Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam – Trung Quốc

Nhận định trên được TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đưa ra tại diễn đàn nhân dịp ngài Lý Kỷ Hằng (Li Jiheng) - Chủ tịch Tỉnh Vân Nam, Trung Quốc sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Gần 500 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã tham dự diễn đàn được tổ chức chiều 3/4. Tại diễn đàn, đã có 7 dự án giữa doanh nghiệp hai nước được ký kết với tổng số giá trị đạt 723,47 triệu đô la Mỹ, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vân Nam đầu tư vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng trong những năm qua, mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, nhất là quan hệ về đầu tư và thương mại đã có bước phát triển tích cực. Kim ngạch mậu dịch giữa hai bên không ngừng tăng trưởng nhanh chóng, tổng kim ngạch hai chiều năm 2011 đạt 35,7 tỷ USD, tăng 30,7% so với năm 2010 trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 11,1 tỷ USD, tăng 52,2% và nhập khẩu đạt 24,6 tỷ USD, tăng 22,8%.

Toàn cảnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Vân Nam)

Về đầu tư trực tiếp, tính đến nay Trung Quốc có 842 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 4,3 tỷ USD, đứng thứ 14 trong tổng số 96 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam mới có 10 dự án đầu tư sang Trung Quốc với tổng vốn đăng ký là 13 triệu USD chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dịch vụ.

Ông Đặng Huy Đông cho biết thêm, Vân Nam là tỉnh có quy mô kinh tế lớn ở khu vực Tây Nam của Trung Quốc, có quan hệ chặt chẽ về đầu tư, thương mại, sản xuất và du lịch với các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang của Việt Nam, cũng như phát triển vành đai kinh tế Vân Nam – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong khuôn khổ hợp tác “Hai hành lang một vành đai kinh tế” mà Chính phủ hai nước đã ký kết từ tháng 11/2006.

“Do điều kiện địa lý và tự nhiên, Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là cầu nối cả về đường bộ và đường hàng không giữa Trung Quốc và ASEAN. Do vậy, chúng tôi nhận thức rõ vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy giao thương kinh tế, đầu tư, thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN. Đây cũng còn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung tìm kiếm cơ hội hợp tác về đầu tư, thương mại, kinh doanh sản xuất ở thị trường nội địa Trung Quốc và ngược lại” – Thứ trưởng khẳng định.

Cũng tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhận định, Vân Nam đầu tư vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào các dự án khoáng sản. Dự án mang tính tiêu biểu nhất đó là dự án Nhà máy Gang thép Việt – Trung được Tập đoàn Gang thép Côn Minh cùng với Tổng Công ty Thép Việt Nam đầu tư tại tỉnh Lào Cai.

 

Tăng cường hợp tác đầu tư, cải thiện cán cân thương mại

Nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp Vân Nam biết những dự án mà Việt Nam đang ưu tiên đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên thu hút FDI vào các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai; các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức cao; ưu tiên phát triển các dự án sản xuất sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông cho biết thêm, Việt Nam sẽ hạn chế hoặc không cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án vào khu vực phi sản xuất, làm gia tăng tình trạng nhập siêu, sử dụng nhiều năng lượng, khai thác không gắn với chế biến hoặc sử dụng lãng phí tài nguyên, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trưởng.

 “Chúng tôi coi trọng và đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốcnói chung và tỉnh Vân Nam nói riêngtăng cường quan hệ hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn.

Ông cũng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Trung Quốc triển khai các dự án đầu tư trong khuôn khổ pháp luật, tập trung vào lĩnh vực mà cả hai bên có tiềm năng và thế mạnh.

Cùng quan điểm trên, Chủ tịch VCCI cũng nhận định, Diễn đàn Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Vân Nam) được tổ chức nhằm tăng cường sự giao lưu và hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Vân Nam nói riêng và Việt Nam – Trung Quốc nói chung, tiếp tục triển khai các dự án hợp tác đầu tư, thương mại với Việt Nam hơn nữa, nhằm cải thiện cán cân thương mại giữa hai bên,góp phần tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam -Trung Quốc ngày càng phát triển bền vững.  

Ông Lý Kỷ Hằng - Chủ tịch tỉnh Vân Nam Trung Quốc cho hay, Việt Nam đã trở thành bạn hàng lớn thứ hai của tỉnh Vân Nam và cũng là thị trường lớn thứ ba của Vân Nam xét về đầu tư ra nước ngoài.

Ông cũng đã đưa ra 5 đề xuất nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác đầu tư 2 bên.
 
Một là thúc đẩy mối quan hệ kinh tế thương mại phát triển theo hướng liên tục, lành mạnh và nhanh chóng. Theo đó, tỉnh Vân Nam sẽ khuyến khích mở rộng nhập khẩu hàng Việt Nam chất lượng cao, khuyến khích doanh nghiệp Vân Nam sang đầu tư ở Việt Nam, tăng cường hợp tác song phương trên các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, luyện kim, nông nghiệp và chế biến chế tạo.

Hai là đẩy mạnh công tác xây dựng mạng lưới giao thông vận tải liên kết, đẩy mạnh tiến độ xây dựng và nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt, đường bộ Vân Nam – Việt Nam, khám phá và thúc đẩy vận tải đường thủy trên sông Hồng. Tăng cường quản lý và điều hành cửa khẩu của hai bên, xây dựng hệ thống trao đổi thông tin điện tử và thuận tiện hóa thủ tục hải quan một cửa ở cửa khẩu Hà Khẩu – Lào Cai, nâng cao hiệu quả thông quan.

Ba là thúc đẩy chính phủ hai nước thông qua đàm phán để ký kết Hiệp định khung về Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới giữa Hồng Hà (Trung Quốc) – Lào Cai (Việt Nam) và cho phép khu Bắc Sơn Hà Khẩu và khu thương mại Kim Thành trực tiếp kết nối trước nhằm có bước đột phá hiệu quả trong việc hợp tác xuyên biên giới.

Bốn là tìm ra biện pháp thúc đẩy việc mở cửa và hội nhập thị trường tiền tệ và nguồn vốn thông qua việc đặt chi nhánh ngân hàng ở mỗi bên, cùng thúc đẩy việc tiếp nhận các đồng nội tệ trong thương mại và đầu tư.

Năm là tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, mở rộng giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thuận lợi hóa thủ tục xuất nhập cảnh, hoàn thiện cơ chế hợp tác, nâng cao chất lượng phục vụ, cùng tạo ra một tuyến du lịch quốc tế Việt Nam – Vân Nam.

 

Hồ Hường/Diễn đàn Doanh nghiệp