Giới quan sát lo Duterte 'chiều lòng' Trung Quốc ở Cấp cao ASEAN

duterte-de-neu-tranh-chap-o-muc-toi-thieu-tai-cap-cao-asean

Tổng thống Philippines, phải, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi ông Duterte đến thăm Bắc Kinh hồi tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Rappler

"Chủ tịch ASEAN năm nay, Philippines, dường như sẽ đưa ra quan điểm ôn hòa về tranh chấp Biển Đông trong hội nghị cấp cao đầu tiên", chuyên gia Richard Javad Heydarian, Đại học De La Salle, Philippines, nói với VnExpress khi nhắc tới Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 30 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Manila vào 28/4 và 29/4.

Có trong tay tài liệu dự thảo về tuyên bố của chủ tịch ASEAN, ông Heydarian lưu ý cụm từ "áp dụng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao" là quan điểm đồng thuận ở mức thấp nhất mà ASEAN đã đạt được từ đầu năm 2016. Vấn đề đã được nêu lên trong hội nghị giữa lãnh đạo Hiệp hội với Tổng thống Mỹ vào thời điểm năm ngoái là Barack Obama tại Sunnylands. Đáng chú ý, nó được nêu lên trước khi Tòa trọng tài quốc tế tháng 7/2016 tuyên bố Philippines thắng kiện Trung Quốc, trong đó bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Bắc Kinh ở Biển Đông. 

Ông Heydarian cho rằng thảo luận về tranh chấp sẽ không có tiến triển. Tổng thống Philippines Duterte sẽ trung thành với mẫu thức chung nói trên, chỉ nói về "tiến trình pháp lý", tôn trọng Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Thậm chí ông Duterte cũng sẽ không đề cập tới phán quyết của Tòa trọng tài.

"Chính quyền của ông Duterte không muốn gây xáo trộn việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc và tránh làm mất lòng các thành viên ASEAN thân thiện với Bắc Kinh", ông Heydarian nhấn mạnh.

Tổng thống Philippines từ khi lên nắm quyền đã thể hiện rõ quan điểm muốn có quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Ông Duterte khẳng định chỉ có Trung Quốc mới giúp được Philippines, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế. Nhà lãnh đạo Philippines thẳng thắn cho biết sẽ không gây chiến với Trung Quốc vì tranh chấp trên biển, thừa nhận không thể ngăn Bắc Kinh xây dựng các cơ sở trên bãi cạn Scarborough, khu vực hai nước có tranh chấp, thậm chí cho biết Manila sẵn lòng chia sẻ với Trung Quốc các tài nguyên trong khu vực nước này tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Các quan chức Philippines tiết lộ Manila và Bắc Kinh sẽ thảo luận trực tiếp về Biển Đông trong tháng 5, đi ngược với quan điểm đàm phán đa phương của ASEAN. 

Bình luận về dự thảo tuyên bố của Chủ tịch ASEAN sắp tới, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, cho biết Philippines thay đổi rất nhiều so với tuyên bố chung của Hiệp hội trong năm ngoái, theo hướng giảm thiểu các vấn đề quan trọng. Manila không đề cập vấn đề phi quân sự và tự kiềm chế trong thực hiện tất cả các hoạt động, kể cả cải tạo đất ở Biển Đông. Philippines cũng không nhắc đến tới an toàn hàng hải và liên lạc trên biển, các quy định được nêu trong Tuyên bố của các bên (DOC).

"Rõ ràng ông Duterte có vẻ đang nỗ lực giúp Trung Quốc bằng cách làm dịu bớt bất kỳ vấn đề nào mà Bắc Kinh có thể phản đối", ông Thayer nói.

Tỏ ra thận trọng hơn, Ei Sun Oh, nghiên cứu viên cao cấp tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, đặt ra hai khả năng rằng Philippines có thể không nêu lên tranh chấp Biển Đông tại hội nghị cấp cao (do đang có quan hệ thân thiện với Trung Quốc), nhưng cũng có thể tỏ ra kiên quyết hơn (kêu gọi ASEAN đoàn kết). Theo ông, việc dự đoán không dễ dàng vì Philippines gần đây có sự đảo ngược chính sách liên quan đến Biển Đông.

Hôm 13/4, Tổng thống Duterte tuyên bố hoãn kế hoạch kéo quốc kỳ trên đảo Thị Tứ thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, vì "coi trọng tình hữu nghị với Trung Quốc". Đến 21/4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã đến thăm địa điểm này. Ông Lorenzana cho biết ông Duterte yêu cầu ông khảo sát để đảm bảo các hạ tầng ở Thị Tứ được xây dựng càng sớm càng tốt.

Là người theo dõi diễn biến Biển Đông trong nhiều năm, Giáo sư Stein Tonnesson, Khoa nghiên cứu Hòa bình và xung đột, Đại học Uppsala, Thụy Điển, nhận định nếu Tổng thống Philippines khôn ngoan như một số người đánh giá, ông sẽ tận dụng thiện chí với Trung Quốc để thúc đẩy một cơ chế ngăn xung đột thông qua Bộ quy tắc COC.

"Cơ chế đó bao gồm việc ngăn cản hiệu quả hoạt động xây dựng ở bất cứ đá hay thực thể nào và đưa ra khung thời gian nhằm phi quân sự hóa các đảo tranh chấp", ông Tonnesson bày tỏ hy vọng.

Nhà nghiên cứu Philippines Richard Javad Heydarian cho rằng nếu Tổng thống Dutert bỏ qua, không bàn tới vấn đề cải tạo và quân sự hóa Biển Đông tại Cấp cao ASEAN sắp tới, thì đó là điều đáng thất vọng vì đây là mối quan ngại lớn không chỉ của riêng Philippines mà còn của nhiều nước. Trung Quốc đã triển khai các vũ khí tiên tiến và chiến đấu cơ tới các đảo nhân tạo mà nước này chiếm giữ ở Biển Đông.

"Các chuyên gia an ninh đang lo rằng Trung Quốc có thể sớm có khả năng thiết lập một khu vực ngăn cấm trên thực tế, chủ yếu gây thiệt hại cho một vài nước ASEAN, trong đó có Philippines. Thật lạ là, tuyên bố dự thảo của chủ tịch ASEAN lại dịu giọng hơn rất nhiều so với tuyên bố cách đây 4 năm, khi Myanmar làm chủ tịch ASEAN", ông Heydarian nói.

Theo Việt Anh(VnExpress)