Luật Sở hữu trí tuệ: Nên bảo hộ Slogan theo 1 cơ chế riêng

Ngày 22/9, trong khuôn khổ hợp tác với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Bộ phát triển Anh quốc, VCCI tổ chức “Hội thảo hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật Sở hữu trí tuệ” để xin ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia, đại diện cơ quan nhà nước… về nội dung của Báo cáorà soát Luật Sở hữu trí tuệ.

Nên bảo hộ Slogan theo 1 cơ chế riêng

Tại hội thảo, đề cập tới việc bảo hộ Slogan, vị đại diện Công ty Luật gia Phạm cho rằng, hiện nay, trong Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành không có các quy định riêng về bảo hộ Slogan. Các Slogan hiện nay thường được bảo hộ như một nhãn hiệu. Thực tế cho thấy, số lượng câu Slogan được bảo hộ rất ít và thường bị từ chối do mang tính mô tả tính chất, công dụng, phương pháp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo Điều 74.2.c của Luật Sở hữu trí tuệ.

Vị đại diện này diễn giải, Slogan là khẩu kiệu kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, đặc điểm của Slogan thường là những dòng chữ cô đọng, ngắn gọn gắn với đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ cung cấp hoặc những giá trị do hàng hóa, dịch vụ mang lại. Slogan mà không tạo ra sự liên tưởng cho người tiêu dùng về hàng hóa/dịch vụ được cung cấp thì sẽ không thể được gọi là khẩu hiệu kinh doanh.

Do vậy, việc bảo hộ Slogan theo các điều kiện về bảo hộ nhãn hiệu sẽ gây thiệt thòi cho doanh nghiệp vì Slogan thường xuyên bị từ chối bảo hộ do mang tính mô tả. Việc đánh giá Slogan đó mang tính mô tả hay không lại phụ thuộc quá nhiều vào quan điểm chủ quan của xét nghiệm viên hoặc người có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ..

Do đó, đại diện công ty Luật gia Phạm đề nghị, Luật Sở hữu trí tuệ cần bổ sung phần riêng về bảo hộ Slogan và nên bảo hộ Slogan theo 1 cơ chế riêng.

Cần công nhận nhãn hiệu nổi tiếng

Nhóm chuyên gia rà soát cho biết, thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng (NHNT) được quy định tại Thông tư 01/2007/TT-BKHCN. Cụ thể, tại Mục 42.4 quy định: Trường hợp NHNT được công nhận theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc theo quyết định công nhận của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) thì NHNT đó sẽ được ghi nhận vào Danh mục NHNT được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, hiện nay, luật Sở hữu tuệ và các văn bản hướng dẫn đều không có qui định cụ thể về thủ tục công nhận NHNT. Việc này gây khó khăn cho cả chủ sở hữu NHNT và các cơ quan thực thi.

Thực tế cho thấy một NHNT thường bị nhiều doanh nghiệp khác bắt chước. Nếu không có quyết định công nhận nổi tiếng của Cục SHTT hoặc Tòa án, thì với mỗi vụ việc khác nhau chủ sở hữu NHNT lại phải thu thập bằng chứng chứng minh nhãn hiệu của mình là nổi tiếng. Việc này gây phiền hà, tốn kém về tiền bạc và thời gian, đồng thời cũng gây khó khăn cho cơ quan thực thi phải mất thời gian xem xét và đánh giá lại chứng cứ, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp.

Do đó nhóm chuyên gia rà soát khuyến nghị, Luật SHTT và các văn bản dưới luật cần bổ sung qui định về thủ tục này.

Đồng quan điểm trên, thạc sĩ Đoàn Hồng Sơn - Giám Đốc Công ty luật TNHH IP-MAX cũng cho biết, một NHNT sẽ được bảo hộ mà không cần bất kỳ thủ tục đăng ký hay ghi nhận nào. Tuy nhiên, trong thực tế thi hành, do những hạn chế trong kiến thức về NHNT nói riêng và về quyền SHCN nói chung, có nhiều trường hợp cơ quan chức năng ngần ngại trong việc áp dụng các biện pháp xử lý vì họ không chắc chắn liệu nhãn hiệu được yêu cầu bảo vệ có phải là NHNT hay không.

Vì vậy, theo ông Sơn, việc quy định thủ tục công nhận và ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng là cần thiết để giảm bớt khó khăn, vướng mắc cho cả chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng và cơ quan thực thi. “Tuy nhiên, thủ tục này phải được quy định một cách hợp lý để không trở thành một hình thức “đăng ký” bảo hộ phức tạp, tốn nhiều thời gian, trái với nguyên tắc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng như quy định tại Điều 6bis Công Ước Paris” – ông Sơn nói. 

Khoản 1, Điều 6bis, Công Ước Paris quy định: “… các nước thành viên của Liên minh có trách nhiệm từ chối hoặc huỷ bỏ đăng ký, ngăn cấm việc sử dụng nhãn hiệu mà nhãn hiệu đó là sự sao chép, bắt chước, biên dịch, và có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được cơ quan có thẩm quyền của nước đăng ký hoặc nước sử dụng coi là nhãn hiệu nổi tiếng tại nước đó của người được Công ước cho hưởng lợi thế sử dụng nhãn hiệu đó trên các loại hàng hoá giống hoặc tương tự. Những quy định này cũng được áp dụng trong trường hợp thành phần chủ yếu của nhãn hiệu là sự sao chép của bất kỳ nhãn hiệu nổi tiếng nào hoặc là sự bắt chước có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đó”.

Hồ Hường