Năm 2023, thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục khởi sắc

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2022 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021 do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước và tăng 15% so với năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch Covid-19).

Năm 2023, nhiều tín hiệu cho thấy nhà bán lẻ sẽ mở cửa trở lại, tìm kiếm mặt bằng mới để mở rộng hệ thống cũng như thị trường. Đặc biệt sẽ có sự đầu tư mới của các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam.

Năm 2023, thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục khởi sắc
Năm 2023, thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục khởi sắc sau dịch Covid-19. Ảnh: TL

Sự phục hồi chung của nền kinh tế đã thúc đẩy ngành bán lẻ tăng trưởng trở lại. Đặc biệt, với xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ AI, và công nghệ nhiệt hạch cảm biến để tự động hóa quy trình thanh toán, qua đó nâng chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm cho khách hàng

Kết quả khảo sát 15.000 nhà bán lẻ trên nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cũng cho thấy, 74,5% kỳ vọng thị trường năm 2023 sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng; hơn 36% dự định mở rộng quy mô kinh doanh; hơn 29% dự định đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh…

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư, phát triển hệ thống phân phối, là những tín hiệu tích cực của thị trường bán lẻ thời gian tới. Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) sẽ tăng đầu tư vào thị trường bán lẻ, tăng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố. Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) kỳ vọng từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội.

Để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông, dự thảo đề án tái cơ cấu ngành Công thương từ nay đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tái cơ cấu thị trường trong nước theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thương mại điện tử... sẽ được khuyến khích, ưu tiên phát triển. Giá trị tăng thêm của thương mại trong nước tăng bình quân khoảng 9-9,5%/năm.

 

Theo Nguyễn Vân (Thời báo Tài chính)

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nam-2023-thi-truong-ban-le-se-tiep-tuc-khoi-sac-120961.html