Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Đối thoại DN và hải quan: Nhiều thủ tục phải nhờ cấp trên xử lý

Thứ năm, 15-09-2011 | 08:29:00 AM GMT+7 Bản in
Sau khi tổ chức các hội nghị đối thoại Hải quan - DN, một số Cục Hải quan địa phương đã tổng hợp được những vướng mắc về thủ tục hải quan và những cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền. Và điều đó đang gây khó khăn không những cho DN mà cho chính Hải quan.
 Để giải quyết những vấn đề đó cần có sự hướng dẫn cụ thể của cơ quan cấp trên và các Bộ, ngành có liên quan mới có thể xử lý được. Nghĩa là, nhiều sự việc vẫn cứ phải nhờ, đề nghị cấp trên xử lý.

Vẫn còn nhiều thủ tục mà Hải quan cấp dưới phải chờ cấp trên quyết định,
gây khó khăn cho hoạt động của DN
Tự làm rối mình

Tại TP HCM, DN gặp phải vướng mắc khi nhập khẩu các lô hàng thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các lô hàng này về đến cửa khẩu hoặc xếp hàng lên phương tiện vận tải trước ngày hiệu lực của Thông tư số 14/2011/TT-BTTTT nhưng do phải xin giấy phép tự động của Bộ Công Thương nên khi đăng ký tờ khai nhập khẩu sau ngày hiệu lực của TT số 14/2011/TT-BTTTT. Để gỡ vướng cho DN, Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị Tổng cục Hải quan những trường hợp này không bị điều chỉnh bởi TT trên. Ngoài ra, Cục Hải quan TPHCM cũng kiến nghị một số đối tượng khác không bị điều chỉnh bởi TT này là hàng nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại...

Cũng tại TP HCM, một số Chi cục thuộc đơn vị này đã có cách hiểu và thực hiện khác nhau đối với TT 43/2011/TT-BGTVT quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của thương nhân nhập khẩu ô tô. Do TT này không quy định cụ thể khi thương nhân làm thủ tục nhập khẩu đối với xe ô tô đã qua sử dụng phải nộp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của thương nhân nhập khẩu do Cục Đăng kiểm VN cấp tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, vì vậy, trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Hải quan, trước mắt cục Hải quan TPHCM chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc chưa yêu cầu DN phải nộp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

Tại Bình Dương, DN gặp phải vướng mắc khi thực hiện quy định về thời gian tạm nhập, tái chế sản phẩm sau đó xuất khẩu. Theo quy định tại TT 222/2009/TT-BTC thì kể cả thời gian gia hạn, DN khai báo hải quan điện tử chỉ có 90 ngày để tạm nhập, tái chế sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, theo TT 194/2010/TT-BTC thì thời hạn tạm nhập tái chế không quá 275 ngày. Như vậy, cùng một loại hình nhập khẩu nhưng khác phương thức khai báo hải quan lại có 2 quy định về thời gian tái xuất. Hơn nữa, DN thực hiện thủ tục hải quan điện tử cho rằng 90 ngày là không đủ thời gian để DN tái chế sản phẩm. Để tạo thuận lợi cho DN, Cục Hải quan Bình Dương đề xuất Tổng cục Hải quan cho phép các DN làm thủ tục hải quan điện tử được thực hiện thời hạn tạm nhập hàng để sửa chữa, tái chế là 275 ngày như quy định tại TT 194/2010/TT-BTC.

Tại Khánh Hòa, Hải quan và DN gặp vướng mắc về cơ sở xác định hàng hóa đã xuất khẩu qua địa điểm thu gom hàng hóa tập trung (CFS). Khi thực hiện đưa hàng vào kho CFS, DN chỉ xuất trình cho cơ quan Hải quan chứng từ (forwarder cargo receipt) của người vận chuyển. Tuy nhiên, theo Thông tư 194/2010/TT-BTC thì “forwarder cargo receipt” là chứng từ xác nhận của người vận chuyển đã nhận hàng hóa để xếp lên phương tiện vận tải xuất cảnh, chưa phải là “vận đơn xếp hàng lên phương tiện vận tải xuất cảnh”. Vì vậy, chưa đủ cơ sở để xác định hàng hóa đã xuất khẩu theo quy định. Cục Hải quan Khánh Hòa kiến nghị Tổng cục Hải quan sớm có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp này.

Tại Quảng Trị, DN phản ánh phiếu theo dõi nhập khẩu, xuất khẩu từng lần không thể hiện đủ những thông tin cần thiết, đẩy đủ để tính thuế cho một lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Cục Hải quan Quảng Trị đề xuất bổ sung thêm các tiêu chí như trọng lượng tịnh (Net weight) và trọng lượng lẫn tạp chất (Gross weight) để xác định phần cước phí vận chuyển cấu thành trong trị giá tính thuế, số lượng và số hiệu phương tiện vận tải, tỷ giá tính thuế...

DN phải kiến nghị

DN làm thủ tục tại Cục Hải quan Đắk Lắk kiến nghị điều chỉnh điều kiện để DN được hưởng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với DN theo Thông tư số 63/2011/TT-BTC từ 70 triệu USD/năm xuống khoảng 50 triệu USD/năm hoặc xem xét bỏ điều kiện này nhằm khuyến khích các DN có quy mô hoạt động từ loại vừa trở lên trong đầu tư, kinh doanh sản xuất và xuất khẩu cà phê. Một số DN khác thì kiến nghị sửa đổi quy định về chuyển cửa khẩu tại Nghị định số 154/2005/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định này vì có những lô hàng nhập khẩu DN ở Lâm Đồng phải ra Hải Phòng để làm thủ tục, không được làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Đà Lạt gây tốn kém nhân lực, chi phí và thời gian đi lại. Hiện nay, một số DN tại Đắk Lắk và Đắk Nông có dự án đầu tư khai hoang trồng cao su, khai thác khoáng sản tại các tỉnh Đông Bắc Campuchia, vì vậy các DN này kiến nghị Chính Phủ, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam sửa đổi Thông tư 18/2010/TT-BGTVT cấp phép cho phương tiện vận tải phi thương mại của các DN này được qua lại các cửa khẩu đường bộ VN-Campuchia để giao dịch, chuyên chở nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị...

Tại Đà Nẵng, các DN trên địa bàn phản ánh các chính sách, thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên thay đổi, bổ sung, danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành quá nhiều gây khó khăn cho DN trong quá trình làm thủ tục hải quan. Vì vậy, DN kiến nghị ngành Hải quan tham mưu rà soát để giảm bớt và tránh chồng chéo ảnh hưởng đến hoạt động của DN. DN cũng kiến nghị bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu tự động cho DN (vì những mặt hàng này bị điều chỉnh về chính sách thuế) do hiện nay quy định này chưa đem lại kết quả kinh tế cao mà lại gây tốn kém cho DN trong việc đi lại xin cấp phép nhập khẩu. Ngoài ra, hiện nay các DN trong nước đang đối mặt với tình trạng lạm phát, cạnh tranh không lành mạnh với hàng nhập lậu, hàng gian lận thương mại. Do vậy, các DN cũng đề nghị ngành Hải quan tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam.

Tô Thành

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)