Doanh nghiệp tiêu dùng - bán lẻ Việt liên tục bứt phá

Các cửa hàng WIN đa tiện ích tích hợp nhiều dịch vụ tại duy nhất một điểm đến. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS
 

Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, “sức khỏe” tài chính doanh nghiệp càng được thể hiện rõ nét. Biến thách thức thành cơ hội, nhiều doanh nghiệp ghi nhận những bước tiến vượt trội. Điển hình có thể đến Masan - Tập đoàn liên tục được vinh danh trong các bảng xếp hạng uy tín.

 

Nền tảng tiêu dùng - bán lẻ liên tục bứt phá

Năm 2022, “dư chấn” của COVID-19 vẫn còn nhiều tác động tiêu cực lên lĩnh vực bán lẻ. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp chọn cách thu hẹp quy mô, tái cấu trúc nhằm giảm lỗ. Ở chiều ngược lại, chuỗi bán lẻ WinCommerce (WCM) thuộc Masan trở thành “điểm sáng” khi liên tục mở rộng quy mô.

Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh của Masan, trong 9 tháng năm 2022, đã có 477 cửa hàng WinMart+ và 5 siêu thị WinMart được mở mới. Nâng quy mô toàn chuỗi lên 3.049 cửa hàng và 128 siêu thị. Các điểm bán mới đi vào hoạt động ghi nhận hiệu suất vượt trội so với các điểm bán cũ. Doanh thu 9 tháng năm 2022 của WCM tăng 8,1%; riêng quý 3/2022 tăng 17,8% so với cùng kỳ.

Không dừng lại ở WCM, tháng 9 vừa qua, Masan gây tiếng vang khi ra mắt hệ sinh thái WINLife với 27 cửa hàng WIN đầu tiên tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, chương trình hội viên WIN cũng được kích hoạt nhằm mang đến cơ hội tiếp cận nhu yếu phẩm chất lượng cao với giá ngang chợ truyền thống cho các khách hàng trong hệ sinh thái Masan. 

WCM đã chuyển đổi 60 cửa hàng WinMart+ thành cửa hàng WIN. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS

Chỉ sau 2 tháng, WINLife mở rộng với tốc độ “Thánh Gióng” khi quỹ mô chuỗi WIN tăng gấp đôi lên 60 cửa hàng. Theo Masan, các cửa hàng WIN có mức doanh thu/m2 cao hơn 20% so với mô hình tạp hóa thuần túy. Mô hình cửa hàng đa tiện ích này được xác định chính là chìa khóa để đáp ứng đa dạng nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người tiêu dùng Việt, ngay trên cùng một điểm chạm.

“Với các kết quả thành công ban đầu, chúng tôi tin rằng WIN chính là mô hình bán lẻ ưu việt và sẵn sàng để mở rộng quy mô. Với lợi thế quy mô và không ngừng đổi mới, tôi tin rằng đây là chỉ bước khởi đầu cho một chặng đường tăng trưởng mới của Masan”, ông Nguyễn Đăng Quang Chủ tịch HĐQT Masan Group chia sẻ.

Chương trình hội viên WIN cũng cán mốc 500.000 người gia nhập tính đến ngày 10/11. Ngoài tại các cửa hàng WIN, chương trình này hiện đã được triển khai tại hệ thống WinMart/WinMart+ Cần Thơ, Hải Dương và sắp tới là tất cả là toàn bộ chuỗi bán lẻ này. WinCommerce hiện đang phục vụ hơn 30 triệu lượt khách hàng mỗi tháng, với con số khổng lồ này, hội viên WIN được dự đoán sẽ nhanh chóng “soán ngôi” nhiều chương trình thành viên đình đám trên thị trường.

Masan hiện đã nắm giữ 50% thị phần cửa hàng bán lẻ hiện đại trên toàn quốc. Duy trì vị thế dẫn đầu và liên tục bứt phá trong bức tranh thị trường nhiều gam màu trầm, có thể nói khoảng cách giữa Masan và các doanh nghiệp còn lại trong lĩnh vực tiêu dùng – bán lẻ đang ngày càng được kéo xa hơn.

Masan hiện đã nắm giữ 50% thị phần cửa hàng bán lẻ hiện đại trên toàn quốc. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS

“Điểm sáng” thu hút vốn ngoại

Bên cạnh thành công của mảng bán lẻ, các mảng kinh doanh khác của Masan đều khởi sắc. Trong 9 tháng năm 2022, Masan Consumer Holdings đạt 19.695 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 5,4% so với cùng kỳ; Phúc Long đạt 1.143 tỷ đồng doanh thu và 199 tỷ đồng EBITDA; Masan MEATLife ghi nhận quý 3/2022 là quý đầu tiên trong năm có lãi EBITDA nhờ biên lợi nhuận gộp của các mảng trang trại và mảng kinh doanh gà cải thiện; Masan High-Tech Materials doanh thu đạt 11.651 tỷ đồng và EBITDA đạt 2.548 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 21,3% và 36,3% so với cùng kỳ.

Nhờ đó, doanh thu thuần của Masan trong 9 tháng đầu năm đạt 55.546 tỉ đồng, tăng 4,8% so với mức 52.978 tỉ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 10.826 tỉ đồng, tăng 7,9%, biên lợi nhuận đạt 19,5% so với mức 19,2% trong 9 tháng 2021.

Masan đã triển khai các cửa hàng WIN đa tiện ích tích hợp nhiều dịch vụ tại duy nhất một điểm. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS

Mới đây nhất, Masan cũng đã huy động thành công khoản vay hợp vốn lớn với tổng trị giá 600 triệu USD từ gần 40 tổ chức tài chính. Chiến lược huy động vốn ngoại được các chuyên gia đánh giá là vô cùng linh hoạt, hiệu quả trong bối cảnh mới “hẹp cửa” tiếp cận tín dụng trong nước hiện nay. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận với dòng tiền này bởi những thẩm định, đánh giá vô cùng khắt khe về năng lực tài chính, quản trị và vận hành.

Trong suốt lịch sử hoạt động của mình, Masan cũng thường xuyên thu hút các nhà đầu tư ngoại tầm cỡ như SK Group, Alibaba… Trong một giao dịch vào tháng 11/2021, SK Group từng chia sẻ, Masan là đối tác lý tưởng nhất để phát triển chiến lược mang tầm nhìn dài hạn tại Việt Nam. Tập đoàn đầu tư đa ngành của Hàn Quốc đã đầu tư tổng cộng hơn 1,2 tỷ USD vào Masan qua 3 lần góp vốn vào Masan và các công ty thành viên./.

 

Theo Thành Trung/BNEWS/TTXVN

https://bnews.vn/doanh-nghiep-tieu-dung-ban-le-viet-lien-tuc-but-pha/269712.html