Triển khai thí điểm thu phí tự động ôtô: Vẫn thất thu lớn!

Việc TPHCM triển khai thí điểm thu phí tự động ôtô đậu dưới lòng đường, với mức phí tăng gấp 5 lần trước đây, đã đạt được một số mục tiêu đề ra như hạn chế xe đỗ tràn lan trên đường, gây ách tắc giao thông. Tuy nhiên, tỉ lệ thất thoát trong quá trình thu phí lên tới 50% - 60%, do tài xế không hợp tác và nhân viên thu phí làm việc hời hợt.

Như Lao Động đã đưa tin, kể từ 1.8, Sở GTVT TPHCM triển khai đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đậu ôtô trên địa bàn TP. Có 23 tuyến đường đầu tiên thu phí tự động đậu xe theo giờ, thuộc địa bàn Q.1, Q.5 và Q.10 thông qua ứng dụng My Parking cài đặt trên điện thoại thông minh (smartphone).

Mức phí cũng tăng lũy tiến theo thời gian với mức thu thấp nhất từ 20.000 - 25.000 đồng/xe/giờ đầu tiên; tiếp theo từ 20.000 - 40.000 đồng/xe/giờ, tùy từng khu vực...

Theo ông Ngô Hải Đường - Trưởng Phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) - sau 20 ngày triển khai đề án, bước đầu đã có một số kết quả tích cực, ở những tuyến đường có thu phí đã thông thoáng hơn.

Ngoài ra, qua khảo sát của Sở GTVT TPHCM, lượng ôtô vào đỗ trong tầng hầm các cao ốc tại trung tâm TPHCM tăng mạnh so với trước thời điểm áp dụng đề án do mức phí tại những nơi này thấp hơn 20 - 30% mức phí đỗ xe ôtô dưới lòng đường hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Đường, việc thu phí theo giờ hiện đang tồn tại nhiều bất cập, trong đó kinh phí dự trù của đề án này chưa đạt yêu cầu. Thống kê sau 20 ngày áp dụng, tổng kinh phí thu được trên 23 tuyến đường chỉ có khoảng 220 triệu đồng, tức trung bình mỗi ngày đạt khoảng 11 triệu đồng (chỉ đạt 3%).

Kinh phí như trên thấp hơn rất nhiều so với mức dự trù ban đầu (dự kiến mỗi tháng sẽ thu về 31 tỉ đồng) và chỉ đang tương đương với mức phí thu theo lượt là 5.000 đồng/xe/lượt như trước.

Đề án thu phí đỗ xe ôtô dưới lòng đường tại TPHCM còn nhiều bất cập, trong đó có việc tài xế không hợp tác.
Đề án thu phí đỗ xe ôtô dưới lòng đường tại TPHCM còn nhiều bất cập, trong đó có việc tài xế không hợp tác.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Đường là do tỉ lệ thất thoát trong quá trình thu phí lên tới 50%-60%. Cụ thể, tại nhiều điểm giữ xe, lượng phương tiện tới đậu khá nhiều nhưng kinh phí thu về lại không được bao nhiêu. Trong đó có nhiều yếu tố dẫn tới tình trạng trên như tài xế cố tình gây khó khăn cho lực lượng thu phí như đưa xe vào nơi đỗ rồi khóa cửa bỏ đi.

Trên một số tuyến đường, việc bố trí nơi đỗ xe có thu phí gây phản ứng từ chủ các cửa hàng và một số hộ dân nhà mặt tiền đường bị ảnh hưởng. Trong khi đó, phần mềm thu phí còn gây nhiều khó khăn cho người sử dụng như hay… rớt mạng.

Đặc biệt, công tác phối hợp trong quá trình hành thu còn rất nhiều bất cập. Có tình trạng nhân viên thu phí nhưng không hướng dẫn các thủ tục gửi xe, cách thức sử dụng phần mềm, không xé vé...

Mặt khác, theo ông Đường, các đơn vị thu phí ở các quận vẫn còn theo cách làm việc cũ là làm việc trong giờ hành chính, trong khi đó theo Nghị quyết HĐND TPHCM là việc thu phí diễn ra từ 6h - 24h nên chưa đảm bảo thời gian thu, một số ngày cuối tuần có một số thời điểm có một số vị trí không thu.

Theo ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM - việc thu phí đỗ xe ôtô dưới lòng đường hiện nay thực hiện bằng giải pháp công nghệ và Viettel thu về cho ngân sách TPHCM chứ không thông qua những người trực tiếp thu tại hiện trường. Chính việc này khiến một số nhân viên thu phí không làm việc tích cực. Cụ thể là giờ giấc thu phí không đảm bảo, xe vào vị trí đậu nhưng nhân viên chậm hướng dẫn, hỗ trợ trong việc cài đặt phần mềm cho tài xế, dẫn đến thất thu.

Trước tình hình này, ông Hưng cho biết Sở GTVT đang đề xuất UBND TPHCM giao Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong là đầu mối thực hiện việc thu phí tại các bãi đậu ôtô dưới lòng đường.

Theo ông Ngô Hải Đường, sắp tới, việc thu phí theo giờ không chỉ áp dụng trên 23 tuyến đường như hiện nay mà sẽ nhân rộng trên toàn TPHCM. Đây là mục tiêu lớn, ngoài công tác đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị còn nhằm thay đổi thói quen của người dân sử dụng tiền mặt để chuyển qua các hình thức áp dụng công nghệ thông minh.