Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Làm chậm, tại sao chỉ có doanh nghiệp bị phạt?

Thứ ba, 08-11-2016 | 09:41:00 AM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) - Theo phản ánh của Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo quản lý quốc tế, trường hợp doanh nghiệp chậm nộp báo cáo thì bị các cơ quan có thẩm quyền tính phí phạt, còn khi cơ quan Nhà nước chậm trả lời, phản hồi cho doanh nghiệp thì không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Qua Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng TTĐT Chính phủ, Công ty đề nghị xem xét việc tính tiền phạt cho trường hợp tổ chức, cơ quan Nhà nước có hành vi thực hiện chưa đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Ngoài ra, khi doanh nghiệp gửi phản ánh, kiến nghị dưới hình thức văn bản nhưng một số cơ quan hành chính Nhà nước trả lời bằng miệng. Công ty hỏi, có quy định pháp luật về việc phúc đáp này không?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến phản hồi doanh nghiệp như sau:

Cán bộ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ, công chức

Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra.

Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

Theo quy định tại Điều 1 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án được bồi thường thiệt hại.

Theo quy định tại Điều 78 và Điều 79 Luật Cán bộ, công chức thì cán bộ, công chức vi phạm các quy định của pháp luật bị xem xét, xử lý kỷ luật.

Như vậy, theo các quy định hiện hành, trường hợp tổ chức, cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức có hành vi thực hiện chưa đúng quy trình, quy định của pháp luật trong thi hành nhiệm vụ, công vụ (bao gồm cả việc trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp, người dân) thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà tùy tính chất, mức độ vi phạm cụ thể sẽ bị xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ, công chức. Trường hợp gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Đã có quy định phải trả lời bằng văn bản

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/2/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thì thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, trong đó có hình thức gửi văn bản thông báo cho cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị.

Theo quy định tại khoản 5, Điều 18 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính thì cơ quan thực hiện thủ tục hành chính có trách nhiệm nêu rõ lý do bằng văn bản trong trường hợp từ chối thực hiện hoặc có yêu cầu bổ sung giấy tờ trong trường hợp giải quyết theo quy định.

Như vậy, theo quy định hiện hành, các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định trách nhiệm cơ quan hành chính nhà nước phải trả lời bằng văn bản đối với các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân.

Bộ Tài chính trả lời để Công ty được biết và tiếp tục phối hợp theo dõi, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước liên quan.

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)