Năm 2012, kim ngạch Việt Nam và Phần Lan tăng hơn 40%

Thông tin trên được Phó chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương cho biết tại hội thảo: “Cơ hội đầu tư và các công cụ hỗ trợ kết nối - giao thương giữa Việt Nam và Phần Lan” diễn ra sáng nay (25/3) tại Hà Nội.
 
Hội thảo được tổ chức bởi VCCI và Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Phần Lan.

Ông Đoàn Duy Khương - Phó chủ tịch VCCI cho biết thêm, các mặt hàng chủ đạo của Việt Nam xuất khẩu sang Phần Lan gồm: cà phê, cao su, giầy dép các loại, hàng dệt may, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, sản phẩm từ chất dẻo, xe đạp và phụ tùng xe đạp... Việt Nam nhập khẩu từ Phần Lan máy móc thiết bị, phương tiện thông tin truyền thông (chiếm tỷ trọng lớn), nguyên phụ liệu dệt may da, chất dẻo nguyên liệu, các sản phẩm hóa chất, thiết bị điện và phụ tùng, sắt thép các loại...
Ông Đoàn Duy Khương - Phó chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo

Về đầu tư, tính đến hết năm 2012, Phần Lan đầu tư tại Việt Nam với 8 dự án với tổng vốn trên 336 triệu USD, đứng thứ 26 trong tổng số 98 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Các dự án của Phần Lan thuộc loại nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu trong ngành công nghiệp như sản xuất keo công nghiệp, hàng may mặc, sản xuất gỗ và chế tạo ngư nghiệp.

Ngài Kimmo Lähdevirta - Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam hoan nghênh những nỗ lực của hai nước trong hoạt động đầu tư, cũng như xuất nhập khẩu. Ngài Đại sứ cho biết, Phần Lan đã phát triển những công nghệ thân thiện với môi trường để ứng phó với sự thay đổi của khí hậu và tự nhiên do đặc thù vị trí địa lý. Chính vì vậy, lĩnh vực lâm nghiệp là thế mạnh phát triển và hứa hẹn đối với tương lai hợp tác giữa Phần Lan và Việt Nam, trong việc hỗ trợ bảo tồn cũng như chuyển giao các kinh nghiệm và tri thức.
Ngài Kimmo Lähdevirta - Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam

Phần Lan cũng đề cao và tập trung nhiều trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt trong việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Đây cũng là lĩnh vực hai bên có thể hợp tác thông qua kinh nghiệm của Phần Lan với những công ty hàng đầu trong việc bảo tồn năng lượng và sử dụng năng lượng hữu hiệu, sản xuất năng lượng tái sinh.

Ngoài lâm nghiệp và năng lượng, lĩnh vực tiềm năng hợp tác khác có thể kể đến là công nghệ thông tin có thể hỗ trợ về kỹ thuật cho các công ty cung cấp dịch vụ thông tin của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Phần Lan có nhiều lĩnh vực khác nữa có thể hợp tác với Việt Nam như: phát triển hạ tầng, xây dựng, khai thác mỏ, bốc dỡ tại cảng, công nghệ môi trường, vật liệu thô...và nhìn xa hơn thì công nghệ sạch của Phần Lan cũng là lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác. Đây quả thực là một cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với các thị trường tiềm năng này cũng như các nước tại thị trường Bắc Âu.

Hồ Hường