Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đưa ra các giải pháp tinh giản thủ tục hành chính, giảm tối đa các loại giấy phép con không cần thiết cản trở hoạt động của doanh nghiệp, từ đó đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản và tổ chức thực hiện - Hoàn thiện hơn nữa các chính sách, hành lang pháp lý để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh và cùng phát triển; xây dựng các chế tài đủ mạnh để răn đe các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm bản quyền SHTT gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh và thu hút vốn đầu tư nước ngoài . - Xây dựng và khuyến khích thành lập nhiều quỹ đầu tư, tăng cường khởi nghiệp sáng tạo.

Trong năm 2016, Bộ Công Thương đã tổ chức đánh giá lại hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính trong những năm qua và đề ra những giải pháp hiệu quả trong thời gian tới nhằm tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, trên tinh thần giải quyết tất cả những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp và người dân.

Hiện nay, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý 28 trên tổng số 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kiểm soát 130 dịch vụ hành chính công (tương đương 453 thủ tục hành chính ở các cấp từ Trung ương đến cấp xã).

Mặc dù số lượng dịch vụ/thủ tục hành chính không phải là nhiều so với số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực Công Thương, nhưng Bộ vẫn luôn đề ra các mục tiêu cắt, giảm thủ tục hành chính hàng năm.

Trong năm 2016 và thời gian tới, Bộ nhấn mạnh yêu cầu và đề cao các tiêu chí cải cách thủ tục hành chính. Về đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong năm 2016, Bộ Công Thương đã bãi bỏ, đơn giản hóa 39 thủ tục hành chính (trong các lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực). Đến nay, điển hình trong việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, thời gian tiếp cận điện năng của Việt Nam đã giảm từ 132 ngày xuống còn từ 46 ngày (đánh giá năm 2016) thấp hơn so với thời gian tiếp cận điện năng trung bình của  nhóm 6 nước đầu ASEAN, là 50,3 ngày.  Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 24/2016/TT-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2016 quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng sẽ tiếp tục giảm thời gian thực hiện tiếp cận điện năng trong thời gian tới xuống dưới 43 ngày.

Trong năm 2017, Bộ Công Thương dự kiến đơn giản hóa 17 lĩnh vực tại 40 văn bản quy phạm pháp luật (28 Thông tư, 02 Thông tư liên tịch, 01 Quyết định Thủ tướng và 09 Nghị định) theo Quyết định số 4846/QĐ-BCT ngày 09 tháng 12 năm 2016 phê duyệt Phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017.

Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ để thực hiện cắt, giảm trong năm 2018 và các năm tiếp theo.