Lãi suất “buộc phải tăng” vì FED tăng lãi suất?

lai suat “buoc phai tang” vi  fed tang lai suat? hinh anh 1

TS Bùi Quang Tín, chuyên gia Tài chính đến từ ĐH Ngân hàng TP.HCM nhận định như vậy khi FED (Cục dự trữ Liên bang Mỹ) tăng lãi suất 0,25%.

Theo ông Tín, ngay khi FED quyết định tăng lãi suất thì ngay lập tức US Dollar Index (USDX, DXY)  - Chỉ số đo lường hiệu suất của đồng USD so với rổ tiền tệ khác như EUR, JPY, GBP, CAD, CHF... tăng từ 100.4 lên 102.7 (tăng 2,3%), kéo theo đó là sự giảm giá của các ngoại tệ và tiền đồng của Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế giảm giá đó.

Xét tại thị trường Việt Nam, đồng USD trên thị trường sau khi FED tăng lãi suất đã bắt đầu tăng 8.000 nghìn đồng/100 USD, so với thời điểm trước khi FED công bố thông tin (tăng 0,34%). Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm này cuối năm 2015 thì quy đổi giữa 100 USD ra tiền Việt Nam trên thị trường tự do thời điểm này là 2 triệu 337 nghìn đồng (năm 2015 là 2 triệu 255 nghìn đồng), cao hơn tới 82 nghìn (tăng 3,63%).

Trong khi đó, tỷ giá niêm yết của VCB thời điểm này có giá trị quy đổi 100USD là 2 triệu 279 nghìn, so với cùng kỳ năm trước (2 triệu 255 nghìn đồng/100USD) thì chỉ cao hơn 24 nghìn đồng (khoảng 1,06%).

Chính vì vậy, áp lực đồng USD tăng giá thời điểm này là rất lớn và tạo áp lực khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong những ngày cuối năm này có thể phải đưa ra nhiều biện pháp “cứng rắn” để điều chỉnh tỷ giá. Trong đó, có 3 phương án để NHNN điều chỉnh gồm: Tăng tỷ giá trung tâm; Nới trần biên độ tỷ giá (hiện nay là +/-3%) hoặc kết hợp cả 2 phương án trên.

“Theo tôi, NHNN có thể sẽ điều chỉnh bằng cách tăng tỷ giá trung tâm. Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng lạm phát 2016 đang chịu áp lực tăng trên 5% nên NHNN sẽ điều hành rất chặt chẽ chính sách tiền tệ trong 14 ngày còn lại của năm 2016 để giữ mức lạm phát dưới 5%. Để làm được điều này, NHNN có lẽ cần hạn chế cung tiền trên thị trường liên ngân hàng, kiểm soát tốt tỷ giá USD/VND, nỗ lực duy trì lãi suất trên thị trường liên hàng không tiếp tục tăng thêm trên mức 5% cho kỳ hạn qua đêm...”, ông Tín nói.

Tuy nhiên, ông Tín cũng lưu ý khi đồng USD tăng lên  và tỷ giá trung tâm cũng được điều chỉnh tăng có thể sẽ gây ra tâm lý trên thị trường kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng và tiếp tục đầu cơ vào đồng USD. Khi đó sẽ tạo cầu giả tạo về USD tăng khiến cho thành khoản của USD cũng tăng...

Trong khi đó, một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM cũng cho biết, chỉ số DXY hiện nay có lúc vượt mức 103, có nghĩa là đồng USD tăng giá 3% với chính nó so với các tiền tệ khác trong rổ như EUR, JPY, GBP, CAD, CHF... Đây không phải là tín hiệu tốt vì “áp lực” của chỉ số US Dollar Index trong quá khứ là nguyên nhân dẫn đến các đợt suy thoái kinh tế của Mỹ và thế giới khi đồng USD tăng giá.

“Còn nhớ, khủng hoảng tài chính tại các nước Á Châu năm 1997 cũng xuất phát tử việc chỉ số USDX tăng dần từ mức 84,83 (năm 1995), lên mức 87,86 (năm 1996), rồi bất ngờ vọt lên mức 99,57 (1997) khiến nhà đầu tư Mỹ kéo tiền khỏi các nước Châu Á và chảy ngược về Mỹ, một phần chảy qua Trung Quốc khi nền kinh tế nước này đang bùng nổ. Kết quả là gây ra khủng hoảng ngoại hối, suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở một số nước Đông Á... khiến nhiều nước phải huy động tiền, vàng của dân, vay IMF để chống đỡ”, chuyên gia này nói.

Theo Dân Việt