Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vật tải lùi thời hạn có hiệu lực hoặc tạm đình chỉ Thông tư 43/2016/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT, chờ thêm thời gian khi có đủ các thông tin, dữ liệu cần thiết mới ban hành quy chuẩn.

Thứ sáu, 20-07-2017 | 15:44:00 PM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vật tải lùi thời hạn có hiệu lực hoặc tạm đình chỉ Thông tư 43/2016/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT, chờ thêm thời gian khi có đủ các thông tin, dữ liệu cần thiết mới ban hành quy chuẩn.

Tình trạng: Chưa phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Công ty CP công nghệ Việt Séc

Công văn: 1680/PTM - VP, Ngày: 14/07/2017

Nội dung kiến nghị:

  1. Kiến nghị: Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vật tải lùi thời hạn có hiệu lực hoặc tạm đình chỉ Thông tư 43/2016/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT, chờ thêm thời gian khi có đủ các thông tin, dữ liệu cần thiết mới ban hành quy chuẩn.

Chi tiết kiến nghị:

Ngày 17/6/2017, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chủ trì cuộc họp lắng nghe tiếng nói của các bên liên quan trong việc đăng kiểm và phát triển tàu thuyền công nghệ vật liệu PPC. Tại cuộc họp, Cục đăng kiểm Việt Nam vẫn bảo lưu quan điểm chỉ đăng kiểm cho tàu PPC có sức chở tối đa 12 người, điều này đồng nghĩa với việc Thông tư 43/2016/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa bằng vật liệu PPC sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 28/7/2017. Nếu Thông tư 43/2016/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành thì doanh nghiệp sản xuất tàu thuyền công nghệ vật liệu PPC sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn và nó sẽ là rào cản đối với sự sáng tạo của doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Vì vậy cần thiết phải lùi thời hạn có hiệu lực hoặc tạm đình chỉ Thông tư 43/2016/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT, chờ thêm thời gian khi có đủ các thông tin, dữ liệu cần thiết mới ban hành quy chuẩn với các lí do:

- Quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT được ban hành bởi Thông tư 43/2016/TT-BGTVT là một văn bản pháp luật mang tính pháp lý buộc các bên liên quan phải thực thi. Khi đã là văn bản pháp luật thì không dễ dàng có thể thay đổi, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung trong khi chính cơ quan đăng kiểm đang khẳng định là cần thêm thời gian thử nghiệm tàu PPC để điều chỉnh bổ sung quy chuẩn.

- Khi QCVN 95:2016/BGTVT có hiệu lực thi hành thì cơ quan đăng kiểm buộc phải tuân thủ vì vậy cơ quan đăng kiểm hoàn toàn có quyền từ chối đăng kiểm cho tàu có sức chở vượt quy chuẩn, ngay cả trong trường hợp doanh nghiệp có muốn đóng thử nghiệm tàu lớn hơn cũng sẽ rất khó khăn với cơ chế xin cho hiện nay.

- Hiện doanh nghiệp đang nhận được sự ủng hộ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để đóng thử nghiệm tàu đánh cá vật liệu PPC cho ngư dân nhưng nếu QCVN 95:2016/BGTVT có hiệu lực thi hành thì cơ quan đăng kiểm tàu cá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có quyền từ chối đăng kiểm tàu cá vật liệu PPC khi quy mô kích thướng, sức chở lớn hơn quy chuẩn cho phép.

- Đảng và Nhà nước đang định hướng lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn nên nhu cầu tàu thuyền có sức chở lớn hơn cho các du khu lịch biển, đảo là rất lớn. Khách hàng trong nước đang đặc biệt quan tâm đến các cano du lịch, tàu thuyền vật liệu PPC đưa khách đi tham quan bởi các tính chất đặc biệt của tàu thuyền này là thân thiện môi trường, không phải sơn, không bị ăn mòn trong môi trường biển, vật liệu nhẹ hơn nước nên luôn là phao nổi an toàn khi có sự cố. Hầu hết các cano, tàu thuyền du lịch phải có sức chở trên 12 người để đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Trong khi các tàu thuyền truyền thống hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cho hoạt động du lịch biển, nếu quy chuẩn tàu PPC có hiệu lực thì du lịch biển sẽ mất đi cơ hội có phương tốt để phát triển du lịch.

- Tại sao cơ quan đăng kiểm lại ban hành quy chuẩn giới hạn tàu chở 12 người trong khi trước đó các bản dự thảo quy chuẩn không hề có việc giới hạn số người? Trong thời gian từ năm 2015 đến 2016, cơ quan đăng kiểm đã ban hành nhiều dự thảo xin ý kiến các cơ quan tổ chức đều không có việc giới hạn sức chở 12 người. Phải chăng sau khi Cục đăng kiểm Việt Nam đăng kiểm hai tàu khách sức chở 30 và 56 người do một doanh nghiệp ở Hà Nội sản xuất không thành công nên đã ban hành quy chuẩn giới hạn sức chở của phương tiện? Chính cơ quan đăng kiểm cũng thừa nhận hai tàu chở khách ở Nha Trang hoạt động không thành công không phải do lỗi của vật liệu mà thực tế là do lỗi thiết kế. Không thể vì hỏng hai tàu khách này mà cơ quan đăng kiểm lại đóng cửa công nghệ không cho phát triển trong khi Công ty CP Công nghệ Việt Séc ở Vũng Tàu đã đóng thành công hai tàu trang bị động cơ gắn ngoài có sức chở 20 và 35 người đang hoạt động rất tốt thì cơ quan đăng kiểm lại không xem xét, kiểm tra để tiến hành đăng kiểm.

- Đăng kiểm thực chất là một hoạt động giám định để kiểm tra phương tiện có đáp ứng được yêu cầu an toàn và bảo vệ môi trường hay không thì cho vào lưu thông. Từ năm 2015 đến 2016 mặc dù chưa có quy chuẩn cho tàu PPC nhưng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã đăng kiểm hàng loạt tàu thuyền cho doanh nghiệp cơ sở quy trình kiểm tra tàu thuyền tạm thời để cấp đăng kiểm cho tàu hoạt động. Như vậy, nếu chưa có quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT thì Cục đăng kiểm VN vẫn có thể tiến hành công tác đăng kiểm bình thường như cách thức đang làm hiện nay và cũng là cách mà đăng kiểm Cslloyd và đăng kiểm Hải quân đã làm từ năm 2013.

- Cục Đăng kiểm Việt Nam lo ngại vấn đề pháp lý khi đăng kiểm và không có quy chuẩn cho tàu vật liệu PPC sẽ phạm luật. Cách hiểu của cơ quan đăng kiểm như vậy là không đúng vì thực chất việc đăng kiểm tàu đều có tiêu chuẩn đầy đủ, ngay trong quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT cũng đều viện dẫn hàng loạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm trong nước và thế giới mà cơ quan đăng kiểm đang áp dụng. QCVN 95:2016/BGTVT thực chất là tổng hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn đang có và chỉ bổ sung thêm các tính chất đặc thù của vật liệu PPC để trở thành quy chuẩn cho tàu PPC. Việc đăng kiểm một phương tiện giao thông đâu chỉ có dựa vào tiêu chuẩn, quy chuẩn có sẵn mà phải kiểm tra tính toán, thiết kế, quá trình sản xuất, chạy thử thực tế của phương tiện, nếu kết quả tốt thì cơ quan đăng kiểm mới cấp đăng kiểm cho phương tiện hoạt động.

- Quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT chỉ nói đến tàu một thân, do vậy nếu quy chuẩn có hiệu lực thì loại tàu hai thân mà doanh nghiệp muốn phát triển sẽ không được đăng kiểm ngay cả nó chỉ để chở 12 người. Tàu hai thân là sự phối trộn giữa hai loại vật liệu thép và PPC nhưng quy chuẩn thì lại không chấp nhận điều này. Đây chính là sự bất cập mà cơ quan đăng kiểm cần phải xem xét bổ sung để tạo điều kiện cho hoạt động sáng tạo.

  1. Kiến nghị: Tạo điều kiện cho cơ quan đăng kiểm Cslloyd vào Việt Nam đăng kiểm tàu công nghệ vật liệu mới PPC và công nhận kết quả đăng kiểm của cơ quan này

Chi tiết kiến nghị:

Tại cuộc họp, Cục đăng kiểm Việt Nam (VR) cho rằng, luật pháp Việt Nam không cho các tổ chức đăng kiểm nước ngoài được cung cấp dịch vụ đăng kiểm và Cslloyd không phải là tổ chức đăng kiểm, tức là đăng kiểm Việt Nam không công nhận năng lực và tư cách pháp nhân của Cslloyd. Về vấn đề này, doanh nghiệp xin có ý kiến như sau:

Để tháo gỡ khó khăn trong việc đăng kiểm tàu PPC, ngày 25/9/2012 Cục đăng kiểm Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Cslloyd với sự chứng kiến của đại diện Công ty Việt Secs, theo đó Cslloyd sẽ tiến hành đăng kiểm và chuyển kết quả cho đăng kiểm Việt Nam công nhận. Nếu nói đăng kiểm nước ngoài không được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam thì tại sao Cục đăng kiểm Việt Nam lại ký thỏa thuận hợp tác với Cslloyd?

Tại cuộc họp ngày 17/6/2017, ông Nguyễn Vũ Hải vẫn cho rằng Luật Việt Nam không cho phép đăng kiểm nước ngoài vào Việt Nam đăng kiểm tàu thuyền và cũng không công nhận tư cách đăng kiểm của tổ chức Cslloyd. Nhận thức của Cục đăng kiểm Việt Nam như vậy là không đúng luật và điều đó thể hiện tổ chức này luôn muốn độc quyền đăng kiểm, phủ nhận một thỏa thuận quốc tế đã ký với Cslloyd (Cộng hòa Séc).

Ngay tại website của Cục đăng kiểm Việt Nam vẫn còn đó hình ảnh lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục đăng kiểm Việt Nam và Tổ chức đăng kiểm Séc (Cslloyd) với sự tham dự của lãnh đạo doanh nghiệp – Công ty CP Công nghệ Việt Séc, Cục đăng kiểm Việt Nam cũng thừa nhận Cslloyd là tổ chức đăng kiểm nên mới ký thỏa thuận. Sau khi ký thỏa thuận, Cslloyd đã vào Việt Nam đăng kiểm tàu cho doanh nghiệp, đồng thời gửi kết quả cho VR công nhận như bị VR từ chối công nhận.

Hiện tại có nhiều tổ chức đăng kiểm lớn trên thế giới vẫn đang hợp tác cùng VR để đăng kiểm tàu thuyền và các sản phẩm công nghiệp khác. Trách nhiệm của VR là phải hướng dẫn các cơ quan đăng kiểm trong nước và nước ngoài thực hiện công tác đăng kiểm tại Việt Nam, điều này quy định rất rõ trong chức năng nhiệm vụ của Cục Đăng kiểm.

Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Bộ giao thông vận tải chỉ đạo Cục đăng kiểm Việt Nam tôn trọng thỏa thuận đã ký kết, tạo điều kiện cho cơ quan đăng kiểm Cslloyd vào Việt Nam đăng kiểm tàu công nghệ vật liệu mới PPC và công nhận kết quả đăng kiểm của cơ quan này. Việc Cslloyd hợp tác với đăng kiểm Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giải quyết các khó khăn vướng mắc về đăng kiểm tàu thuyền công nghệ mới.


Đơn vị phản hồi: Bộ Giao Thông Vận tải

Công văn: , Ngày:

Nội dung trả lời:

Ý kiến bạn đọc (0)