Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Chế độ kế toán đối với hoạt động kinh doanh BĐS

Thứ ba, 06-06-2017 | 14:11:00 PM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Chế độ kế toán đối với hoạt động kinh doanh BĐS

Tình trạng: Đã phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Công ty cổ phần tập đoàn CEO/Hà Nội

Công văn: 0874/PTM-VP, Ngày: 20/04/2017

Nội dung kiến nghị:

Đặc thù kinh doanh BĐS là thời gian kéo dài, doanh thu hàng năm dồn vào năm hoàn thành dự án, sản phẩm BĐS có giá trị lớn, thời gian hoàn thiện kéo dài mà việc trích lập dự phòng căn cứ vào kỳ hạn gốc mà không tính đến việc gia hạn nợ giữa các bên gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Mặt khác trong lĩnh vực thu nộp ngân sách, lĩnh vực kinh doanh BĐS được coi là đặc thù, phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế GTGT và thuế TNDN trước khi ghi nhận doanh thu. Việc thu hồi công nợ khi các tổ chức / cá nhân nợ doanh nghiệp bỏ trốn nên không lập được biên bản đối chiếu công nợ, khi xác định chi phí tính thuế TNDN phải loại bỏ chi phí này là không hợp lý.

Như vậy, theo các quy định hiện hành, việc ghi nhận doanh thu để thực hiện hóa lợi nhuận của các cổ đông không được thực hiện đồng thời cùng thời điểm Nhà nước thu thuế.


Đơn vị phản hồi: Bộ Tài chính

Công văn: 6117/BTC-CST, Ngày: 11/05/2017

Nội dung trả lời:

Về chế độ kế toán doanh nghiệp:

          - Về quy định thời hạn làm căn cứ xác định mức trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi:

Tại Điều 45 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định việc xác định thời gian quá hạn của khoản nợ phải thu được xác định là khó đòi phải trích lập dự phòng được căn cứ vào thời gian trả nợ theo hợp đồng mua, bán ban đầu, không tính đến việc gia hạn nợ giữa các bên.

Thông thường, việc đối tác không trả nợ được đúng theo thời hạn gốc ban đầu đồng thời phải gia hạn nợ thì có dấu hiệu/bằng chứng cho thấy đối tác có thể đang có những khó khăn về tài chính nên theo nguyên tắc thận trọng thì khả năng khoản nợ phải thu đó sẽ khó đòi nên cần phải lập dự phòng để Báo cáo tài chính phản ánh đúng thực trạng tình hình tài chính của doanh nghiệp.

- Về thời điểm ghi nhận doanh thu kinh doanh bất động sản:

          Đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là chủ đầu tư, sản phẩm cuối cùng mà doanh nghiệp phải cung cấp cho khách hàng theo thỏa thuận trên hợp đồng là các các công trình, hạng mục công trình đã được doanh nghiệp đầu tư, xây dựng hoàn thành bàn giao. Khi đó nghĩa vụ của doanh nghiệp với khách hàng mới được coi là đã thực hiện nên thời điểm đó doanh nghiệp mới được xem xét ghi nhận doanh thu theo quy định của chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

Đối với số tiền mà doanh nghiệp nhận ứng trước của khách hàng theo tiến độ về bản chất chưa phải là khoản tiền mà doanh nghiệp được hưởng vì nếu không có công trình, hạng mục công trình để bàn giao cho khách hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng thì doanh nghiệp sẽ phải có trách nhiệm hoàn trả lại các khoản tiền ứng trước này cho khách hàng. Đây cũng là thông lệ chung của quốc tế nên quy định về thời điểm ghi nhận doanh thu của chủ đầu tư đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tại chế độ kế toán doanh nghiệp hiện nay là hoàn toàn phù hợp.

Ý kiến bạn đọc (0)