Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Khi nào một văn bản pháp luật hết hiệu lực?

Thứ năm, 09-11-2017 | 00:51:00 AM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. Hiện tại, Luật Công nghệ thông tin năm 2006 vẫn còn hiệu lực thi hành, vì vậy, Nghị định 102/2009/NĐ-CP vẫn chưa hết hiệu lực thi hành.

Theo phản ánh của ông Lê Hồng Hà (Hà Nội), Nghị định số 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được ban hành căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ 2001, Luật Ngân sách Nhà nước 2002 và Luật Công nghệ thông tin 2006.

Ông Hà hỏi, hiện Luật Tổ chức Chính phủ 2001 và Luật Ngân sách Nhà nước 2002 hết hiệu lực, vậy thì Nghị định 102/2009/NĐ-CP còn hiệu lực thi hành không?

Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời như sau:

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cần phải có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ pháp luật trong quá trình thực hiện đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các cơ quan Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ được Luật CNTT năm 2006 giao, ngày 6/11/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010. Tại thời điểm đó, căn cứ ban hành Nghị định này là các Luật:

- Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001: Luật này là căn cứ pháp lý xác định Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền ban hành Nghị định, tức là căn cứ pháp lý về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002: Luật này quy định về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, Nghị định 102/2009/NĐ-CP quy định có liên quan đến sử dụng vốn ngân sách Nhà nước nên căn cứ văn bản Luật này là phù hợp về mặt nội dung.

- Luật CNTT năm 2006: Đây là căn cứ pháp lý trực tiếp và quan trọng vì tại Khoản 3, Điều 62 Luật CNTT đã quy định giao nhiệm vụ: “Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư phù hợp đối với các dự án ứng dụng CNTT sử dụng vốn đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước”. Do đó, Nghị định số 102/2009/NĐ-CP được xác định là văn bản quy định chi tiết thi hành Luật CNTT năm 2006.

Chiếu theo quy định tại Khoản 4, Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, "Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”, hiện tại, Luật CNTT năm 2006 vẫn còn hiệu lực thi hành, vì vậy, Nghị định 102/2009/NĐ-CP vẫn chưa hết hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, theo tình hình thực tế cũng như về mặt pháp lý, hiện nay, nhiều văn bản luật liên quan đến hoạt động đầu tư trong cơ quan Nhà nước đã ra đời, vừa thay thế (Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu thầu), vừa bổ sung mới (Luật Đầu tư công) cũng ảnh hưởng tới các quy định của Nghị định 102/2009/NĐ-CP. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và đang trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn Nhà nước, Nghị định mới này căn cứ vào các văn bản Luật đang có hiệu lực, khi được ban hành sẽ thay thế cho Nghị định 102/2009/NĐ-CP trước đây.

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)