PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH VCCI VŨ TIẾN LỘC Tại Lễ Phát động thi đua và Trao danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu 2016

Tiếp theo thông điệp Xây dựng một Chính phủ liêm chính, quyết tâm hành động, một chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, hôm nay, Thủ tướng, thay mặt Đảng và Nhà nước, lại thắp sáng Ngày Doanh nhân của chúng tôi bằng khẩu hiệu “Liên kết doanh nhân Việt. Đoàn kết – Đổi mới – Sáng tạo”.

Chúng tôi hứa sẽ triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước mà Thủ tướng đã giao là: Đoàn kết, hợp tác. Đổi mới, sáng tạo. Tuân thủ pháp luật. Liêm chính, thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội và văn hóa kinh doanh. Bốn nhiệm vụ này như là 4 cột trụ của ngôi nhà doanh nghiệp, 4 động cơ đưa đoàn tàu doanh nghiệp Việt vững tiến tới mục tiêu đất nước có trên 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.

Chúng tôi chân thành cảm ơn Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các Bộ ngành, địa phương thực hiện “3 đồng hành và 5 hỗ trợ” với cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng “3 đồng hành và 5 hỗ trợ” sẽ là những phương châm quan trọng trong phong trào thi đua yêu nước của tất cả các cấp trong bộ máy công quyền trong thời gian tới. Chúng tôi hiểu điều Thủ tướng nhắn gửi: Thủ tướng sẽ quyết liệt, Chính phủ sẽ đồng hành và Doanh nghiệp phải tiến lên. Đó cũng là mệnh lệnh của Thủ tướng đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Kính thưa Thủ tướng !

Kính thưa các đồng chí !

Chúng tôi nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với đất nước: Bác Hồ bảo: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Doanh nhân là nhạc trưởng tiên phong trong công cuộc phát triển đất nước”… Đại hội lần thứ 12 của Đảng ta xác định: “Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”… và Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp mà Thủ tướng là kiến trúc sư, đã khẳng định: “Doanh nghiệp là động lực phát triển đất nước”…

Chúng tôi cảm ơn Thủ tướng và Chính phủ đã rất quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh. Năm 2016 sẽ đi vào lịch sử, là năm đầu tiên số lượng doanh nghiệp được thành lập mới ở Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp. Niềm tin của giới kinh doanh đang được khơi dậy. Doanh nghiệp chúng tôi nói với nhau rằng: 100.000 doanh nghiệp được thành lập mới năm 2016 là 100.000 đóa hoa đẹp của phong trào thi đua yêu nước của giới doanh nhân kính tặng Thủ tướng và Chính phủ.

Và tôi cũng xin được báo cáo với Thủ tướng một tin vui nữa: Theo đề xuất của VCCI, mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, một tổ chức có thành viên tham gia từ trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đã lựa chọn Việt Nam (mà đại diện là nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân) vào chung kết giải thưởng quốc gia khởi nghiệp năm 2016 cùng với 6 bộ trưởng, thứ trưởng từ các nền kinh tế khác. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế cho những nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam mà Thủ tướng và Chính phủ đang là người thắp lửa. Năm 2015, giải thưởng này được trao cho Bộ trưởng KHCN của Hàn Quốc, một cường quốc về khởi nghiệp.

Mặc dù vậy, chúng tôi hiểu, chặng đường cải cách còn rất gian nan. Để lời nói có thể thành hành động, để nghị quyết có thể đi vào cuộc sống đòi hỏi một quyết tâm chính trị rất cao. Thủ tướng và Chính phủ đã thắp lửa, nhưng việc truyền lửa tới mọi cấp chính quyền, để sức nóng và sự thôi thúc của cải cách có thể đến được chị văn thư, anh bảo vệ ở chốn công quyền nơi cơ sở, để tinh thần vì dân và doanh nghiệp trở thành văn hóa và hành vi hàng ngày của họ là việc không dễ dàng. Và tôi tin, phong trào “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” mà Thủ tướng phát động hôm nay sẽ là một phong trào thiết thực tiếp lửa cho chương trình nghị sự cải cách của Chính phủ theo Nghị quyết 35.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta vui mừng vì đã có một cộng đồng doanh nghiệp phát triển khá nhanh, nhưng chúng ta vẫn chưa thể hài lòng vì cộng đồng doanh nghiệp Việt tuy đã đông nhưng chưa đủ mạnh. Sau 30 năm Đổi mới, chúng ta vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp với những thương hiệu đạt đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới. Xét về tổng tài sản, một số doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn của Việt Nam đã được thế giới vinh danh, nhưng nhìn chung về hiệu quả và chất lượng thì còn nhiều việc phải bàn. Các đại gia của ta tới nay chủ yếu hoạt

động trong khu vực tài chính ngân hàng, bất động sản và xây dựng... Tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tính bài bản và chuyên nghiệp còn thấp so với các chuẩn mực toàn cầu. Hộ kinh tế gia đình vẫn là chủ thể kinh tế phổ biến trong khu vực nông nghiệp, nông thôn…

Trước áp lực của hội nhập và cuộc cách mạng công nghệ số, muốn tiếp tục trụ vững và phát triển, cấu trúc và quản trị của cộng đồng doanh nghiệp Việt phải thay đổi.

Trong nền nông nghiệp phải có sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn, và toàn bộ hệ thống doanh nghiệp phải chuyển mình theo định hướng Đổi mới, Sáng tạo như 1 trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của phong trào thi đua mà Thủ tướng đã nhấn mạnh.

Vị thế địa kinh tế, tài nguyên và lao động rẻ sẽ không còn là lợi thế của Việt Nam trong những thập kỷ tới. Vì vậy, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, chủ động tái cấu trúc, bắp kịp yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và làn sóng toàn cầu hóa là yêu cầu sống còn của các doanh nghiệp Việt.

Dự báo, phát triển doanh nghiệp và khả năng tạo công ăn việc làm ngay cả trong những lĩnh vực được coi là lợi ích cốt lõi, là quà tặng của TPP cho Việt Nam như dệt may, da giày… cũng sẽ bị đe dọa nếu doanh nghiệp Việt nam không chuyển kịp… Thêm vào đó, hàng triệu người bước vào độ tuổi lao động và dôi dư do quá trình tái cấu trúc nền nông nghiệp cần có việc làm trong những năm tới sẽ là áp lực lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Chúng tôi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng: Tạo việc làm đàng hoàng cho người lao động là sứ mệnh cao cả của mình trước Tổ quốc. Chúng tôi rất mong cả hệ thống chính trị sẽ hậu thuẫn cho doanh nhân thực hiện sứ mệnh này.

Và hôm nay, trong Lễ phát động phong trào thi đua yêu nước, tôi xin được gửi đến Thủ tướng, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng trung ương, một kiến nghị: Chúng tôi đề nghị, hãy lấy tiêu chí giải quyết công ăn việc làm cho người lao động của các doanh nhân là một trong những chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đóng góp của doanh nhân cho đất nước để có thể phong cho họ danh hiệu dũng sỹ, anh hùng.

Trong thời chiến, dũng sỹ, anh hùng là những người diệt được nhiều quân xâm lược, thì ngày nay dũng sỹ, anh hùng là những người tạo nhiều việc làm nhất cho dân.

Tôi đề nghị nếu doanh nghiệp có thể tạo 10 việc làm đàng hoàng thì cấp xã nên ghi nhận, tạo 100 việc làm huyện sẽ tôn vinh, 1000 việc làm, tỉnh tôn vinh, ghi nhận, 1 vạn việc làm đàng hoàng Chính phủ tôn vinh họ là Dũng sỹ, Anh hùng… Tất nhiên là với điều kiện doanh nghiệp phải thực hiện tốt cacr 4 nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao trong lời phát động thi đua.

Bác Hồ nói: “Yêu nước phải thương dân”. Cách thương dân tốt nhất là lo việc làm đàng hoàng cho dân. Phát triển doanh nghiệp là lo việc làm cho dân. Doanh nghiệp chúng tôi luôn tâm niệm như vậy và sẽ hành động như vậy.

Tôi đề nghị cộng đồng doanh nghiệp cả nước thông qua mạng lưới các hiệp hội doanh nghiệp, dưới sự hướng dẫn của Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hãy hưởng ứng Phong trào thi đua 4 tốt: “Đoàn kết, Kỷ cương, Sáng tạo, Liêm chính” mà Thủ tướng đã phát động hôm nay và chúng ta quyết đạt được mục tiêu có trên 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 để tạo nhiều việc làm tốt cho dân.

Xin chân thành cảm ơn Thủ tướng, các đồng chí và các quý vị !

Chúc các doanh nhân của chúng ta thành công !