Chính phủ hành động quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng bộ máy hành chính

 

 
Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH - Ảnh 1.

TS. Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Những kết quả đạt được thể hiện tinh thần tiếp tục đổi mới, hành động, quyết liệt và trách nhiệm của Chính phủ - Ảnh: VGP/LS

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục hồi và phát triển KT-XH

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, TS. Trần Hồng Nguyên bày tỏ tán thành với những nhận định trong Báo cáo của Chính phủ về những kết quả nổi bật đã đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 và năm 2023 theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 và Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, nhất là trong việc thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển KT-XH sau đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực từ cuộc xung đột tại Ukraine kéo dài.   

Cụ thể, về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đại biểu Trần Hồng Nguyên cho rằng, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết của Quốc hội, trong năm 2022, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại nhằm khắc phục được các khó khăn, thách thức do những biến động của tình hình thế giới và tác động của đại dịch COVID-19, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục hồi và phát triển KT-XH, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Bên cạnh đó, thực hiện các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, trong năm 2022, Chính phủ đã sắp xếp tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian. 

Cụ thể, ở các bộ, ngành Trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm được 90% phòng trong vụ. Ở địa phương giảm được 7 sở và 2.159 phòng thuộc sở và thuộc UBND cấp huyện. 

Những kết quả này thể hiện tinh thần tiếp tục đổi mới, hành động, quyết liệt và trách nhiệm của Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng bộ máy hành chính, đáp ứng yêu cầu của người dân. Đây là những kết quả tích cực trong năm 2022 và đầu năm 2023, đề nghị cần bổ sung trong báo cáo của Chính phủ.

Ngoài những kết quả tích cực nêu trên, đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm một số nội dung như Nghị quyết số 68/2022/QH15 đề ra nhiệm vụ, giải pháp "Triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc".

Đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành và đưa ra giải pháp cụ thể để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ và an toàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; đề nghị Chính phủ quan tâm triển khai xây dựng chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 đã đạt được nhiều thành công, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, việc xử lý các cơ sở vật chất của các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc như vẫn còn nhiều trụ sở bỏ không, chưa được đưa vào sử dụng, địa phương không có kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí.

Do đó, đề nghị Chính phủ có giải pháp xử lý, tránh tình trạng lãng phí; đồng thời, cũng cần có nghiên cứu để chuẩn bị cho việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2030 theo Kết luận của Bộ Chính trị và sau khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này được ban hành.

Khẩn trương sửa đổi các quy định, đáp ứng đòi hỏi thực tế cuộc sống

Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (Hà Giang) nhìn nhận: So với báo cáo tại kỳ họp thứ 4, với số liệu, thông tin đầy đủ, chính xác hơn, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn. Tuy nhiên an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức do tác động của dịch bệnh; thiên tai, bão lũ trái quy luật, khó dự báo; thực tiễn cho thấy hiện nay đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn đặc biệt là người dân sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu cho biết Chương trình này đã bước sang năm thứ 3 thực hiện và năm thứ 2 các địa phương được phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình của giai đoạn 1 từ năm 2021-2025. Đây là chương trình mục tiêu quốc gia mà cử tri, nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng, đồng tình ủng hộ, nhất là cử tri, nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH - Ảnh 2.

Đại biểu Vương Thị Hương: Ban hành quy định về hệ thống giám sát và đánh giá chung của các chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh: VGP/LS

Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình. Đã ban hành 32/33 văn bản quy định, hướng dẫn về cơ chế, chính sách phục vụ quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình. Các nội dung cơ bản của Chương trình mục tiêu quốc gia đã được các cơ quan, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, bước đầu đã ghi nhận những kết quả tích cực. 

Tuy nhiên cho đến thời điểm này vẫn còn một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của Chương trình chưa có hướng dẫn, chưa có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện hoặc đã có nhưng còn chồng chéo, chưa thống nhất. Điều này dẫn đến các địa phương lúng túng, chậm triển khai, gây lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn, ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích của người dân là những người thụ hưởng Chương trình, làm chậm tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu kế hoạch của Chương trình, tạo áp lực giải ngân nguồn vốn cho các địa phương trong khi nguồn vốn thực hiện chương trình là rất lớn (bao gồm nguồn vốn chuyển nguồn (cả đầu tư và sự nghiệp) năm 2022 sang thực hiện năm 2023).

Do đó, đại biểu Hương đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương đã được chỉ rõ tại Công điện, Quyết định, Thông báo của cấp có thẩm quyền để các bộ, ngành liên quan khẩn trương sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ và ban hành, sửa đổi các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành tạo hành lang pháp lý đầy đủ, hoàn thiện và thống nhất để các cơ quan, các địa phương có cơ sở thực hiện các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của Chương trình.

Đồng thời, thực hiện giao vốn sự nghiệp trung hạn chương trình mục tiêu quốc gia như quy định tại Khoản 5 Điều 5 của Nghị định 27 để tạo cơ sở cho cơ quan chủ trì chương trình, cơ quan chủ trì các dự án, tiểu dự án thành phần của chương trình mục tiêu quốc gia có cơ sở xây dựng kế hoạch trung hạn thay vì liên tục điều chỉnh hàng năm theo phân bổ vốn thực tế của Bộ Tài chính.

Ban hành quy định về hệ thống giám sát và đánh giá chung của các chương trình mục tiêu quốc gia (Nghị định 27). Đây là nội dung cần sớm triển khai trong giai đoạn các chương trình này ở giai đoạn đầu của quá trình xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá. Đến khi hệ thống giám sát và đánh giá của từng chương trình mục tiêu quốc gia được kiện toàn và đi vào hoạt động thì sự thay đổi sẽ gây ra nhiều hệ lụy không cần thiết.

Theo đại biểu Vương Thị Hương, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành hoặc tham mưu ban hành hệ thống chính sách dân tộc và các văn bản pháp luật, các chương trình, đề án, dự án liên quan đến đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, Nghị định được ban hành đã khá lâu, tới nay là 12 năm thực hiện, bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; nhiều chủ trương, định hướng quan trọng về chính sách dân tộc cho giai đoạn 2021-2030 đã được thể hiện tại Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi Nghị định này để cập nhật kịp thời các chính sách dân tộc trong tình hình mới để các địa phương có căn cứ thực hiện hiệu quả.

Theo Lê Sơn (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/chinh-phu-hanh-dong-quyet-liet-nham-nang-cao-chat-luong-bo-may-hanh-chinh-10223052516305877.htm