Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Bộ GD&ĐT trả lời về nâng chuẩn giáo viên tiểu học

Thứ hai, 18-06-2018 | 09:43:00 AM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Theo phản ánh của ông Khổng Hữu Hạnh, giáo viên trường Tiểu học Phước Tuy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục quy định nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trình độ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm là đột ngột, gây ảnh hưởng đến các giáo viên có trình độ Trung cấp sư phạm.

Ông Hạnh cho rằng, việc đào tạo trình độ Trung cấp sư phạm đã có từ gần 50 năm, đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo - giáo dục của đất nước trong một thời gian phát triển khá dài. Do vậy, việc thay đổi chuẩn sẽ ảnh hưởng nhiều đến những giáo viên lớn tuổi, đi dạy từ trước những năm 1990.

Ông Hạn đưa ví dụ về chính trường hợp của ông, ông sinh năm 1968, đã học ngành sư phạm tổng cộng là 5 năm: 3 năm chính quy, 2 năm tại chức. Thời điểm ông vào ngành, bằng Trung cấp được công nhận. Thời điểm trước đây lương thấp, số giáo viên cùng thời với ông đã bỏ nghề rất nhiều, nhưng ông vẫn theo nghề nghiệp mình đã chọn, đến nay thu nhập đã được nâng lên và dần đủ sống. Nhưng nếu theo quy định mới tại Dự thảo, ông sẽ bị ngành giáo dục buộc thôi việc do không đạt chuẩn mà không được hưởng lương hưu vì thiếu tuổi. Ở độ tuổi của ông cũng không thể học chuyển đồi nghề khác.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, ông Hạnh đề xuất một số vấn đề sau:

- Các trường Cao đẳng, Đại học phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương mở lớp học tập bồi dưỡng từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm hoặc Đại học sư phạm vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật trong hè năm 2018 trước khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực thực hiện.

Khuyến khích những giáo viên tuổi từ 50 trở lên phải đạt chuẩn cũ và tham gia chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, có các chính sách hỗ trợ kinh phí học tập cho giáo viên để nâng cao trình độ và phổ cập chuẩn hóa nhà giáo theo yêu cầu tình hình mới.

Đề nghị các cấp lãnh đạo xem xét có thời gian nâng chuẩn có lộ trình đến năm 2025, tạm thời giữ chuẩn như hiện tại nhưng khuyến khích giáo viên trình độ cao bằng cách xét nâng lương trước hạn

- Những trường hợp như ông Hạnh khi nghỉ hưu theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, cho phép được bảo lưu BHXH, khi tuổi đủ 55 tuổi vào năm 2023 thì được hưởng lương hưu.

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 đã chỉ ra thực trạng về đội ngũ giáo viên hiện nay “bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục”; đồng thời đề ra nhiệm vụ “tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, THCS, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm”.

Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: “Đến năm 2020, 100% giáo viên mầm non và phổ thông đạt Chuẩn trình độ đào tạo, trong đó 60% giáo viên mầm non, 100% giáo viên tiểu học, 88% giáo viên THCS và 16% giáo viên THPT đạt trình độ đào tạo trên Chuẩn”.

Trong giai đoạn vừa qua, đội ngũ giáo viên tiểu học đã góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển giáo dục tiểu học, trong đó có việc đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn, bảo đảm chất lượng dạy và học. Đội ngũ giáo viên tiểu học ở các ở các địa phương đã tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở cấp tiểu học và sự nghiệp phát triển giáo dục của cả nước.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thế giới đang có những biến đổi sâu sắc về mọi mặt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ra đời, nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Để bảo đảm phát triển bền vững, chúng ta cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hoá, tri thức và năng lực thích ứng trước mọi biến động của tự nhiên và xã hội. Từ đó yêu cầu đổi mới giáo dục được đặt ra với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục được ban hành và sau đó Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. 

Theo đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Phương pháp dạy học cũng phải được đổi mới theo hướng lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn, tạo cơ hội để học sinh phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo; khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, rèn luyện,… để tự phát hiện và chiếm lĩnh tri thức.

Từ những yêu cầu trên, đòi hỏi giáo viên nói chung và giáo viên tiểu học nói riêng cần phải được cập nhật và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới. Chính vì vậy, đội ngũ giáo viên tiểu học, nhất là đối với những giáo viên được đào tạo trình độ trung cấp cần phải được bồi dưỡng, nâng cao trình độ tối thiểu lên cao đẳng để có đủ năng lực sư phạm thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ lối dạy chủ yếu là truyền thụ kiến thức một chiều sang phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học.

Sẽ có lộ trình đào tạo nâng chuẩn giáo viên khi Luật được thông qua

Theo báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo tại thời điểm tháng 1/2018, tỷ lệ giáo viên tiểu học cả nước đạt trình độ trên chuẩn chiếm đến 90,57%. Nếu được Quốc hội thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giáo viên trung cấp lên cao đẳng sư phạm và chủ trương không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm. Đồng thời dự kiến phân chia các đối tượng để có các phương án triển khai phù hợp, cụ thể:

- Đối với những giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm còn thời gian công tác từ 1 đến 5 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương phối hợp các trường sư phạm thiết kế các khoá học bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới.

- Đối với những giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm còn thời gian công tác trên 5 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ với các hình thức linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.

- Điều chỉnh trong điều khoản thi hành tại Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung để có thể giao cho Chính phủ hoặc trực tiếp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng lộ trình để áp dụng quy định này hoặc đưa ra thời điểm có hiệu lực của quy định này với một số vùng, địa phương còn nhiều khó khăn, để các địa phương có thời gian triển khai các giải pháp nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học một cách phù hợp.

Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những phương án cụ thể, đáp ứng được nguyện vọng theo đề xuất của ông Khổng Hữu Hạnh nói riêng và toàn thể giáo viên tiểu học trên toàn quốc nói chung.

Một vấn đề nữa là việc nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên tiểu học sẽ tạo được vị thế mới cho giáo viên tiểu học. Từ đó chắc chắn đội ngũ giáo viên tiểu học sẽ phấn khởi và tiếp tục phấn đấu vươn lên để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Theo Chinhphu.vn

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)