Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 7/2016

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

 Số:   2048 /PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 7/2016

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

   Hà Nội, ngày  17 tháng  08  năm 2016

 Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 7 năm 2016 như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ 11/CT-TTG VÀ NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA CÁC BỘ NGÀNH

  1. Thông tin và Truyền thông

Trung tâm Internet Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông có CV số 507/VNNIC ngày 27/6/2016 trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về việc sử dụng tên miền vanphucsilk.vn được tổng hợp tại công văn số 0111/PTM-VP ngày 15/01/2016 của VCCI như sau:

  1. Quy định pháp luật đối với việc đăng ký, sử dụng tên miền “.vn”:

Trước đây, giai đoạn quản lý tên miền còn quy định hình thức tiền kiểm (theo Quyết định số 92/2003/QĐ-BBCVT ngày 26/05/2003 của Bộ Bưu chính Viễn thông quy định quản lý và sử dụng tài nguyên Internet); Theo đó, các chủ thể đăng ký tên miền liên quan tới các tên chung của một ngành kinh tế, chủng loại hàng hóa, sản phẩm,… đã được Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện bảo vệ bằng hình thức tiền kiểm, rà soát và công bố trên website danh sách những tên miền có khả năng tranh chấp trước khi cấp phát. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện bằng hình thức bảo vệ như trên đã không khả thi, gây nhiều vấn đề phức tạp, dẫn đến tình trạng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoặc ỷ lại cho cơ quan quản lý nhà nước phải bảo vệ tên miền liên quan đến thương mại, sản phẩm dịch vụ của mình; hoặc có các ý kiến đối lập, tranh dành tên miền ngay trong nhu cầu của các đơn vị này. Bản chất vấn đề này đã đi trái với thông lệ quốc tế chung. Xuất phát từ tính đặc thù của tên miền và sở hữu trí tuệ; tên miền có tính duy nhất tồn tại trên Internet và hoàn toàn độc lập với sở hữu trí tuệ; còn đối với sở hữu trí tuệ, thì một tên thương hiệu, tên thương mại có thể được cấp cho nhiều chủ thể ở các ngành nghề khác nhau. Do đó, với nội dung kiến nghị của doanh nghiệp Phương Linh Silk nêu ra không phải là vấn đề mới, các nước đều đã gặp phải nhưng kết quả là đều chọn theo thông lệ chung quốc tế vì tính chất độc lập giữa tên miền và thương hiệu.

Pháp luật viễn thông, công nghệ thông tin và quản lý tài nguyên Internet hiện hành quy định việc đăng ký, sử dụng tên miền thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước được quyền sử dụng trước, trừ các tên miền được bảo vệ và các tên miền đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền theo quy định. Các chủ thể sử dụng đăng ký tên miền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mục đích sử dụng và không xâm phạm các quyền lợi, các lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Trên cơ sở quy định tại Điều 68 Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Điều 12 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc quản lý và sử dụng tài nguyên Internet (Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT), Bộ Thông tin và Truyền thông (VNNIC) chỉ thực hiện việc giữ chỗ, bảo vệ tên miền “.vn” là tên của tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, các tên miền liên quan đến chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia. Những tên miền khác còn lại, trong đó các tên miền liên quan tên thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, tên gọi của các tổ chức, cá nhân… như tên miền về làng nghề vanphucsilk.vn không thuộc nhóm tên miền được bảo vệ giữ chỗ theo quy định và sẽ được cấp theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước được quyền sử dụng trước.

Do vậy, để bảo vệ thương hiệu, tên làng nghề của mình, các doanh nghiệp nên chủ động đăng ký sớm các tên miền liên quan.

  1. Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc xử lý các vi phạm sở hữu trí tuệ liên quan đến tên miền.

Trên cơ sở quy định “Tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” phải chịu trước pháp luật về mục đích sử dụng và tính chính xác của các thông tin đăng ký và bảo đảm việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” không xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có trước ngày đăng ký” (Khoản 3 Điều 68 Luật Công nghệ thông tin 2006); theo đó, đối với những hành vi sử dụng tên miền với dụng ý xấu như rao bán và đẩy ép giá được nêu trong kiến nghị số 8 doanh nghiệp Phương Linh Silk sẽ được xem xét, xác định rõ trên cơ sở các quy định pháp luật viễn thông, công nghệ thông tin và pháp luật sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ của chủ thể quyền khi bị xâm phạm, cũng như đảm bảo quyền lợi cho quyền sử dụng hợp pháp tên miền của chủ thể tên miền.

Theo Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN ngày 08/6/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ (có hiệu lực từ ngày 25/7/2016) thì những trường hợp chủ thể tên miền có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (Điều 130), Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Nghị định số 99/2013/NĐ-CP) và Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ (Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN), tùy theo mức độ vi phạm, các cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các hình thức xử phạt hành chính (cảnh cáo, phạt tiền,…). Hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc trả lại tên miền khi chủ thể sử dụng tên miền “.vn” trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ mà chủ thể sử dụng tên miền không có quyền, lợi ích hợp pháp đồng thời có nội dung đăng tải trên trang thông tin điện tử (Website) đi kèm theo tên miền xâm phạm đến quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý (như thông tin quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chào bán hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan, làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng hoặc vật chất đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý; hoặc chứa các thông tin bôi nhọ, nói xấu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tương ứng của chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý…). Trong trường hợp chủ thể vi phạm không tự giác chấp hành các biện pháp xử phạt sẽ bị thu hồi tên miền nhằm chấm dứt hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, trong trường hợp các chủ thể tên miền có hành vi đăng ký chiếm giữ quyền sử dụng tên miền mà không hoặc chưa sử dụng thì chưa có đủ sở cứ pháp lý theo quy định của pháp luật viễn thông, công nghệ thông tin để có thể thực hiện xử lý vi phạm theo quy định Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Điểm c Khoản 18 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP vì: Thứ nhất, việc đăng ký tên miền được thực hiện theo nguyên tắc “đăng ký trước được quyền sử dụng trước”, qua đó xác lập quyền chiếm giữ hợp pháp của chủ thể đối với quyền sử dụng tên miền khi đủ các điều kiện theo quy định Luật Viễn thông, Công nghệ thông tin và quản lý tài nguyên Internet (như đã phân tích ở trên). Do đó, chủ thể tên miền chỉ có thể xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi đưa tên miền vào sử dụng, có các nội dung trên trang thông tin điện tử kèm theo tên miền xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ của chủ thể quyền. Thứ hai, việc đăng ký, chiếm giữ và chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền là nhu cầu thực tế của xã hội và là dịch vụ chính đáng đã được Luật Viễn thông năm 2009 và Quyết định số 38/2014/QĐ-TTg ngày 01/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Đối với kiến nghị số 8 của doanh nghiệp Phương Linh Silk, làng nghề Vạn Phúc về tên miền vanphucsilk.vn, Bộ Thông tin và Truyền thông (VNNIC) khuyến nghị: Để tránh xảy ra những tranh chấp quyền sử dụng tên miền hoặc tránh để những tên miền liên quan đến tên thương mại, sản phẩm, làng nghề, chỉ dẫn địa lý… của mình bị chủ thể khác đăng ký trước, gây ảnh hưởng đến hoạt động quảng bá hình ảnh, thương hiệu trên Internet; Các tổ chức, cá nhân, hoặc các hiệp hội, làng nghề cần chủ động đăng ký, sử dụng tên miền liên quan đến hoạt động kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu, sản phẩm, dịch vụ, chỉ dẫn địa lý… của mình với cơ quan quản lý tên miền.

  1. Bộ Công an

Bộ Công an đã có công văn số 1746/BCA-V11 ngày 21/7/2016 trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về loại bỏ một số quy định đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ như sau:

  1. Về quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ không kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài dịch vụ bảo vệ (khoản 3, Điều 3, Nghị định số 52/2008/NĐ-CP, ngày 22/4/2008 của Chính phủ).

Các doanh nghiệp kiến nghị quy định này là một sự cản trở bất hợp lý, trái với các nguyên tắc tự do kinh doanh. Về nội dung này, hiện nay Bộ Công an đang xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 52/2008/NĐ-CP, ngày 22/4/2008 của Chính phủ về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Quá trình xây dựng dự thảo nghị định Bộ Công an đã tiếp thu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, doanh nghiệp, không đưa nội dung này vào dự thảo nghị định và đã được các thành viên Chính phủ thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành.

  1. Về quy định điều kiện vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ (khoản 1, Điều 9, Nghị định số 52/2008/NĐ-CP, ngày 22/4/2008 của Chính phủ).

Các doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải đáp ứng điều kiện mức vốn pháp định là 2.000.000.000 đồng (2 tỷ đồng). Về nội dung này, Bộ Công an đã tiếp thu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, doanh nghiệp, không đưa nội dung này vào dự thảo nghị định thay thế Nghị địnhsố 52/2008/NĐ-CP, ngày 22/4/2008 của Chính phủ về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Hiện nay, dự thảo nghị định này đã được các thành viên Chính phủ thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành.

  1. Về trang phục của nhân viên bảo vệ (quy định tại Thông tư số 45/2009/TT-BCA(C11), ngày 14/7/2009 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 52/2008/NĐ-CP về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ)

Các doanh nghiệp kiến nghị Thông tư số 45/2009/TT-BCA(C11), ngày 14/7/2009 của Bộ Công an quy định quá chi tiết về trang phục bảo vệ là không cần thiết. Về nội dung này, Bộ Công an có ý kiến như sau: Qua theo dõi từ khi có hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ đến trước khi Bộ Công an ban hành Thông tư số 45/2009/TT-BCA(C11), ngày 14/7/2009 thì nhiều doanh nghiệp kinh doanhg dịch vụ bảo vệ đã sử dụng mẫu quần áo có màu sắc, kiểu dáng tương tự như trang phục của lực lượng vũ trang và một số lực lượng đã được Chính phủ quy định mẫu thống nhất như kiểm lâm, thanh tra, kiểm dịch, hải quan, kiểm soát, tòa án, thuế…các doanh nghiệp tự quy định việc sử dụng trang phục của nhân viên dịch vụ bảo vệ công ty mình đã gây nhầm lẫn, ảnh hưởng uy tín của các lực lượng nói trên, tạo dư luận xấu cho nhân dân. Thông tư số 45/2009/TT-BCA(C11), ngày 14/7/2009 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 52/2008/NĐ-CP về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ quy định thống nhất về trang phục của nhân viên dịch vụ bảo vệ đã cơ bản giải quyết được vấn đề đã nêu trên. Vì vậy, việc quy định thống nhất về trang phục cho lực lượng dịch vụ bảo vệ là cần thiết, Bộ Công an đề nghị không loại bỏ quy định này.

  1. Bộ Giao thông Vận tải

Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn số 8160/ BGTVT-VT ngày 15/7/2016 trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, vận chuyển dăm gỗ như sau:

- Về đề xuất đối với phương tiện thủy nội địa vận chuyển dăm gỗ hoạt động trên đường thủy nội địa:

Đồng ý với đề xuất của các doanh nghiệp về việc phủ bạt kín nước và chằng buộc thay cho đóng nắp hầm hàng cứng; xếp hàng trên boong theo quy phạm, đảm bảo tầm nhìn của lái tàu, trọng lượng vận tải hàng hóa không vượt quá tải trọng đăng kiểm đối với phương tiện thủy nội địa cấp VR-SI, VR-SII; không áp dụng đối với phương tiện mang cấp VR-SB. Việc xếp dăm gỗ trên boong phải đảm bảo tính ổn  định của phương tiện, không xếp trên lối đi an toàn của thuyền viên; khi vận tải dăm gỗ, doanh nghiệp cần chú ý tránh thời tiết bất lợi như mưa, giông, bão lũ; phải có người cảnh giới khi qua đoạn sông cong, qua cầu, khu vực luồng hẹp, có dòng chảy siết…

Giao Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương hướng dẫn cụ thể việc xếp hàng dăm gỗ và phủ bạt kín nước thay nắp hầm hàng cứng đối với phương tiện thủy nội địa cấp VR-SI và VR-SII đảm bảo an toàn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp thực hiện hiệu quả; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ.

- Về đề xuất đối với phương tiện đường bộ vận chuyển gỗ dăm gỗ:

Trong thời gian qua Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt đối với công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, trong đó có việc xử lý vi phạm đối với hành vi thay đổi kích thước thùng chở hàng trái phép; Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan đã phối hợp tốt trong công tác chỉ tạo, điều hành; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt thực hiện nghiêm túc. Do đó, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến tích cực, tình trạng xe quá tải trọng giảm đáng kể (trên 90%), góp phần giảm tai nạn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tái cơ cấu các phương tiện vận tải, tạo lập thị trường vận tải lành mạnh, bình đẳng.

Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục triển khai nghiêm túc và quyết liệt chủ trương kiểm soát tải trọng phương tiện, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các doanh nghiệp thực hiện như sau:

+ Đối với phương tiện chỉ hoạt động trên các tuyến đường nội bộ trong phạm vi địa bàn thuộc quản lý của doanh nghiệp: Đồng ý việc doanh nghiệp thực hiện các phương án xếp hàng dăm gỗ vượt quá chiều cao cho phép của thùng hàng nhưng không vượt quá chiều cao của xe chở công-ten-nơ, trọng lượng vận tải không vượt quá tải trọng đăng kiểm. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về an toàn lao động, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.

+ Đối với phương tiện vận chuyển dăm gỗ tham gia giao thông trên đường bộ: Phải tuân thủ quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo Luật Giao thông đường bộ và Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

  1. Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính

Tổng cục Thuế đã có công văn số 3271/TCT-CS ngày 21/7/2016 trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 4 về việc cải tiến hệ thống hóa đơn chứng từ như sau:

Tổng cục Thuế ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp trong thời gian tới tiếp tục hoàn thiện hệ thống hóa đơn, chứng từ phù hợp với xu hướng thực tiễn, giảm bớt những bất cập cho doanh nghiệp.

- Về quy định sử dụng hóa đơn: Sự ra đời của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ là một bước đột phá trong công tác quản lý, sử dụng hóa đơn cũng như trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ đã trao quyền tự chủ cho cơ sở kinh doanh trong việc sử dụng hóa đơn, doanh nghiệp tự tạo hóa đơn để sử dụng dưới hình thức hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in và hóa đơn điện tử để từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị trong việc chủ động in, quản lý và sử dụng hóa đơn bán hàng của chính đơn vị mình; doanh nghiệp sẽ không phải đến cơ quan thuế mua hóa đơn từ đó góp phần giảm chi phí thời gian, cắt giảm thủ tục hành chính phiền hà cho doanh nghiệp, giảm chi phí quản lý của cơ quan thuế, góp phần làm cho chính sách quản lý hóa đơn trở nên minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.

Thời gian qua, một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của Luật doanh nghiệp trong thủ tục thành lập doanh nghiệp để thành lập nhiều doanh nghiệp thực tế không kinh doanh nhưng được tự tạo hóa đơn, xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để kê khai, khấu trừ trục lợi tiền hoàn thuế của NSNN và sau một thời gian hoạt động thì doanh nghiệp bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh. Việc chủ yếu sử dụng hóa đơn giấy như hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế trong tình hình mới, chưa tương thích với yêu cầu cải cách, hiện đại hóa nói chung.

Trước những thực trạng bất cập như vậy, xu hướng sử dụng hóa đơn điện tử thay thế cho hóa đơn giấy là cần thiết, sử dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng: giảm chi phí in, gửi, bảo quản, lưu trữ; thuận tiện cho việc hạch toán kế toán, đối chiếu dữ liệu, quản trị kinh doanh; rút ngắn thời gian thanh toán cho việc lập, gửi/nhận hóa đơn được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử; góp phần hiện đại hóa công tác quản trị doanh nghiệp; đồng thời nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với hóa đơn, góp phần hạn chế tình trạng gian lận hóa đơn, buôn bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT và làm giảm nghĩa vụ thuế TNDN, chống gian lận thương mại, nâng cao trách nhiệm của người bán và giảm thiểu rủi ro cho người mua vẫn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt nghĩa vụ với NSNN.

Để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/03/2015, Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử giao Bộ Tài chính thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc; trong đó cơ quan thuế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế.

Để dần từng bước triển khai áp dụng hóa đơn điện tử rộng rãi trên toàn quốc, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1209/QĐ-BTC ngày 23/06/2015 thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, phạm vi áp dụng thí điểm cho 200 doanh nghiệp tại 02 địa bàn Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả triển khai thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế tại 200 doanh nghiệp trong thời gian qua đang dần khẳng định lợi ích của hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Để triển khai hóa đơn điện tử có mã xác thực được nhân rộng, có căn cứ pháp lý tạo tiền đề cho việc mở rộng sử dụng phổ biến trên toàn quốc và được sự phối hợp của các sở ban ngành có liên quan, Bộ Tài chính đã tiến hành đánh giá toàn diện hiệu quả của việc triển khai hóa đơn điện tử, trên cơ sở đó lập đề án, xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế cho từng đối tượng người nộp thuế theo lộ trình phù hợp để báo cáo trình Chính phủ thực hiện hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Tổng cục Thuế rất mong được sự quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến của VCCI vào đề án này.

- Về việc hoàn thuế GTGT: Theo quy định của Luật thuế GTGT, doanh nghiệp có số thuế GTGT đầu vào lớn hơn số thuế GTGT đầu ra được hoàn thuế theo các trường hợp Luật định. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác số tiền hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp, Luật thuế GTGT đồng thời quy định các điều kiện về khấu trừ, hoàn thuế nhằm kiểm soát, tránh tình trạng lợi dụng, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Vì vậy, để được hoàn thuế GTGT, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội nhiều biện pháp như: giảm thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT, cung cấp các dịch vụ giao dịch điện tử trong ngành nghề thuế…, qua đó đã tháo gỡ nhiều khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp. Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế chính sách về hoàn thuế GTGT, với mục tiêu đảm bảo hài hòa tối đa lợi ích của doanh nghiệp và yêu cầu quản lý nhà nước.

- Về việc hạ mức thuế suất thuế TNDN tới mức hợp lý: Thực hiện điểm 3b Mục II Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về giảm thuế suất TNDN đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Do đó, Tổng cục Thuế ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp để trong thời gian tới trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế TNDN, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã có công văn số 10329/BTC-CST ngày 25/7/2016 gửi Công ty TNHH Gia Long để trả lời đề xuất của Công ty về cơ chế, chính sách của Chính phủ và những vấn đề liên quan đến thuế và phí để doanh nghiệp Việt Nam được phát triển. Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, giải thích những quy định hiện hành và nhấn mạnh “trong giai đoạn 2016-2020, hệ thống thuế sẽ tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện đảm bảo đúng mục tiêu theo chiến lược cải cách đã đặt ra là xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, đầu tư…Theo đó, tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước và tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí trên GDP ở mức hợp lý, tăng khả năng cạnh tranh và tích tụ vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

  1. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn số 4826/ATTP-PC ngày 21/7/2016 trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về những vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục công bố của sản phẩm của doanh nghiệp như sau:

- Về thời gian xét duyệt hồ sơ thực tế dài hơn nhiều quy định của pháp luật:

Về thời hạn xét duyệt hồ sơ công bố được quy định tạiNghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, theo đó, Khoản 3, 4 Điều 4 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định cụ thể:trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được đủ hồ sơ hợp lệ đối với hồ sơ công bố hợp quy cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cấp Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy, 15 ngày làm việc đối với hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cấp Giấy Xác nhận bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và 30 ngày làm việc đối với hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm là thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡngcơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cấp Giấy Xác nhận bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Trường hợp không cấp, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản lý do không cấp.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp khi nộp hồ sơ thường không đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định, trong đó chỉ nộp văn bản đề nghị cấp Giấy Tiếp nhận hoặc Giấy Xác nhận mà không kèm theo hồ sơ hoặc hồ sơ chỉ kèm theo một số giấy tờ, không đủ căn cứ pháp lý để thẩm xét hồ sơ, chính điều này làm kéo dài thời gian thẩm xét hồ sơ vì phải chờ doanh nghiệp bổ sung hồ sơ. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp không trực tiếp chuẩn bị và nộp hồ sơ mà thông qua các công ty dịch vụ, trong khi đó nhiều công ty dịch vụ không hiểu biết về quy định pháp lý cũng như không hiểu rõ các nội dung chuyên môn liên quan đến công bố sản phẩm thực phẩm nên không đáp ứng được yêu cầu về mặt nội dung cũng như hồ sơ, do vậy phải mất nhiều thời gian để thẩm xét và truyền tải các chỉnh sửa đến công ty dịch vụ. Ngoài ra, các công ty dịch vụ trong nhiều trường hợp không truyền tải kịp thời và đúng nội dung yêu cầu sửa, đổi bổ sung của cơ quan tiếp nhận hồ sơ đến doanh nghiệp. Chính điều này đã làm cho thời gian thẩm xét bị kéo dài.

Tuy nhiên, Cục ATTP cũng sẽ tiến hành rà soát, quán triệt và chấn chỉnh ngay các trường hợp hồ sơ bị chậm trễ do nguyên nhân chủ quan từ các chuyên viên thẩm xét hồ sơ.

- Về thủ tục thanh toán phí, lệ phí:

Cục ATTP là đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế về thực hiện dịch vụ công cấp độ 4, theo đó doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ qua mạng và đóng phí, lệ phí qua ngân hàng mà không cần phải nộp trực tiếp tại Cục. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi lớn cho doanh nghiệp trong quá trình nộp hồ sơ cũng như phí, lệ phí.Ví dụ như các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh muốn nộp hồ sơ đến Cục ATTP thì chỉ cần kê khai hồ sơ qua mạng và nộp phí, lệ phí thông qua ngân hàng mà không cần phải trực tiếp đến nộp trực tiếp tại Cục ATTP.

            Hiện nay, việc thanh toán phí, lệ phí của doanh nghiệp được thực hiện theo hình thức thanh toán chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng. Việc thanh toán qua hệ thống ngân hàng thường kéo dài thời gian từ 2-5 ngày do qua nhiều công đoạn (tiếp nhận sổ phụ tại ngân hàng, nhập số liệu vào hệ thống, xác nhận phí, lệ phí), bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp khi nộp tiền qua ngân hàng thường không ghi rõ tên sản phẩm hoặc mã sản phẩm cần cấp công bố gây khó khăn cho việc tra tìm để xác nhận đóng phí dẫn đến việc chậm xác nhận phí, lệ phí cho doanh nghiệp. Đây là hệ thống phần mềm mới, phải thông quan máy chủ (đặt ở Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế) và đôi khi máy chủ bị lỗi, đường truyền internet chậm, lỗi mạng. Mặt khác, do hệ thống phần mềm này mới được đưa vào sử dụng, mặc dù các chuyên viên đã được tập huấn sử dụng phần mềm mới, nhưng việc thực hành nhiều khi chưa được thuần thục hoặc quá tải về hồ sơ vẫn  dẫn đến việc thanh toán phí, lệ phí bị chậm.Để khắc phục điều này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục ATTP lắp đặt riêng cho hệ thống máy chủ đường truyền riêng để tránh tình trạng lỗi máy chủ và lỗi mạng.        

Dự kiến trong tháng 7/2016, Cục ATTP sẽ áp dụng thanh toán phí và lệ phí qua hệ thống Keypay. Theo đó, ngay khi doanh nghiệp nộp phí/ lệ phí qua Keypay thành công, hồ sơ doanh nghiệp sẽ tự động được chuyển xuống văn thư cấp số đến, không cần bộ phận kế toán xác nhận phí thẩm xét, điều này sẽ giảm thời gian nộp hồ sơ cho doanh nghiệp.

- Về việc yêu cầu bổ sung không rõ ràng, thậm chí thiếu cơ sở pháp lý, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp:

Cục ATTP đã tiến hành rà soát và nhận thấy về cơ bản, các công văn yêu cầu bổ sung đối với doanh nghiệp là chi tiết, đây đủ. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp yêu cầu bổ sung chưa cụ thể, yêu cầu bổ sung nhiều lần. Về vấn đền này, Cục ATTP đã quán triệt nội dung này đến từng cán bộ, chuyên viên liên quan đến công tác thẩm xét hồ sơ. Các nội dung yêu cầu bổ sung phải được liệt kê tất cả tại một (01) công văn, trong đó nêu rõ yêu cầu cụ thể sửa đổi, bổ sung nội dung gì, quy định tại điều khoản của văn bản nào,không đượcyêu cầu bổ sung nhiều lần gây mất thời gian của doanh nghiệp.

Hiện nay, Cục ATTP đang thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 đối với thẩm xét hồ sơ: Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy và Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.Điều này tạo điều kiện thuận lợi lớn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục công bố sản phẩm về mặt thời gian cũng như các chi phí tuân thủ.  Mặt khác, việc Cục An toàn thực phẩm kết nối thành công với Cổng thông tin một cửa quốc gia phân hệ Bộ Y tế 02 thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực nhập khẩu thực phẩm, ban hành Thông tư 52/2015/TT-BYT ngày 21 tháng 12 năm 2015 “Quy định việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu và hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế”  trong đó có nhiều điểm mới, tạo rất nhiều điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu và thông quan hàng hóa.

Tuy nhiên qua đây, Cục ATTP cũng mong muốn thông qua VCCI có ý kiến với các doanh nghiệp hợp tác với Cục ATTP trong việc trực tiếp chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ cũng như tiếp thu sửa đổi, bổ sung hồ sơ mà không thông qua các công ty dịch vụ, vì nhiều khi thông qua các công ty dịch vụ sẽ truyền tải không đầy đủ hoặc sai các nội dung yêu cầu. Đồng thời, Cục ATTP cũng đã công bố các số điện thoại giải đáp có liên quan đến quá trình nộp hồ sơ cũng như số điện thoại của đường dây nóng để giải quyết kịp thời các vấn đề của doanh nghiệp.

- Quy định về giới hạn hàm lượng dưỡng chất:

Về nội dung này, Cục ATTP đã có buổi làm việc với các đại điện các doanh nghiệp, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, Tổng Cục tiêu chuẩn và đo lường chất lượng. Hiện nay Việt Nam chưa có quy định về công bố khoảng dung sai cho các chỉ tiêu dinh dưỡng, vì vậydoanh nghiệp phải thực hiện ghi nhãn đầy đủ theo các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa nhằm đảm bảo tính minh bạch và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.Đối với các sản phẩm thực phẩm đãcó quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trên thực tế các doanh nghiệpthực hiện công bố chất lượng và khoảng dung sai cho phéptheo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKT). Riêng đối với các sản phẩm thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Cục ATTP có ý kiến như sau:

+ Đối với các chất dinh dưỡng vi lượng (vitamin, muối khoáng và các chất vi lượng có hoạt tính sinh học), Cục ATTP sẽ sớm kiến nghị lãnh đạo Bộ Y tế ban hành quy định về khoảng dung sai cho phép theo hướng:Mức công bố tối thiểu là -80% so với ghi trên nhãn; Mức tối đa là phụ thuộc vào mức cho phép theo Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24 tháng 11 năm 2014 “Quy định về quản lý thực phẩm chức năng” hoặc theo thông lệ quốc tế.

+ Đối với các chất dinh dưỡng đa lượng (đạm, đường, béo):

Theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” quy định: hàm lượng các chất khi kiểm nghiệm <70% giá trị ghi trên nhãn thì sản phẩm đó là hàng giả, do đó việc quy định khoảng dung sai cho các chất dinh dương đa lượng cần được xem xét kỹ lưỡng.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất thực phẩm, phù hợp với các quy định của pháp luật và các thông lệ quốc tế song đồng thời phải đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, Cục ATTP dự kiến ngay trong tháng 9/2016 sẽ tổ chức hội thảo về vấn đề này để lấy ý kiến rộng rãi từ các doanh nghiệp, các hiệp hội, các cơ quan chức năng liên quan.Trên cơ sở đó, Cục ATTP sẽ đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế ban hành quy cụ thể.

- Về Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế quy định về quản lý thực phẩm chức năng:

  1. a) Đối với kiến nghị sửa đổi định nghĩa tại Khoản 1 Điều 2:Cục ATTP đồng ý xem xét và sửa đổi từ “và” thành từ “hoặc” tại Khoản 1Điều 2 Thông tư 43/2014/TT-BYT là “Thực phẩm bổ sung là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất hoặc các yếu tố có lợi cho sức khỏe…”
  2. b) Đối với kiến nghị áp dụng Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2007 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Cục ATTP xin có ý kiến như sau:

- Phụ lục số 01 về Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 43/2014/TT-BYT được xây dựng trên cơ sở cập nhật và áp dụngHướng dẫn quốc gia phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ban hành năm 2014, Hướng dẫn này thay thế cho mức khuyến nghị năm 2007.

  1. c) Đối với kiến nghị cấp liên thông cả Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, GMP thực phẩm chức năng và ISO 22000, về vấn đề này, Cục ATTP xin có ý kiến như sau:

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng: Hiện nay các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng vẫn được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện theo quy định và chưa bắt buộc áp dụng GMP. Theo xu hướng hội nhập quốc tế và thỏa thuận chung của các quốc gia ASEAN, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được cấp giấy chứng nhận GMP theo lộ trình áp dụng. Dự kiến, nếu các cơ sở này đã được cấp GMP thì sẽ được miễn Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35 CỦA VCCI

Trong tháng 7 năm 2016, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế:

- Trong tháng, VCCI tham gia hoàn thiện góp ý các dự thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gồm: Nghị định sửa đổi Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng, Thông tư thuế nhập khẩu máy móc cơ khí; Nghị định về quản lý thức ăn chăn nuôi; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Nghị định quy định về quản lý hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng, sửa chữa thiết bị, phần mềm ghi âm, ghi hình, định vị ngụy trang và chế áp thông tin tế bào di động; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 142/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản....

- VCCI phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Tổ chức Hội thảo “Đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư, kinh doanh” nhằm lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia tham gia về những vướng mắc trong thực tiễn và đề xuất sửa đổi nhiều quy định tại nhiều Luật như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, khoáng sản, sở hữu trí tuệ, giáo dục, đất đai, xây dựng. Mục tiêu của rà soát là phát hiện các vướng mắc, loại bỏ rào cản, đặc biệt là cắt giảm các điều kiện kinh doanh; Loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, không thống nhất, chưa liên thông giữa các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh; Cải cách thủ tục hành chính theo hướng liên thông, phối hợp và minh bạch; Tạo cơ hội bình đẳng trong gia nhập thị trường.

- VCCI phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp” nhằm lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp về các nội dung của dự thảo Luật. Luật hỗ trợ DNNVV ra đời được kỳ vọng sẽ tạo nên khung khổ pháp lý, là công cụ quan trọng, thúc đẩy sự hỗ trợ DNNVV hình thành và phát triển. Đồng thời, cũng kỳ vọng Luật sẽ là động lực và biện pháp quan trọng để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp như Chính phủ đã đề ra.

- Triển khai một số hoạt động quan trọng như: Phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP và ký cam kết giữa UBND tỉnh Hoà Bình về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE);Tổ chức Hội thảo “Các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập”; tổ chức  Hội thảo chuyên đề Lộ trình ưu đãi thuế quan và quy tắc xuất sứ hàng hóa TPP cho các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp…

  1. Triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp:

- Tổ chức Đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Mông Cổ và tham sự Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 11. Đoàn gồm 52 thành viên hoạt động trong các lĩnh vực; Dầu khí, dệt may, da giày, túi xách, đầu tư kinh doanh tổng hợp, y tế, xây dựng và vật liệu xây dựng, ngân hàng, khoáng sản, thuốc lá, thuốc thú y, dịch vụ du lịch… có nhu cầu hợp tác, kinh doanh với thị trường Mông Cổ.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, VCCI đã phối hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Mông Cổ. Tham dự Diễn đàn có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều lãnh đạo cấp cao hai nước cùng đại diện của hơn 100 doanh nghiệp hai nước. Diễn đàn là cơ hội để Doanh nghiệp Mông Cổ tiếp cận các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó phát triển hợp tác kinh doanh để mở rộng đến thị trường Việt Nam và  thị trường ASEAN.

- Nhân chuyến thăm và làm việc chính thức của Thủ tướng Slovkia Robert Fico tới Việt Nam, VCCI phối hợp với Đại sứ quán Slovakia tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Slovakia. Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thủ tướng Slovakia Robert Fico, đại diện các cơ quan Bộ, Ngành của Việt Nam và hơn 70 doanh nghiệp, trong đó có hơn 20 doanh nghiệp Slovakia. Tại Diễn đàn, hai bên nhất trí về việc cởi mở hơn về vấn đề cấp phép thị thực nhằm hỗ trợ hơn cho doanh nghiệp, người dân hai nước có thể dễ dàng di chuyển khi du lịch, tìm hiểu thị trường, cơ hội hợp tác làm ăn lẫn nhau; Sớm triển khai Hiệp định thương mại FTA Việt Nam- EU; Thành lập những danh mục ưu tiên hợp tác hàng đầu giữa hai nước để đối chiếu và giám sát quá trình triển khai những danh mục này; Tăng cường trao đổi phái đoàn cấp cao, doanh nghiệp nhăm thúc đẩy hợp tác thương mại đi lên.

- VCCI phối hợp tổ chức Diễn Đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Rumani nhân chuyến thăm của Thủ tướng Rumani Dacian Ciolos. Tham dự diễn đàn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thủ tướng Rumani Dacian Ciolos, đại diện các cơ quan Bộ ngành của Việt Nam và trên 100 đại diện doanh nghiệp hai nước, trong đó hơn 20 doanh nghiệp tới từ Rumani. Năm 2015, tổng kim ngạch giữa hai nước tăng lên, đạt 170 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu khoảng 102 triệu USD. Tại Diễn đàn, Thủ tướng Rumani đã cam kết dành cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh với ưu đãi tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Rumani cũng như hỗ trợ tiếp cận thị trường Châu Âu.

-VCCI tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành VCCI khóa VI. Hội nghị nhằm tổng kết tình hình Doanh nghiệp 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 và thông qua Chương trình hành động của VCCI nhằm triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016 về Hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp đến năm 2020. Chương trình đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để triển khai các nhiệm vụ Chính phủ đã giao cho VCCI. Hơn nữa, Chương trình đã chi tiết hóa các nhiệm vụ thành 44 hoạt động cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết 

  1. Tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp:

Trong tháng 7 năm 2016, VCCI tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập hợp các kiến nghị mới phát sinh của doanh nghiệp. Danh mục các kiến nghị mới phát sinh được trình bày tại Phụ lục kèm theo.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng.      

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Bộ Nội vụ;

- Bộ Công Thương;

- Bộ LĐTBXH;

- Bộ Tài chính;

- Bộ TTTT;

- Tổng cục Hải quan;

- UBND tỉnh Thanh Hóa;

- Lưu VT, VP (TH).    

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 7/2016 (Tải về)