Hội nhập WTO: Tăng "sức hút” đầu tư cho Việt Nam

Tăng “sức hút” đầu tư

Tại hội thảo “5 năm là thành viên WTO, Việt Nam đã và sẽ ở đâu trong hội nhập” do VCCI tổ chức sáng nay (29/2) tại Hà Nội, đa số các đại biểu đều nhận định, kể từ ngày là thành viên chính thức của tổ chức này (11/1/2007), Việt Nam đã gia tăng thêm sức hút đầu tư với thế giới, đẩy mạnh xuất khẩu nhờ việc dỡ bỏ các rào cản thương mại, mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin, công nghệ hiện đại, các tranh chấp thương mại quốc tế cũng được giải quyết công bằng hơn… Việt Nam dần vươn lên đứng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, thủy sản, dệt may, da giầy… Thống kê các chỉ số cơ bản của nền kinh tế như xuất khẩu, hàng hóa dịch vụ, đầu tư, thủ tục hành chính… đều có sự tăng trưởng và cải thiện tích cực.

Tại hội thảo, TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế TƯ – CIEM cho rằng, 5 năm qua, dù tình hình biến động phức tạp khó lường, đặc biệt là hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế vĩ mô Việt Nam cơ bản ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng, tiềm lực và quy mô kinh tế tăng lên. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển.

Hội nhập đã phá được thế bao vây cấm vận, tạo được sự bình đẳng trong thương mại quốc tế. Hoạt động kinh tế đối ngoại trong đó nòng cốt là ngoại thương tiến bộ rõ rệt. Thị trường được rộng mở tới 149 nền kinh tế thành viên. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu bình quân theo đầu người năm 2010 đạt 914,4 USD/người trong khi năm 2006 là 559,2 USD/người. Tuy nhiên đi cùng thành quả ấn tượng như vậy thì vẫn có điều đáng nói là vấn đề nhập siêu.

Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho rằng: Sau khi hội nhập WTO, chúng ta đã đạt được thành quả ấn tượng đó là xuất khẩu tăng mạnh. Mặc dù vậy chúng ta lại gặp phải vấn đề đó là nhập siêu. Nhưng dù sao cũng phải thừa nhận là có WTO thì ta mới có thể xuất khẩu mạnh như vậy.

Qua hội nhập Việt Nam cũng đã tiếp thu khoa học kỹ thuật công nghệ mới, kỹ năng quản lý tiên tiến, đào tạo được đội ngũ cán bộ và quản lý kinh doanh năng động hơn. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm cạnh tranh.

Và những kỳ vọng chưa thành

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác lập, ngày càng được xây dựng hoàn chỉnh. Tuy nhiên bên cạnh những mặt được các chuyên gia còn cho biết rất nhiều mặt chưa được của nền kinh tế mà nguyên nhân sâu xa là cơ thể kinh tế nước ta vẫn còn yếu kém, chưa thể hấp thụ, chuyển hoá những cơ may thành hiện thực, trong khi đó chưa đào thải hết khó khăn do hội nhập mang vào. Năng lực cạnh tranh của hàng hoá nước ta ở cả 3 cấp quốc gia, ngành hàng, doanh nghiệp còn kém, thể hiện là giá thành còn cao, phẩm cấp thấp so với chuẩn quốc tế, chất lượng phục vụ thiếu chuyên nghiệp.

Còn chưa chủ động phát huy mọi nguồn lực trong nước bằng chính sách ổn định lâu dài, hệ thống pháp lý đồng bộ. Chưa chủ động phát huy mọi nguồn lực trong nước, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Trước tình huống phải thực hiện cam kết mở cửa thị trường trong nước, việc thua trên sân nhà là khó tránh. Đội ngũ cán bộ quản lý vĩ mô, quản trị sản xuất kinh doanh và thực hành trong nhiệu lĩnh vực, nhiều địa phương còn bất cập so với yêu cầu  trình độ khu vực và quốc tế.

Ông Lương Văn Tự - Nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO cho biết: Thứ nhất: Việc điều hành chính sách bây giờ phải nhanh nhạy và gắn với thế giới chứ không thể như trước nữa. Thứ 2: Quản lý phải quản luật và kiểm tra thực tế chứ không thể quản theo hành chính đơn thuần. Mặc dù để làm được như vậy quả là khó khăn bởi “thay đổi cách quản lý trong đầu người quản lý không phải là câu chuyện xử lý 1 đêm là xong được”.

Và một nguyên nhân nữa khiến quá trình hội nhập của Việt Nam còn chưa được sâu đó là chưa nhận thức thật đầy đủ và thống nhất về hội nhập, chưa coi đây là yêu cầu tất yếu trong xu thế toàn cầu hoá. Cũng có biểu hiện nóng vội có ngay sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế về vốn, kỹ thuật, công nghệ, quản lý tiên tiến, để phát triển. Nhưng cũng có thiên hướng chỉ lo lắng về thách thức, hoang mang khi thị trường quốc tế rung động. Điều này sẽ khiến nền kinh tế rơi vào thế bị động, khi tư duy vẫn còn phần nào ảnh hưởng của vỏ bọc bao cấp quốc tế trước đây.

Hồ Hường