Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 7/2018

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 1860 /PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 7/2018

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 2018

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 7 năm 2018 như sau:

I. TÌNH HÌNH TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP THEO NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH TRONG THÁNG 7

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp

Trong tháng 7/2018, VCCI nhận được 19 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35. Các văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp VCCI nhận được trong tháng 7/2018 có nội dung liên quan đến các lĩnh vực cụ thể như sau:

1.1. Bộ Tài Chính

Bộ Tài chính có 3 công văn trả lời kiến nghị của doanh nghiệp với các nội dung: về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án có sử dụng ngân sách nhà nước; công tác đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị của Quỹ đầu tư phát triển địa phương; việc kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, theo quý. Nội dung trả lời tập trung vào giải thích các quy định của pháp luật và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

1.2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 6 văn bản trả lời kiến nghị với các nội dung: hướng dẫn việc đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên; điều kiện để thực hiện kinh doanh ngành, nghề trung gian tiền tệ; việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch chăn nuôi và giết mổ tập trung trên địa bàn huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; phạm vi hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa là sách của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; hướng dẫn quy định của pháp luật về đấu thầu với nội dung lựa chọn nhà thầu cho dự án khu thương mại, dịch vụ sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao và sự thống nhất giữa bản gốc và bản chụp của hồ sơ dự thầu… Bên cạnh việc giải thích pháp luật và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng giải quyết dứt điểm một số kiến nghị cúa các doanh nghiệp tổ chức như: Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Phú Yên, công ty TNHH MTV chăn nuôi Sơn Hải.

1.3. Bộ Giao thông Vận tải

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có 3 văn bản giải quyết kiến nghị của một số doanh nghiệp về các nội dung cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đối với các doanh nghiệp vận tải không thu tiền trực tiếp có ít hơn 5 xe tải. Trong hai tháng 6 và 7 có rất nhiều doanh nghiệp phản ánh bị cảnh sát giao thông phạt vì không có Giấy phép kinh doanh vận tải trong khi doanh nghiệp không đủ điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đối với các doanh nghiệp vận tải không thu tiền trực tiếp. Bộ GTVT cũng đã có công văn chỉ đạo Sở GTVT các tỉnh thống nhất không xử phạt các các doanh nghiệp vận tải không thu tiền trực tiếp có ít hơn 5 xe tải nhưng yêu cầu xe tải khi lưu thông phải mang theo Giấy vận tải, trên đó ghi rõ số lượng xe của doanh nghiệp.

Bộ GTVT cũng chỉ đạo Sở GTVT xác minh giải quyết kiến nghị của Công ty cổ phần vận tải du lịch Huy Hoàng. Tuy nhiên, qua xác minh công ty Huy Hoàng khẳng định không gửi kiến nghị lên cổng Thông tin điện tử của Chính phủ.

1.4. Bộ Xây dựng

Bộ Xây dựng có 2 văn bản trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về các nội dung: việc chuyển nhượng nhà ở xã hội và chuyển đổi dự án nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại trong đó khẳng định pháp luật không có quy định cho phép chuyển đổi dự án nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại mà chỉ quy định cho phép điều chỉnh dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; việc cấp giấy phép xây dựng đối với hàng rào bằng tôn cao 2m với mục đích bảo vệ và giữ đất.  Bộ Xây dựng khẳng định hàng rào không phục vụ cho việc xây dựng công trình nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Xây dựng.

1.5. Bộ Công Thương

Bộ Công Thương có 3 văn bản trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về các nội dung hướng dẫn các quy định của pháp luật về việc cấm quảng cáo rượu trên mạng internet; việc phân phối bán buôn, bán lẻ tại thị trường Việt Nam các hàng hóa do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất ra tại Việt Nam theo mục tiêu, dự án đầu tư đăng ký là quyền tiêu thụ hàng hóa do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất ra; thủ tục nhập khẩu phân urê dùng làm nguyên liệu sản xuất keo dán ván gỗ MDF.

1.6. Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Bảo hiểm xã hội có 2 công văn trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về các nội dung: thời gian đóng bảo hiểm xã hội của các chuyên gia tư vấn phục vụ hoạt động của Ban Quản lý dự án đồng thời chỉ đạo Bảo hiểm xa hội TP Hà Nội giải quyết; giải quyết đề nghị giữ mức lương đóng bảo hiểm xã hội không đúng với chức năng ngành nghề theo hướng không đồng ý với đề nghị của doanh nghiệp.

1.7. Trả lời kiến nghị VCCI tập hợp gửi Văn phòng Chính phủ:

Trong tháng 7/2018, VCCI nhận được 07 văn bản trả lời  kiến nghị của doanh nghiệp. Các văn bản trả lời kiến nghị VCCI nhận được đều được đăng tải trên Website của VCCI và chuyển tải đến doanh nghiệp kiến nghị.

- Bộ Tài chính có 3 văn bản trả lời kiến nghị gồm:

+ Công văn số 2688/TCT-VP ngày 6/7/2018 của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trả lời về việc xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 5/2018 được VCCI tập hợp trong Phụ lục 2 và 3 Báo cáo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35 tháng 5/2018 số  1229/PTM-VP ngày 5/6/2018 của VCCI. Theo công văn này, các kiến nghị VCCI đã thống kê trong phụ lục thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính đều được bộ trả lời, giải quyết sau khi nhận được chỉ đạo của Chính phủ và Báo cáo của VCCI.

+ Công văn số 4157/TCHQ-PC ngày 16/7/2018 của Tổng cục Hải quan trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Nikenl Bản Phúc về thời điểm có giá chính thức cho các lô hàng xuất khẩu. Tổng cục Hải quan có đã có công văn số 3858/TCHQ-TXNK ngày 2/7/2018 chỉ đạo Cục Hải quan TP Hà Nội thực hiện rà soát, kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra cho doanh nghiệp trước ngày 30/7/2018. (Kiến nghị số 6, phụ lục 1, Báo cáo tháng 5/2018 số  1229/PTM-VP ngày 5/6/2018 của VCCI).

+ Công văn số 2752/TCT-TNCN ngày 12/7/2018 của Tổng cục Thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc khai, quyết toán thuế và hoàn thuế thu nhập cá nhân do VCCI tổng hợp trong Báo cáo thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

- Bộ Giao thông và Vận tải có 2 văn bản trả lời kiến nghị gồm:

+ Công văn số 7876/BGTVT-VT ngày 19/7/2018 của Bộ Giao thông Vận tải trả lời kiến nghị của Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Cát Tường đề nghị xem xét bất cập về quy định cấp phù hiệu cho 01 xe tải ( tải trọng thiết kế 1000kg) vận chuyển hàng của công ty. Đối với kiến nghị này trùng với kiến nghị của nhiều công ty khác gặp phải vấn đề tương tự nên Bộ đã có công văn chỉ đạo Sở GTVT các tỉnh thống nhất không xử phạt các các doanh nghiệp vận tải không thu tiền trực tiếp có ít hơn 5 xe tải nhưng yêu cầu xe tải khi lưu thông phải mang theo Giấy vận tải, trên đó ghi rõ số lượng xe của doanh nghiệp. (Kiến nghị số 3, phụ lục 1, Báo cáo tháng quý 2/2018 số 1602/PTM-VP ngày 25/7/2018 của VCCI).

+ Công văn số 8031/BGTVT-TC ngày 23/7/2018 của Bộ Giao thông Vận tải trả lời kiến nghị của Công ty cổ phần đầu tư phát triển N&G về đầu tư tuyến đường gom đoạn qua Khu công nghiệp hỗ trợ Hà Nam theo chỉ giới đường đỏ đã phê duyệt với mặt cắt ngang B-20,5m. Công văn cho biết Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo Bộ và UBND TP Hà Nội giải quyết dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp. UBND TP Hà Nội đã có ý kiến không bổ sung đầu tư mở rộng đường gom như đề nghị của công ty. (Kiến nghị số 1, Phụ lục 1, Báo cáo tháng 4/2018 số 1064/PTM-VP ngày 18/5/2018 của VCCI).

- Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn số 3865/BTNMT-PC ngày 20/7/2018 trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Nikenl Bản Phúc, bổ sung thêm cho ý kiến trả lời của Bộ Tài chính về kiến nghị xem xét đưa ra phương pháp tính thuế/ phí dựa trên số liệu khai thác thực tế cho các loại thuế, phí đánh trên khối lượng khai thác. Quan điểm của Bộ không đồng ý với quan điểm đề xuất của công ty và hướng dẫn thực hiện tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại khoản 2, Điều 77, Luật Khoáng sản và Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ. (Kiến nghị số 6, phụ lục 1, Báo cáo tháng 5/2018 số  1229/PTM-VP ngày 5/6/2018 của VCCI).

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 4739/BKHĐT-PTDN ngày 12/7/2018 trả lời kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình về việc cần sớm ban hành các quy định thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp sớm được tiếp cận với hỗ trợ của nhà nước, giúp doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi. Bộ KHĐT khẳng định trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định hướng dẫn Luật hỗ trợ DNNVV, 1 Chỉ thị của Thủ tướng về tổ chức triển khai hiệu quả Luật hỗ trợ DNNVV.  (Kiến nghị số 4, Phụ lục 1, Báo cáo tháng 4/2018 số 1064/PTM-VP ngày 18/5/2018 của VCCI).

  1. Các kiến nghị mới Văn phòng Chính phủ thông báo cho VCCI

- Tháng 6/2018, VCCI nhận được 47 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đến hết 31/7/2018, đã có 43 kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Còn 4 kiến nghị chưa được trả lời (có danh sách kèm theo tại Phụ lục 2). Tất cả các kiến nghị đều đã quá hạn trả lời.

- Tháng 7/2018 VCCI nhận được 32 kiến nghị của doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đến hết 31/7/2018, đã có 16  kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Còn 16 kiến nghị chưa được trả lời. (có danh sách kèm theo tại Phụ lục 3), trong đó có một số kiến nghị đã quá hạn trả lời.

- Các kiến nghị quá hạn trả lời có các nội dung tập trung vào một số vấn đề gồm: hoàn thuế giá trị gia tăng; kê khai thuế; quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; vướng mắc trong việc thực hiện chính sách thuế; quảng cáo rượu trên mạng; mức lương thuê tư vấn trong nước sử dụng vốn ODA…

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 7/2018, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp :

- VCCI đã hoàn thành góp ý và tiếp tục góp ý 09 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, cụ thể như: phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thông tin truyền thông; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải; Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe; Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông; Thông tư số 50/2016/TT-BGTVT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thủ tục cấp giấy phép vận tải biển nội địa cho tàu biển nước ngoài.

- Phối hợp công bố Báo cáo nghiên cứu “Tăng cường năng lực cạnh tranh bền vững và cân bằng của Việt Nam” tại Xinh-ga-po và tham dự Diễn đàn Chính sách châu Á về DNNVV. Chủ tịch VCCI cùng Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Thương mại Xinh-ga-po, Thủ hiến bang Andra Pradesh của Ấn Độ và Viện trưởng Viện Cạnh tranh châu Á (ACI) thuộc Học viện Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Xinh-ga-po đã chủ trì Hội thảo và Lễ công bố Báo cáo. Báo cáo chuyên đề do VCCI và ACI hợp tác thực hiện, thuộc Đề tài nghiên cứu “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp”, trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận giai đoạn 2016 – 2020 của Hội đồng lý luận Trung ương. Báo cáo tập trung phân tích về tiến trình phát triển của Việt Nam, những thành công và kết quả đạt được trong giai đoạn qua, những thách thức và tiềm lực, lợi thế trong giai đoạn tới, trên cơ sở đó, Báo cáo đã đưa ra một số gợi ý giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

- Tổ chức Hội thảo “Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018”. Hội thảo đã khái quát hóa các diễn biến về pháp luật kinh doanh và đưa ra các ý kiến đánh giá về hiệu quả thực chất của các diễn biến này từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp. Tại hội thảo, VCCI công bố Báo cáo về pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018. Báo cáo đã nhận định xu hướng cải cách thể chế kinh tế nước ta đang ngày càng hoàn thiện theo hướng kinh tế thị trường, các rào cản kinh doanh, sự can thiệp của nhà nước vào thị trường đang dần được gỡ bỏ. Nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các văn bản ở cấp nghị định. Tuy nhiên, để quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất, Báo cáo khuyến nghị cần tăng cường cơ chế kiểm soát và tính minh bạch đối với quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tình trạng việc tiếp thu hay không tiếp thu các ý kiến góp ý đều dựa vào ý chí của cơ quan chủ trì soạn thảo mà không có đơn vị nào khác xem xét như hiện nay.

- Lãnh đạo VCCI tham gia các phiên họp thương lượng về phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2019 do Hội đồng Tiền lương quốc gia chủ trì. Các kiến nghị của VCCI đối với mức điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2019 đều dựa trên kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, có chính sách đào tạo và đào tạo lại lao động để đáp ứng yêu cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, VCCI cũng thống nhất việc tiếp cận việc xây dựng mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, đồng thời nhằm cải thiện tiền lương của người lao động theo tỷ lệ đóng góp từ nguồn lao động vào tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế, VCCI đã kiến nghị điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 2%. Phương án cuối cùng chưa được các bên thống nhất quyết định.

- Triển khai dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thúc đẩy hoạt động chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh, hỗ trợ các tỉnh, địa phương nhằm thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Cụ thể như:

+ Hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI theo yêu cầu của tỉnh Ninh Thuận.

+ Tổ chức Hội thảo “Khu vực Miền Trung-Tây Nguyên chia sẻ thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế” tại Hội An, Quảng Nam. VCCI đưa ra một số vấn đề các địa phương cần lưu ý khi thực hiện các biện pháp tăng cường năng lực cạnh tranh của địa phương như: cần giảm thiểu những rào cản hậu đăng ký, tiếp tục chấn chỉnh các hoạt động thanh kiểm tra đối với doanh nghiệp, đẩy mạnh cắt giảm gánh nặng về chi phí không chính thức, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, phát triển thêm doanh nghiệp mới và thu hút thêm đầu tư nước ngoài, tăng cường liên kết giữa các tỉnh thành trong khu vực, tăng cường công tác phòng chống rủi ro, thiên tai trong doanh nghiệp…Nhiều địa phương cũng đã tham gia chia sẻ kinh nghiệm trong cải thiện môi trường kinh doanh như: tỉnh Quảng Ninh với tham luận “Mô hình xây dựng Chỉ số DDCI đánh giá sở, ngành, quận, huyện”, tỉnh Quảng Nam với “Chia sẻ mô hình cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh”, tỉnh Bến Tre với tham luận “Mô hình hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp - Đồng khởi khởi nghiệp”...

Ngoài ra, VCCI tiếp tục thực hiện các hạng mục hoạt động hàng năm như: tiếp tục triển khai nhiệm vụ thành viên của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính năm 2018; phối hợp xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2018 với các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, Bộ Tài chính, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội DNNVV, Hội Doanh nhân trẻ thực hiện Chương trình “Giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan”; tiếp tục triển khai Chương trình hành động năm 2018 của VCCI triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phối hợp với Ban Thư ký VBF triển khai các hoạt động thường xuyên của VBF năm 2018…

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

Về công tác xúc tiến thương mại, đầu tư:

- Chủ tịch VCCI đã dự và phát biểu tham luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Châu Á (ABS) lần thứ 9, tổ chức tại Niu-Đê-li, Ấn Độ. Đây là hội nghị thường niên của các Phòng Thương mại và Công nghiệp, Hiệp hội và Liên đoàn kinh tế, thương mại, công nghiệp, doanh nghiệp lớn và các tổ chức nghiên cứu hàng đầu khu vực nhằm tìm giải pháp ứng phó với các thách thức nổi lên trong khu vực và toàn cầu, đưa ra mô hình tăng trưởng bền vững năng động của châu Á, tối ưu hóa các tiềm năng tăng trưởng cũng như hợp tác thúc đấy hội nhập và phát triển hạ tầng khu vực. Nhân dịp này, Chủ tịch VCCI đã có các cuộc tiếp xúc riêng với Chủ tịch Liên đàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren), Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), Chủ tịch Liên đoàn Phòng Thương mại Ấn Độ (FICCI), trao đổi về chủ trương thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với các nước đối tác chiến lược của Việt Nam như Nhật Bản, Ấn Độ.

- Chủ tịch VCCI tham gia Diễn đàn Kinh doanh Forbes 2018 với chủ đề “Tạo dựng tăng trưởng bền vững” do Tạp chí Forbe Việt Nam tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh. Diễn đàn thu hút hơn 400 đại biểu, là lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, chuyên gia, nhà tư tưởng và nhà hoạch định chính sách cùng thảo luận về chiến lược đảm bảo tăng trưởng bền vững thông qua đầu tư dài hạn vào các ngành công nghiệp cốt lõi mà Việt Nam có khả năng phát triển. Tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI đã đưa ra một số định hướng và giải pháp vĩ mô về phát triển doanh nghiệp, đồng thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng từ phía doanh nghiệp, tìm kiếm tầm nhìn về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho kinh tế tư nhân phát triển.

- Phối hợp với Ủy ban Kinh tế Nhật Bản – Việt Nam, thuộc Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tổ chức Chương trình gặp gỡ, kết nối kinh doanh với sự tham gia của 56 doanh nghiệp Nhật và 20 doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam. Tại cuộc gặp, VCCI đề xuất việc sẽ thành lập Ủy ban Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản tương tự như Ủy ban do Keidanren đã thành lập với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế hai nước. Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt đề nghị VCCI hỗ trợ xúc tiến kết nối doanh nghiệp hai bên và hỗ trợ phía Nhật đề xuất với Chính phủ Việt Nam một số cải tiến về luật pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Nhật kinh doanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp tham dự cuộc gặp cũng đã có những trao đổi thông tin cụ thể về các cơ hội hợp tác trong tương lai.

- VCCI tham dự kỳ họp lần thứ ba năm 2018 của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) tổ chức tại tại Ma-lay-si-a từ ngày 23-25/7/2018. Các chuyên đề được thảo luận trong kỳ họp gồm: (1) Hội nhập kinh tế khu vực, (2) Phát triển bền vững, (3) Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, (4) Tài chính và kinh tế, (5) Công nghệ số và sáng tạo. Các đại biểu đã nhất trí thông qua nội dung Báo cáo năm 2018 của ABAC gửi lãnh đạo APEC, thư và các khuyến nghị trong từng lĩnh vực cụ thể gửi lãnh đạo và các Bộ trưởng APEC phụ trách về tài chính, năng lượng, y tế, DNVVN. ABAC đã thảo luận và đưa ra các ý tưởng về xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020, hướng tới “Một khu vực châu Á – Thái Bình Dương tự cường, năng động, không rào cản, có định hướng thị trường, mọi cá nhân và doanh nghiệp có thể kết nối, kinh doanh và thành công với môi trường thuận lợi và bình đẳng tại bất cứ nơi nào trong khu vực”.

- Tổ chức Diễn đàn “Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW: Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế tư nhân”. Diễn đàn thu hút hơn 350 đại biểu là các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí. Diễn đàn tập trung thảo luận thực tiễn triển khai Nghị quyết và các vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện các nội dung đề ra trong Nghị quyết về hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế tư nhân. Diễn đàn đề xuất một số giải pháp được đưa ra nhằm hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân gồm: (i) tiếp tục đơn giản hóa tối đa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cho việc thành lập và vận hành doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp đang hoạt động, bảo đảm hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp; (ii) cần có các chương trình cho vay vốn hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện hình thức cho vay mới và có những giải pháp đột phá trợ giúp doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh, xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; (iii) tăng cường hệ thống thông tin về công nghệ và thị trường, kết nối hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước và hiệp hội doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cho DNNVV, chú trọng thị trường trong nước cùng với định hướng xuất khẩu; (iv) cần tư duy lại về hệ thống ưu đãi, khuyến khích thu hút FDI có chất lượng cao vào nước ta, đặc biệt là cho công nghiệp chế tạo.

- Tổ chức Hội thảo “Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long 6 tháng đầu năm 2018 - Cơ hội mới từ CPTPP và sự nổi lên của thị trường Trung Quốc” tại Cần Thơ. Theo khảo sát do VCCI thực hiện, gần 42% doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết sản xuất, kinh doanh tốt hơn, 45,2% ổn định và khoảng 13% có kết quả sản xuất kinh doanh kém hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đa số doanh nghiệp có cảm nhận môi trường đầu tư kinh doanh những tháng cuối năm sẽ ổn định với mức tốt hơn và 90% kỳ vọng công việc làm ăn sẽ thuận lợi hơn. Đánh giá tác động của mức độ căng thẳng gia tăng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung đến các doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong nước hiện có những lợi thế nhất định để phòng ngừa các cú sốc từ bên ngoài như: các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng tăng trưởng ấn tượng và đồng đều ở các ngành hàng với thị trường rộng mở… Hội thảo kiến nghị Việt Nam nên theo đuổi chính sách tỷ giá mềm dẻo, linh hoạt, có thể giảm giá đồng VND so với USD nhưng không nhất thiết phải giảm mạnh theo đồng Nhân dân tệ (NDT) mà chỉ ở mức khoảng 2-3%, đảm bảo lạm phát ở mức 4%, lãi suất sẽ khó giảm nhưng không bị áp lực tăng, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

- Tổ chức một số hoạt động, hội nghị, hội thảo xúc tiến thương mại và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tại địa phương như: Hội thảo “Hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” tại TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị “Phổ biến Luật hỗ trợ DNNVV cho hiệp hội và doanh nghiệp” tại Hà Tĩnh, Hội nghị "Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa những điểm mới trong chính sách áp dụng cho hiệp hội, doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể" tại Nghệ An, Hội nghị “Phổ biến và đối thoại về thuế, hải quan và C/O năm 2018” tại Lâm Đồng, Hội thảo “Lấy ý kiến về Nghị định hướng dẫn luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu” tại TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ, Hội thảo “Làm thế nào để tạo dựng mối quan hệ hợp tác bền vững với các nhà sản xuất Nhật Bản” tại TP.Hồ Chí Minh, Hội nghị liên kết hợp tác các hiệp hội doanh nghiệp năm 2018 tại Cần Thơ …

- Phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc triển khai các hoạt động trao đổi, giao lưu thương mại giữa doanh nghiệp hai nước như: Giao lưu thương mại Việt Nam - Hàn Quốc ngành thực phẩm tại TP.Hồ Chí Minh, Hội thảo giới thiệu về y tế Hàn Quốc tại Việt Nam...

- Tiếp và làm việc với các đoàn khách quốc tế: tiếp Đại sứ Nhật Bản, Đại sứ Mô-dăm-bích, Đại sứ UAE và Đại sứ Lít-va, Bí thư tỉnh Cát Lâm,Trung Quốc, đoàn Thị trưởng Los Angeles, Mỹ, đoàn Nghị sĩ Tsuchiya Shinako, Nhật Bản, đoàn doanh nghiệp Ấn Độ, Hiệp hội dệt may xuất khẩu Băng-la-đét, Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung và Diễn đàn Năng lực cạnh tranh Toàn cầu…

Về công tác đào tạo, phát triển doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế:

- Tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững trong thời kì Cách mạng Công nghiệp 4.0”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương Nguyễn Xuân Thắng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự và chủ trì hội nghị. Hội nghị còn có sự tham dự của Bộ trưởng các bộ:  Khoa học và Công nghệ, Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Bộ xây dựng, Công thương; đại diện 66 tổ chức quốc tế tại Việt Nam, 30 sứ quán, các đoàn ngoại giao, 31 tỉnh/ thành phố trên cả nước cùng hơn 700 đại diện từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc và hơn 100 đại diện các cơ quan báo chí, đài truyền hình trong và ngoài nước đến đưa tin về Hội nghị. Chương trình Hội nghị được chia làm hai phiên bao gồm phiên toàn thể và phiên họp mở của Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy Hợp tác công tư - thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững”. Mục đích của Diễn đàn nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác công tư đóng góp vào tiến trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu 2030 thông qua thực hiện tăng trưởng xanh và tạo điều kiện phổ biến, mở rộng quy mô thực hiện các giải pháp trên phạm vi toàn cầu. Nhân dịp này, đại diện lãnh đạo MPI và VCCI đã công bố khởi động Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (gọi tắt là Diễn đàn quốc gia P4G).

Kết thúc Diễn đàn, căn cứ vào phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018 và kết luận chỉ đạo của Thủ tướng trong thông báo số 254/TB-VPCP ngày 19/7/2018 cũng như các kết quả thảo luận tại Diễn đàn, VCCI đã có 6 khuyến nghị với Chính phủ gồm: (1) Ban hành Chỉ thị của Thủ tướng về Phát triển bền vững trong năm 2018 và Nghị quyết về Phát triển bền vững, thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Việt Nam. (2) Kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành Luật về Đối tác công tư (PPP), từ đó hoàn thiện khung pháp lý và thể chế chính sách về đầu tư theo hình thức PPP. (3) Đề nghị Chính phủ cần có các chính sách cũng như cơ chế nhằm: (i) Trang bị kiến thức để tạo điều kiện và động lực hành động cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về sự sẵn sàng trước cuộc CMCN 4.0; (ii) Phát triển các kỹ năng kỹ thuật số cho lực lượng lao động hiện tại và tương lai; (iii) Hướng dẫn kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; (iv) Tạo động lực cho các nhà khai thác di động phát triển hạ tầng mạng & an ninh mạng; (v) Thiết lập Trung tâm Sáng tạo (Innovation Hub) để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi. (4) Thúc đẩy triển khai nền kinh tế tuần hoàn: Chính phủ cần có các cơ chế khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thực hiện. (5) Kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành các chính sách về việc lập báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như áp dụng Bộ chỉ số CSI trong lập báo cáo và xây dựng chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp. (6) Kiến nghị Chính phủ cần cải thiện môi trường quản lý của lĩnh vực ngành logistics và nâng cấp cơ sở hạ tầng trong nước để tăng khả năng kết nối với thị trường khu vực và thế giới. Bên cạnh đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ ngành liên quan ban hành các chính sách đào tạo và đào tạo nghề phù hợp để xây dựng lực lượng lao động có khả năng đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp  

 - Phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2018 với chủ đề “Liên kết Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài – Hợp tác cùng có lợi”. Đây là diễn đàn đối thoại quan trọng giữa Chính phủ và doanh nghiệp, thu hút hơn 200 đại biểu, đại diện các bộ ban ngành, hiệp hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự. Diễn đàn tập trung vào ba nội dung chính: tiến tới chuỗi giá trị, giải quyết những thách thức về công nghệ và tăng trưởng tài chính bền vững. Các đại biểu tham gia ghi nhận những chuyển biến tích cực của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề trong lĩnh vực thuế, hải quan như: miễn và hoàn thuế hải quan đối với hàng xuất khẩu sản xuất bằng thuê ngoài, tính minh bạch của các báo cáo thuế, sự chuyên nghiệp của các cán bộ ngành thuế và hải quan trong việc kiểm toán và thanh tra, những rào cản đến từ hoạt động kiểm tra sau thông quan và các chính sách áp thuế hiện nay... Nhiều ý kiến cho rằng chính sách thuế là vấn đề cần cải thiện để mời gọi đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế hơn nữa. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần gia tăng năng lực và sức cạnh tranh để trở thành nhà cung ứng linh kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là bước đi chủ động để doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại.

- VCCI cùng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Tổ chức Công đoàn Hà Lan (CNV International) ký kết Biên bản ghi nhớ về việc triển khai Dự án “Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể thực chất trong ngành dệt may”. Dự án triển khai từ năm 2018 – 2020, nằm trong Chương trình Đối tác chiến lược đổi mới chuỗi cung ứng ngành dệt may của Chính phủ Hà Lan, sáng kiến nhằm cải thiện điều kiện lao động trong ngành dệt may. Tại buổi ký kết, ba bên khẳng định cam kết thiết kế và triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh đối thoại xã hội và thương lượng tập thể đi vào thực chất trong các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam.

- Tổ chức 39 khóa đào tạo, tập huấn cho 1.745 doanh nghiệp các kiến thức về pháp luật, chính sách mới cũng như các kiến thưc về kỹ năng quản trị doanh nghiệp.

  1. Tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp:

Trong tháng 7 năm 2018, VCCI tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập hợp các kiến nghị mới phát sinh của doanh nghiệp. Danh mục các kiến nghị mới phát sinh được trình bày tại Phụ lục 1 kèm theo.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Các Bộ: Giao thông Vận tải; Tư pháp;Tài chính; Tài nguyên và Môi trường

- UBND TP Hải Phòng và tỉnh Lào Cai ;

- Trung tâm thông tin kinh tế (Để đăng tải lên Website)

- Lưu VT, VP (TH).  

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong Tháng 7/2018 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2018 của Bộ Tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2018 của Bộ Giao Thông vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2018 của Bộ Xây dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2018 của Bộ Công thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2018 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Tải về)