Người giữ hồn Việt cho Tết Trung thu truyền thống​

Những năm gần đây, bên cạnh những loại đồ chơi hiện đại, đồ chơi dân gian truyền thống đang dần lấy lại vị trí trong mâm cỗ trông trăng. Để những món đồ chơi dân gian này luôn hiện hữu trong đêm hội trăng rằm, gần 50 năm qua, bà Nguyễn Thị Tuyến, ở làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã âm thầm gìn giữ nghề làm đồ chơi truyền thống của gia đình.

Làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội nổi tiếng là làng làm đồ chơi Trung thu. Nhưng nay, cả làng chỉ còn duy nhất bà Nguyễn Thị Tuyến làm nghề. Bà Tuyến đã có gần 50 năm gắn bó với giấy màu, chiếc nan, hồ dán - những vật liệu thủ công làm đồ chơi Trung thu truyền thống như ông tiến sỹ giấy, đèn ông sao.

nguoi giu hon viet cho tet trung thu truyen thong​ hinh 0
Bà Nguyễn Thị Tuyến hướng dẫn cách làm đồ chơi Trung thu cho các em học sinh.

Bà Tuyến cho biết, nhà có truyền thống 4 đời làm đồ chơi Trung thu. Nhưng thời khó khăn những năm 80 của thế kỷ trước, thu nhập từ việc làm đồ chơi không nuôi nổi gia đình, nhiều nhà đã chuyển nghề. Hiểu nỗi day dứt của mẹ, bà Tuyến quyết tâm bám trụ, âm thầm giữ nghề của cha ông.

"Từ thời các cụ và bố mẹ tôi thì rất đông người làm. Đến đời tôi thì đồ chơi ngoại đã xâm nhập vào Việt Nam quá nhiều, do đó đồ chơi dân gian không được thịnh hành và nhiều người không biết đến. Vì vậy, đồ chơi dân gian đã bị sao nhãng nên mọi người đều bỏ hết, hiện nay ở làng chỉ có mình tôi làm. Các đồ chơi dân gian ngày xưa là làm bao nhiêu hết bấy nhiêu nhưng bây giờ chúng tôi làm nhiều khi không bán được hết" - bà Tuyến chia sẻ.

Mấy mươi năm bám nghề của cha ông, chứng kiến sự lấn át của đồ chơi hiện đại nhập khẩu, bà Tuyến càng quyết tâm cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ khách. Những món đồ chơi truyền thống như ông tiến sỹ, đèn ông sao thấm đẫm màu sắc dân tộc do bà làm ra luôn được người dân địa phương và các em nhỏ chào đón mỗi dịp Trung thu. Trên khung nền cũ, bà cải tiến mẫu mã, sáng tạo thêm những loại đèn mới như đèn con cá, đèn con hươu, con tôm, con rồng... để con trẻ có thêm lựa chọn làm cho mâm cỗ trông trăng thêm sinh động.

Chính vì lòng đam mê và nhiệt huyết với đồ chơi dân gian truyền thống mà nhiều năm nay vào dịp Trung thu, bà Tuyến được các trường học, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội… mời đến để hướng dẫn cách làm đồ chơi cho thiếu nhi.

Chị Lê Thị Phương Thảo, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: "Những gì thuộc về truyền thống thì phải giữ gìn, đặc biệt là những lễ, tết dành cho trẻ em như thế này. Bây giờ xã hội phát triển, trẻ em biết đến những trò chơi công nghệ hay điện tử rất là nhiều thì những hoạt động này rất bổ ích cho các em. Các em sẽ học được cách làm các đồ chơi dân gian mà còn biết cả truyền thống xa xưa kia của người Việt Nam mình, biết cả lịch sử ra đời của nó như thế nào, rất là ý nghĩa".

Ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Tuyến ở thôn Hậu Ái từ nhiều năm nay đã trở thành địa chỉ cho nhiều đoàn học sinh đến trải nghiệm, tìm hiểu về đồ chơi Trung thu truyền thống. Đối với các em khi đến đây là được đến với không gian Tết Trung thu truyền thống của dân tộc.

Em Nguyễn Đăng Quân, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội cho biết: "Em thấy khó nhất là công đoạn làm thân của ông tiến sỹ giấy nhưng nghệ nhân đã dạy cho em rất tỉ mỉ và cẩn thận. Hôm nay em đã được làm một ông tiến sỹ giấy rất đẹp trong ngày Tết Trung thu, giúp em tìm hiểu thêm các đồ chơi dân gian truyền thống".

Giữa nhịp sống gấp gáp thời hiện đại, khi những đồ chơi công nghệ ngày một nhiều khiến người ta lãng quên đi những món đồ chơi dân gian truyền thống thì tâm huyết với nghề làm đồ chơi dân gian truyền thống của những người như bà Tuyến đang giúp “hồi sinh” những nét văn hóa độc đáo của Đêm hội trăng rằm tháng Tám. Sự trở lại với đồ chơi dân gian truyền thống của trẻ em những năm gần đây là niềm hạnh phúc lớn lao, là động lực để bà tiếp tục giữ nghề và truyền lại niềm đam mê cho lớp trẻ./.

Theo Hồng Bắc/VOV