Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 11/2018

Thứ sáu, 28-12-2018 | 18:00:00 PM GMT+7 Bản in

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 2992 /PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 11/2018

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2018

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong tháng 11 năm 2018, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 11/2018

Trong tháng 11/2018, VCCI thống kê có 97  kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp  gửi đến 17 bộ, ngành, địa phương (tăng 26 kiến nghị so với tháng 10/2018), trong đó có 16 kiến nghị đã được trả lời và 81 kiến nghị chưa trả lời ( tính đến hết 30/11/2018).

Trong số 81 kiến nghị chưa trả lời thì có 68 kiến nghị vẫn còn hạn trả lời, 13 kiến nghị đã hết hạn trả lời. Lượng kiến nghị tồn của tháng 11 cao hơn các tháng trước một phần do kiến nghị tập trung vào thời điểm cuối tháng nên các bộ, ngành, địa phương chưa kịp trả lời.

Chi tiết số liệu và nội dung các kiến nghị mới được trình bày tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 gửi kèm báo cáo. Thời hạn giải quyết kiến nghị được VCCI tính theo thời hạn do Văn phòng Chính phủ đã đề ra tại công văn gửi các bộ, ngành, địa phương.

Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chủ yếu đề nghị hướng dẫn các quy định của pháp luật để thực hiện. Ngoài ra còn một số kiến nghị về xây dựng pháp luật và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp. Một số nội dung chính bao gồm như sau:

- Bộ Tài chính tiếp tục là Bộ tiếp nhận được nhiều kiến nghị nhất từ doanh nghiệp (22 kiến nghị). Nội dung các kiến nghị tập trung vào các vấn đề: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho dự án đầu tư, mở rộng; chính sách ưu đãi khi cổ phần hóa doanh nghiệp; vốn hóa chi phí lãi vay khi thuê đất để xây dựng nhà máy và mua sắm máy móc thiết bị; thủ tục giải thể công ty; miễn giảm tiền thuê đất; hoàn thuế VAT; kê khai thuế điện tử và hóa đơn điện tử…Trong tháng có nhiều kiến nghị về thủ tục hải quan và chính sách thuế như:

+ Hiệp hội thương mại & công nghiệp Hàn Quốc kiến nghị Bộ Tài chính – Tổng cục Hải quan xem xét việc ghi rõ căn cứ miễn thuế về hình thức xuất khẩu tại chỗ trong Nghị định số 08/2015/NĐ-CP; Thông tư số 38/2015/TT-BTC và xem xét lại giải thích pháp luật với hướng dẫn truy thu thuế theo kể từ ngày 01/9/2016.

+ Công ty Mỏ Nikel Bản Phúc tiếp tục khiếu nại và phản đối với Quyết định số 1782/ QĐ- HQHN ngày 26/11/2018 về việc ấn định thuế đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu của công ty. Đây là vụ việc đã kéo dài 2 năm và công ty đã kiến nghị, khiếu nại nhiều lần được Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Hà Nội trả lời. Tuy nhiên với kết quả giải quyết mới nhất từ Cục Hải quan TP Hà Nội là Quyết định ấn định thu số 1782/ QĐ- HQHN ngày 26/11/2018 thì công ty vẫn tiếp tục khiếu nại và gửi đơn kêu cứu đi nhiều cơ quan, ban ngành.

+ Có hai doanh nghiệp cũng kiến nghị về việc Hải quan chưa giải quyết thông quan với mặt hàng cá bào khô nhập khẩu và nhôm phế liệu nhập khẩu dù hàng về cảng đã lâu

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được 20 kiến nghị, trong đó có 10 đề nghị hướng dẫn pháp luật về đấu thầu. Đây là là nội dung mà Bộ KHĐT nhận được đề nghị giải thích, hướng dẫn các quy định của pháp luật nhiều nhất hàng tháng. Nó cũng cho thấy pháp luật về đấu thầu chưa thật sự thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân áp dụng. Ngoài ra, còn một số nội dung như: chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cầu hạ tầng khu công nghiệp trước năm 2009; miễn giảm tiền thuê đất để thực hiện dự án nông nghiệp; hướng dẫn quy định pháp luật để nhà đầu tư nước ngoài mua lại 100% vốn góp của doanh nghiệp; hoạt động của doanh nghiệp tư nhân sau khi chủ doanh nghiệp chết…

- Bộ Khoa học và Công nghệ nhận được 6 kiến nghị trong đó có kiến nghị đề xuất chính sách giáo dục trong thời kỳ 4.0; cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy về quy chuẩn kỹ thuật khi tham gia chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất… Tuy nhiên nổi bật có 2 nội dung doanh nghiệp kiến nghị kéo dài nhưng việc giải quyết của Bộ vẫn chưa nhận được sự nhất trí của doanh nghiệp:

+ Công ty cổ phần Thủy sản Nghệ An kiến nghị về việc Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN chưa ban hành quyết định hủy bằng ĐQKDCN số 12844 như Công văn số 3273/BKHCN-SHTT ngày 23/10/2018 do Thứ trưởng Phạm Công Tạc ký trả lời Công ty cổ phần thủy sản Nghệ An. Đây là vụ việc đã kéo dài nhiều năm mới có kết quả giải quyết như Công văn số 3273/BKHCN-SHTT đã nêu. Tuy nhiên, doanh nghiệp dù đã liên hệ với Cục Sở hữu trí tuệ nhưng vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết.

+ Kiến nghị sửa đổi Thông tư 12/2017 theo hướng giữ nguyên khoản 2d điều 9 Thông tư 26/2012/TT-BKHCN  với nội dung “Trường hợp không nhất trí với kết quả thử nghiệm mẫu, trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng, người bán hàng có thể đề nghị bằng văn bản đối với cơ quan kiểm tra thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác. Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng. Chi phí thử nghiệm mẫu này do người bán hàng chi trả.”  và phù hợp với các quy định của Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá và Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Nội dung này do 7 Hiệp hội doanh nghiệp về chế biến thực phẩm và nhiều doanh nghiệp kiến nghị. Tuy Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã trả lời, giải thích về quy định mới trong Thông tư 12 nhiều lần nhưng các Hiệp hội và doanh nghiệp vẫn chưa chấp nhận và tiếp tục kiến nghị giữ nguyên quy định như Thông tư 16.

- Các doanh nghiệp kiến nghị một số vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: 

+ Lĩnh vực lao động tiếp tục có nhiều đề nghị hướng dẫn quy định pháp luật (8 kiến nghị) để thực hiện như: giải quyết chính sách với người lao động dôi dư; phương án và chính sách đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi cổ phần hóa doanh nghiệp; danh mục công việc nặng nhọc, độc hại; chế độ lương phụ cấp của giáo viên mầm non; chi trả tiền trợ cấp thôi việc…

+ Lĩnh vực xây dựng có 11 doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn áp dụng pháp luật để thực hiện với các nội dung: các định mức trong xây dựng; các vướng mắc khi ký và thực hiện hợp đồng thi công, khảo sát thiết kế; hướng dẫn việc giao chủ đầu tư thực hiện các dự án nhóm C; thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư, xây dựng….

+ Có 7 doanh nghiệp hướng dẫn các quy đinh của pháp luật trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp như: làm rõ dịch vụ môi giới thương mại các hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam; thực hiện khuyến mại tại phòng khám tư nhân; việc thực hiện huấn luyện an toàn hóa chất; vấn đề giấy phép phát điện và giá điện….

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

Trong tháng 11/2018, VCCI nhận được 37 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của 12 bộ, ngành, địa phương (tháng 10/2018 nhận được 57 văn bản). Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35. (Chi tiết trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo)

Qua theo dõi của VCCI, từ tháng 1/2018 đến hết 31/11/2018, còn 155 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Nhiều kiến nghị đã được Văn phòng Chính phủ và VCCI chuyển từ đầu năm 2018 những vẫn chưa được giải quyết. Các bộ, ngành có nhiều kiến nghị chưa được trả lời gồm: Bộ Tài chính 27 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 20 kiến nghị; Bộ Xây dựng 15 kiến nghị; Bộ Công Thương 13 kiến nghị; Bộ Lao động và Thương binh, Xã hội 12 kiến nghị; Bộ Y tế 10 kiến nghị… 7 bộ, ngành khác có 19 kiến nghị. Đối với địa phương có 16 tỉnh, TP trực thuộc trung ương chưa trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh có 7 kiến nghị, TP Đà Nẵng có 4 kiến nghị…

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được trình bày trong Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.

II.TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 11/2018, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp:

- VCCI đã tổ chức Hội thảo tham vấn về một số nội dung trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi; tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Ngoài ra, VCCI tham gia đóng góp ý kiến cho một số văn kiện như: Luật chứng khoán sửa đổi; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2015/NĐ-CP về thuế tiêu thụ đặc biệt; Nghị định về đầu tư và kinh doanh sân golf; Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2015/TT-BTC về đại lý hải quan; Thông tư quy định kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu...

- Phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về thuế và hải quan năm 2018 tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Các hội nghị đã nhận được sự quan tâm, tham dự của gần 1000 doanh nghiệp trong cả nước. Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về thuế và hải quan là hoạt động phối hợp thường niên giữa VCCI và Bộ Tài chính nhằm thông tin, tuyên truyền về các chính sách, thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và tăng cường quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan. Bên cạnh việc giới thiệu, cập nhật các chính sách mới của ngành Thuế và Hải quan, Hội nghị dành nhiều thời gian để đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và doanh nghiệp đối thoại, giải đáp các vướng mắc về thuế và hải quan của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Các vướng mắc chủ yếu liên quan đến các vấn đề như: xuất hóa đơn đối với hàng hóa biếu tặng, ưu đãi thuế cho các dự án đầu tư, ưu đãi thuế dịch vụ, sản xuất; thu nhập chịu thuế; áp thuế nhập khẩu theo C/O; hoàn thuế giá trị gia tăng; dự phòng và trích dự phòng, cơ quan để doanh nghiệp nộp báo cáo quyết toán….

- VCCI đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp. Báo cáo được xây dựng từ góc nhìn của các doanh nghiệp, với tư cách người thụ hưởng, phản ánh về hiệu quả mà các bộ ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ được giao. Những thông tin từ báo cáo nhằm đóng góp cho quá trình tổng kết thực hiện Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ cũng như cung cấp thông tin cho việc soạn thảo các nghị quyết mới của Chính phủ thời gian tới. Báo cáo đã nhận xét một số lĩnh vực ghi nhận mức độ cải cách đáng kể được doanh nghiệp đón nhận như tiếp cận điện năng, khởi sự kinh doanh, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, điện tử hoá thủ tục thuế… Các lĩnh vực khác đa phần đều có những cải cách và thay đổi nhất định nhưng Báo cáo vẫn khẳng định không gian cải cách vẫn còn rất nhiều và cần có nhiều nỗ lực hơn nữa từ các bộ ngành và địa phương. Báo cáo đồng thời đề cập đến nhiều kiến nghị cụ thể từ phía doanh nghiệp với mục tiêu thúc đẩy quá trình cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp của các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.

- Tiếp tục triển khai Chương trình hành động thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh: thực hiện nghiên cứu đánh giá về “Thực trạng tình hình hoạt động kiểm soát nội bộ và áp dụng quy tắc ứng xử trong kinh doanh và các khuyến nghị chính cho Việt Nam”; tổ chức khóa đào tạo chuyên đề “Tạo lợi thế cạnh tranh trong ngành bền vững thông qua văn hóa kinh doanh có trách nhiệm” tại Hà Nội;; cập nhật thông tin trang web www.kdlc.vn. 

- Triển khai hoạt động khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 và các hoạt động hậu công bố Báo cáo PCI 2017: Phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, Ban công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng chỉ số PCI trong hoạt động của Hội đồng nhân dân” dành cho đại biểu HĐND khu vực phía Nam; Tổ chức Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng chỉ số PCI trong hoạt động của Hội đồng nhân dân” dành cho đại biểu HĐND khu vực phía Bắc; Tổ chức khóa đào tạo dành cho các hiệp hội doanh nghiệp về sử dụng, khai thác dữ liệu PCI tại Cần Thơ; Tổ chức khoá đào tạo PCI cho các chi nhánh, văn phòng đại diện VCCI về hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, hội nhập, xây dựng pháp luật, ứng dụng vào công tác hỗ trợ pháp lý và thiết kế hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

Về công tác xúc tiến thương mại, đầu tư:

- Trong khuôn khổ chuyến đi từ ngày 16-18/11/2018 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị APEC lần thứ 26 tại Papua New Guinea, Chủ tịch ABAC Việt Nam Vũ Tiến Lộc tham dự cùng Thủ tướng  trong phiên Đối thoại của lãnh đạo APEC với các thành viên ABAC. Tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định Việt Nam phê chuẩn CPTPP với tỷ lệ ủng hộ tuyệt đối khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới toàn diện, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sẽ sớm xây dựng chương trình hành động, đẩy nhanh quá trình sửa đổi các văn bản pháp luật và tuyên truyền, phổ biến để thực thi hiệu quả CPTPP, tận dụng tối đa các cơ hội cho sự phát triển đất nước và cho doanh nghiệp.

Nhân dịp này, VCCI phối hợp với Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ và các Bộ, ngành liên quan đã bố trí cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ và đoàn 17 lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ. Tại cuộc tiếp kiến, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao những bước tiến của Việt Nam trong hội nhập và tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác đầu tư, chất lượng sản phẩm của Việt Nam ngày càng nâng cao, đồng thời báo cáo với Thủ tướng về kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới, cam kết hỗ trợ các cơ quan chính phủ hữu quan trong công tác nghiên cứu và xây dựng khuôn khổ pháp lý và các quy chế theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các lĩnh vực y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi…

Trong khuôn khổ các hoạt động APEC, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc với tư cách đồng Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) và Chủ tịch ABAC Việt Nam đã đồng chủ trì kỳ họp ABAC 4 từ ngày 13-15/11/2018 tại Port Morseby, Papua New Guinea. Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC tiếp tục ủng hộ tiến trình hội nhập thông qua hệ thống thương mại đa phương, và có những cam kết và hành động cụ thể để hiện thực hóa Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) và tăng cường sự tham gia của nhân dân và doanh nghiệp trong việc phổ biến lợi ích của thương mại tự do. Hội nghị ABAC cũng đã thảo luận thông qua chủ đề và các nội dung ưu tiên cho năm 2019 là “Tăng trưởng bao trùm và hợp tác cho kỷ nguyên số” với hai mục tiêu chủ đạo gồm: (i) chính sách thương mại có tính bao trùm để đẩy mạnh tăng trưởng trong kỷ nguyên số và (ii) thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Hai mục tiêu ưu tiên trên sẽ được triển khai thông qua chương trình và định hướng hoạt động của các nhóm công tác của ABAC. Tại kỳ họp, Chủ tịch ABAC Việt Nam đã được các thành viên Hội đồng nhất trí cử giữ chức đồng Chủ tịch Nhóm chuyên trách về phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và khởi nghiệp của ABAC. Bên cạnh đó, đoàn ABAC Việt Nam đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2018 (16-17/11/2018), nắm bắt các xu thế phát triển trong APEC, kêu gọi sự ủng hộ của các tập đoàn lớn nhằm thu hút FDI vào Việt Nam.

- Ngày 02/11/2018, VCCI đã tổ chức Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018, có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch VCCI cùng nhiều đại diện nhiều bộ, ngành trung ương, địa phương và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp. Chương trình đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam là chương trình được tổ chức hàng năm nhằm vinh danh các doanh nghiệp tiên phong và đạt được những thành tựu nhất định trong lĩnh vực phát triển bền vững, đồng thời có tác dụng khích lệ các doanh nghiệp tại Việt Nam chú trọng hơn tới phát triển bền vững. Việc đánh giá, xếp hạng căn cứ Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (Corporate Sustainability Index - CSI) với 131 tiêu chí sàng lọc khắt khe. Bộ chỉ số được VCCI xây dựng dựa trên Bộ chỉ số Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, tích hợp các thông lệ, quy ước tiêu chuẩn quốc tế với những quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam giúp doanh nghiệp xây dựng nền móng quản trị hiệu quả và vững chắc. Hiện nay, Bộ chỉ số được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận và áp dụng trong hệ thống quản trị và xây dựng hệ thống kinh doanh. Chương trình đã vinh danh 100 doanh nghiệp bền vững năm 2018 được chọn lọc từ hồ sơ của 500 doanh nghiệp tham dự.

- VCCI đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Ấn Độ, với sự tham dự và đồng chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Phó Tổng thống Ấn Độ và gần 200 doanh nghiệp hai nước. Việt Nam, Ấn Độ đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2007 và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016. Hợp tác thương mại, đầu tư ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm. Tính đến tháng 9/2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 8,3 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam - Ấn Độ đang hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ, VCCI đã ký Thoả thuận hợp tác với Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind.

- Ngày 20/11/2018, VCCI đã phối hợp tổ chức Lễ Phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Nhân dịp này, Tập đoàn Vingroup đã giới thiệu và ra mắt xe thương hiệu VinFast. Sự kiện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo Bộ ngành trung ương và địa phương tới dự. Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp cả Nhà nước và tư nhân, hợp tác xã, hộ cá thể đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu thị trường để chinh phục gần 100 triệu dân với những sản phẩm tốt, để phục vụ tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính trị, là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ và hàng hóa thương hiệu Việt trong thời gian vừa qua. Để tiếp tục nuôi dưỡng phong trào này, trách nhiệm của các doanh nghiệp là phải tiếp tục sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, giá thành hạ, dịch vụ, hậu mãi chu đáo, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- VCCI đã tiến hành một số hoạt động xúc tiến đầu tư khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, tiếp cận các thị trường mới và thúc đẩy hợp tác, kinh doanh đối với các thị trường truyền thống như: Phối hợp với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Cao Bằng; Phối hợp với Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và các đối tác tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh doanh Nhật Bản – Mekong; Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tổ chức Diễn đàn xuất khẩu Việt Nam 2018 với chủ đề “Tăng cường liên kết của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu”; Tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Tây Ban Nha, Toạ đàm gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, Tọa đàm gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Liên bang Nga; Tọa đàm giao lưu doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản ngành nước; Tọa đàm giao lưu doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc)…; tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự Triển lãm xe đạp, xe máy điện lần thứ 3 tại Nam Ninh, Trung Quốc; ký thỏa thuận hợp tác giữa VCCI và Phòng Thương mại Bắc Úc……

Về công tác đào tạo, phát triển doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế:

- Tổ chức 79 khóa đào tạo, tập huấn cho 4.066 doanh nghiệp về các chủ đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, thuế, hải quan và cập nhật văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên.  

- Tổ chức Hội nghị Người sử dụng lao động năm 2018 với chủ đề “Hợp tác doanh nghiệp và nhà nước trong đào tạo và tuyển dụng”. Tại Hội nghị, các diễn giả khẳng định sự nhất trí với quan điểm nguồn lao động chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Thực trạng kết nối giữa các cơ sở đào tạo, nhà trường với doanh nghiệp ở Việt Nam còn khá hình thức, dẫn tới chất lượng nguồn lao động được đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

- Phối hợp tổ chức Lễ công bố Chỉ số Thương mại bền vững 2018 tại Hà Nội. Chỉ số được xây dựng bởi Hinrich Foundatione, tổ chức chuyên nghiên cứu và phát triển chính sách thương mại uy tín ở châu Á, đã thực hiện và công bố nhiều nghiên cứu kinh tế chuyên sâu có giá trị tham khảo cao về kinh tế vĩ mô. Chỉ số Thương mại bền vững đánh giá mức độ sẵn sàng của 19 nền kinh tế châu Á và Mỹ khi tham gia vào thương mại bền vững như: tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, khuyến khích vốn đầu tư nước ngoài, thu hút sự hỗ trợ từ các cơ quan hợp tác quốc tế một cách bền vững. Bảng chỉ số được công bố hai năm một lần từ năm 2016 căn cứ vào 28 chỉ số trên ba lĩnh vực trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường. Năm 2018,  Việt Nam đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng, tăng 2 điểm so với năm 2016 và tăng 6 điểm về mức thu nhập quốc gia và đạt mức điểm cao về mức độ mở cửa thị trường. Tuy nhiên, về môi trường, Việt Nam xếp thứ 16, giảm 5 bậc so với năm 2016 do tỷ lệ phá rừng vẫn ở mức cao. Về xã hội, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 (cao hơn các nước Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…), thể hiện thành quả đáng ghi nhận về hạn chế bất bình đẳng và cải thiện tiêu chuẩn lao động.

- Tổ chức Lễ kết nạp 53 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thành hội viên mới của VCCI. Các doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong nhiều lĩnh vực như khoáng sản, công nghệ, vật liệu xây dựng, thương mại, bất động sản, dịch vụ vận tải biển, tư vấn luật, giáo dục, dệt may,…. Ngoài ra, còn có các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp như: Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Cựu chiến binh tỉnh Hưng Yên…

- VCCI đã tổ chức và phối hợp tổ chức một số hội nghị, hội thảo chuyên đề: Hội thảo “Những quy định pháp lý liên quan đến hóa chất đối với hàng hóa khi nhập khẩu vào EU và thủ tục tuân thủ theo tiêu chuẩn REACH”; Hội thảo “Kiểm soát rủi ro pháp lý trong kinh doanh”; Hội thảo “Nâng cao năng lực huy động vốn thông qua minh bạch hoạt động tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam”; Diễn đàn “Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam”; Hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh”; Hội thảo khoa học chủ đề“Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: thực trạng, tiềm năng và thách thức”; Hội thảo khoa học “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: Tiêu chí đánh giá và giải pháp thực hiện”; Hội thảo “Nâng cao năng lực lãnh đạo hiệp hội và trách nhiệm xã hội”; Hội thảo “Kiểm soát rủi ro pháp lý trong kinh doanh”; Hội thảo “Giải pháp tiếp cận tài chính và giải quyết tranh chấp”; Hội thảo chuyên đề “Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ GSP của EU, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng từ 01/01/2019”; Tọa đàm về hợp đồng và giải quyết tranh chấp ngoài tòa án; Tọa đàm “Khung chỉ số tư pháp – đánh giá từ bên ngoài về tư pháp địa phương”; Hội thảo kết nối cung cầu nông sản sạch và an toàn lần thứ 2 năm 2018; Hội thảo chuyên đề “Tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hang hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”…

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   
 

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong Tháng 11/2018 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2018 của Bộ Tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2018 của Bộ Giao Thông vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2018 của Bộ Xây Dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2018 của Bộ Công thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2018 của Bộ Khoa học Công nghệ (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2018 của Bộ Lao động thương binh xã hội (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2018 của Bộ Y tế (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2018 của UBND tỉnh Hà nam (Tải về)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)