Tận dụng các hiệp định thương mại tự do để khơi thông thị trường xuất khẩu

Xuất khẩu gặp khó ở nhiều mặt hàng

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước đều có dấu hiệu khó khăn. So với cùng kỳ, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng của cả nước chỉ đạt 95,83 tỷ USD, giảm 13,4% (tương ứng giảm 14,83 tỷ USD). 2 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 3,44 tỷ USD.

Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng FTAs mở rộng thị trường xuất khẩu
Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng FTAs mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: Hải Anh

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, xuất khẩu gặp khó ở nhiều mặt hàng và nhiều thị trường. Trong đó, xuất khẩu dệt may sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm mạnh; các quốc gia nhập khẩu có những đòi hỏi khắt khe hơn từ các nhãn hàng so với trước; việc Trung Quốc mở cửa đang tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may như Việt Nam.

Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU sẽ tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp. Với các thị trường khu vực châu Âu, dù được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra là những vấn đề không dễ vượt qua. Các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Anh… có xu hướng giảm lượng tồn kho để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước.

Kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2023 chỉ ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 15,2 tỷ USD, giảm 17,3%; các doanh nghiệp FDI ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 15,3%.

Có 15/19 mặt hàng nhập khẩu có giá giảm trong 2 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phân bón giảm 22,6%, chất dẻo nguyên liệu giảm 17,7%, cao su giảm 8,7%, xơ, sợi dệt các loại giảm 16,1%...

Về thị trường, xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Mặc dù Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD, nhưng giảm 21% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang EU đạt 6,9 tỷ USD, giảm 4,2%; ASEAN đạt 4,6 tỷ USD, giảm 8%; Hàn Quốc đạt 3,5 tỷ USD, giảm 5,7%; Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, giảm 5,9%...

Các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra phân tích, không chỉ xuất khẩu chậm lại mà kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng có dấu hiệu chậm lại. Đây là điều khác biệt so với hàng năm.

Theo chu kỳ những năm trước, nhập siêu thường đến trong các tháng đầu năm do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng năm nay với việc thiếu vắng các đơn hàng từ các thị trường chính, tình hình nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đã phần nào có phần trầm xuống. Điều này cũng cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng vẫn còn khó khăn trong những tháng tới. Thực tế này đòi hỏi cơ quan chức năng và doanh nghiệp có giải pháp vượt qua khó khăn.

Còn nhiều dư địa để mở rộng thị trường xuất khẩu

Trong bối cảnh đối mặt với thách thức trong xuất khẩu hàng hóa ảnh, hưởng đến việc thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cũng như triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 15 (ngày 10/8/2022) của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tận dụng các FTA để gia tăng xuất khẩu.

Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng FTAs mở rộng thị trường xuất khẩu
Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: TL

Theo đó, ngành công thương tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản... ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.

Lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu hơn nữa. Bên cạnh việc tham gia thực thi 15 Hiệp định thương mại tự do với độ phủ rộng hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất thế giới, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đàm phán FTA với Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong 14 nước tham gia đàm phán về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương.

Để tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, Bộ Công thương tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác nắm bắt, thông tin, phản ánh kịp thời những biến động của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách mới của các nước sở tại, giúp các cơ quan nhà nước có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, góp phần định hướng sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược và kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường ngoài nước để mở rộng, đa dạng hóa thị trường...

Đứng ở góc độ hỗ trợ và nâng cao năng lực của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hoá thương mại; tập trung tháo gỡ "rào cản" kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới, thị trường lân cận còn tiềm năng; đồng thời, tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt ở các thị trường ngoài nước. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistic, thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu...

Trong năm 2023, ngành công thương tăng cường định hướng, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất theo tín hiệu thị trường, tạo nguồn hàng, xây dựng thương hiệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực công tác phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện, tranh chấp thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt trong thương mại quốc tế.

Theo Nguyễn Vân (Thời báo Tài chính)

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tan-dung-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-de-khoi-thong-thi-truong-xuat-khau-123728.html