Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

TPP: Bệ phóng tăng trưởng mới cho DN Việt Nam năm 2014?

Thứ tư, 12-03-2014 | 05:13:00 AM GMT+7 Bản in
Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao với phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm hầu hết các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…
TPP nếu được ký kết sẽ giúp đẩy mạnh sự phát triển của các nền kinh tế, xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư, tăng xuất khẩu và tạo thêm các cơ hội việc làm. Hiện có 12 nước tham gia đàm phán TPP, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Đàm phán TPP hiện đã kết thúc phán phiên thứ 20 và đang phấn đấu hoàn thành trong năm 2014.

Ngành nào được lợi từ TPP?

Dệt may- da giày: Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu dệt may, giày dép vào các thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ (hiện đóng góp 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) với lợi thế cạnh tranh hơn các nước khác. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chủ lực của Việt Nam là dệt may đạt gần 18 tỷ USD năm 2013, duy trì tốc độ tăng trưởng 18%; trong đó khoảng 44% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ, 12% vào Nhật và 4% vào các nước TPP còn lại. Như vậy, khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam được xuất khẩu vào các nước trong khối TPP. Với mặt hàng da giày, Việt Nam xuất khẩu gần 8,4 tỷ USD năm 2013, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm 28%. Nếu hiệp định TPP được ký kết, hàng dệt may và da giày của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% thay vì 7% và 12% như hiện nay.

Mặt hàng lúa gạo: Mặt hàng lúa gạo của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu lớn vì các đối thủ chính là Thái Lan, Ấn Độ chưa tham gia đàm phán TPP... Tham gia TPP với các thành viên chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, có thể giúp GDP tăng thêm khoảng 26,2 tỷ USD.

Nhóm hàng đồ gỗ và nội thất: Đây là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch năm 2013 đạt 5,496 tỷ USD, chiếm khoảng 23% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Việc tham gia TPP và được hưởng những ưu đãi cắt giảm thuế sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho mặt hàng xuất khẩu này.

Nhóm hàng thủy sản, nông sản: Đây là nhóm hàng xuất khẩu Việt Nam có lợi thế so sánh cao. Kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng lớn thứ 4 (sau dệt may, đồ gỗ và da giày), trong đó thủy sản chiếm 5,5% và nông sản chiếm 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.



CAGR trung bình ngành trong giai đoạn 2009 – 2012 của BXH Fast500

Nhưng TPP cũng mang lại nhiều nỗi lo bên lề…

Ngành công nghiệp Ô tô: Các doanh nghiệp ngành này sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các DN nước ngoài khi Việt Nam mở cửa thị trường hoàn toàn cho Hoa Kỳ và Nhật Bản theo TPP. Hơn nữa, công nghiệp phụ trợ đối với ngành công nghiệp ô tô hiện nay ở Việt Nam rất kém, quy mô thị trường nhỏ là những điểm bất lợi trong thu hút đầu tư vào ngành này.

Các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản: Các mặt hàng chăn nuôi như thịt gà, lợn, bò... vốn là ngành lợi thế của Hoa Kỳ, hoặc mặt hàng đường là thế mạnh của Australia, bởi vậy việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn, hệ quả tất yếu là thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh gay gắt hơn. Đối với hàng thủy sản, vốn thuế suất không còn là rào cản chính, song các biện pháp kiểm dịch SPS có thể lại trở nên ngặt nghèo hơn.

Ngành dược phẩm: Vấn đề sở hữu trí tuệ đối với ngành dược phẩm đòi hỏi yêu cầu rất cao, đó là nâng cao mức độ bảo hộ sáng chế và vấn đề dược phẩm, nâng cao mức độ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm cho dược phẩm và nông hóa phẩm, sẽ là cản trở lớn đối với các doanh nghiệp dược phẩm trong nước khi cạnh tranh với các hãng dược phẩm nước ngoài trong quá trình mở rộng thị trường, cũng như khả năng tiếp cận giá thuốc rẻ của người tiêu dùng Việt. Đây luôn là vấn đề khó khăn đối với các nước đang phát triển trong đàm phán thương mại quốc tế.

Ngành dịch vụ tài chính – ngân hàng: Tham gia TPP sẽ là thách thức rất lớn đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng của Việt Nam. Các đối tác đàm phán TPP đều là những nước có thị trường tài chính, ngân hàng rất phát triển (Hoa Kỳ, Australia, Singapore), hoặc đã mở cửa cho sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (New Zealand), hoặc lợi ích sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi việc mở cửa thị trường tài chính ngân hàng (Brunei). Do vậy, trong khuôn khổ đàm phán TPP, các nước phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ và Australia sẽ có nhiều thuận lợi khi đưa ra những yêu cầu cao về mở cửa thị trường, vô hình chung gây sức ép đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Những ngành trên đây đều là ngành có đông đại diện trong BXH Fast500 năm 2013 (500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam), với tốc độ tăng trưởng doanh thu kép – CAGR trung bình ngành trong giai đoạn từ 2009 – 2012 đạt mức cao, đều trên mức trung bình toàn BXH là 44,7% cho thấy tiềm năng phát triển của những ngành này trong tương lai cũng được đánh giá khá tốt. Vì vậy tận dụng tốt cơ hội, tiên lượng và hạn chế những rủi ro đi kèm khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên TPP sẽ là bước đệm đưa nền kinh tế Việt Nam bắt kịp với nhịp tăng trưởng của toàn cầu.

Thử thách trước mắt của các doanh nghiệp Việt

Vào TPP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt. Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa được đề xuất ở TPP, các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối TPP mới được hưởng ưu đãi. Đây là một bất lợi; đối với ngành Dệt may, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước bên ngoài TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc để gia công xuất khẩu, nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp phụ trợ thì hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế, và các doanh nghiệp có lợi ích liên quan cần có những bước chuẩn bị kịp thời khi TPP có hiệu lực.

Vào TPP, cạnh tranh bằng giá sẽ không còn là lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam mà là các hình thức cạnh tranh phi giá, các quy định kỹ thuật thuộc nội khối như bao gói, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm xuất khẩu cũng là một rào cản cho hàng xuất khẩu Việt Nam, hàng nông sản, thuỷ hải sản của Việt Nam vào TPP có thể bị mắc ở rào cản về các biện pháp vệ sinh dịch tễ. Do vậy các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần phải chuẩn bị thực thi và đảm bảo điều kiện tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Vào TPP, các doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận tham gia một cuộc chơi công bằng, cạnh tranh lành mạnh, đòi hỏi một sự thay đổi về chất để đáp ứng mọi nhu cầu mới không chỉ trong nước mà còn ngoài nước. Do vậy hơn khi nào hết, đã đến lúc các doanh nghiệp cần tỉnh táo lựa chọn cho mình hướng đi và mục tiêu thích hợp trong năm 2014 này.

Lễ công bố chính thức Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, sẽ được tổ chức sáng ngày 04/4/2014 tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội.

Đây là lần thứ tư liên tiếp Bảng xếp hạng FAST500 được công bố nhằm nghi nhận những nỗ lực và tôn vinh  những doanh nghiệp năng động và tăng trưởng nhanh nhất – Những ngôi sao đang lên của nền kinh tế Việt Nam. Sau đó một ngày (05/4) cũng trong khuôn khổ sự kiện công bố Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, tại KS. Fortuna, Ban tổ chức FAST500 sẽ tổ chức Hội nghị: Truyền thông hiện đại: Bài học từ truyền thông các sản phẩm giải trí bom tấn do Giáo sư Anita Elberse đến từ Trường kinh doanh Harvard làm diễn giả.

Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: www.fast500.vn


Ngô Tuấn Anh

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)