Australia cấm nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần công ty điện lực

Ausgrid
Ausgrid có 1,7 triệu khách hàng. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Tài chính Australia Scott Morrison hôm 19/8 cho biết, ông đã quyết định hai công ty là State Grid từ Trung Quốc đại lục và Cheung Kong Infrastructure Holdings từ Hồng Kông sẽ không được tham gia mua 50,4% cổ phần của Ausgrid, do những lo ngại đang dấy lên về việc tư nhân hoá mạng lưới điện, có thể đe doạ tài sản hạ tầng chiến lược của quốc gia. 

Ausgrid, công ty có mạng lưới điện với 1,7 triệu khách hàng và tài sản trị giá 15,3 tỷ AUD (11,76 tỷ USD), đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần. 

Quyết định này của Australia nối tiếp hàng loạt sự từ chối gần đây của các quốc gia với các khoản đầu tư từ Trung Quốc vào những ngành chiến lược. Đầu tháng 8, Thủ tướng Anh Theresa May đã tạm ngừng việc cho phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Trung Quốc đầu tư, thể hiện quan điểm thận trọng hơn so với người tiền nhiệm với các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Trong tháng 4, Australia cũng đã từ chối một thương vụ mà nhà đầu tư Trung Quốc mua một công ty gia đình sở hữu nhiều nông trại lớn nhất Australia. 

Bộ Thương mại Trung Quốc đã ngay lập tức chỉ trích quyết định này và cho rằng đây là điều bất lợi cho quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước. “Quyết định này cho thấy tính bất ổn trong môi trường đầu tư ở Australia và làm giảm sự nhiệt tình đầu tư của các công ty Trung Quốc tại Australia”, người phán ngôn của Bộ này cho biết. 

State Grid, nhà cung cấp điện lực lớn nhất thế giới về doanh số, cho biết họ đánh giá quyết định của Australia là khó hiểu và vô cùng đáng thất vọng. Còn từ phía Cheung Kong Infrastructure, công ty này khẳng định các khoản đầu tư của mình ở Australia lớn hơn nhiều so với ở Hồng Kông hay Trung Quốc đại lục và 90% lợi nhuận của họ là từ các khoản đầu tư ở nước ngoài. 

Cheung Kong Infrastructure là công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Lý Gia Thành, có thể đã bị thiệt thòi do bị “gộp” chung vào với State Grid. Luật về đầu tư của Australia có những điều khoản chặt chẽ đối với bất cứ giao dịch nào từ các nhà đầu tư có liên quan đến nhà nước. 

Tỷ phú Lý Gia Thành thường được coi là một người gần gũi với Trung Quốc đại lục, dù mối quan hệ này đã giảm đi kể từ năm 2012 khi Trung Quốc có nhà lãnh đạo mới. Trong những năm gần đây, ông Lý Gia Thành đã gia tăng các khoản đầu tư ở châu Âu và giảm dần tài sản ở Trung Quốc./.

Theo H.Y (thời báo tài chính Việt nam)