Lương tối thiểu tăng nhanh, nhưng mới đạt 80% nhu cầu của công nhân

PV:Thưa bà, chính sách lương tối thiểu được coi là một trong những biện pháp của Nhà nước đảm bảo quyền lợi người lao động, chống nghèo đói và là công cụ an sinh xã hội quan trọng. Theo bà, quá trình điều chỉnh lương tối thiểu liên tục trong thời gian qua đã có tác động như thế nào đối kinh tế - xã hội nước ta?

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương: Sau nhiều lần cải cách, chính sách tiền lương nói chung, điều chỉnh mức lương tối thiểu nói riêng đã được đổi mới theo hướng phù hợp thị trường, tiền tệ hóa tiền lương. Nhờ đó, tiền lương và thu nhập của người lao động có xu hướng tăng từ 10- 20%/năm, đảm bảo từng bước ổn định và cải thiện đời sống người lao động.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đã nâng tỷ lệ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động lên cao gần gấp đôi, với mức 80%.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội  

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương

Nhìn chung mức chênh lệch về tiền lương tối thiểu và tiền lương trung bình của nước ta đã được giảm dần qua các năm.

Nếu năm 2008, tiền lương tối thiểu chỉ bằng khoảng 25,7% tiền lương trung bình thì đến năm 2015 đã tăng lên 56,3%. Điều này cho thấy, nhóm người yếu thế trong thị trường lao động đã được bảo vệ tốt hơn.

Mặt khác, có thể thấy, doanh nghiệp đang ngày càng được tự chủ trong việc trả lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả công việc.

Tuy nhiên, cho đến nay dù đã trải quan 3 lần thương lượng tiền lương tối thiểu nhưng vẫn chưa có các công cụ để đánh giá tác động của điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Đa số chỉ dựa vào báo cáo của các doanh nghiệp để đánh giá tác động của hoạt động này.

PV: Bà đánh giá như thế nào về tương quan giữa tiền lương tối thiểu với tốc độ tăng giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế của nước ta?

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương: Có thể thấy rõ, tốc độ tăng tiền lương tối thiểu luôn cao hơn so với tốc độ tăng giá cả sinh hoạt (CPI) và tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP). Ví như trong giai đoạn từ năm 2009 – 2015, tốc độ tăng tiền lương tối thiểu vùng tăng gần 27%/năm, cao hơn khoảng 4,6 lần so với tốc độ tăng GDP và 3,3 lần so với CPI.

Chính phủ luôn đặt mục tiêu tăng nhanh tiền lương tối thiểu để tiệm cận nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, mặc dù tiền lương tối thiểu tăng nhanh nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình của họ. Nhất là trong năm 2010 và 2011 khi chỉ số giá tăng cao, mức lương tối thiểu vùng quy định chỉ đáp ứng khoảng 47% nhu cầu tối thiểu của người lao động.

Trong những năm gần đây, con số này đã tăng lên được trên 80%.

PV: Vậy theo bà, xuất phát từ những yêu cầu của thực tiễn và trên cơ sở các kinh nghiệm của các nước khác trong khu vực và thế giới, để hoàn thiện chính sách tiền lương tối thiểu cho doanh nghiệp thời kỳ 2016 – 2025 cần có giải pháp cụ thể như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương: Trước hết, tiền lương tối thiểu là nhằm bảo vệ người lao động, nhất là người lao động yếu thế nên cần coi đây chính là lưới an sinh xã hội quan trọng trong nền kinh tế thị trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập.

Nhà nước không nên can thiệp trực tiếp vào tiền lương của doanh nghiệp mà thông qua chính sách tiền lương tối thiểu và điều kiện lao động, đảm bảo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, khi điều chỉnh lương tối thiểu phải cân nhắc các yếu tố kinh tế khác có liên quan, nhất là khả năng chi trả của doanh nghiệp, các tác động về việc làm, thất nghiệp, thu nhập và tiền lương trước, sau khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu.

Bên cạnh đó, tiền lương và lương tối thiểu tại các doanh nghiệp nên được xác định thông qua thương lượng tập thể và do các đối tác tham gia đàm phán quyết định để giảm bớt các nguyên nhân tranh chấp lao động và đình công do tiền lương gây ra. Thêm vào đó, cần tiếp tục kéo gần khoảng cách giữa mức lương tối thiểu trong khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp.

Cuối cùng, cần sớm có công cụ đánh giá, cơ chế phối hợp và đánh giá tác động điều chỉnh tiền lương tối thiểu với quy mô rộng hơn, các số liệu có độ tin cậy cao hơn để làm cơ sở cho việc nghiên cứu về sau.

PV: Xin cảm ơn bà!

Theo Tố Uyên(Thời báo tài chính Việt nam)