Tự ý mua sắm trụ sở có thể bị phạt đến 50 triệu đồng

tài sản công
Dự kiến sẽ tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Ảnh: TL.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, qua tổng hợp báo cáo tổng kết của các bộ, ngành, địa phương cho thấy đã có những tác động tích cực, khắc phục tồn tại, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công và ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, nhiều bộ, ngành, địa phương phản ánh mức xử phạt vi phạm hành chính như quy định hiện hành còn thấp, để có sức răn đe và phòng ngừa vi phạm cần phải nâng mức xử phạt cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với hiện hành.

Do đó, tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công như sau: Đối với tài sản công không phải là nhà, đất và tài sản kết cấu hạ tầng, thời hiệu xử phạt là 1 năm; đối với tài sản công là nhà, đất và tài sản kết cấu hạ tầng, thời hiệu xử phạt là 2 năm (quy định hiện hành là 1 năm)

Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đề xuất giữ mức xử phạt trong lĩnh vực quản lý tài sản công tối đa là 50 triệu đồng với cá nhân; 100 triệu đồng đối với tổ chức như quy định hiện hành.

Ngoài ra, dự thảo nghị định bổ sung một số hành vi mới theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 gồm: hành vi vi phạm quy định về đầu tư xây dựng tài sản công và hành vi vi phạm quy định về giao tài sản công vượt tiêu chuẩn, định mức. Riêng hành vi thực hiện đầu tư, mua sắm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng (thay vì 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng như hiện nay) để tương xứng với mức độ, tính chất của hành vi.

Tại dự thảo nghị định đã quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý với mức thấp nhất là 5 triệu đồng và cao nhất là 20 triệu đồng./.

Không bảo dưỡng, sửa chữa tài sản giá trị lớn cũng bị phạt

Đối với hành vi không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản có giá trị lớn như: ô tô, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; để đảm bảo tính răn đe, Bộ Tài chính trình Chính phủ: phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với xe ô tô; phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (mức tối đa theo mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tài sản công quy định tại Luật Xử phạt vi phạm hành chính).

 Theo Minh Anh(Thời báo tài chính)