Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, đặt mục tiêu từ năm 2023 không còn lỗ, thu đủ bù chi, phấn đấu có lãi.

Theo đó, VNR sẽ thực hiện các giải pháp đã phát huy hiệu quả trong năm nay như tổ chức chạy tàu bám sát nhu cầu thị trường; tiếp tục phối hợp với các đơn vị du lịch đưa ra các sản phẩm kết hợp vận chuyển đường sắt-du lịch hấp dẫn; điều chỉnh giá vé, giá cước, chính sách khuyến mại linh hoạt...

Cùng đó, Tổng công ty tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, tiết giảm chi phí, từng bước thu gọn đầu mối trong các đơn vị, bộ phận thuộc thẩm quyền. Trong đó, VNR sẽ sáp nhập 5 chi nhánh đầu máy, từ tháng 1/2023 sẽ chỉ còn 3 chi nhánh; sáp nhập các ban quản lý dự án khu vực; sáp nhập hai Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành...

Theo kế hoạch tình hình sản xuất kinh doanh VNR đưa ra, năm 2022, Công ty mẹ lợi nhuận âm 550 tỷ đồng nhưng đến nay dự kiến chỉ âm 350 tỷ, giảm lỗ 200 tỷ, tương đương giảm khoảng 35%.

Tính đến thời điểm cuối tháng 11/2022, tỷ trọng vận tải hàng hóa đã chiếm đến 55% (trước kia vận tải hàng chỉ chiếm khoảng 35%), vận tải hành khách 45%. Sản lượng vận tải hàng hóa tăng trưởng hơn 26%, doanh thu tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ 2019 là thời điểm chưa có dịch.

“Kết quả này là do ngành đường sắt đã kiên trì các giải pháp chuyển dần trọng tâm sang vận tải hàng hóa để bù đắp cho vận tải hành khách,” lãnh đạo VNR thông tin thêm./.

 
Theo Việt Hùng (Vietnam+)