; khi đến kỳ điều chỉnh lại đơn giá thuê đất, đơn giá thuê đất xác định tại thời điểm được điều chỉnh xác định trên cơ sở giá đất tại Bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất và mức tỷ lệ (%) tính đơn giá thuê đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành (bao gồm cả trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm tại cả 03 loại giấy tờ: Giấy chứng nhận đầu tư (Giấy phép đầu tư), Quyết định cho thuê đất, Hợp đồng thuê đất không ghi nguyên tắc điều chỉnh đơn giá thuê đất).

3.2. Đối với kiến nghị của Công ty TNHH Vĩnh Hoàng về việc tiền thuê đất tăng quá cao trong năm 2015, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Theo Luật đất đai năm 1993, đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, đơn giá thuê đất được ổn định 05 năm, khi đến kỳ điều chỉnh tăng không quá 15% so với đơn giá của kỳ ổn định trước đó.

Kể từ pháp luật đất đai năm 2003 (nay là pháp luật đất đai năm 2013) đã bãi bỏ nguyên tắc điều chỉnh tăng không quá 15% và quy định nguyên tắc phải xác định lại đơn giá thuê đất theo chính sách và giá đất tại thời điểm điều chỉnh. Đối với trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm trước 01/01/2016 nhưng tại một trong ba loại giấy tờ là Giấy chứng nhận đầu tư (Giấy phép đầu tư), Quyết định cho thuê đất, Hợp đồng thuê đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp (ký kết) có ghi nguyên tắc điều chỉnh đơn giá thuê đất tăng không quá 15% so với đơn giá của kỳ ổn định trước đó (theo pháp luật đất đai năm 1993) thì được tiếp tục thực hiện điều chỉnh đơn giá thuê đất đã ghi tại 03 loại giấy tờ nêu trên.

Đối với trường hợp thuê đất trước ngày 01/01/2016 mà tất cả các loại giấy tờ nêu trên đều không ghi nguyên tắc điều chỉnh đơn giá thuê đất; để đảm bảo công bằng giữa các đối tượng được Nhà nước cho thuê đất cùng một thời điểm; Bộ Tài chính đã báo cáo và kiến nghị Chính phủ quy định xử lý tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước theo hướng cho phép áp dụng nguyên tắc điều chỉnh đơn giá thuê đất tăng không quá 15% cho thời gian thuê đất còn lại và áp dụng kể từ ngày 01/01/2016.

Do đó, đối với trường hợp cụ thể của Công ty TNHH Vĩnh Hoàng:

+ Đối với phần diện tích đất được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm trước ngày 01/01/2016: nếu cả ba loại giấy tờ Giấy chứng nhận đầu tư (Giấy phép đầu tư), Quyết định cho thuê đất, Hợp đồng thuê đất không ghi nguyên tắc điều chỉnh đơn giá thuê đất thì việc xác định tiền thuê đất từ ngày 01/01/2016 được thực hiện theo quy định sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

+ Đối với phần diện tích đất được Nhà nước cho thuê đất năm 2008: Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2093/QĐ-TTg ngày 23/11/2011, số 1851/QĐ-TTg ngày 14/10/213 của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã có các Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012, số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 giảm 50% tiền thuê đất trong giai đoạn từ 2011-2014 và số tiền thuê đất phải nộp trong giai đoạn này tối đa không quá 02 lần số tiền thuê đất phải nộp của năm 2010. Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư (số 83/2012/TT-BTC ngày 23/5/2012, số 16/2013/TT-BTC ngày 08/2/2013, số 48/2014/TT-BTC ngày 22/4/2014) hướng dẫn tổ chức thực hiện.

3.3. Đối với kiến nghị của Hiệp hội  doanh nghiệp tỉnh Thái Bình và Công ty cổ phần sản xuất dịch vụ Duyên Hải- Hải phòng cũng về nội dung giá thuê đất cao, Bộ Tài chính đã có ý kiến như sau:

Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Theo đó, đơn giá thuê đất từ mức chung là 1,5% xuống còn 1% và giá thuê đất tính thu tiền thuê đất được xác định trên cơ sở giá đất tại Bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất (thay vì phải thuê tư vấn xác định giá đất theo thị trường như trước đây. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định: “2 . Dự án thuê đất, thuê mặt nước trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và đang trong thời gian ổn định đơn giá thuê đất thì tiếp tục ổn định đơn giá thuê đất đến hết thời gian ổn định. Trường hợp đơn giá thuê đất của thời gian ổn định đơn giá mà cao hơn đơn giá quy định tại Nghị định này thì được điều chỉnh đơn giá theo Nghị định này kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015”.

Tại khoản 1 Điều 8 Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính quy định: “1. Dự án thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm trước ngày Nghị định số 46/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành và đang trong thời gian ổn định đơn giá thuê đất nhưng đơn giá thuê đất đang nộp cao hơn đơn giá thuê đất quy định tại Nghị định này thì được thực hiện điều chỉnh lại đơn giá thuê đất theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP nếu người thuê đất có đề nghị bằng văn bản. Cơ quan thuế chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để xác định lại đơn giá thuê đất đối với trường hợp nêu trên; thời điểm xác định lại và bắt đầu ổn định đơn giá thuê đất được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015”.

Do đó, đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình thông báo cho các thành viên thuộc Hiệp hội, Công ty cổ phần sản xuất và dịch vụ Duyên Hải - Hải phòng làm việc với cơ quan thuế tại địa phương để được xem xét, xử lý, xác định đơn giá thuê đất theo quy định nêu trên.

Ngoài ra, việc quy định mức tăng tối đa tiền thuê đất không quá tiền thuê đất của năm 2010 như kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình sẽ không khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và không phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên bị kiện bán phá giá do được hỗ trợ chi phí tiền thuê đất thấp, không phù hợp với thị trường.

3.4. Đối với kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh về: chính sách đền bù nhà đầu tư được trừ vào tiền thuê đất hàng năm, và; đền bù giải phóng mặt bằng Nhà nước phải có mặt bằng giá thống nhất, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

+ Tại khoản 2 Điều 13, điểm c khoản 1 Điều 25 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5//2014 của Chính phủ quy định:

“Điều 13. Xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng

…2. Đối với trường hợp thuộc đối tượng thuê đất không thông qua hình thức đấu giá và người được nhà nước cho thuê đất tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được trừ số tiền đã ứng trước vào tiền thuê đất phải nộp theo phương án được phê duyệt; mức trừ không vượt quá số tiền thuê đất phải nộp. Đối với số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng còn lại chưa được trừ vào tiền thuê đất phải nộp (nếu có) thì được tính vào vốn đầu tư của dự án.

Điều 25. Trách nhiệm của các cơ quan, người nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước và cảng vụ hàng không

  1. Cơ quan tài chính:

…c) Chủ trì xác định các khoản được trừ vào số tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp”.

+ Tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“Điều 6. Xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng

  1. Trường hợp người được Nhà nước cho thuê đất tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được trừ số tiền đã ứng trước vào tiền thuê đất phải nộp theo phương án được phê duyệt.

Trường hợp số tiền ứng trước về bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt vượt quá tiền thuê đất phải nộp thì chỉ được trừ bằng tiền thuê đất phải nộp; số còn lại được tính vào vốn đầu tư của dự án.

Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đã ứng trước theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được trừ vào tiền thuê đất phải nộp, được quy đổi theo chính sách và giá đất tại thời điểm được Nhà nước cho thuê đất và được xác định là thời gian đã hoàn thành việc nộp tiền thuê đất hàng năm”.

Do đó, trường hợp nhà đầu tư tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đề nghị nhà đầu tư làm việc với cơ quan chức năng của địa phương để được xác định số tiền được khấu trừ vào tiền thuê đất phải nộp theo quy định của pháp luật nêu trên. Ngoài ra, đối với kiến nghị liên quan chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, Bộ Tài chính chuyển Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3.5. Đối với kiến nghị củaTổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị về việc “cần quy định thời hạn nộp tiền sử dụng đất có tính đến quy mô dự án sử dụng đất và số tiền mà người sử dụng đất phải nộp theo hướng phù hợp với tiến độ đầu tư của dự án, đặc biệt là dự án phát triển khu đô thị”, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, trong đó có quy định việc phân kỳ nộp tiền sử dụng đất: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký Thông báo của cơ quan thuế, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo Thông báo. Trong vòng 60 ngày tiếp theo, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử đất còn lại theo Thông báo.

Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có quy định việc gia hạn nộp thuế đối với các trường hợp gặp khó khăn đặc biệt với thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 01 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.

Việc phân kỳ thời hạn nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP nhằm tháo gỡ  khó khăn về tài chính, hỗ trợ cho nhà đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư có quy mô lớn như các khu đô thị mới, dự án kinh doanh bất động sản. Trường hợp nhà đầu tư có khó khăn đặc biệt thì còn có thể xem xét gia hạn thời gian nộp tiền sử dụng đất tối đa không quá 01 năm theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Đồng thời, trường hợp hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh có khó khăn, Chính phủ thường xuyên có các biện pháp hỗ trợ kịp thời như gia hạn nộp tiền sử dụng đất 24 tháng kể từ ngày có Thông báo của cơ quan thuế đối với các dự án kinh doanh bất động sản theo các Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ như thời gian vừa qua.

Do đó, đề nghị nhà đầu tư thực hiện nộp tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Đối với đề xuất của nộp tiền sử dụng đất theo quy mô sử dụng đất và tiến độ thực hiện dự án, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật về tài chính đất đai. Thực tế, nếu thời hạn nộp tiền sử dụng đất quá dài hoặc phân kỳ theo tiến độ thực hiện dự án có thể bị lợi dụng, dẫn đến chiếm dụng vốn của nhà nước và không phù hợp với thời hạn nộp các khoản thu ngân sách khác.

3.6. Đối với các kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh; Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

  1. a) Đối với kiến nghị về “ban hành Nghị định mới, thay thế các Nghị định hiện nay đang có nhiều vướng mắc, bất cập. Nghị định chi tiết không nhất thiết phải có Thông tư các Bộ hướng dẫn thi hành. Nội dung Nghị định có các điều khoản tài chính đất đai giành cho các Khu Kinh tế, Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao (gọi tắt là Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp)”, Bộ Tài chính trả lời như sau:

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 352/TB-VPCP ngày 04/11/2015; theo phân công của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng kết, đánh giá tình hình và xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế và Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP.

Riêng đối với chế độ, chính sách tài chính đất đai áp dụng cho Khu kinh tế, Khu công nghệ cao; Theo chương trình công tác năm 2016 của Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong khu kinh tế, khu công nghệ cao (dự kiến trình Chính phủ trong Quý III/2016).

  1. b) Đối với kiến nghị 2 về “Thực hiện nguyên tắc “bất hồi tố”. Tất cả đơn giá thuê đất đã ký kết giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước đây cần được xem xét theo quan điểm lịch sử, cụ thể và hợp tình, hợp lý, nhất là xác định đơn giá thuê đất trả một lần cho Nhà nước không cao hơn đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm của năm 2015”, Bộ Tài chính trả lời như sau:

Pháp luật đất đai năm 1993 quy định đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, đơn giá thuê đất được ổn định 05 năm, khi đến kỳ điều chỉnh tăng không quá 15% so với đơn giá của kỳ ổn định trước đó.

Kể từ pháp luật đất đai năm 2003 (nay là pháp luật đất đai năm 2013) đã bãi bỏ nguyên tắc điều chỉnh tăng không quá 15% và quy định nguyên tắc phải xác định lại đơn giá thuê đát theo chính sách và giá đất tại thời điểm điều chỉnh. Đồng thời, quy định rõ các trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm từ trước ngày 01/01/2016 phải thực hiện điều chỉnh lại đơn giá thuê đất theo chính sách và giá đất tại thời điểm ngày 01/01/2016.

Kiến nghị của Hiệp hội “tất cả đơn giá thuê đất đã ký kết  giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước đây cần được xem xét theo quan điểm lịch sử, cụ thể và hợp tình hợp lý” thực chất là đề nghị được bảo lưu nguyên tắc điều chỉnh đơn giá thuê đất tăng không quá 15% đối với nhóm doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm theo luật đất đai năm 1993 nhưng chưa thực hiện việc điều chỉnh lại đơn giá thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai năm 2003 nêu trên. Liên quan đến kiến nghị này, Bộ Tài chính đã báo cáo và kiến nghị Chính phủ quy định xử lý tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Ngoài ra, đối với kiến nghị xem xét việc xác định đơn giá thuê đất trả một lần không thể cao hơn đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm của năm 2015 là không phù hợp. Vì theo quy định của luật đất đai, trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì người thuê có đủ các quyền chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm thì không có các quyền này. Theo đó, quy định về đơn giá thuê đất trả tiền một lần cao hơn đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm là phù hợp.

  1. c) Đối với kiến nghị 3 về “Đối với trường hợp doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đã được khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng vào tiền thuê đất phải nộp và được xác định là đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho cả thời gian thuê đất (50 năm) thì không phải chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê”, Bộ Tài chính trả lời như sau:

Việc kiến nghị doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đã được khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng vào tiền thuê đất phải nộp và được xác định là đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho cả thời gian thuê đất (50 năm) thì không phải chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 149 Luật Đất đai năm 2013, cụ thể: “Đối với phần diện tích thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì người được Nhà nước cho thuê đất có quyền cho thuê lại đất với hình thức trả tiền thuê đất hàng năm; đối với phần diện tích thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì người được Nhà nước cho thuê đất có quyền cho thuê lại đất với hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất hàng năm”. Do đó, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm phải chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê để được cho thuê lại đất trong khu công nghiệp theo hình thức thu tiền một lần cho cả thời gian thuê lại.

3.7. Ngoài ra, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã nhận được văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ như: Bộ Tài chính có các Công văn số 5841/BTC-TCT ngày 29/4/2016 và công văn số 5661/BTC-CST ngày 27/4/2016, số 5434/BTC-CST ngày 22/4/2016; Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn số 1498/BTNMT-PC ngày 27/4/2016; Bộ Giao thông Vận tải có các công văn số 5212/BGTVT-VT ngày 11/5/2016, 4658/BGTVT-PC ngày 27/4/2016, 4384/BGTVT-VT ngày 20/4/2016, 4570/BGTVT-VT ngày 25/4/2016; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có các công văn số 1297/LĐTBXH-PC ngày 20/4/2016, số 1385/LĐTBXH-PC ngày 27/4/2016; Bộ Y tế có công văn số 390/BC-BYT ngày 22/4/2016; Bộ Công Thương có công văn số 3490a/BCT-KH ngày 21/4/2016; Ngân hàng NN VN có công văn số 2868/NHNN-VP ngày 22/4/2016; Bộ Tư pháp có công văn số 1328/BTP-PLDSKT ngày 25/4/2016; Bộ Khoa học và Công nghệ có công văn số 1791/BKHCN-SHTT ngày 9/5/2016; Tổng cục Thuế có công văn số 2140/TCT-QLN ngày 19/5/2016.

            Việc trả lời, giải quyết kiến nghị doanh nghiệp của các Bộ đã được thực hiện theo hướng: tiếp thu và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới; viện dẫn các văn bản quy phạm pháp luật để giải thích cho doanh nghiệp trong trường hợp những kiến nghị của doanh nghiệp chưa hợp lý; trực tiếp thực hiện hoặc chỉ đạo thực hiện việc sửa đổi, bãi bỏ các quy định không còn phù hợp; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức xem xét, giải quyết vụ việc liên quan đến kiến nghị của doanh nghiệp. Các kiến nghị còn lại, các Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, trả lời doanh nghiệp trong thời gian tới.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ 11 VÀ NGHỊ QUYẾT 35 CỦA VCCI

Trong quý 2 năm 2016, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế:

- VCCI tham gia hoàn thiện góp ý các dự thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gồm: Luật quản lý ngoại thương; Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;Nghị định về Phí bảo vệ môi trường; Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;  Quy chuẩn Việt Nam về trang thiết bị y tế; Nghị định hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật giá; Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe; Nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thuốc; Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện lĩnh vực hàng không dân dụng; Nghị định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế; Nghị định quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện; …

- VCCI đã tiến hành rà soát và lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp để thẩm tra 50 dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh quy định chi tiết thi hành Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư 2014. Tại các cuộc họp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và 10 Bộ chủ trì soạn thảo các nghị định, VCCI đã trình bày bản phân tích các quy định bất cập tại dự thảo, tại các quy định hiện hành về điều kiện kinh doanh, đề xuất phương án cụ thể. Các Bộ chủ trì soạn thảo đã trao đổi, tranh luận trực tiếp với từng ý kiến đề xuất của VCCI. Về cơ bản các kiến nghị góp ý dự thảo các nghị định của VCCI đã được các bộ chủ trì soạn thảo tiếp thu. Chính phủ đã đánh giá cao những góp ý, phản biện của VCCI.

- Nhân dịp Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, VCCI đã tổ chức Diễn đàn “Hồ Chí Minh với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam” và Lễ phát động “ Phong trào thi đua doanh nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và tác phong Hồ Chí Minh”. Diễn đàn đã thu hút gần 400 lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân tham dự. Sau Diến đàn, 100 doanh nhân tiêu biểu đã tiếp kiến Chủ tịch nước để báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh và kiến nghị với Đảng và Nhà nước về cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

- Phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa và Quảng Ninh tổ chức triển khai Hội nghị thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đồng thời thực hiện Lễ ký cam kết giữa VCCI với hai tỉnh trên về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tại Thanh Hóa và Quảng Ninh đến năm 2020. Theo đó, các bên cùng cam kết triển khai mạnh mẽ các biện pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch và thông thoáng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, góp phần cùng cả nước đạt chỉ số môi trường kinh doanh tối thiểu mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 vào năm 2016, ASEAN 3 vào năm 2020 trên một số chỉ tiêu chủ yếu. 

- Triển khai một số hoạt động khác như: Tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến Bộ chỉ tiêu đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế; Tổ chức Hội thảo: "Hoạt động từ thiện của doanh nghiệp Việt Nam: Thực tiễn và nhu cầu; Phối hợp với Hội tư vấn thuế tổ chức Hội thảo về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt; Hội thảo Khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; Phối hợp với Hội đồng Lý luận trung ương tổ chức Tọa đàm về Đề án “Quốc gia khởi nghiệp, Doanh nghiệp khởi nghiệp” …

  1. Triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp:

- Tổ chức đoàn Doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Liên Bang Nga từ ngày 16-19/5 và dự Hội nghị cấp cao Nga - Asean. Đoàn gồm 42 thành viên là lãnh đạo, cán bộ cao cấp của  các doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực như: dầu khí, điện, khai khoáng, luyện kim, vận tải - vận tải biển, dệt may, sao su, công nghệ thông tin, chế biến và xuất khẩu hàng nông -lâm - thủy sản, tài chính ngân hàng, đầu tư xây dựng, bất động sản, du lịch, ... đang hoạt động với thị trường Liên bang Nga và nhu cầu mở rộng quan hệ hợp tác và phát triển quan hệ đối tác với doanh nghiệp tại Liên bang Nga.

- Tổ chức đoàn Doanh nghiệp tháp tùng Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tham dự Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu lần thứ 26 tại Ba Lan.Đoàn gồm 35 thành viên là các nữ lãnh đạo đại diện cho  các doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực như: dầu khí, điện, khai khoáng, luyện kim, vận tải - vận tải biển, dệt may, cao su, công nghệ thông tin, chế biến và xuất khẩu hàng nông -lâm - thủy sản, tài chính ngân hàng, đầu tư xây dựng, bất động sản, du lịch, ...

- Nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam, VCCI phối hợp với AMCHAM tổ chức Hội thảo “ Nâng tầm quan hệ thương mại – đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ” và Lễ ký kết một số thỏa thuận giữa doanh nghiệp hội viên của AmCham với các đối tác Việt Nam. Tại buổi tiếp xúc, các thành viên trong nội các của Tổng thống Obama, các thành viên Thượng viện và Hạ viện Mỹ, các lãnh đạo cao cấp trong Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã có những cuộc trao đổi, thảo luận về các vấn đề quan trọng liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch…

- Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Đoàn doanh nghiệp Rumani do Ngài Vlad Vasiliu - Quốc vụ Khanh Bộ Kinh tế Thương mại và Môi trường kinh doanh Rumani, VCCI đã tổ chức Diễn đàn DN Việt Nam – Rumani. Hiện nay, Việt Nam và Rumani có kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ mức trên 10 triệu USD (giai đoạn 1995 – 1999) lên mức trên 150 triệu USD (giai đoạn 2010 – 2015). Đặc biệt, năm 2015 là năm thứ hai liên tiếp kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt trên 150 triệu USD, chạm mức 175,6 triệu USD. Vì vậy, Diễn đàn là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tìm hiểu, trao đổi các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, tìm kiếm cơ hội và thiết lập quan hệ hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp 2 nước nhằm mục tiêu tăng nhanh kim ngạch thương mại hai chiều.

- VCCI phối hợp với các đối tác tổ chức tọa đàm “ Xúc tiến xuất khẩu với cơ hội của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU ( EVFTA). Buổi tọa đàm đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam, Ba Lan tham dự. Nội dung tọa đàm tập trung phân tích các cơ hội hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước khi EVTA có hiệu lực. Ngoài ra, các doanh ngiệp tham dự tọa đàm cũng đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm hiểu đối tác và cơ hội hợp tác kinh doanh đầu tư trong các lĩnh vực: chế biến nông sản, dịch vụ y tế, xây dựng…

- Tổ chức một số hoạt động khác như: gặp gỡ Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Tổ chức Đoàn Doanh nghiệp tham dự Triển lãm SUBCON Thailand 2016, Đoàn doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Bắc Âu, Gala Dinner “15 năm kết nối” nhân Kỷ niệm 15 năm thành lập Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam; Đoàn Doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ Canton Fair và khảo sát thị trường Trung Quốc; Đoàn doanh nghiệp tham quan triển lãm THAIFEX  tại Bangkok, Thái Lan; Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về Chương trình thí điểm thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc và Hội nghị bàn tròn về Hoạt động tạo thuận lợi thương mại tại Đồng Nai; Tổ chức Hội thảo “Logistics và chuỗi cung ứng: Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập” và Hội thảo “Tăng cường kỹ năng làm việc, khởi nghiệp cho thanh niên và kết nối DNNVV” tại TP HCM; Hội thảo “ Hỗ trợ DN tổ chức kênh bán hàng hiện đại, tìm kiếm khách hàng để đẩy mạnh xuất khẩu” tại Cần Thơ…

  1. Tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp:

Trong quý 2 năm 2016, VCCI tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập hợp các kiến nghị mới phát sinh của doanh nghiệp. Danh mục các kiến nghị mới phát sinh được trình bày tại Phụ lục kèm theo.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Chính phủ.

         

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Bộ Nội vụ;

- Bộ Tài chính;

- Bộ GTVT;

- Bộ Công Thương;

- Tổng cục Thuế;

- Lưu VT, VP (TH).    

Báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg và Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 2/2016 (Tải về)