KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ: XEM XÉT BỎ YÊU CẦU “PHẢI CÓ PHƯƠNG ÁN KINH DOANH” (KỲ 2)

Theo VCCI, phương án kinh doanh phụ thuộc vào từng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong từng thời kỳ nên việc xem xét, đánh giá gặp khó khăn cho cả cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp. Do đó việc xem xét phương án kinh doanh vận tải tại thời điểm cấp phép không mang nhiều ý nghĩa

Yêu cầu “phải có phương án kinh doanh” là chưa hợp lý

Theo VCCI, về hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh (Khoản 27 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 21 Nghị định 86) quy định, trong Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh phải có “Phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải”. So với Nghị định 86 thì Dự thảo đã sửa đổi theo hướng là cơ quan cấp phép sẽ không xem xét để phê duyệt “phương án kinh doanh” nhưng vẫn yêu cầu phải có loại tài liệu này trong Hồ sơ đề nghị cấp phép.

Khi triển khai lấy ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội, VCCI nhận được nhiều đề xuất về việc bỏ hình thức lựa chọn khai thác tuyến vận tải hành khách cố định.

Tuy nhiên VCCI cho rằng: “Việc yêu cầu phải có phương án kinh doanh trong Hồ sơ đề nghị cấp phép dường như là chưa hợp lý, do mục tiêu quản lý xuất phát từ quy định này là không rõ: Cơ quan nhà nước xem xét phương án kinh doanh của doanh nghiệp để làm gì (Cơ quan nhà nước xem xét phương án kinh doanh này của doanh nghiệp liệu có giúp gì cho công tác quản lý của Nhà nước cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp)? Dựa vào những tiêu chí nào để xem xét phương án kinh doanh này? Nếu không đồng ý với phương án kinh doanh thì Cơ quan nhà nước có thể đưa ra giải pháp nào tốt hơn chăng và Cơ quan nhà nước có chịu trách nhiệm nếu phương án được thông qua không hiệu quả không?”.

Hơn nữa, phương án kinh doanh phụ thuộc vào từng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong từng thời kỳ, và cũng theo phản ánh trong Tờ trình, đây là yếu tố thay đổi liên tục nên việc xem xét, đánh giá gặp khó khăn cho cả cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp. Vì yếu tố này nên việc xem xét phương án kinh doanh vận tải tại thời điểm cấp phép không mang nhiều ý nghĩa (vì có thể thay đổi ngay sau đó và cơ quan nhà nước cũng không thể không cho doanh nghiệp thay đổi phương án kinh doanh – vì đó là quyền đã được ghi nhận tại Luật Doanh nghiệp).

Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ yêu cầu phải có “Phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải” trong Hồ sơ đề nghị cấp phép, tức là bỏ điểm d khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 21 (được sửa đổi).

Đăng ký khai thác tuyến vận tải: Triệt tiêu tính cạnh tranh

VCCI cũng cho rằng, Dự thảo đã nâng các quy định về đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định quy định tại các Thông tư 91 và giữ các quy định theo hướng: đối với mỗi giờ xe chạy sẽ chỉ có 01 doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến và các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ được lựa chọn theo quy trình tương tự như đấu thầu. Quy định ở cả văn bản cũ và Dự thảo đều không làm rõ “mỗi giờ” này là thế nào (mỗi tiếng/nửa tiếng/15’/10’, 5’…?).

VCCI cho biết thêm, tại thời điểm xây dựng Thông tư 91, VCCI đã có Công văn số 3246/PTM-PC ngày 16/12/2015 nêu quan ngại về việc quy định trên có thể làm triệt tiêu cạnh tranh trên thị trường vận tải hành khách theo tuyến cố định liên quan (đặc biệt nếu khoảng cách giữa mỗi nốt “giờ” lớn, ví dụ 15’ hoặc nửa tiếng, một tiếng).

“Theo quy định tại Dự thảo, thì mỗi giờ xe chạy sẽ chỉ có 1 doanh nghiệp được phép khai thác tuyến. Điều này có nghĩa, với mỗi giờ cụ thể, người tiêu dùng sẽ không có quyền lựa chọn (lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, lựa chọn về giá, lựa chọn về chất lượng …) nhà cung cấp dịch vụ” – Bản góp ý nêu rõ.

Phân tích cho vấn đề này, VCCI cho rằng, từ góc độ quản lý Nhà nước, việc quản lý thông qua thủ tục đăng ký khai thác trên tuyến chỉ phục vụ việc xác nhận đối tượng khai thác theo từng tuyến và đảm bảo rằng các chủ thể này đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực, chất lượng chứ hoàn toàn không nhằm mục tiêu hạn chế cạnh tranh.

“Vì vậy, việc xem xét hồ sơ, đánh giá và lựa chọn doanh nghiệp tốt nhất, mặc dù đảm bảo được chất lượng của dịch vụ được cung cấp, nhưng là sự cản trở các doanh nghiệp khác muốn tham gia vào thị trường kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định và cản trở đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp” – Bản góp ý của VCCI khẳng định.

VCCI cũng cho biết thêm, khi triển khai lấy ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội, VCCI nhận được nhiều đề xuất về việc bỏ hình thức lựa chọn khai thác tuyến vận tải hành khách cố định này.

Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định về việc lựa chọn khai thác tuyến vận tải hành khách cố định (tức là bỏ Điều 23b) và có thể quy định theo hướng nhiều doanh nghiệp sẽ được đăng ký cho 1 giờ xe chạy. Trường hợp vẫn giữ quy định này thì cần có giải trình một cách thuyết phục hơn, và ít nhất cần có quy định về khoảng cách giữa các nốt giờ theo hướng thu hẹp khoảng cách này (ví dụ 5’-10’)…

Theo Nam Phong(Báo DĐ DN)