Báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg và Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 3/2016

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 2783/PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Chỉ thị 11/CT-TTg và Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 3/2016

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2016

Kính gửi: CHÍNH PHỦ

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị11/CT-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong quý 3 năm 2016 như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ 11/CT-TTG VÀ NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA CÁC BỘ NGÀNH

  1. Bộ Tài chính

1.1. Bộ Tài chính đã có CV số 10935/BTC-CST ngày 8/8/2016 trả lời kiến nghị của Tập đoàn Hoàng Gia Việt Nam về chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư hệ thống nhà máy lọc chuyển đổi nước mặn thành nước ngọt như sau:

Theo nội dung kiến nghị, để đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân và nước tưới tiêu cho các vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung bị hạn hán kéo dài gây thiếu nước ngọt sinh hoạt và canh tác trầm trọng do chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cần gay gắt, nắng nóng kéo dài, nước biển dâng cao hơn mức bình thường hàng năm gây ngặp mặn đồng bằng ven biển, Tập đoàn đã chuyển giao công nghệ của Mỹ - chuyển đổi nước biển thành nước ngọt bằng hệ thống các nhà máy lọc tại các tỉnh và địa phương công suất 5.000 tỷ m3/năm và chuẩn bị vốn đầu tư. Theo Tập đoàn, đây là dự án tầm cỡ quốc gia và chiến lược để ổn định và phát triển kinh tế nước nhà (60% là canh tác và nông nghiệp) mà Chính phủ Việt Nam đang quan tâm và chỉ đạo sâu sắc trong giai đoạn hiện nay, Tập đoàn có đề nghị nội dung về cấp phép ưu đãi đầu tư, giảm thuế kinh doanh và ưu tiên phát triển dự án.

Bộ Tài chính thấy rằng, việc triển khai, thực hiện dự án đầu tư hệ thống các nhà máy lọc, chuyển đổi nước biển thành nước ngọt để đảm bảo nước cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân tại các vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung nhằm góp phần giải quyết tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long là cần được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện.

Hiện nay, theo quy định của Luật Đầu tư, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, và hệ thống pháp luật về thuế thì các chính sách ưu đãi đầu tư (trong đó có ưu đãi thuế) được áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc các ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư như: đầu tư phát triển nhà máy nước; hệ thống cấp thoát nước, công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng do Thủ tướng Chính phủ quyết định; dự án ứng dụng công nghệ cao theo quy định pháp luật về công nghệ cao; đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao…

Trong đó, các chính sách ưu đãi về thuế được quy định cụ thể như sau:

1) Về thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn:

- Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực như: ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; đầu tư phát triển nhà máy nước, hệ thống cấp thoát nước; công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên hoặc thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

- Thuế suất ưu đãi 20% trong thời gian 10 năm (kể từ ngày 01/1/2016 áp dụng thuế suất là 17%), miễn thuế 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

- Miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp nằm trên địa bàn có điều kiện - kinh tế xã hội thuận lợi).

2) Về thuế nhập khẩu

Theo quy định của Luật Đầu tư, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ nêu trên và Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế suất khẩu, thuế nhập khẩu thì các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, được áp dụng chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu cụ thể tại khoản 6 và khoản 8 Điều 12 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP như sau:

“Điều 12: Miễn thuế

  1. Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư vào lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định này hoặc địa bàn được ưu đãi về thuế nhập khẩu, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được miễn thuế nhập khẩu, bao gồm:
  2. Thiết bị, máy móc:
  3. Phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ trong nước chưa sản xuất được; phương tiện vận chuyển đưa đón công nhân gồm xe ô tô từ 24 chỗ ngồi trở lên và phương tiện thủy;
  4. Linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc; phương tiện vận tải chuyên dùng quy định tại điểm a và điểm b khoản này;
  5. Nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được dùng để chế tạo thiết bị, máy móc nằm trong dây chuyền công nghệ hoặc để chế tại linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc quy định tại điểm a khoản này;

đ. Vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được.

  1. Việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều này được áp dụng cho cả trường hợp mở rộng quy mô dự án, thay thế công nghệ, đổi mới công nghệ.”

Ngoài ra, đối với các Dự án đầu tư thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; Dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Dự án đầu tư có quy có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, còn được hưởng ưu đãi theo quy định khoản 14 Điều 12 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP như sau:

“14. Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của các dự án đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (trừ các dự án sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, điều hòa, máy sửa điện, tủ lạnh, máy giặt, quạt điện, máy rửa bát đĩa, đầu đĩa, dàn âm thanh, bàn là điện, ấm đun nước, máy sấy khô tóc, làm khô tay và những mặt hàng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) được miễn thuế nhập khẩu trong thời gian 05 (năm) năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất.”

3) Về tiền thuê đất, thuê mặt nước

- Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 46/ND-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, trong đó có quy định về nguyên tắc áp dụng miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước như sau: “1. Việc miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước được thực hiện theo từng dự án đầu tư gắn với việc cho thuê đất mới”.

- Tại Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP quy định về việc miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với dự án đầu tu thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư như sau:

“Điều 19. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước

  1. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê trong các trường hợp sau:
  2. a) Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

  1. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước…
  2. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sau thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của thời gian xây dựng cơ bản theo quy định tại Khoản 2 Điều này, cụ thể như sau:

  1. c) Mười một (11) năm đối với dự án đầu tư thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư;
  2. d) Mười lăm (15) năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.”

4) Về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Theo khoản 1 Điều 9 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó quy định về miễn thuế đối với: “1. Đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư…”

Như vậy hệ thống pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể các chính sách ưu đãi về thuế, đề nghị Tập đoàn Hoàng Gia Việt Nam căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên để thực hiện.

1.2. Bộ Tài chính đã có công văn số 12427/BTC-CST, ngày 07 tháng 9 năm 2016 trả lời kiến nghị của Hiệp hội Nhựa Việt Nam về thuế nhập khẩu nguyên liệu Polypropylen (PP) và CV số 12428/BTC-CST, ngày 07 tháng 9 năm 2016 trả lời kiến nghị của Công ty Cổ phần Kinh đô Thăng Long về thuế xuất khẩu mặt hàng than gỗ vườn trồng như sau:

- Đối với kiến nghị của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Bộ Tài chính trả lời: Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 262022000036 lần đầu vào ngày 14/4/2008 và 04 lần thay đổi (lần thứ nhất ngày 29/5/2008, lần thứ 2 ngày 10/6/2009, lần thứ ba ngày 02/11/2009 và lần thứ tư ngày 27/1/2013) của Công ty trách nhiệm hữu hạn lọc hóa dầu Nghi Sơn thì Dự án liên hợp hóa dầu Nghi Sơn dự kiến đi vào vận hành thương mại từ năm 2017. Căn cứ cam kết của Chính phủ tại Thỏa thuận Bảo lãnh và Cam kết của Chính phủ (GGU): “Trong 10 năm đầu kể từ Ngày vận hành thương mại, NSRP có thể áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7% đối với sản phẩm lọc dầu (ngoại trừ 5% cho LPG) và 3% đối với sản phẩm hóa dầu. Trong thời hạn nêu trên, nếu Nhà nước Việt Nam quy định thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn (căn cứ vào thuế suất Tối Huệ Quốc quy định trong biểu thuế xuất nhập khẩu Việt Nam) thì Chính phủ bảo đảm rằng Petrovietnam sẽ thanh toán cho NSRP số chênh lệch giữa thuế suất nhập khẩu thực tế và thuế suất nhập khẩu thực tế và thuế suất 7% đối với  các sản phẩm lọc dầu (ngoại trừ 5% cho LPG) và 3% đối với các sản phẩm hóa dầu. Quy định này được áp dụng trong mọi trường hợp NSRP bán sản phẩm của mình cho thị trường nội địa, cho dù thông qua Petrovietnam hay bên bao tiêu khác”, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế nhập khẩu MFN đối với sản phẩm hóa dầu (gồm cả mặt hàng hạt nhựa PP) từ 1% lên 3% kể từ ngày 01/01/2017 để đảm bảo thực hiện phù hợp cam kết của Chính phủ. Ngày 01/9/2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 122/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 122NĐ-CP ngày 01/9/2016 quy định:

“2. Các mặt hàng hóa dầu gồm Benzen thuộc mã hàng 2707.10.00 và mã hàng 2902.20.00; Xylen thuộc mã hàng 2707.30.00, P-xylen thuộc mã hàng 2902.43.00 và Polypropylen thuộc mã hàng 3902.10.30 và mã hàng 3902.10.90 (không bao gồm mặt hàng Polypropylen dạng nguyên sinh thuộc nhóm 98.37) áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo lộ trình như sau:

  1. a) Từ ngày 01 tháng 09 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016: Áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 1%.
  2. b) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 trở đi. Áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 3% theo quy định tại Mục I Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này”.

Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng hạt nhựa PP thuộc mã hàng 3902.10.30 và 3902.10.90 tiếp tục được duy trì 1% từ ngày 01/9/2016 đến ngày 31/12/2016. Từ 01/01/2017 trở đi áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 3%.

- Đối với kiến nghị của Công ty Cổ phần Kinh đô Thăng Long, Bộ Tài chính trả lời:

Theo quy định tại Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ thì mặt hàng than gỗ vườn trồng thuộc mã hàng 4402.90.90.90, thuế xuất khẩu 10%; mặt hàng than gỗ gáo dừa có mã hàng 4402.90.10 có thuế xuất khẩu 0%.

Theo khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng chịu thuế ban hành kèm theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì khung thuế suất thuế xuất khẩu của mặt hàng than gáo dừa là 0-25%.

Căn cứ khung thuế suất thuế xuất khẩu nêu trên, kiến nghị giảm thuế xuất khẩu của mặt hàng than gỗ vườn trồng từ 10% xuống 0% bằng với mức thuế xuất khẩu của than gáo dừa là không phù hợp với quy định về khung thuế suất thuế xuất khẩu tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Bộ Tài chính đề nghị công ty thực hiện theo quy định hiện hành tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ.

  1. Bộ Công Thương

Bộ Công Thương đã có CV số 9089/BCT-KH ngày 28/9/2016 trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp như sau:

2.1. Về kiến nghị liên quan đến Kiến nghị số 19/2016/NĐ-CP ngày 22 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về kinh doanh khí

a. Về kiến nghị Nghị định không nên quy định về số lượng vỏ chai và tồn trữ khi chưa có dữ liệu thống kê cụ thể mức sản lượng tiêu thụ LPG của các trạm chiết từng vùng miền trên cả nước…

Trong quá trình xây dựng Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí các số liệu quy định về số lượng chai chứa LPG và tổng dung tích các bồn chứa đã được điều tra, khảo sát trên địa bàn toàn quốc trên cơ sở các số liệu và tính toán về thị trường LPG của Việt Nam trong báo cáo quy hoạch đã được Bộ Công thương xây dựng và ban hành Quyết định số 9858/QĐ-BCT ngày 24 tháng 12 năm 2013 về phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất và phân phối khí dầu hóa mỏ lỏng Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16 tháng 5 năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khí dầu hóa mỏ hóa lỏng (LPG), Bộ Công thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2016/NĐ-CP theo hướng bỏ hoặc giảm tối đa các điều kiện về quy mô kinh doanh như cơ sở vật chất thuộc quyền sở hữu, số lượng chai chứa LPG…

b. Về kiến nghị sửa đổi khoản 3 Điều 42: Gộp Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG với Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai thành một Giấy chứng nhận và giao cho Sở Công thương cấp.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG do Bộ Công Thương cấp cho thương nhân đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 19/2016/NĐ-CP.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai do Sở Công Thương cấp cho trạm nạp khi đáp ứng đủ điều kiện của Nghị định 19/2016/NĐ-CP.

Theo quy định tại Nghị định 19/2016/NĐ-CP thương nhân phân phối LPG thuộc nhóm thương nhân kinh doanh LPG đầu mối, là nơi phát nguồn LPG trên thị trường với nhiều quyền và nghĩa vụ có tác động đến sự biến động của thị trường LPG ở quy mô rộng như: tổ chức hệ thống phân phối LPG, tổ chức nạp LPG vào chai, quy định giá bán LPG và LPG chai trong hệ thống phân phối… Thương nhân phân phối LPG không chỉ hoạt động riêng trên địa bàn một tỉnh mà còn có các cơ sở kinh doanh LPG và hệ thống phân phối LPG hoạt động dàn trải dài trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sở Công Thương không đủ chức năng và nguồn nhân lực để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với loại hình thương nhân và cơ sở kinh doanh LPG nằm ngoài phạm vi thuộc địa bàn tỉnh quản lý.

Trạm nạp LPG vào chai là một trong số các cơ sở kinh doanh LPG nằm trong hệ thống các cơ sở vât chất phục vụ cho hoạt động kinh doanh LPG (gồm cửa hàng bán chai LPG chai, trạm cấp LPG, trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải) luôn phải đáp ứng các điều kiện được đưa ra nhằm đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn kỹ thuật, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường. Sở Công Thương trên địa bàn tiến hành kiểm tra các điều kiện của cơ sở kinh doanh LPG và cấp Giấy chứng nhận.

Do vậy, để đảm bảo với yêu cầu thực tế hoạt động của doanh nghiệp cũng như công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh LPG, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 19/2016/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định trạm nạp LPG vào chai thuộc sở hữu của thương nhân phân phối LPG và Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai.

  1. về kiến nghị tăng mức xử phạt vi phạm đối với các đơn vị vi phạm để hoạt động kinh doanh LPG phát triển lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế và nộp thuế cho ngân sách Nhà nước.

Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2016 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng, theo đó sẽ nghiên cứu và rà soát các hành vi và tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh LPG.

2.2. Về đề nghị giải quyết quyền lợi của Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội

Kiến nghị của Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 không đề cập đến mã HS cũng như thành phần của mặt hàng Ondansetron Hydrochloride USP. Tuy nhiên, đơn hàng trên đã được Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cấp giấy phép nhập số 225934/QLD-KD nên có thể hiểu là do Bộ Y tế quản lý (theo phân cấp của Luật Hóa chất). Vì vậy, Công ty không phải xin xác nhận Giấy khai báo hóa chất của Cục Hóa chất – Bộ Công Thương.

2.3. Về đề nghị xem xét cấp hạn ngạch nhập khẩu không áp thuế tự vệ tạm thời theo Quyết định số 862/QĐ-BCT

Ngày 28 tháng 3 năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương đã nhận được công văn số 156 CV/QHĐ về đề nghị cấp hạn ngạch nhập khẩu mặt hàng thép nguyên liệu chính để sản xuất vật liệu que hàn trong nước, cho phép các doanh nghiệp này nhập khẩu hoặc ủy thác không phải áp thuế tự vệ tạm thời theo Quyết định 862/QĐ-BCT của Bộ Công Thương.

Tiếp thu ý kiến trên của doanh nghiệp, sau quá trình điều tra, xem xét, ngày 18 tháng 7 năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2986/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với phôi thép và thép dài. Theo đó, các sản phẩm thép dây nhập khẩu có mã HS 7229.90.00 dùng để sản xuất vật liệu hàn được miễn trừ áp dụng theo Quyết định nêu trên. Quy trình để được miễn trừ áp dụng biện pháp đã được Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương thông báo kèm theo Quyết định và gửi công văn cụ thể đến từng doanh nghiệp sản xuất vật liệu hàn.

2.4. Về kiến nghị rút ngắn thời gian ký duyệt giấy phép nhập khẩu

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 12/2015/TT-BCT ngày 12 tháng 6 năm 2015 của Bộ Công Thương quy định việc áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép:

- Giấy phép nhập khẩu tự động được cấp trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày Cơ quan cấp Giấy phép nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của thương nhân theo quy định tại Điều 8.

- Trường hợp thương nhân có đăng ký hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động qua hệ thống mạng internet theo quy định tại Điều 11, Giấy phép nhập khẩu tự động được cấp trong thời hạn 5 ngày làm việc  kể từ ngày Cơ quan cấp Giấy phép nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của thương nhân theo quy định tại Điều 8.

- Giấy phép nhập khẩu tự động được gửi cho thương nhân theo đường bưu điện theo địa chỉ ghi trên Đơn đăng ký.

Do vậy, thời gian cấp phép tối đa là 7 ngày và ngắn nhất là 5 ngày, kể từ ngày Bộ Công Thương tiếp nhận hồ sơ đầy đủ hợp lệ, chứ không phải 15 ngày như phản ánh. Trường hợp doanh nghiệp phát hiện có hành vi thực hiện sai với quy định của Thông tư số 12/2015/TT-BCt nêu trên, đề nghị phản ánh lại với Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương để chấn chỉnh.

2.5. Về kiến nghị liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu

Đồ chơi là sản phẩm do Bộ Khoa học Và Công nghệ quản lý về mặt chất lượng. Bộ Khoa học Và Công nghệ đã có Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN ngày 26 tháng 6 năm 2009 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em số QCVN 3:2009/BKHCN. Phạm vi điều chỉnh: đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Theo đó, đề nghị chuyển kiến nghị này sang Bộ Khoa học Và Công nghệ xử lý.

2.6. Về đề nghị sửa đổi lại quy định thời gian cấp C/O 1 ngày

Hiện nay, Bộ Công Thương đang rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 2 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa, trong đó có Điều 12 quy định về thời gian cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu không quá 3 ngày làm việc do quy định này không còn phù hợp với thực tiễn cấp C/O của VCCI cũng như các tổ chức khác được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O.

Trên thực tế, đối với các C/O không ưu đãi VCCI cấp ngay trong ngày, đối với C/O ưu đãi đang được các tổ chức ấp C/O thực hiện theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 06/2011/TT-BCT ngày 21 tháng 3 năm 20111, cấp C/O trong vòng 4 đến 8 giờ làm việc.

2.7. Về kiến nghị liên quan đến sai sót trong khai báo hàng hóa nhập khẩu, đề nghị chuyển Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính để được hướng dẫn cụ thể.

2.8. Kiến nghị về sửa đổi, thay thế Thông tư số 20/2011/TT-BTC

Liên quan đến việc ban hành và triển khai thực hiện Thông tư 20, thời gian vừa qua, có nhiều ý kiến trái chiều về các nội dung quy định trong Thông tư 20 là điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính, vi phạm hay không vi phạm Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ cũng như việc duy trì hay bãi bỏ Thông tư 20 theo Luật Đầu tư 2014.

Về vấn đề này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tổ chức họp với các đại diện Bộ, ngành liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống, đồng thời tham khảo góp ý của các chuyên gia.

Tổng hợp ý kiến của các đơn vị tham gia cuộc họp cũng như ý kiến từ các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ quan điểm của Bộ Công Thương về Thông tư 20 như sau:

- Thông tư 20 ban hành không phải để “hạn chế nhập khẩu” hoặc “kiềm chế nhập siêu”. Mục đích ban hành Thông tư 20 là “nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ”.

- Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐTKD), vì theo định nghĩa tại khoản 5, Điều 3, Luật Đầu tư 2014, ĐTKD là “việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần góp vốn của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư”. Thông tư 20 cũng không can thiệp vào việc “bỏ vốn đầu tư” để thành lập tổ chức kinh tế nhằm thực hiện hoạt động kinh doanh ô tô, mà cụ thể là sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ ô tô. Nói cách khác, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền “bỏ vốn đầu tư” thành lập tổ chức kinh tế để kinh doanh ô tô mà không cần phải tuân thủ Thông tư 20.

- Thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để đảm bảo một mục tiêu quản lý. Theo đó, nếu thương nhân nhập khẩu không đáp ứng được thủ tục này, sẽ không thể hoàn thành thủ tục hải quan cho hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Các thủ tục áp dụng cho hàng nhập khẩu như vậy có rất nhiều và trong tuyệt đại đa số các trường hợp, đều không bị coi là điều kiện ĐTKD (ví dụ như Giấy chứng nhận xuất xứ, Giấy chứng nhận đã qua kiểm dịch động thực vật hay Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam, v.v… do cơ quan có thẩm quyền cấp).

- Thông tư 20 không vi phạm quy định nào của Luật Cạnh tranh vì không chỉ doanh nghiệp nhập khẩu để buộc người tiêu dùng phải mua ô tô tại các doanh nghiệp đó. Quy định về Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử đối với tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Việc doanh nghiệp có được Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý không can thiệp vào quá trình này.

- Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản gửi Bộ Công Thương khẳng định Thông tư không vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên Thông tư 20 chỉ điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, không điều chỉnh các loại phương tiện khác trong khi rủi ro gây mất an toàn và rủi ro xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng của tất cả các loại phương tiện là như nhau. Thông tư 20 cũng chỉ áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu, không áp dụng cho hàng sản xuất trong nước. Mặt khác, việc Thông tư 20 không điều chỉnh xe đã qua sử dụng, cũng không điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu theo đường quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển, v.v… dẫn đến tình trạng biến xe mới thành xe cũ hoặc đưa xe mới về nước theo đường quà biếu, quà tặng để không phải đáp ứng các điều kiện của Thông tư 20. Những vấn đề này chỉ có thể khắc phục được bằng cách áp dụng các quy định trong nước mà cụ thể là tại khâu đăng ký lưu hành phương tiện. Theo đó, tất cả các loại phương tiện, nếu không được chính hãng sản xuất, hoặc người được chính hãng sản xuất ủy quyền, đứng ra chịu trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng đều không được phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:

  1. Không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.
  2. Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại khâu đăng ký lưu hành, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.
  3. Giao Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 20 khi các quy định do Bộ Giao thông vận tải ban hành chính thức có hiệu lực. Đồng thời, giao Bộ Công Thương, căn cứ các quy định của pháp luật cạnh tranh, giám sát các hoạt động nhập khẩu, phân phối ô tô tại Việt Nam để đảm bảo môi trường cạch tranh công bằng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo họp với các Bộ, cơ quan liên quan để trao đổi, thống nhất trước khi xem xét quyết định.

  1. Tổng cục Hải quan

Tổng cục Hải quan đã có công văn số 8356/TCHQ-PC ngày 29 tháng 8 năm 2016 trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp như sau:

Đối với kiến nghị của Công ty Cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội về vướng mắc nhập khẩu lô hàng nguyên liệu sản xuất thuốc, Tổng cụ Hải quan trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ thì đối với “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân muốn xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ ngành liên quan”.

Chính sách quản lý mặt hàng nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu: Thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 38/2013/TT-BYT ngày 15/11/2013 của Bộ Y tế. Theo đó, nguyên liệu làm thuốc được phép nhập khẩu theo hình thức Giấy phép nhập khẩu theo mẫu do Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế ban hành.

Theo quy định tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08/04/2011 của Chính phủ thì “trước khi thông quan hóa chất, tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất có trách nhiệm thực hiện việc khai báo hóa chất với Bộ Công Thương”. Hóa chất phải khai báo thuộc Phụ lục V - Danh mục hóa chất phải khai báo được sửa đổi, bổ sung ban hành kèm theo Nghị định số 26/2011/NĐ-CP. Thủ tục khai báo hóa chất thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 40/2011/TT-BCT ngày 14/11/2011.

Theo các quy định trên thì đối với mặt hàng nguyên liệu sản xuất thuốc Ondansetron Hydrochloride USP đã được Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu nếu Phụ lục V - Danh mục hóa chất phải khai báo được sửa đổi, bổ sung ban hành kèm theo Nghị định số 26/2011/NĐ-CP thì phải tiến hành khai báo hóa chất.

Liên quan đến kiến nghị của Công ty “giữa các cơ quan nhà nước cần có sự phối hợp để giảm thiểu thủ tục hành chính”, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 586/GSQL-GQ1 ngày 21/5/2014 gửi Cục Hóa chất - Bộ Công thương trao đổi về nội dung vướng mắc đối với hàng Phenytoin của Công ty cổ phần dược Danapha và các trường hợp tương tự. Tại công văn trả lời số 266/CHC-TTHC ngày 04/6/2014 của Cục Hóa chất - Bộ Công thương nêu rõ: “Theo Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, mặt hàng Phenytoin thuộc Phụ lục V, Danh mục hóa chất phải khai báo với Bộ Công thương khi nhập khẩu vào Việt Nam. Việc sửa đổi Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011 thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ”.

Do vậy, trong thời gian chờ Nghị định số 26/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung, Công ty khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu mặt hàng thuộc Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 26/2011/NĐ-CP dẫn trên phải tiến hành khai báo hóa chất nhập khẩu với Bộ Công thương theo đúng quy định hiện hành.

Để giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ. Theo đó các Bộ, ngành phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng cạnh tranh quốc gia.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp tích cực với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương, Thông tin truyền thông,… rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015, Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 nhằm giải quyết những vướng mắc trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó bao gồm cả nội dung kiến nghị của Công ty Cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội.

- Đối với kiến nghị về áp dụng mã HS cho mặt hàng nhập khẩu “Set top box”, Tổng cục Hải quan trả lời:

Liên quan đến nội dung này, hiện nay, Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu, lấy ý kiến tham gia của các đơn vị liên quan sẽ gửi nội dung trả lời cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sau khi được Lãnh đạo Bộ Tài chính phê duyệt.

- Đối với kiến nghị về phân loại và thuế nhập khẩu mặt hàng máy biến áp, máy biến dòng điện sử dụng điện môi lỏng dùng cho thiết bị đo lường loại cao thế của Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật điện Việt Nam, Tổng cục Hải quan trả lời:

Ngày 31/5/2016, Bộ Tài chính đã có công văn số 7336/BTC-CST trả lời, theo đó: “Mặt hàng máy biến áp điện tại mã 8504.21.10 “Máy biến áp điện sử dụng điện môi lỏng dùng cho thiết bị đo lường có công suất danh định không quá 5kVA” và mã hàng 9813.00.00 “Máy biến áp điện sử dụng điện môi lỏng, dùng cho thiết bị đo lường có công suất danh định không quá 1KVA và điện áp tối đa từ 110kV trở lên” bao gồm cả hai loại máy biến áp máy biến dòng dùng cho thiết bị đo lường”.

  1. UBND tỉnh Quảng Ninh

UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn số 106/BC-UBND ngày 4/8/2016 trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long như sau:

1) Về việc sơn trắng tàu du lịch.

Từ năm 1996, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 3464/QĐ/PC-VT ngày 30/12/1996 về “Quy định màu sơn tàu khách thủy nội địa”. Theo đó, tất cả các phương tiện vận chuyển hành khách gồm: Phương tiện có chiều cao mạn khô từ 0,5m trở lên và phương tiện có chiều cao mạn khô dưới 0,5m nhưng có ca bin (kể cả phương tiện vận chuyển khách du lịch, phương tiện vui chơi giải trí, phà và tàu lai phà) hoạt động trên đường thủy nội địa phải sơn màu trắng.

Theo nội dung của quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại Quyết định số 3464/QĐ/PC-VT nói trên, đồng thời để nâng cao chất lượng mỹ thuật của đội tàu du lịch, góp phần làm đẹp thêm Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới vừa được công nhận, sau khi Sở Giao thông Vận tải đã họp bàn và được sự ủng hộ, thống nhất của các chủ tàu du lịch, tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị và thống nhất chỉ đạo Ủy ban nhân dân Tỉnh có quy định cụ thể màu sơn vỏ tàu, cánh buồm của các tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long (Thông báo số 491-TB/TU ngày 04/01/2012), Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 05/01/2012 quy định về việc sơn trắng vỏ tàu du lịch và quy định lắp cánh buồm nâu (nếu tàu có sử dụng buồm); bề mặt sơn quy định: Sơn màu trắng vỏ tàu từ mớn nước không tải trở lên, kể cả phần cabin (trừ tời, neo, cột bích, ống khói, cột buồm, phần kính và các thiết bị khác trên boong sơn màu đặc chủng), tàu du lịch có đầu rồng thì được phép sơn đầu rồng bằng màu sơn truyền thống, dân gian.

Như vậy, việc quy định sơn trắng tàu du lịch của tỉnh Quảng Ninh từ năm 2012 không phải sáng kiến riêng của tỉnh Quảng Ninh, mà đã được Bộ Giao thông vận tải quy định cho tàu khách thủy nội địa từ năm 1996. Nội dung quy định sơn trắng vỏ tàu đã được các chủ tàu thống nhất ủng hộ trước khi ban hành quyết định quy định cụ thể; sau khi Quyết định 10/QĐ-UBND ngày 05/01/2012 ban hành đã được các chủ tàu chấp hành nghiêm chỉnh, 100% tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đã được sơn trắng vỏ. Bên cạnh đó, năm 2012, quy định sơn trắng tàu du lịch của Tỉnh đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ủng hộ tại văn bản số 463/BGTVT-VT.

Thực tiễn cho thấy, việc sơn tàu du lịch màu trắng đã góp phần xây dựng thương hiệu chung cho đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và tạo ra nét đặc trưng cho du lịch vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

2) Về nâng hệ số k, bọc thêm lớp vỏ…

Do đặc thù riêng của vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long thường xảy ra giông gió đột xuất, địa hình phức tạp, luồng đường thủy nội địa đan xen với luồng hàng hải, mật độ phương tiện lưu thông lớn, thường xuyên xuất hiện các nguy cơ tác động tới độ an toàn của tàu du lịch. Thực tế trước đây, trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đã xảy ra một số vụ việc mất an toàn giao thông gây ra đắm tàu, và vụ việc nghiêm trọng nhất, có thể nói là thảm họa như vụ lật tàu do giông lốc của tàu Biển Mơ ngày 24/9/2009 làm thiệt mạng 05 khách du lịch, trong đó có 03 khách du lịch nước ngoài hoặc vụ tàu Trường Hải 06 bị đắm vào ngày 17/02/2011 đã làm thiệt mạng 12 khách du lịch, trong đó có 10 khách du lịch nước ngoài.

Trước những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến điều kiện an toàn kỹ thuật của tàu du lịch nói trên, trong khi chờ đợi các quy định  bổ sung của các cơ quan quản lý trung ương, Ủy ban nhân tỉnh Quảng Ninh đã chủ động quy định bổ sung một số tiêu chuẩn cao hơn quy phạm đăng kiểm đối với cấp tàu S1 (vùng vịnh Hạ Long) như: Hệ số an toàn về ổn định ở mọi trạng thái đối với tàu tham quan phải lớn hơn 1,5 tàu lưu trú lớn hơn 2,0 (quy phạm quy định lớn hơn 1,0); 100% tàu du lịch phải lắp thiết bị giám sát hành trình GPS, thiết bị phân ly dầu nước; các khu vực trên tàu du lịch phải lắp đặt hệ thống báo cháy tự động; tàu lưu trú phải lắp đặt hệ thống báo ngập nước tự động; tàu du lịch vỏ gỗ có tuổi hoạt động 10 năm thì phải bọc thêm một lớp vỏ mới được tiếp tục hoạt động… Cách làm của tỉnh Quảng Ninh đã được các bộ, ngành trung ương ghi nhận và dần được tiếp nhận vào các quy định mới được ban hành, cụ thể quy định hệ số an toàn về sự ổn định ở mọi trạng thái (k) của tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ Giao thông vận tải xem xét và đưa vào quy định tại Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT ngày 23/10/2012, cụ thể tại Khoản 2 Điều 10: “Hệ số an toàn (k) khi kiểm tra độ ổn định theo tiêu chuẩn thời tiết của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi theo quy định tại TCVN 5801:2005 phải lớn hơn hoặc bằng 2”.

Riêng việc quy định tàu gỗ bọc thêm một lớp vỏ: Do tàu vỏ gỗ sau thời gian 10 năm hoạt động đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn, kết quả kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật sẽ không đảm bảo, bị thải loại nên để tránh lãng phí, thay vì chủ tàu phải đóng mới thay thế hoặc đại tu sửa chữa với chi phí lớn, tỉnh Quảng Ninh cho phép các tàu bọc thêm một lớp vỏ là để đảm bảo an toàn cũng như tăng thời gian hoạt động của tàu. Theo thống kê thì hiện nay đã có 122 tàu du lịch bọc vỏ theo quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thường xuyên rà soát, kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật của các tàu để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định cụ thể.

Đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định các quy định trên của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về đảm bảo Hệ số an toàn (k), lắp đặt thiết bị giám sát hành trình GPS, thiết bị phân ly dầu nước, hệ thống báo cháy tự động, hệ thống báo ngập nước tự động, bọc thêm một lớp vỏ mới đối với tàu du lịch vỏ gỗ có tuổi hoạt động 10 năm… đã được các chủ tàu thống nhất, ủng hộ và chấp hành nghiêm chỉnh; hiệu quả các quy định đã thể hiện rõ nét ở kết quả là trong hơn 05 năm qua (từ tháng 3/2011 đến tháng 7/2016) trên vịnh Hạ long, vịnh Bái Tử Long đã không xảy ra vụ chết người nào liên quan tới tai nạn tàu du lịch trên vinh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

3) Về việc ban hành Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND và Quyết định số 998/QĐ- UBND

 Sau 02 vụ nghiêm trọng gây chết người nói trên, trên vịnh Hạ Long tiếp tục xảy ra 09 vụ tai nạn đắm, chìm và 10 vụ cháy tàu đối với tàu vỏ gỗ. Tuy các vụ tai nạn gần đây của các tàu du lịch không gây ra chết người, nhưng xét thấy khả năng chống cháy của tàu vỏ gỗ thấp, khả năng chống đắm, chìm đối với các tàu có tuổi hoạt động càng cao thì càng kém, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch, Ủy ban nhân tỉnh đã ban hành Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 và Hội đồng nhân tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết chuyên đề số 241/2016/NQ-HĐND ngày 08/4/2016 về quản lý tàu du lịch, trong đó siết chặt quản lý về điều kiện an toàn vỏ gỗ và quy định tạm thời về thời hạn hoạt động đối với các tàu tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (15 năm đối với tàu vỏ gỗ; 25 năm đối với tàu vỏ thép) và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng và quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đến năm 2020 (tại Quyết định số 998/QĐ- UBND ngày 01/4/2016), trọng tâm là xây dựng lộ trình, giải pháp phù hợp để giảm nhanh, tiến tới xóa bỏ tàu du lịch vỏ gỗ, tàu lưu trú, đổi mới phương thức quản lý, điều hành hoạt động tàu du lịch đạt hiệu quả cao hơn.

Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 đã được đa phần các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch ủng hộ, chỉ một số chủ tàu du lịch có ý kiến nghị về một số nội dung. Cùng với ý kiến của Cụ Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan xem xét, nghiên cứu nội dung kiến nghị và điều chỉnh một số nội dung chưa phù hợp của Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND, cụ thể:

- Sửa quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ: Tàu tham quan đóng mới phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động cho buồng máy của tàu; tàu lưu trú đóng mới phải trang bị hệ thống chữa cháy cố định bằng nước và tối thiểu 01 bình bột MFZ4 hoặc MFZ2 (ABC) cho các phòng ngủ của tàu (bỏ quy định áp dụng đối với tàu sửa chữa).

- Bỏ quy định “Chủ thể quản lý, sử dụng, khai thác tàu lưu trú phải là doanh nghiệp”.

- Bỏ quy định về đăng ký kê khai và nộp thuế tại Quảng Ninh.

Cùng một số quy định chưa phù hợp và chưa được Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp đề cập cũng đã được điều chỉnh. Các nội dung điều chỉnh, sửa đổi đã được Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thống nhất tại cuộc họp ngày 04/4/2016 giữa Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Ủy ban nhân tỉnh Quảng Ninh.

* Đối với nội dung kiến nghị của chủ tàu về việc đóng mới thay thế tàu du lịch cũ: Ngày 01/4/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 998/QĐ- UBND phê duyệt Kế hoạch nâng cao chất lượng và quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đến năm 2020, trong đó có nội dung “Hàng năm, trên cơ sở các tàu (tham quan và lưu trú) hết thời hạn hoạt động, cho phép đóng mới tàu tham quan thay thế trên nguyên tắc: (1) Tàu đóng mới theo mẫu thiết kế thống nhất được Ủy ban nhân dân Tỉnh chấp thuận. (2) Mẫu tàu được thiết kế theo tiêu chí quy định, đạt tiêu chuẩn cao về an toàn kỹ thuật, đảm bảo thẩm mỹ, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và các điều kiện để đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch; tải trọng tàu từ 60 ghế trở lên; kích thước, mớn nước tàu phù hợp khả năng đáp ứng của luồng tuyến, cảng bến; kết cấu tàu tiện lợi cho khách du lịch lên, xuống, sinh hoạt trên tàu. (3) Tổ chức lựa chọn và cấp quyền đóng mới tàu tham quan. (4) Không đóng mới tàu lưu trú. Khuyến khích chủ các tàu đến 2020 chưa hết niên hạn sử dụng, đăng ký đóng mới thay thế trong giai đoạn đến 2020 để được hưởng ưu đãi trong lựa chọn cấp quyền đóng mới tàu tham quan. Kế hoạch này đưa ra các giải pháp, lộ trình thực hiện, định hướng mục tiêu quản lý nhà nước đối với hoạt động của đội tàu du lịch. Qua đó, các chủ tàu có thời gian chủ động điều chỉnh kế hoạch, chiến lược phát triển ổn định, lâu dài.

Như vậy, việc đóng mới thay thế tàu du lịch cũ vẫn được triển khai thực hiện theo quy định; đồng thời tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định sẽ kiên quyết loại bỏ những tàu du lịch không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, điều kiện dịch vụ. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và các ngành liên quan triển khai nội dung Kế hoạch trên theo lộ trình, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn, từng bước củng cố, xây dựng đội tàu du lịch có tiêu chuẩn an toàn cao, điều kiện dịch vụ tốt, tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi cho các chủ tàu kinh doanh ổn định lâu dài.

Trong quý 3, VCCI cũng đã nhận được các công văn trả lời kiến nghị khác từ các bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an, Bộ GTVT, Tổng cục Thuế, Cục ATTP thuộc Bộ Y tế. Các công văn này đã được đăng tải trên các báo cáo tháng 7 của VCCI gửi Thủ tướng Chính phủ.

 II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ 11 VÀ NGHỊ QUYẾT 35 CỦA VCCI

Trong quý 3 năm 2016, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế:

- VCCI tham gia hoàn thiện góp ý các dự thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gồm: Luật quản lý ngoại thương; Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;Nghị định về Phí bảo vệ môi trường; Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;  Quy chuẩn Việt Nam về trang thiết bị y tế; Nghị định hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật giá; Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe; Nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thuốc; Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện lĩnh vực hàng không dân dụng; Nghị định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế; Nghị định quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện; …

- VCCI đã tiến hành rà soát và lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp để thẩm tra 50 dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh quy định chi tiết thi hành Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư 2014. Tại các cuộc họp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và 10 Bộ chủ trì soạn thảo các nghị định, VCCI đã trình bày bản phân tích các quy định bất cập tại dự thảo, tại các quy định hiện hành về điều kiện kinh doanh, đề xuất phương án cụ thể. Các Bộ chủ trì soạn thảo đã trao đổi, tranh luận trực tiếp với từng ý kiến đề xuất của VCCI. Về cơ bản các kiến nghị góp ý dự thảo các nghị định của VCCI đã được các bộ chủ trì soạn thảo tiếp thu. Chính phủ đã đánh giá cao những góp ý, phản biện của VCCI.

- VCCI tổ chức 02 Lễ ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp theo tinh thần NQ35/CP tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với Ủy ban nhân dân 62 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham dự và chỉ đạo hoạt động có Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương Vương Đình Huệ; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc  và các Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các Hiệp hội ngành nghề. Nội dung cam kết của các tỉnh tập trung vào các vấn đề như tổ chức đối thoại với doanh nghiệp định kỳ, thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tiếp trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp; xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan... Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực tế, mỗi địa phương vẫn có những cam kết khác nhau với nhiều chương trình hành động, mô hình sáng tạo để tăng cường tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển vững mạnh. Theo tinh thần của Nghị quyết 35/NQ-CP, VCCI thực hiện hỗ trợ, giám sát thông qua tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với quá trình thực hiện cam kết của các cấp chính quyền tại địa phương.

  1. Triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp:

- Tổ chức Đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp nhà nước tới Brunei Darussalam và Cộng hòa Singapore. Đoàn 48 đại diện doanh nghiệp tham gia đoàn tại 2 nước và 9 đại diện doanh nghiệp chỉ tham gia đoàn tại Singapore, hoạt động trong các lĩnh vực: Dầu khí, tài chính – ngân hàng, giáo dục – đào tạo, đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển và khu công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, lương thực – thực phẩm, may mặc, điện tử, khoáng sản, y tế, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, năng lượng mới và xử lý môi trường… VCCI đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Brunei và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore với sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp nước sở tại. Thông qua các Diễn đàn doanh nghiệp, nhiều thỏa thuận, ghi nhớ và hợp đồng có giá trị lớn đã được ký kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Brunei, Singapore.

- Tổ chức Đoàn Doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Trung Quốc; thăm Khu hành chính đặc biệt Hong Kong-Trung Quốc từ ngày 10-15/9 và Đoàn Doanh nghiệp tham dự Hội chợ Caexpo lần thứ 13 tại Nam Ninh, Trung Quốc. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức, VCCI đã phối hợp với các đối tác Trung quốc tổ chức  Diễn đàn Kinh doanh và đầu tư Hong Kong-Việt Nam với sự tham dự của 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư của Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Kết thúc Diễn đàn các thỏa thuận hợp tác và hợp đồng thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hong Kong với tổng giá trị gần 10 tỷ USD đã được ký kết.

- Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Đoàn doanh nghiệp Rumani do Ngài Vlad Vasiliu - Quốc vụ Khanh Bộ Kinh tế Thương mại và Môi trường kinh doanh Rumani, VCCI đã tổ chức Diễn đàn DN Việt Nam – Rumani. Hiện nay, Việt Nam và Rumani có kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ mức trên 10 triệu USD (giai đoạn 1995 – 1999) lên mức trên 150 triệu USD (giai đoạn 2010 – 2015). Đặc biệt, năm 2015 là năm thứ hai liên tiếp kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt trên 150 triệu USD, chạm mức 175,6 triệu USD. Vì vậy, Diễn đàn là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tìm hiểu, trao đổi các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, tìm kiếm cơ hội và thiết lập quan hệ hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp 2 nước nhằm mục tiêu tăng nhanh kim ngạch thương mại hai chiều.

- Tổ chức Hội nghị với chủ đề “Phát triển bền vững – xu thế tất yếu và sự cần thiết đối với doanh nghiệp”. Hội nghị nhằm mục đích thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình thực tiễn tốt trong các hoạt động liên quan đến phát triển bền vững giữa Chính phủ, các bộ ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nhận định, phát triển bền vững là xu thế tất yếu của thời đại và trở nên phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt và hội nhập kinh tế mạnh mẽ hiện nay. Do đó, việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực, các nhà đầu tư và làm hài lòng các cổ đông. Thông qua các hoạt động phát triển bền vững, doanh nghiệp còn cải thiện được năng suất và giảm chi phí thông qua việc bố trí, tận dụng các nguồn nhân lực và bảo tồn tài nguyên, giúp nâng cao năng suất của nhân viên và giảm chi phí, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

  1. Tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp:

Trong quý 3 năm 2016, VCCI tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập hợp các kiến nghị mới phát sinh của doanh nghiệp. Danh mục các kiến nghị mới phát sinh được trình bày tại Phụ lục kèm theo.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Bộ Nội vụ;

- Bộ Tài chính;

- Bộ Công Thương;

- Bộ KH ĐT;

- Bộ Y tế;

- Bộ LĐTBXH;

- Bộ TN và MT;

- Bộ NN&PTNT;

- UBND TP Hà Nội;

- UBND tỉnh Hải Dương;

- UBND tỉnh Bình Dương;

- UBND TP Hải Phòng;

- Lưu VT, VP (TH).      

 Báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg và Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 3/2016 (tải về)