CHỒNG CHÉO QUYỀN TRONG QUẢN LÝ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Quyền chồng chéo quyền

“Một trong những bất cập lớn nhất trong hoạt động đường thủy nội địa chính là khâu quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: cơ quan cấp phép lại không có thẩm quyền xử phạt; cơ quan quản lý toàn diện hoạt động đường thủy nội địa lại không phải là cơ quan cấp phép; có nhiều cơ quan nhà nước có liên quan đến hoạt động đường thủy nội địa (cơ quan quản lý xây dựng, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải …) dẫn đến nhiều hoạt động chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, khiến cho việc quản lý hoạt động bến thủy nội địa chưa hiệu quả …” – bản góp ý của VCCI nêu rõ.

Còn nhiều chồng chéo trong quản lý Nhà nước trong hoạt động đường thủy nội địa.

Theo VCCI, dự thảo Hồ sơ đã xác định được vấn đề bất cập này tuy nhiên nội dung nêu về bất cập trong tất cả các tài liệu trong Hồ sơ chưa cụ thể, chi tiết. Đó là chưa chỉ ra cụ thể những bất cập liên quan đến quản lý mà mới chỉ nêu một cách chung chung. Mục tiêu giải quyết vấn đề và giải pháp đề xuất thể hiện trong Báo cáo đánh giá tác động chưa đủ rõ ràng để hình dung được các vướng mắc trên sẽ được giải quyết như thế nào, ít nhất ở điểm: sẽ phân lại thẩm quyền quản lý như thế nào và giải quyết sự chồng chéo, phức tạp trong hoạt động quản lý đường thủy nội địa ra sao?

Do đó VCCI đề nghị bổ sung các nội dung phân tích chi tiết, cụ thể hơn về những vướng mắc, bất cập trong khâu quản lý của hoạt động đường thủy nội địa và phương thức dự định giải quyết như thế nào.

Cơ quan cấp phép chưa đồng nhất

Cũng theo VCCI, trong báo cáo thẩm quyền cho ý kiến đầu tư xây dựng, cấp phép hoạt động công trình thuộc kết cấu hạ tầng xác định vấn đề bất cập là: “việc cho ý kiến, cấp giấy phép hoạt động của một số công trình còn thiếu thống nhất, điển hình là hoạt động có ý kiến, cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia”.

“Có những ý kiến cho rằng, Sở Giao thông vận tải xây dựng quy hoạch bến thủy nội địa thì Sở cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, việc xây dựng quy hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và công bố và công tác cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa là hai việc không có tính ràng buộc. Bởi xây dựng, phê duyệt và công bố quy hoạch bến thủy nội địa không chỉ để cho một cơ quan sử dụng mà còn để cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng và sử dụng” – Báo cáo nêu rõ.

Tuy nhiên theo VCCI, nội dung trên đã chỉ ra phần nào bất cập của thẩm quyền cho ý kiến đầu tư xây dựng, cấp phép hoạt động công trình thuộc kết cấu hạ tầng, tuy nhiên phần lý giải có tính phản bác lại ý kiến trao quyền cho Sở cấp giấy phép dường như chưa hợp lý. Để được cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, cần phải đáp ứng điều kiện là “phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa đã được phê duyệt”. Do đó, vấn đề quy hoạch và cấp phép hoạt động bến thủy nội địa là liên quan tới nhau. Do đó, cần xem xét lại nhận định trên trong Báo cáo đánh giá tác động.

Có hai phương án được đưa ra để giải quyết bất cập trên, theo đó: Phương án 1: Hoạt động cấp giấy phép bến thủy nội địa sẽ giao cho Sở Giao thông vận tải thực hiện; Phương án 2: Hoạt động cấp giấy phép bến thủy nội địa giao Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc địa phương thực hiện.

Cho rằng báo cáo đánh giá tác động có phân tích ưu nhược điểm của hai phương án này, tuy nhiên VCCI vẫn cho rằng các lập luận tại các phương án này cần xem xét ở các điểm sau: Phân tích nhược điểm của phương án 1, Báo cáo có nhận định, cá nhân, tổ chức đề nghị cấp giấy phép thông qua Sở sẽ “gặp khó khăn khi phải đi lại”. Điều này dường như là chưa chính xác vì Sở là cơ quan nhà nước ở địa phương, các cá nhân, tổ chức xin giấy phép hoạt động tại địa phương thì không rõ đi lại khó khăn ở điểm nào?

“Một trong những nhược điểm được đưa ra ở phương án 1 đó là trình độ chuyên môn của các cán bộ thụ lý hồ sơ ở Sở không đủ để thẩm định hồ sơ và cấp phép. Liệu giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ có khả thi và hiệu quả hơn là việc thành lập cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa ở mỗi địa phương không (bởi hiện nay không phải địa phương nào cũng có tổ chức cảng vụ)? Hay là liệu cán bộ của Phòng hạ tầng – kinh tế cấp huyện có đủ trình độ chuyên môn để thẩm định hồ sơ và cấp phép không (trong trường hợp địa phương chưa có cảng vụ)? Đây là những vấn đề rất quan trọng cần được xem xét, đề nghị Quý Cơ quan bổ sung phần đánh giá các nội dung này” – Góp ý của VCCI nêu rõ.

VCCI cũng cho rằng, ở phương án 2, báo cáo đánh giá tác động chưa đánh giá một cách toàn diện đối với phương án này, ít nhất ở điểm: Thứ nhất, giao cho Cảng vụ đường thủy nội địa ở địa phương cấp phép nhưng thực tế không phải địa phương nào cũng đã có cơ quan này. Trong trường hợp chưa có thì sẽ giao cho Phòng hạ tầng – kinh tế cấp huyện thực hiện. Như vậy, cơ quan cấp phép trong phương án này là chưa đồng nhất, hoạt động quản lý về đường thủy nội địa sẽ gặp khó khăn khi cơ quan cấp phép lại không cùng một hệ thống cơ quan.

Thứ hai, phương án này cho rằng, ưu điểm khi giao cho Cảng vụ đường thủy cấp phép là sẽ giảm được thủ tục phải xin ý kiến Chi cục Đường thủy nội địa trong quá trình Sở cấp phép. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, trong thủ tục xin cấp phép thì khâu lấy ý kiến này có cần thiết và cắt giảm được không?

Do đó VCCI đề nghị xem xét các điểm trên để bổ sung phần đánh giá phương án 2 để đảm bảo tính toàn diện khi phân tích phương án này.

Theo Hường Hồ/Báo DĐ DN